Văn hóa truyền thống

Bốn lễ nghi cho thấy một đứa trẻ có giáo dục là gì?

27/11/22, 09:25
lễ nghi
Cha mẹ dạy lễ nghi cho trẻ nhỏ sẽ giúp trẻ lễ độ vfa hiểu được những chuẩn tắc cơ bản để làm người (ảnh: Pixabay).

Lễ nghi là những quy tắc, cách cư xử một cách có chuẩn mực; nhờ có lễ nghi mà rèn được nhân cách của một người ngay từ khi còn nhỏ.

Sự giáo dục của một người được hình thành từng chút từng chút mỗi ngày; do đó ngay từ bây giờ cần bắt đầu giáo dục con trẻ tuân thủ các quy tắc lễ nghi trong cuộc sống. Cha mẹ cần giúp đỡ chỉ bảo để trẻ có những cử chỉ thích đáng, tao nhã lễ độ.

Vậy muốn biết một đứa trẻ có giáo dục hay không chỉ cần nhìn vào bốn điểm này.

Lễ nghi khi làm khách 

Cần dạy dỗ con trẻ, khi đến nhà người thân, nhất định phải mỉm cười chào hỏi mọi người và các cô các bác. 

Nếu không phải là người thân quen, không biết xưng hô như thế nào, cần mỉm cười gật đầu và nói “Xin chào”.

Khi chủ nhà không mời ngồi, tuyệt đối không nên tùy tiện ngồi xuống. Nếu trong phòng có người lớn tuổi, trước tiên cần để bậc trưởng bối ngồi xuống rồi mới được ngồi.

Cha mẹ người Nhật Bản dạy con lễ nghi, phép tắc.
Cha mẹ người Nhật Bản dạy con lễ nghi, phép tắc (ảnh: Giasuducminh).

Ở nhà người khác tuyệt đối không nên nhìn ngang nhìn ngược, ngó đông, ngó tây, càng kiêng kỵ tùy tiện đi lại vào những nơi riêng tư như phòng ngủ….

Chưa được chủ nhà cho phép không nên tùy tiện sờ vào đồ đạc, dù là gối tựa ở ghế sofa cũng không nên. Càng không nên tùy ý mở tivi và cầm điều khiển tivi điều chỉnh. 

Trẻ nhỏ sau khi được tiếp đón, chiêu đãi cần mỉm cười và nói “Cảm ơn”.

Khi ra về cần nói lời chào tạm biệt chủ nhà một cách nhẹ nhàng, ôn hòa, xin chủ nhà dừng bước không cần tiễn quá xa. 

Cần ghi nhớ nhà người khác không phải nhà mình, những tôn trọng và lịch sự căn bản cần luôn phải có.

Lễ nghi khi tiếp đãi khách

Cha mẹ nên khích lệ, chỉ dẫn con cái gần gũi tiếp xúc với khách, đừng để con trẻ nghĩ rằng tiếp khách chỉ là nhiệm vụ của cha mẹ, là việc không liên quan tới bản thân.

Nghe thấy tiếng khách gõ cửa, nên nhiệt tình ra chào hỏi, đón tiếp.

Khi nhận quà tặng của khách, cần dùng hai tay đón nhận và cảm ơn. Sau khi nhận quà không nên mở quà trước mặt khách.

lễ nghi
Dạy trẻ biết lễ phép và có quy tắc khi nhà có khách là việc cha mẹ nên làm (ảnh: pixabay).

Sau khi khách ngồi vào bàn, trẻ nhỏ có thể làm một vài việc đơn giản tiếp đón khách như bưng trà rót nước, chuẩn bị điểm tâm, hoa quả. 

Nếu khách đi cùng trẻ nhỏ, cần dạy con cách hào phóng chia sẻ đồ chơi và đồ ăn vặt cho bạn.

Khi cha mẹ ngồi trò chuyện với khách, không nên để con tùy ý xen ngang nói chuyện.

Khi khách hỏi thăm trẻ nhỏ, cần dạy con cách thoải mái, tự nhiên, thành khẩn lễ phép, đừng nên qua loa lấy lệ cho xong.

Khi khách đứng dậy chào tạm biệt ra về, con trẻ cần đứng dậy cùng cha mẹ tiễn khách, đừng nên ở trong phòng mình đóng cửa không ra chào hỏi. 

Lễ nghi trên bàn ăn

Dù ở nhà mình hay nhà người thân bạn bè, khi dùng cơm trước tiên đều để người lớn tuổi ngồi xuống trước, lần lượt từ lớn tới nhỏ. 

Trước tiên cần để các bậc trưởng bối cầm đũa trước rồi mới tới lượt trẻ nhỏ. Cha mẹ nên khích lệ con gái gắp đồ ăn, lấy cơm cho người lớn tuổi hơn mình. 

Đừng vì tìm đồ ăn mình thích mà bới lật đĩa thức ăn trên bàn hoặc bày món ăn mình thích trước mặt mình. Như vậy là ích kỷ, không lịch sự. 

lễ nghi
Mỗi chi tiết nhỏ trong bữa ăn đều thể hiện sự có giáo dục của một người (ảnh: Istock photo).

Khi ăn cơm cần nhai kỹ nuốt chậm, cố gắng không phát ra tiếng động, đừng nên ăn uống nhồm nhoàm như đói khát, cũng không nên cắm đầu ăn cơm không nói năng gì. 

Nhắc nhở con trẻ không nên vừa ăn cơm vừa làm việc khác ví dụ như chơi đồ chơi, xem điện thoại… vì như vậy sẽ ảnh hưởng không tốt tới tiêu hóa. 

Sau khi dùng cơm xong trước, cần thu dọn bát ăn của mình và rác bỏ ra thùng, xếp ghế ngay ngắn và lịch sự nói với mọi người “Con mời mọi người dùng tự nhiên”.

Khi làm khách ở nhà người khác, dù món ăn chủ nhà chuẩn bị có hợp khẩu vị hay không, cần cảm ơn vì sự tiếp đón, chiêu đãi.

Mỗi chi tiết nhỏ trong bữa ăn đều thể hiện sự có giáo dục của một người.

Đừng nên chỉ coi trọng dinh dưỡng trên bàn ăn mà quên đi sự giáo dưỡng cần có khi ăn cơm. 

Lễ nghi khi trò chuyện

Cha mẹ cần khích lệ con trẻ hào phóng chào hỏi bạn bè và người thân. Nếu con có biểu hiện thẹn thùng, xấu hổ, cha mẹ cũng không cần lo lắng, đừng nên quở trách con trước mặt mọi người, cần kiên nhẫn từ từ chỉ bảo con.

Cần nhắc nhở con cái, khi giao tiếp với mọi người tiếng cần có lễ nghi, nói vừa đủ nghe, đừng nên cáu gắt, giật cục, cần nói chậm rãi; không nên quá nhanh kẻo đối phương nghe không rõ. 

Khi nói chuyện cần nhìn vào mắt của người nghe; đừng nên nhìn lung tung nhìn ngang nhìn dọc, sẽ khiến người nghe cảm thấy con trẻ hờ hững, không nghiêm túc lắng nghe.

Trong quá trình nói chuyện đôi khi sẽ có những lúc bất đồng, cha mẹ cần dạy con trẻ không được nói những lời ác ý tổn thương người khác, cần tôn trọng người nghe. 

Dạy trẻ biết lễ nghi từ nhỏ sẽ giúp con trẻ khi trưởng thành biết đối nhân xử thế với những người xung quanh.

Theo Visiontimes

Có thể bạn quan tâm:

x