Người ta thường cho những điều ‘mắt thấy tai nghe’ mới là thực, nhưng đôi khi những điều nhìn thấy bằng chính mắt mình cũng chưa hẳn đã đúng
- Nghệ thuật nhìn người: 4 bí quyết của Khổng Tử
- Một người Hàn Quốc được Khổng Tử dạy tiếng Trung trong giấc mơ
- Khổng Tử đàm luận: Tôn trọng người khác là đạo lý quan trọng nhất trên đời
Nội dung chính
Khổng Tử trách lầm đệ tử tham ăn
Khổng Tử dẫn chúng đệ tử trèo đèo lội suối chu du các nước; ngày nọ họ đi đến vùng đất giữa nước Trần và nước Thái. Vì nơi đây gặp thiên tai nên thiếu lương thực, đến canh rau dại cũng không có mà ăn; liên tục bảy ngày, mọi người đều không có hạt cơm nào vào bụng. Để giữ sức khỏe, mọi người chỉ có thể ngủ vào ban ngày, để giảm sự tiêu hao năng lượng.
Khi đó đệ tử của ông là Nhan Hồi, vất vả đi xin mãi mới được một chút gạo. Sau khi về thì nhanh chóng lấy nồi ra và đi kiếm củi khô nấu cơm. Một lát sau, Khổng Tử đi tới định xem Nhan Hồi nấu cơm như thế nào. Lúc đó, điều đập vào mắt Khổng Tử khiến ông kinh ngạc. Ông thấy Nhan Hồi dùng tay bốc cơm trong nồi; quan sát chút nữa, thấy vị đệ tử này từ từ bỏ cơm vào miệng ăn. Khổng Tử không làm đệ tử kinh động, cảm thấy vị đệ tử này vất vả quá, ăn chút cơm cũng đáng; liền lặng lẽ quay người rời đi.
Một lát sau, khi cơm chín, Nhan Hồi lấy một bát cơm đầy mời Khổng Tử ăn. Khổng Tử vờ như không biết việc đệ tử đã bốc cơm ăn nên đứng dậy nói với Nhan Hồi: “Ta vừa mơ thấy người cha đã mất, bát cơm này chưa động đến, hay mang đi cúng tổ tiên sau đó chúng ta hãy ăn”.
Điều nhìn thấy cũng chưa hẳn là sự thực
Nhan Hồi vội vàng ngăn ông lại mà nói: “Dạ không được ạ. Vừa nãy khi con đang nấu cơm, không may tro bay vào trong nồi; con lấy nó ra định vứt đi, nhưng lại cảm thấy những hạt gạo này không dễ dàng có được, để lãng phí thì vô cùng đáng tiếc nên đã ăn chúng”.
Khổng Từ nghe Nhan Hồi nói vậy, tự cảm thấy hổ thẹn với đệ tử, thở dài nói: “Người ta thường nói mắt nhìn thấy là điều chân thực, nhưng điều nhìn thấy cũng không nhất định là thực; thường nói cần vâng theo nội tâm mình, nhưng tâm đôi khi cũng thường lừa gạt chính mình. Các đệ tử hãy ghi nhớ, thực sự hiểu được một người là rất khó”.
Người ta thường nói biết người biết mặt khó biết lòng, ngay cả bậc thánh nhân như đức Khổng Tử cũng có lúc nghi ngờ đệ tử mà mình tin tưởng nhất.
Mạnh Tử đòi ly dị vì vợ thiếu lễ nghi
Không chỉ Khổng Tử từng như vậy, Mạnh Tử, một người được coi là chỉ đứng sau Khổng Tử, cũng từng có lúc trách nhầm người.
Một lần khi Mạnh Tử ra ngoài và trở về nhà, phát hiện vợ ngồi một mình trong phòng, ngồi xổm (khi ngồi hai bàn chân và mông chạm đất, hai đầu gối hướng lên trên. Ở đây ám chỉ tư thế ngồi không tốt). Mạnh Tử vào phòng nhìn thấy vợ như vậy, thì giận tím mặt và quay đầu bước đi.
Mạnh Tử nói với mẹ: “Người phụ nữ này quả là không có tự trọng, không có lễ nghi; xin mẹ hãy cho phép con bỏ cô ấy”. Mẹ ông sau khi nghe thấy vô cùng ngạc nhiên, trong lòng nghĩ thầm, người phụ nữ này bình thường đều rất tốt; nay đột nhiên lại làm sao tới mức con trai mình muốn bỏ. Bà vội hỏi: “Nguyên nhân vì sao vậy?”. Mạnh Tử đáp: “Cô ấy ngồi xổm trên nền đất, vô cùng thiếu lễ độ; người không có lễ nghi như vậy chẳng đáng bỏ hay sao?”. Mẹ ông nghe vậy, hỏi tiếp: “Sao con biết được?”. Mạnh Tử chưa hết cơn giận đáp: “Là con tận mắt nhìn thấy”.
Trước tiên trách mình, sau mới trách người
Mạnh mẫu khuyên nhủ Mạnh Tử những lời vô cùng thấm thía: “Đây chính là con không đúng; rõ ràng là con không có lễ nghi chứ không phải vợ con không có. Trong Lễ Kinh giảng: ‘Khi muốn vào cửa, cần hỏi trong phòng có ai không; khi vào tới phòng lớn, cần nói lớn để người ở trong nghe thấy; khi vào trong phòng, cần hướng ánh mắt nhìn xuống dưới, mục đích để người khác có sự chuẩn bị, không thể không có sự phòng bị nào. Con lại đi tới nơi vợ đang nghỉ ngơi; vào phòng không nói lời nào. Người ta không biết con tới, không có sự chuẩn bị, từ đó con mới nhìn thấy dáng ngồi của cô ấy như thế. Đây là con không tuân thủ nguyên tắc lễ nghi, sao lại nói vợ con không biết lễ nghĩa chứ”.
Mạnh Tử nghe mẹ giáo huấn một hồi, biết bản thân thực sự đã sai nên thành tâm xin lỗi vợ; cũng không dám nói chuyện bỏ vợ nữa.
Hai câu chuyện nhỏ về Khổng Tử và Mạnh Tử trên đây nói cho chúng ta một đạo lý, những điều nhìn thấy cũng không phải đều là chân thực; không nên chỉ nhìn vào biểu hiện bên ngoài của sự vật, còn cần nhìn vào bản chất nội tại bên trong. Hơn nữa, muốn nhìn rõ bản chất thì phải bình tĩnh suy xét, đừng chỉ dựa vào phỏng đoán chủ quan của bản thân.
Theo Sound of hope