Bất kể mọi người có tin hay không thì thiên đường, âm phủ, địa ngục đều tồn tại rất chân thực. Đôi khi việc dưới âm phủ quá nhiều, họ sẽ tìm một số người đặc biệt ở dương gian như là người đắc đạo, cao tăng… hoặc những người bình thường mà có đức hạnh cao xuống làm quan ở âm phủ.
Trong cuốn “U minh vấn đáp lục” được xuất bản vào thời kỳ Trung Hoa Dân Quốc, đã ghi chép lại những điều mà Lê Chú (giảng viên đại học Lục Quân) tận mắt nhìn thấy ở âm phủ; trong đó có không ít trường hợp là người còn đang sống nhưng lại làm quan ở âm phủ.
Nội dung chính
Làm quan ở cả âm phủ và dương gian
Diêu Cận Hàn, tự là Nhược Thoái, người ở Tiền Đường. Đỗ tiến sĩ năm Đạo Quang triều đại nhà Thanh, làm quan thư lịch trong nội các; chuyên quản việc kho lương thực và buôn bán muối ở Hà Nam; ông xử lý công việc rất tốt và đảm nhiệm chức vụ trong một thời gian lâu. Tương truyền ông còn kiêm thêm chức quan ở âm phủ; cứ cách vài ngày ông lại xuống âm phủ; ở dương gian biểu hiện ra là ông bị hôn mê bất tỉnh; bởi vậy ông thường xin nghỉ bệnh.
Mỗi khi có ai đó hỏi chuyện nơi âm phủ thì Diêu Cận Hàn thường thường không nói; đôi khi nói ra một vài chuyện thì đều dùng cách nói ẩn ý. Mọi người lúc đó đều không biết là có ý gì; mãi cho đến khi chuyện xảy ra rồi thì mới hiểu ra được.
Chu Miễn Dân từng cùng ông làm quan ở Biện Lương, Hà Nam. Một ngày nọ Chu tổ chức sinh nhật, đồng nghiệp hẹn nhau đến hội quán để chúc mừng ông. Sau khi mọi người đã chuẩn bị sẵn sàng hết rồi thì phát hiện ra Chu Quang Vũ chưa đến. Mọi người trách ông ta không tuân thủ thời gian; nhưng Diêu Cận Hàn lại nói rằng: “Ông ta có việc cần phải xử lý”.
Nói những lời ẩn ý báo trước cái chết của người khác
Đợi đến khi Chu Quang Vũ đến, Diêu mới hỏi: “Việc của ông làm xong chưa?” Chu không để ý đến mà chỉ thuận miệng trả lời. Sau khi tàn tiệc, Chu muốn cáo từ đi về, mọi người muốn giữ lại, Diêu cũng khuyên: “Mới giờ Hợi (21h – 23h), vẫn còn sớm. Đời người mấy khi được gặp nhau, sao không ở lại thêm một chút”. Vì vậy Chu ở lại thêm một chút nữa. Lát sau lại đứng dậy cáo từ xin về, mọi người vẫn muốn giữ lại, Diêu lại nói: “Giờ đi được rồi”. Trước khi chia tay mọi người nói với Chu Quang Vũ: “Hẹn mai gặp lại”, chỉ có Diêu Cận Hàn vái thật sâu và nói: “Tạm biệt”.
Sau nửa đêm, mọi người cuối cùng cũng tản đi. Rạng sáng hôm sau thì mọi người đều nhận được tin về cái chết của Chu Quang Vũ. Ngày hôm sau, mọi người đến Chu phủ để phúng điếu. Lúc này mọi người to nhỏ với nhau, nói rằng có thể Diêu Cận Hàn đã biết trước về cái chết của Chu Quang Vũ. Diêu Cận Hàn biết được thì nói: “Một tháng trước đã gặp Chu đại nhân ở âm phủ; nhưng khi đó không biết là ông ấy”.
Biết trước tai họa sắp xảy ra
Phía sau nơi ở của Diêu Cận Hàn có một đội Thiện hậu (chuyên giải quyết các công việc đặc biệt) do Tiêu quan thống lĩnh (tên chức quan vào triều đại nhà Thanh, một tiêu – trạm gác sẽ có 100 người). Một ngày nọ, sau bữa cơm tối, không biết tại sao, ông lại hạ lệnh cho nhân viên đội thiện hậu đi đến tổng cục. Người hầu của Diêu nói năm mới không có việc gì lớn, hà tất phải điều động trong đêm hôm khuya khoắt như vậy. Diêu Cận Hàn nghe được thì tức giận nói: “Ta lệnh cho họ tiến về phía trước, ngươi dám cản trở sao!” Sau đó đích thân đi ra ngoài truyền đạt mệnh lệnh; kỳ lạ hơn nữa là ông cả đêm đọc sách không ngủ.
Nửa đêm, Diêu Cận Hàn hạ lệnh chuẩn bị xe đi đến tổng cục; sắp đến nơi thì phát hiện gần đó có đám cháy. Diêu tự nói một mình: “Không đúng, hỏa hoạn phải là ở phía Nam con đường, sao lại ở phía Bắc thế này?” Vì vậy ông cho người đi kiểm tra, xem có phải là do xưởng pháo gây hỏa hoạn hay không. Sau khi xem xét thì quả nhiên là như vậy. Mà sở dĩ phát sinh ở phía Bắc, là do chủ xưởng làm lễ tế Thần, từ đó mà dẫn đến hỏa hoạn.
Mọi việc đã được an bài từ trước
Các nhân viên cục thiện hậu lo lắng lửa sẽ lan rộng, vì vậy tất cả đều dự định rời đi; nhưng Diêu Cận Hàn lại nói mọi người không cần phải lo lắng, cũng không cần phải trốn tránh. Đêm hôm đó lửa đã thiêu rụi 40, 50 căn nhà; chỉ còn lại quán trà Tùng Mậu ở phía Bắc, và cục thiện hậu ở phía Nam. Tuy cánh cửa của cục thiện hậu bị đốt cháy, nhưng bên trong lại không bị ảnh hưởng gì.
Hiển nhiên là Diêu Cận Hàn đã biết trước nửa đêm sẽ có hỏa hoạn; hơn nữa còn biết là cục thiện hậu sẽ không bị ảnh hưởng gì. Điều này có thể là cũng liên quan đến việc ông làm quan ở âm phủ.
Âm phủ coi trọng trung hiếu tiết nghĩa
Ở Cố Thủy, Hà Nam có một người họ Ngô, từng làm quan ở âm phủ; cứ cách vài ngày lại xuống âm phủ để xét xử các vụ án. Theo như ông nói thì mỗi lần thẩm vấn phạm nhân, đối với sự thực bày ra trước mặt thì phạm nhân đều nhận tội; không có gì phải nghi vấn. Dù ông có gặp người quen thì cũng không được thiên vị.
Ông nói với người đời rằng, âm phủ coi trọng nhất là người trung hiếu tiết nghĩa; người như vậy mà xuống âm phủ thì dù là quan ở dưới âm phủ cũng phải kính chào. Cũng có một số ít người được mọi người khen ngợi là trung hiếu tiết nghĩa nhưng dưới âm phủ lại không coi ra gì.
Từ Thế Xương, Đại tổng thống thời kỳ Dân Quốc, từng theo Ngô tiên sinh học tập, biết được ông làm quan ở âm phủ; mới hỏi ông phải chăng bổng lộc của một người là đã được định trước. Ngô tiên sinh nói: “Há chỉ có bổng lộc được định trước, ngay cả con đường làm quan của một người cũng đã được định trước. Tôi từng thấy cuốn sách ghi lại những người trúng tuyển và những người thi rớt, xem xét những người tham gia đi thi; thấy văn tự ở bên trong rất kỳ lạ và không thể đọc được. Tôi chỉ nhớ được một hai cái tên, quả nhiên về sau họ đều có tên trong danh sách trúng tuyển”.
Dự đoán những người trúng tuyển
Trong năm Đồng Trị triều đại nhà Thanh, ở huyện Sơn Âm, Sơn Tây có một người họ Nghê. Khi còn trẻ đã từng tham gia kỳ thi đồng tử (chế độ thi cử thời nhà Thanh); nhưng sau khi thi rớt thì ông đã không đi theo con đường khoa cử nữa. Bởi vì giỏi kinh doanh nên gia cảnh giàu có. Ông đối xử với mọi người cũng rất khoan dung; người ở quê đều gọi ông là “người lương thiện”.
Khi ông được 50 tuổi, ông Trương, người hàng xóm của ông, vì bị bệnh mà bị cách chức huyện thừa ở huyện Mỗ, tỉnh Quảng Đông và phải trở về quê. Sau khi trở về, thỉnh thoảng có nói với ông Nghê về chuyện làm quan ở âm phủ; nhưng ông Nghê chỉ nghe vậy mà không coi là thật.
Vào mùa xuân năm đó, ông Trương khuyên ông Nghê nên đi thi hương; ông Nghê vì tuổi đã cao nên cười từ chối; ông nghĩ mình làm sao mà thi đậu cho được. Tuy nhiên ông Trương vẫn không nản lòng, lại một lần nữa khuyên ông thi hương.
Người giữ tiết tháo được Thiên thượng xem trọng
Thấy ông Nghê không động tâm, một hôm ông Trương khẽ nói với ông Nghê rằng: “Ông đã quên sự việc 15 năm trước rồi hay sao? Ông là người có tiết tháo, rất được thiên thượng xem trọng; vì vậy đã ban cho ông công danh. Ông nhất định phải đi thi hương, đừng đánh mất tiền đồ của mình”.
Ông Nghê lúc này mới nhớ tới chuyện 15 năm trước. Trong họ hàng có một người phụ nữ đã có chồng; sau khi chồng mất thì ở góa. Anh chồng đã vì một việc gì đó mà vu oan cho nàng, muốn đuổi nàng ra khỏi nhà để cướp tài sản của nàng. Ông Nghê lúc đó đã đích thân ra mặt biện bạch cho người thiếu phụ; việc này đã giúp bảo vệ được danh tiết cho người thiếu phụ.
Sau đó ông Nghê cũng không nói với ai về chuyện này, vậy thì ông Trương cũng không biết chuyện này mới phải; ông Nghê vì vậy mà đã động tâm, bắt đầu chuẩn bị để đi thi. Bởi vì đã lâu rồi không viết văn, vì vậy đã viết trước 10 bài và nhờ người khác đến sửa cho. Đợi đến lúc ông vào trường thi, trong 4 câu hỏi của đề thi thì có đến 3 câu là ông đã chuẩn bị trước. Về sau quả nhiên trúng tuyển. Ông Nghê cảm thán nói: “Trương quân quả thực là quan ở âm phủ, không có lừa ta”.
Theo Epoch Times