Văn hóa truyền thống

Biết được tiền kiếp bi tráng từ một giấc mộng kỳ lạ

15/03/21, 17:26
Biết được tiền kiếp bi tráng từ một giấc mộng kỳ lạ
Trận hải chiến Nhai Sơn giữa nhà Nguyên và nhà Tống (ảnh Sohu)

Người ta có tiền kiếp hay không? Nếu có thì liệu ta sẽ cảm nhận ra sao khi nhớ về tiền kiếp của mình? Câu chuyện về kiếp trước của viên quan thời nhà Thanh đã tiết lộ một quá khứ đầy bi tráng, nhiều đau thương nhưng cũng lắm huy hoàng.

Trong trận chiến Nhai Sơn (một trận hải chiến giữa nhà Nguyên và nhà Tống), nhà Nam Tống đã bị diệt vong. Võ tướng vì nước hy sinh, qua hơn ba trăm năm, anh linh kiên cường lại tới thế gian. Dù dáng dấp phong mạo đời sau có khác đi, nhưng vẫn bước theo dấu chân từ tiền kiếp…

Biết được tiền kiếp từ một giấc mộng kỳ lạ

Năm Thuận Trị thứ 4 triều đại nhà Thanh (Năm Đinh Hợi 1647), Triệu Hàm Ất là người Hợp Phì, đã đỗ tiến sĩ, phụng mệnh làm đốc học Giang Tây. Một ngày nọ, trên đường đi tới Hồng Châu, vào lúc nghỉ ngơi thì có một giấc mộng kỳ lạ. Trong mộng xuất hiện một vị Thần đầu đội mũ trụ (mũ giáp chiến sĩ đội thời cổ đại). Vị Thần đưa ông tới một ngôi miếu đổ nát, chỉ vào một tấm màn sân khấu màu vàng và nói: “Đây là kiếp trước của ngài”.

Hôm sau, Triệu Hàm Ất tới Truy Hiền Bình, nhìn thấy bên đường có ngôi miếu cổ đổ nát liền vào xem; ông giật mình nhận ra đây chính là ngôi miếu mình đã thấy trong mộng. 

Người dân địa phương tại đây cho biết: “Nơi đây là miếu từ đường của Mật Đô Thống thời nhà Tống. Đô thống có tên húy là Mật Hựu, là người Hợp Phì. Năm đó ông có một trận huyết chiến với quân Nguyên và tử vong. Tới nay đã ba trăm năm”. 

Nhờ vậy Triệu Hàm Ất mới biết được ngôi miếu cổ này đã lưu lại một đoạn lịch sử bi tráng ba trăm năm trước…

Ngôi chùa cổ kính kể về một lịch sử bi tráng
Ngôi chùa cổ kính kể về một lịch sử bi tráng (ảnh Epoch Times)

Vị võ tướng cương nghị, thẳng thắn

Mật Hựu là võ tướng cuối triều nhà Tống, cư trú tại Lô Châu (Nay là Hợp Phì tỉnh An Huy). Mật Hựu là người cương nghị và thẳng thắn, tính cách chính trực không ảnh hưởng tới con đường thăng tiến của ông. Đến năm Hàm Thuần thứ 10 thời Tống Độ Tông (năm 1274) ông làm chức Đô Thống tại Giang Tây. 

Tuy nhiên, triều Tống ngày một suy bại, Mật Hựu thân là một võ tướng, đối diện với sự xâm lược của quân Nguyên, ông sẽ thủ tiết kháng địch hay đầu hàng để hưởng vinh hoa phú quý đây? Mật Hựu đã chọn kiên định với tiết tháo bất biến của mình. 

Mùa đông năm Hàm Thuần thứ 10, Bá Nhan, thừa tướng nhà Nguyên đã dẫn binh phạt Tống, để hữu thừa tướng A Lý Hải Nha (Ariq Qaya) phòng giữ tại đường tắt Ngạc Châu. 

Tháng 2 năm sau, Cao Thế Kiệt, phó sứ An Phủ Hồ Bắc của nhà Tống dẫn binh đánh Ngạc Châu; không may bị A Lý Hải Nha bắt được tại Kinh Giang. Quân Tống đại bại, một nửa tán quân tiến vào Giang Tây. Hoàng Vạn Thạch, Chế trí sứ (tên chức quan) Giang Tây triệu tập những tàn quân này, lại chiêu mộ hàng nghìn binh sĩ tại Ninh Đô, Quảng Xương, Nam Kiếm; lực lượng này đều do Mật Hựu điều động. Tới tháng 12, đại quân nhà Nguyên tấn công Long Hưng, tri phủ Lưu Bàn dẫn binh ra đánh nhưng bị thua trận, phải cố thủ ở trong thành. 

Vị tướng anh dũng quyết chiến đến cùng

Vị tướng anh dũng quyết chiến đấu đến cùng
Vị tướng anh dũng quyết chiến đấu đến cùng (ảnh Sohu)

Tri phủ của Phủ Châu khi đó là Hoàng Vạn Thạch muốn rút quân, nhưng lại luôn lo lắng Mật Hựu trung thành với nước không thuận theo; vì vậy mới điều động binh lực của Mật Hựu viện trợ Long Hưng, và khuyên họ không nên chiến đấu với quân Nguyên. Tuy nhiên khi quân chi viện chưa đến, Tri phủ Long Hưng đã tuyên bố đầu hàng. Đô thống Hạ Ký dẫn đầu quân đội của ông ta xông ra bao vây.

Nguyên soái Trương Vĩnh Thực, Lữ Sư Qùy của nhà Nguyên dẫn binh tới gần Phủ Châu. Mật Hựu dẫn đầu quân lính ứng chiến tại Tiến Hiền Bình. 

Quân Nguyên hô to hỏi: “Ngươi đến đầu hàng hay đến ứng chiến?” Mật Hựu đáp: “Ta tới ứng chiến”. Nói rồi ông hạ lệnh cho quân lính chiến đấu. Khi tấn công tới Long Mã Bình, Mật Hựu bị đại quân nhà Nguyên bao vây tầng tầng lớp lớp, mũi tên bắn ra như mưa. Mật Hựu nói với thuộc hạ: “Hôm nay là ngày chết của chúng ta. Nếu ra sức nghênh chiến thì còn có khả năng sống sót”. Quân binh được khích lệ càng chiến đấu càng dũng mãnh. 

Giữ trọn khí tiết, không chịu đầu hàng

Quân Tống ứng chiến từ giờ Thìn (7h -9h) lúc sáng sớm tới buổi chiều khi mặt trời ngả về phía Tây. Mặt của Mật Hựu bị trúng tên, ông rút mũi tên ra và tiếp tục chiến đấu hăng hái. Không lâu sau thì lại bị trúng bốn mũi tên và ba phát súng. Rất nhiều binh sĩ bị tử trận, cuối cùng thuộc hạ của Mật Hựu chỉ còn lại mấy chục người; nhưng ông vẫn vung đao lên chém quân địch đột phá vòng vây, chạy về phía Nam. Chiến mã chạy lên cầu tạm, không ngờ tấm ván gỗ đột nhiên bị gãy, Mật Hựu vì vậy mà bị quân Nguyên bắt được.  

Tướng lĩnh nhà Nguyên thấy Mật Hựu kiên cường dũng cảm như vậy nên hạ lệnh cho binh sĩ không được giết ông. Nguyên soái Tống Đô Giới khen ông “Thật là tráng sĩ”; muốn khuyên ông đầu hàng để Đại Nguyên sử dụng. Tuy nhiên, dù bị bắt và giam giữ hơn một tháng ông vẫn trước sau không chịu khuất phục. Mật Hựu mắng chửi Hoàng Vạn Thạch là tiểu nhân bán nước, khiến cho ý chí vì nước của ông không được hoàn thành. 

Vì muốn ông hàng phục, nguyên soái lệnh cho Lưu Bàn, Lữ Sư Qùy ngồi trên thành lầu dẫn Mật Hựu tới phía dưới, giao cho ông kim phù và hứa sẽ phong cho ông quan to, lộc hậu. Mật Hựu không vì lợi dẫn dụ, từ chối đầu hàng. Nguyên soái lại gọi con trai ông tới khuyên hàng.

 Vị anh hùng lưu danh sử sách

Vị anh hùng được lưu danh trong sử sách
Vị anh hùng được lưu danh trong sử sách (ảnh Aboluowang)

Con trai nói với ông: “Cha chết rồi, con sau này phải làm sao?” Mật Hựu trách cứ con mà nói: “Ngươi nói là con trai của Đô thống Mật Hựu; hỏi ai mà không thương hại ngươi chứ!”, dứt lời cởi y phục của mình, thản nhiên đón nhận cái chết; mọi người xung quanh ai nấy đều rơi nước mắt. Mật Hựu khẳng khái hy sinh, một lòng trung thành bảo vệ Đại Tống. 

Đoạn lịch sử đau buồn này vẫn luôn được lưu lại trong ký ức người dân dù rằng thời gian có qua đi. Mọi người vì tưởng nhớ sự dũng cảm trung thành của ông nên đã xây miếu tế tự hàng trăm năm qua. 

Triệu Hàm Ất nghe xong câu chuyện của danh tướng Mật Hựu, trong lòng vô cùng cảm khái, tán thưởng không ngớt. Ông cho tu sửa miếu của Mật Hựu, đích thân đề lời tựa tại đây. 

Mật Hựu sau khi chuyển sinh, vẫn là người Hợp Phì; vẫn có duyên gắn bó keo sơn với Giang Tây. Kiếp trước là võ tướng, kiếp này là văn thần. Mật Hựu đầu thai chuyển sinh thành Triệu Hàm Ất, men theo bước chân đã đi từ tiền kiếp; trong vô minh lại quay về tới Truy Hiền Bình, quay về chiến trường xưa; và dưới sự chỉ điểm của Thần linh, biết được tiền kiếp bi tráng của mình. Dáng dấp phong thái hai đời tuy khác nhau nhưng cũng đều là bản thân ông. 

Tài liệu tham khảo: Quyển 84 “Thanh bại loại sao” và quyển 451 “Tống Sử”. 

Theo Aboluowang

x