Tư tưởng trung dung của Khổng Tử không chỉ là kim chỉ nam trong đối nhân xử thế, mà còn là quy luật để vạn vật vận hành ổn định trong trạng thái hài hòa nhất.
Tư tưởng trung dung của Khổng Tử
Trong thiên “Tiên tiến” của Luận Ngữ có đoạn như sau:
Tử Cống hỏi: “Giữa Tử Trương và Tử Hạ, ai là người ưu tú hơn?”
Khổng Tử đáp: “Tử Trương thì quá phận, còn Tử Hạ thì chưa đủ.”
Tử Cống lại hỏi: “Vậy là Tử Trương tốt hơn phải không?”
Khổng Tử nói: “Quá phận và chưa đủ đều như nhau.”
“Quá phận và chưa đủ đều như nhau”, tư tưởng này thể hiện rõ nét tinh thần trung dung mà Khổng Tử đề cao.

Khổng Tử từng nói: “Đạo không được thực hành là vì người trí làm quá, kẻ ngu thì làm không tới nơi. Đạo không được sáng tỏ là vì người hiền làm quá, kẻ bất tài thì chưa hiểu tới.”
Do đó, khi Tử Trương làm quá đi, Tử Hạ lại làm chưa đủ, thì cả hai đều không phù hợp với đạo trung dung. Chính vì vậy, Khổng Tử mới đánh giá họ bằng một lời ngắn gọn: “Quá do bất cập” – Quá phận và chưa đủ đều như nhau, hay có thể hiểu là “tốt quá hóa dở”.
Trong thiên “Tử Lộ” của Luận Ngữ, Khổng Tử cũng bày tỏ một tư tưởng tương tự. Ông nói:
“Bất đắc trung hành nhi dữ chi, tất dã cuồng quyến hồ! Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã“.
Ý nói: Ta không tìm được người theo đạo trung dung, chỉ có thể kết giao cùng người “cuồng” và “quyến”. Cuồng” và “quyến” là hai tính cách đối lập – một bên dám nghĩ dám làm; một bên lại rụt rè, có lúc không dám làm gì.
Khổng Tử cho rằng đạo trung dung là không nghiêng về bên nào, là khi khí chất, tác phong và đạo đức của con người không thiên lệch, các mặt đối lập phải biết tiết chế lẫn nhau, bổ sung cho nhau – đó mới là tinh thần của trung dung.
Tư tưởng “Quá do bất cập” của Khổng Tử, có thể áp dụng trong mọi phương diện cuộc sống. Làm việc gì quá mức đều sẽ phản tác dụng, kết quả trái với mong muốn. “Trăng tròn thì khuyết, nước đầy thì tràn” – đó là quy luật tự nhiên thường thấy.
Như câu “Cây cao vượt rừng, gió ắt quật ngã”, tất cả đều nhắc nhở rằng: vật cực tất phản, cực thịnh tất suy, trong đối nhân xử thế cần phải biết chừng mực.
Không quá phận, không quá độ; biết hành xử đúng mực, vừa phải, phù hợp; có như vậy, sự nghiệp, cuộc sống và các mối quan hệ mới đạt được trạng thái tốt nhất.
“Vẽ rắn thêm chân”
Trong Chiến Quốc Sách có chép lại câu chuyện “Họa xà thiêm túc”, tức là “Vẽ rắn thêm chân” rằng:
Mưu sĩ Trần Chẩn đã giảng giải cho Chiêu Dương đạo lý “quá do bất cập”, khuyên ông không nên “vẽ rắn thêm chân”, mà phải biết dừng đúng lúc, nhờ vậy mà cứu được một quốc gia.

Khi ấy, đại tướng nước Sở là Chiêu Dương dẫn quân tấn công nước Ngụy, giết chết tướng Ngụy, đại phá quân Ngụy, chiếm được tám thành trì. Thừa thắng xông lên, ông lại kéo quân đánh sang nước Tề, khiến nước Tề lâm vào cảnh nguy cấp tột cùng.
Trần Chẩn, với tư cách là sứ giả của nước Tề, đến gặp Chiêu Dương để thuyết phục ông. Trước tiên, ông chúc mừng chiến thắng rực rỡ của quân đội nước Sở.
Sau đó, ông hỏi: “Theo chế độ nước Sở, nếu lập công giết tướng chiếm đất thì sẽ được phong chức tước và bổng lộc như thế nào?”
Chiêu Dương đáp: “Chức quan sẽ được phong đến Thượng trụ quốc, còn tước vị Thượng chấp.”
Trần Chẩn lại hỏi: “Còn tước vị nào tôn quý hơn nữa không?”
Chiêu Dương đáp: “Vậy thì chỉ có Lệnh doãn.”
Trần Chẩn nói: “Làm Lệnh doãn đúng là chức quan vinh hiển nhất, nhưng Sở vương lại không thể lập hai Lệnh doãn.
Để tôi kể một câu chuyện cho tướng quân nghe.
Ở nước Sở có một quý tộc, sau khi tế lễ tổ tiên, bèn ban cho các môn khách một bình rượu. Các môn khách bàn với nhau rằng: ‘Bình rượu này, nếu chia cho nhiều người thì không đủ, nhưng để một người uống thì lại dư. Vậy chi bằng mỗi người vẽ một con rắn trên đất, ai vẽ xong trước thì sẽ được uống rượu.’
Mọi người đều đồng ý. Có một người vẽ xong trước tiên, liền cầm lấy bình rượu chuẩn bị uống. Nhưng anh ta tay trái cầm chén, tay phải lại tiếp tục vẽ thêm, vừa vẽ vừa lẩm bẩm: ‘Ta còn có thể thêm chân cho con rắn nữa mà!’
Chân rắn còn chưa vẽ xong thì một người khác cũng đã vẽ xong, lập tức đoạt lấy bình rượu từ tay anh ta và nói: ‘Rắn vốn không có chân, anh lại vẽ thêm vào, vậy thì chẳng còn là rắn nữa!’ Nói rồi người ấy liền uống rượu.
Cuối cùng, người vẽ thêm chân rắn đã không được uống rượu.
Nay tướng quân phụ tá vua Sở tấn công nước Ngụy, phá tan quân địch, chém tướng đoạt thành, chiếm được tám thành trì, lại thừa thế tiến đánh nước Tề khiến dân Tề hoảng loạn – chỉ riêng những chiến công ấy đã đủ giúp tướng quân vang danh thiên hạ rồi.
Còn về công danh, sẽ không thể phong thêm tước vị nào cao hơn nữa. Nếu đánh đâu thắng đó mà không biết dừng đúng lúc, cuối cùng sẽ chuốc lấy họa sát thân. Tước vị đáng lẽ thuộc về tướng quân, e rằng cũng sẽ vuột khỏi tay. Đó chẳng phải là ‘vẽ rắn thêm chân’ đó sao?”
Chiêu Dương nghe xong, cảm thấy có đạo lý, liền hạ lệnh rút quân trở về nước.
Người quân tử quý danh tiếng, kẻ tiểu nhân ham lợi lộc. Một khi con người bị danh lợi thúc đẩy, thường sẽ rơi vào cảnh không còn làm chủ được chính mình, chỉ biết tiến tới mà không biết lùi lại.
Nếu không hiểu được hai chữ “biết đủ”, không biết dừng đúng lúc, thì chẳng khác nào đang cưỡi ngựa phi nhanh bên bờ vực.
Khiêm tốn là đức tính tốt, nhưng nếu quá mức sẽ trở thành tự ti. Tự tin là động lực, nhưng nếu quá đà sẽ hóa kiêu ngạo, tự phụ. Nhẫn nhịn là rộng lượng, nhưng nếu cam chịu một cách bị động thì lại là yếu hèn.
Người biết vận dụng đạo trung dung vào cuộc sống, biết dừng lại đúng lúc và giữ được chừng mực thích hợp, không chỉ giúp vun bồi đạo đức mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến thành bại của sự nghiệp.
Theo Visiontimes