Bí ẩn khoa học

Nhạc Mozart có tác động tích cực đến cả vi sinh vật

20/05/25, 16:47
Nhạc Mozart có tác động tích cực đến cả vi sinh vật
Nhạc Mozart có tác động tích cực đến cả vi sinh vật (ảnh: Adobestock)

Nhạc Mozart không chỉ được chứng minh là có tác động tích cực đến não bộ con người, động vật, hương vị của thực phẩm mà ngay cả vi sinh vật cũng nhận được lợi ích.

Âm nhạc là một phần không thể thiếu trong cuộc sống của con người. Tùy theo từng giai điệu mà nó có thể khơi dậy những cảm xúc khác nhau như vui tươi, hồn nhiên, sâu lắng hay mãnh liệt.

Thế nhưng, các nhà khoa học đã phát hiện rằng âm nhạc không chỉ tác động đến cảm xúc, mà còn ảnh hưởng đến cả khả năng nhận thức của con người. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhạc cổ điển mang lại rất nhiều lợi ích, đặc biệt âm nhạc của Mozart, có thể nâng cao mọi khía cạnh từ khả năng nhận thức cho đến hương vị thức ăn của chúng ta. 

Nhạc Mozart giúp tăng khả năng suy luận không gian 

Khi nói đến tác động của nhạc cổ điển đối với não bộ con người, nghiên cứu năm 1993 của các nhà khoa học tại Đại học California luôn là tâm điểm.

Thực tế, phát hiện này đã làm xuất hiện khái niệm mà ta biết đến ngày nay với tên gọi “hiệu ứng Mozart.”

Theo lý thuyết được phổ biến rộng rãi này, nghe nhạc Mozart có thể tạm thời nâng cao điểm số trong một phần cụ thể của bài kiểm tra IQ. Kết luận này đến từ nghiên cứu trên 36 sinh viên đại học khi họ làm bài kiểm tra IQ phần suy luận không gian. Sau khi nghe 10 phút bản Sonata cho hai cây đàn piano, K. 448 của Mozart; họ đạt điểm cao hơn từ 8 đến 9 điểm so với khi nghe các lựa chọn khác như nhạc thư giãn, nhạc trance, nhạc tối giản, sách nói hoặc im lặng.

nhạc cổ điển; âm nhạc Mozart; nhạc của Mozart
Bản nhạc viết tay của Mozart (ảnh: Visiontimes)

Tuy nhiên, hiệu ứng này dường như chỉ mang tính tạm thời khi các nhà nghiên cứu ghi nhận rằng sự cải thiện chỉ kéo dài trong khoảng 10 đến 15 phút.

Hứng khởi trước kết quả đó, Frances Rauscher – một trong những nhà khoa học tham gia nghiên cứu năm 1993, đã mở rộng phạm vi nghiên cứu để tìm hiểu tác động của nhạc Mozart lên loài chuột.

Để thực hiện điều này, bà cho một nhóm chuột nghe nhạc Mozart từ lúc còn trong bụng mẹ và kéo dài thêm 60 ngày sau sinh.

Khi được kiểm tra khả năng tìm đường trong mê cung, những con chuột này được quan sát là di chuyển nhanh hơn và mắc ít lỗi hơn so với các nhóm đối chứng – gồm chuột được tiếp xúc với sự im lặng, tiếng ồn trắng, hoặc nhạc của nhà soạn nhạc tối giản Philip Glass.

Sự khác biệt trong kết quả thể hiện càng rõ rệt hơn vào ngày thứ 5 của thử nghiệm.

Nghiên cứu được đăng trên tạp chí Neurological Research nêu rõ: “Điều này cho thấy rằng việc tiếp xúc lặp lại với loại nhạc có chiều sâu có thể cải thiện khả năng học hỏi về không gian – thời gian ở loài chuột, tương tự như kết quả từng được ghi nhận ở con người.”

Nhạc Mozart có giúp bạn thông minh hơn không?

Khi những kết quả đầy thuyết phục của các nghiên cứu ban đầu lan truyền rộng rãi, công chúng và giới truyền thông chính thống đã diễn giải rằng việc nghe nhạc cổ điển có thể làm tăng chỉ số IQ, hay nói cách khác: “Mozart khiến bạn thông minh hơn.”

Hiểu lầm này nhanh chóng dẫn đến một trào lưu thương mại, khi hàng nghìn bậc cha mẹ đổ xô mua đĩa nhạc Mozart cho trẻ sơ sinh. Năm 1998, thống đốc tiểu bang Georgia – ông Zell Miller thậm chí còn đề xuất tăng ngân sách thêm khoảng 105.000 đô la mỗi năm, nhằm cung cấp cho mỗi đứa trẻ ở tiểu bang Georgia một băng hoặc đĩa nhạc cổ điển.

Tuy nhiên, khi các kết luận ban đầu tiếp tục bị hiểu sai, nhiều nhà nghiên cứu đã lên tiếng phản bác nghiên cứu năm 1993, cho rằng không có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định “hiệu ứng Mozart” thực sự nâng cao trí thông minh.

Frances Rauscher, một trong những tác giả chính của nghiên cứu, đã chính thức phản hồi những ý kiến này trong một bài viết công bố vào năm 1999: 

“Kết quả nghiên cứu của chúng tôi về tác động của việc nghe bản Sonata cho hai đàn piano cung Rê trưởng, K. 448 của Mozart đối với hiệu suất thực hiện các nhiệm vụ tư duy không gian – thời gian đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, nhưng đồng thời cũng dẫn đến một số hiểu lầm mà nhiều trong số đó thể hiện qua các nỗ lực tái hiện lại nghiên cứu.

Bình luận của Chabris và Steele cùng các cộng sự đã phản ánh một trong những hiểu lầm phổ biến nhất: rằng nghe nhạc Mozart làm tăng trí thông minh. Chúng tôi chưa từng đưa ra tuyên bố như vậy. Hiệu ứng được quan sát chỉ giới hạn trong các nhiệm vụ tư duy không gian – thời gian, đặc biệt là những nhiệm vụ yêu cầu hình dung bằng trí óc và sắp xếp theo trình tự thời gian.”

Mặc dù tác giả đã nhấn mạnh rằng việc nghe nhạc Mozart không có ảnh hưởng đến trí thông minh tổng thể, bà vẫn khuyến nghị nên cho trẻ tiếp xúc với loại âm nhạc này – điều mà bà gọi là một “trải nghiệm văn hóa tuyệt vời” – dựa trên những cải thiện đã được chứng minh trong hiệu suất của các nhiệm vụ trí tuệ khác.

Khiến thực phẩm ngon hơn

Chuột không phải là loài động vật duy nhất cho thấy hiệu suất cải thiện khi được nghe nhạc Mozart. Theo báo cáo năm 2007 trên tờ El Mundo (Tây Ban Nha), những con bò sữa được nghe nhạc Mozart trong lúc vắt sữa cho nhiều hơn từ 2 đến 7 lít sữa mỗi ngày so với những con bò ở trang trại khác, và đặc biệt hơn là sữa của chúng được cho là có vị ngọt hơn.

Những trường hợp tương tự cũng được nhà tâm lý học Sergio Della Sala chia sẻ trong cuộc phỏng vấn với BBC, khi ông kể về một nhà sản xuất pho mát mozzarella người Ý tin rằng việc bật nhạc Mozart cho đàn trâu ba lần mỗi ngày đã giúp cải thiện chất lượng sữa.

Khi ý tưởng rằng nhạc cổ điển có thể tạo ra tác động tích cực lên đàn bò lan rộng, các nhà sản xuất sữa trên thế giới đã bắt đầu đầu tư vào hệ thống âm thanh chất lượng cao cho trang trại của mình.

Dù một số người vẫn nghi ngờ về lý thuyết này, khoa học phổ thông cho rằng những giai điệu êm dịu có thể kích thích não bộ và giúp thư giãn cơ bắp, từ đó cải thiện chất lượng sữa.

Thực vật cũng bày tỏ sự yêu thích đối với nhạc cổ điển

Trước cả những phát hiện về tác dụng của nhạc Mozart đối với khả năng tư duy không gian, các nghiên cứu về thực vật và âm nhạc đã sớm cho thấy sức mạnh của âm nhạc.

Trong cuốn sách “The Sound of Music and Plants” xuất bản năm 1973, nhà nghiên cứu Dorothy Retallack phát hiện rằng “những người bạn xanh” của chúng ta dường như cũng yêu thích âm nhạc – ít nhất là một vài thể loại.

Bằng cách tiến hành thí nghiệm tại Trường Đại học Phụ nữ Colorado (Denver), bà quan sát thấy cây cối phản ứng khác nhau tùy theo thể loại nhạc. Trong đó nhạc cổ điển luôn tạo ra phản ứng tích cực rõ rệt.

Retallack phân loại các thể loại như nhạc thư giãn, du dương, nhạc cổ điển và jazz vào nhóm “tích cực”, vì các bản nhạc của Mozart, Bach, Vivaldi, Louis Armstrong, Ella Fitzgerald đã được chứng minh là giúp cây phát triển khỏe mạnh, và cây có xu hướng nghiêng thân về phía loa phát nhạc.

Ngược lại, khi nghe nhạc đồng quê và nhạc miền Tây (nước Mỹ), cây không có thay đổi đáng kể về tốc độ sinh trưởng hay kích thước lá, nên bà xếp chúng vào nhóm “trung tính”.

Tuy nhiên, những cây được cho nghe nhạc rock and roll lại có xu hướng nghiêng thân về phía tránh xa loa phát nhạc và cho ra lá nhỏ hơn. Retallack nhận thấy những cây này thân yếu và mảnh, phần lớn chết chỉ trong vòng 16 ngày.

Những tác động tương tự cũng được ghi nhận khi cây nghe nhạc heavy metal hoặc nhạc cổ điển hiện đại có âm thanh lệch tông, gắt gỏng – như các tác phẩm của Arnold Schoenberg.

Tác giả kết luận rằng những âm thanh gay gắt, mất hòa âm có thể gây hại cho sự phát triển của cây, và bà xếp những thể loại âm nhạc này vào nhóm “tiêu cực.”

Tác động đến phản ứng của vi sinh vật 

Năm 2010, các kỹ sư vận hành một nhà máy xử lý nước thải tại Đức đã tiến hành thí nghiệm với các vi sinh vật phân hủy chất thải, bằng cách lắp đặt hệ thống âm thanh để phát nhạc Mozart khắp nhà máy, mô phỏng không gian như trong một phòng hòa nhạc thực thụ.

nhạc cổ điển; âm nhạc Mozart; nhạc của Mozart
Nếu bùn trong nhà máy xử lý nước thải không được loại bỏ, nó có thể khô, cứng lại và thu hút vi khuẩn, dẫn đến thối rữa. Do đó, điều quan trọng là phải loại bỏ nó khỏi bể lắng trước khi điều này xảy ra (ảnh minh họa: Visiontimes)

Sau vài tháng, họ bắt đầu nản lòng vì không thấy phản ứng rõ rệt, nhưng sau một năm, kết quả khiến họ bất ngờ.

Khi tiến hành hút bùn thải, lượng bùn đã giảm khoảng 1.000 mét khối – một con số rất đáng kể, giúp công ty tiết kiệm được khoảng 10.000 euro chi phí vận chuyển.

Anton Stucki, chuyên gia người Thụy Sĩ phụ trách chính việc vận hành nhà máy giải thích: 

Chúng tôi cho rằng bí mật nằm ở những rung động của âm nhạc, thứ có thể thấm vào mọi thứ, bao gồm cả nước, nước thải và các tế bào. Nó tạo ra một dạng cộng hưởng nhất định, kích thích vi sinh vật và giúp chúng hoạt động tốt hơn. Chúng tôi vẫn đang thử nghiệm, nhưng tôi đã nhận ra quá trình phân hủy chất thải hiệu quả hơn.

Nhưng lý thuyết của tôi về việc tại sao điều đó hiệu quả là: Mozart đã chuyển tải các quy luật phổ quát tự nhiên vào âm nhạc của mình. Nhạc Mozart có ảnh hưởng đến con người ở mọi độ tuổi và mọi nền văn hóa. Vậy thì tại sao lại không ảnh hưởng đến vi sinh vật chứ? Bởi vì suy cho cùng thì chúng cũng là sinh vật sống như chúng ta mà.”

Theo Visiontimes

x