Giấc ngủ ngon giúp bạn nghỉ ngơi và hồi phục sinh lực. Thói quen thức khuya rất có hại cho sức khỏe, thậm chí là tác nhân thúc đẩy ung thư và đột tử.
Người xưa có câu “nhật xuất nhi tác, nhật lạc nhi tác”, có nghĩa là mặt trời lên thì làm, mặt trời lặn thì nghỉ. Nhưng trạng thái của xã hội hiện đại ngày nay đã không còn duy trì nếp sống như vậy nữa. Rất nhiều người chủ động hoặc buộc phải thức khuya do việc thay đổi lối sống, áp lực cuộc sống hoặc tính chất công việc.
Cũng có nhiều người cảm thấy mình còn trẻ, sinh lực dồi dào. Do đó, cho rằng thức đêm cũng không có vấn đề gì và không gây hại cho sức khỏe. Kỳ thực, thói quen thức khuya rất có hại cho sức khỏe, thậm chí là tác nhân thúc đẩy ung thư và đột tử.
Vậy thức khuya có những nguy hại gì cho sức khỏe? Làm thế nào để cải thiện chất lượng giấc ngủ?
Nội dung chính
Tác hại thức khuya đến sức khỏe
1. Gây ung thư
Từ năm 2009, Tổ chức Y tế Thế giới đã liệt kê thức đêm vào “yếu tố có thể gây ung thư”. Thức khuya trong thời gian dài sẽ dẫn đến giảm khả năng miễn dịch, thậm chí gây ra ung thư.
Điều này là do khả năng mắc bệnh ung thư có quan hệ mật thiết đến khả năng miễn dịch của con người. Nếu cơ thể xuất hiện các nhân tố gây ung thư thì hệ thống miễn dịch của cơ thể có thể loại bỏ kịp thời các tế bào ung thư này. Tuy nhiên khi khả năng miễn dịch của cơ thể giảm xuống thì một số tế bào ung thư sẽ không được loại bỏ và dẫn đến sự xuất hiện của bệnh ung thư.
2. Gây đột tử
Trong xã hội hiện đại ngày nay, việc thức khuya tăng ca đã trở thành trạng thái bình thường trong cuộc sống. Thức khuya lâu ngày có thể dẫn đến tình trạng làm việc quá sức. Đây là nguyên nhân dẫn đến hình thành mảng xơ vữa, huyết áp tăng cao, co thắt mạch máu… Một số mảng xơ vữa có thể hình thành huyết khối sau khi vỡ, gây tắc mạch vành hoặc mạch máu não trong thời gian ngắn và dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc nhồi máu não, thậm chí đột tử trong trường hợp nặng.
Thức khuya ảnh hưởng đến chức năng của nhiều cơ quan trong cơ thể. Chẳng hạn, đôi mắt có thể bị tổn thương. Không chỉ dẫn đến xuất hiện tình trạng “mắt gấu trúc”, mà thức khuya lâu ngày còn có thể khiến mắt bị nhức, khô, sưng… Các trường hợp nghiêm trọng còn có thể dẫn đến mất thị lực tạm thời, từ đó gây viêm võng mạc trung tâm.
Thức khuya trong thời gian dài dẫn đến ngủ không đủ giấc, dễ khiến tình trạng máu cung cấp cho tai trong không đủ, làm tổn thương thính giác, dễ dẫn đến điếc. Nó cũng sẽ khiến nội tiết tố và hệ thần kinh của cơ thể bị rối loạn, dẫn đến da khô, đàn hồi kém, xỉn màu không sáng, nổi mụn trứng cá, thâm nám và các vấn đề khác.
Ngoài ra, thức khuya trong thời gian dài cũng sẽ ảnh hưởng đến sức sống và số lượng tinh trùng của nam giới. Đồng thời còn dẫn đến việc tiết hormone sinh sản nữ bất thường, rối loạn chức năng rụng trứng, ảnh hưởng đến chất lượng của trứng.
Cách cải thiện giấc ngủ
1. Dưỡng thành thói quen sinh hoạt đúng giờ
Bạn hãy bắt đầu xây dựng thói quen đi ngủ đúng giờ vào buổi tối và thức dậy đúng giờ vào buổi sáng. Điều này có thể giúp chúng ta điều chỉnh đồng hồ sinh học một cách hiệu quả.
2. Giảm ánh sáng của đèn vào buổi tối
Sau một ngày dài làm việc, đêm đến là khoảng thời gian để cơ thể nghỉ ngơi và hồi phục. Việc tiếp xúc với ánh sáng liên tục sẽ làm bộ não tưởng rằng vẫn còn là ban ngày. Nên để đèn mờ hoặc để tối khi bạn ngủ sẽ giúp cải thiện chất lượng giấc ngủ. Nếu đèn trong phòng ngủ quá sáng cũng là nguyên nhân khiến bạn không thể ngủ ngon giấc.
3. Cải thiện môi trường ngủ
Không gian ngủ tốt nhất nên tối, yên tĩnh, thoải mái và không bị quấy rầy. Bạn nên kiểm tra trước khi đi ngủ xem có điều gì ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn không. Chẳng hạn như đèn có sáng quá không, môi trường có quá ồn ào không… Bạn có thể chuẩn bị bịt mắt, nút tai, máy tạo độ ẩm, quạt… để cải thiện môi trường ngủ. Hơn nữa, bạn cũng cần điều chỉnh nhiệt độ phòng ngủ thích hợp để dễ dàng đi vào giấc ngủ.
4. Không hút thuốc, uống cà phê, uống rượu trước khi đi ngủ
Chất nicotin trong thuốc lá làm tăng nhịp tim, hô hấp và huyết áp, kích thích khu vực khoái cảm của đại não, làm tăng cảm giác hưng phấn. Điều này ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng giấc ngủ.
Rượu là chất gây kích thích sẽ khiến cơ thể bạn luôn trong trạng thái hưng phấn. Chất cồn còn làm tim đập nhanh hơn khiến cơ thể không thoải mái, khó đi vào giấc ngủ.
Trên tờ Daily Express chia sẻ rằng, nếu bạn muốn có một giấc ngủ ngon vào buổi tối thì đừng uống cà phê sau buổi trưa.
Không hút thuốc, uống cà phê, uống rượu trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn cải thiện đáng kể chất lượng giấc ngủ.
5. Thư giãn đúng cách trước khi ngủ
Giấc ngủ kém chất lượng có thể khiến bạn mệt mỏi, uể oải, không có tinh thần bắt đầu ngày mới. Bạn có thể xây dựng thói quen thư giãn phù hợp cho bản thân trước khi đi ngủ. Chẳng hạn như tắm nước nóng hoặc đọc sách, nghe nhạc nhẹ…
6. Ngủ trưa sau khi thức khuya
Nếu công việc quá bận rộn khiến bạn không có cách nào ngủ sớm được. Cách khắc phục tốt nhất sau khi thức khuya là ngủ bù trong ngày. Bạn có thể dành thời gian ngủ trưa 15-20 phút để cơ thể được nghỉ ngơi và hồi phục.
Thức khuya gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của cơ thể. Do đó, việc xây dựng thói quen tốt sẽ giúp bạn có giấc ngủ ngon.
Theo Vision Times