Tìm hiểu Pháp Luân Công

Câu chuyện về Sư phụ Lý Hồng Chí (phần 1): Hồi ức khó quên năm 1993

19/11/21, 18:00
Cảnh thường thấy ở Trung Quốc vào những năm 1990, người dân Trung Quốc thường tập khí công vào buổi sáng (ảnh: Minh Huệ)

Tôi đã gặp được Sư phụ của mình một cách đơn giản như vậy. Những ngày đó khiến tôi không bao giờ quên.

Tôi đã gặp được Sư phụ của mình

Tháng 7 năm 1993 là thời điểm tôi đang chuẩn bị tốt nghiệp đại học và đang chờ đợi để rời xa mái trường. Tôi là người rất thích những hoạt động thể thao, cũng như rất thích đọc báo và tạp chí thể thao. Vào một ngày nọ như thường lệ, tôi đến phòng đọc sách của thư viện để đọc báo và tạp chí thể thao, tôi không nhớ cụ thể đó là ngày bao nhiêu nhưng kể từ ngày định mệnh đó, cuộc đời của tôi đã thay đổi. Bởi vì ngày hôm đó, tôi đã biết đến một môn công pháp “Khí công“: Pháp Luân Công

Vào đầu những năm 1990, xuất hiện rất nhiều môn phái khí công khác nhau tại khắp nơi trên đất nước Trung Quốc. Trong phòng đọc sách của thư viện ngày hôm đó, tôi vô tình đọc được một bài báo có tựa đề “Pháp Luân Công Trung Quốc” được đăng trong tờ “Báo Thể thao Trung Quốc” của phía chủ quản Đại lục. Tôi vẫn nhớ trang báo giới thiệu rất ngắn về Pháp Luân Công, ước tính cũng chỉ đến hai, ba trăm chữ, được vị Sư phụ vĩ đại của chúng ta đích thân ký tên.

Bố cục bài viết được trình bày dưới dạng so le, hình ảnh minh họa đen trắng các động tác luyện công song song lời giới thiệu và giải thích với màu mực đen. Tuy nhiên hiện tại nghĩ lại, tôi lại nghĩ đáng lý nên để hình ảnh của Sư tôn vĩ đại của chúng ta minh họa các động tác luyện công mới phải. Nội dung của đoạn văn bản được Sư phụ ký lên không quá rõ ràng nhưng trong đó một thuật ngữ được sử dụng nhiều lần là “rút ngắn“, ý tứ là “Pháp Luân Công có thể rút ngắn thời gian tịnh hóa thân thể người tập, chuẩn mực đạo đức của con người được đề cao trong thời gian ngắn, v.v.”.

Tôi ấn tượng nhất lúc bấy giờ là: Rốt cuộc thì rút ngắn đến mức độ nào nhỉ? Bởi vì khi đó các loại môn phái luyện công ở Trung Quốc Đại lục thật có quá nhiều, tôi từ nhỏ đã luôn quan tâm đến những bí ẩn của vũ trụ, về khí công và cũng đã tiếp xúc với một số môn khí công thịnh hành lúc bây giờ. Tôi thích đọc cuốn “Nghiên cứu về UFO” nhưng những môn khí công mà tôi tìm hiểu lại không thể giải đáp những câu hỏi của tôi về vũ trụ, giải đáp những trăn trở về nhân sinh. Vậy nên trước lời giới thiệu về Pháp Luân Công này, tôi cũng nảy sinh ra suy nghĩ tương tự như vậy; trong bụng nghĩ đọc xong bài báo này mình sẽ trả lại, không quan tâm đến nữa.

Đó cũng như là duyên phận vậy! Sau khi đọc xong bài báo, tôi lại đọc tiếp tạp chí. Cuốn tạp chí khi đó tôi đọc là tạp chí khí công, tôi còn nhớ tên là “Khí công và khoa học“ thì phải (tên cụ thể tôi không nhớ rõ lắm). Khi tôi lật vài trang thì tình cờ đọc được một bài có tựa đề “Pháp Luân Thường Chuyển – Sinh Mệnh Trường Thanh”, tôi nhớ không nhầm thì bài viết này là của học viên tham dự khóa giảng Pháp thời kỳ đầu của Sư tôn ở Thạch Gia Trang. Học viên này đã đề cập đến những thể hội khi bản thân được đích thân trải nghiệm điều thần kỳ khi cô (hoặc anh ấy) tham dự lớp giảng Pháp của Sư tôn và sức khỏe của đồng tu này còn có sự thay đổi rất lớn lao. Vì vừa cầm cuốn tạp chí lên đã lướt đến trang này, nên bài viết đã thu hút sự chú ý của tôi, cứ như vậy tôi chăm chú đọc hết.

Trước năm 1999, chính phủ Trung Quốc khuyến khích tập Pháp Luân Công vì lợi ích sức khỏe đối với dân chúng. Ảnh chụp một cảnh luyện Pháp Luân Công thường thấy ở Trung Quốc trước năm 1999 (ảnh: Faluninfo.net).
Trước năm 1999, chính phủ Trung Quốc khuyến khích tập Pháp Luân Công vì lợi ích sức khỏe đối với dân chúng. Ảnh chụp một cảnh luyện Pháp Luân Công thường thấy ở Trung Quốc trước năm 1999 (ảnh: Faluninfo.net).

Lần đầu tiên luyện công

Ở thời điểm đó, sức khỏe của tôi không được tốt, tôi bị viêm gan, viêm xoang, rất đau đớn. Vậy nên, tôi đã động tâm khi đọc đến đoạn vị học viên nhắc đến hiệu quả chữa bệnh thần kỳ sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Tôi thiết nghĩ: “Chẳng phải lúc nãy mình mới đọc phần giới thiệu về công pháp này trong “Báo Thể thao Trung Quốc” hay sao? Nếu như hiệu quả chữa bệnh tốt đến như vậy thì mình cũng cứ thử xem sao!”. Thế là tôi xoay người, lợi dụng trong phòng không có ai (người quản lý thư viện đúng lúc đó có việc đã rời đi) liền lấy trộm cuốn “Báo Thể thao Trung Quốc” (do lúc đó tôi vẫn chưa tu luyện nên đã mắc sai lầm, quả thực lúc đó tiêu chuẩn đạo đức của tôi quá thấp.)

Trở về nhà, tôi xem lại phần minh họa các động tác và chú thích tuy nhiên vì bố cục trang báo có phần hạn chế nên phần giải thích chỉ tóm lược những ý cơ bản, đọc xong tôi không hiểu lắm. Bài công pháp thứ năm về cơ bản là tôi không biết thực hiện thế nào, còn bốn bài còn lại thì đại khái là có thể làm nhưng động tác không được chính xác lắm, duy chỉ có bài thứ hai là đơn giản nên tôi có thể mô phỏng được gần giống.

Còn nhớ lần đầu tiên tôi luyện công, khi tập đến động tác tay ôm Bão Luân thì cơ thể thấy không ổn, do gan của tôi không tốt nên thường hay cảm thấy vùng gan căng trướng, không thông nên luyện động tác này một lúc là cảm thấy đau ở vùng gan, có cảm giác như đang đục đẽo để đả thông bức tường ở phía cuối con đường vậy. Lúc này tôi đã biết môn công pháp này thật tốt, trong lòng vui mừng khôn xiết, nghĩ rằng sức khỏe của tôi cuối cùng cũng có được cải thiện rồi!

Giấc mơ của tôi

Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được phân công làm việc lại một đơn vị vào tháng 9. Thời điểm đó rất khó để tìm được một học viên tu luyện Đại Pháp, mặc dù tôi ở một thành phố trực thuộc tỉnh nhưng tôi chưa hề nghe qua ai đó đang tu luyện Pháp Luân Công, vậy nên các động tác luyện công của tôi vẫn chưa được đồng tu nào giúp điều chỉnh, uốn nắn.

Một đêm nọ, tôi có một giấc mơ: Tôi mộng thấy trong một buổi sáng tinh mơ, tôi thấy rất nhiều người đang luyện công trong một khu rừng. Một người đứng ngay ngắn thành một nhóm, phía trước có một người đang hướng dẫn. Cảnh tượng này rất giống với khung cảnh các đệ tử Đại Pháp luyện công buổi sáng sớm mà tôi gặp sau này. Tôi đã đi đến và nói chuyện với phụ đạo viên, tôi nói động tác của tôi vẫn chưa đúng lắm, anh ấy trả lời không sao cả, trong vòng một tháng sẽ có người đến dạy động tác cho tôi. Nghe xong, tôi liền tỉnh giấc!

Khoảng 3 đến 4 ngày sau giấc mơ trên, khi tôi ở lại đơn vị ôn thi để chuẩn bị cho kỳ thi nguyên cứu sinh. Vào buổi sáng, tôi thức dậy từ sáng sớm còn thường ngày thì tôi rất khó dậy sớm vì tôi có thói quen thức đêm. Nhưng đêm hôm đó tôi cứ trằn trọc mãi không đi vào giấc ngủ được, bèn dậy lấy cuốn sách ra ngoài đi dạo. Lúc đó tầm khoảng hơn 5 giờ, khi tôi đang đọc sách thì đột nhiên quay đầu lại nhìn, phát hiện cách đó không xa có một cô đang tĩnh tĩnh luyện công. “Là Pháp Luân Công!”, lúc đó tôi thậm chí còn không dám tin vào mắt mình. Vị đồng tu kia đang tập động tác tay ôm Bão Luân của bài công pháp thứ hai, tôi từ từ bước đến. Đợi cho đến khi cô ấy luyện công xong, chúng tôi bắt đầu cuộc nói chuyện.

Quả nhiên, cô ấy là một đệ tử Pháp Luân Công, nhà ở Bắc Kinh và đã từng tham gia khóa giảng Pháp của Sư phụ ở Bắc Kinh. Biểu hiện của cô ấy lúc đó vô cùng ngạc nhiên khi ở đây mà cũng có thể gặp được học viên Pháp Luân Công. Tôi ngay lập tức hỏi cô ấy việc chỉnh các động tác giúp tôi, sau đó những động tác tập chưa đúng trước kia của tôi đều đã được điều chỉnh. Sau này, chúng tôi có một khoảng thời gian thường chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau. Ở thời điểm đó, tôi đã thỉnh được cuốn sách “Pháp Luân Công Trung Quốc” mới vừa xuất bản. Vị đồng tu này giúp đỡ tôi rất nhiều, khi cô ấy trở về Bắc Kinh thường hay gửi thư cho tôi như cuốn: “Pháp Luân Công Trung Quốc“ (bản hiệu chỉnh) và tấm ảnh Pháp tượng Sư phụ ngồi trên hoa sen, còn căn dặn tôi Sư phụ có thể sẽ đến chỗ tôi truyền Pháp vào năm 1994, nhắc tôi hãy ghi nhớ.

Kể từ đó, tôi bắt đầu chú ý đến tin tức các lớp dạy khí công trên báo nhưng tôi lại chưa bao giờ đọc được tin tức về Pháp Luân Công. Ngày 9 tháng 8 năm 1994, tôi ra ngoài mua rau vào một buổi sáng sớm, mua xong đi dạo quanh sân thì bắt gặp một nhóm người đang luyện công ở phía trước ký túc xá sinh viên! Lúc đó tôi vô cùng ngạc nhiên, vì từ trước đến giờ tôi chưa từng nhìn thấy có học viên luyện công ở khu vực sân nơi tôi sống.

Tôi đi đến hỏi thăm mới biết họ là những học viên hải ngoại đến Cáp Nhĩ Tân để tham dự khóa giảng Pháp của Sư phụ. Hiện tại sinh viên đang được nghỉ hè nên họ đã thuê phòng ở ký túc. Nghe được thông tin từ các học viên này tôi mới biết khóa giảng Pháp của Sư phụ ở Cáp Nhĩ Tân đã bắt đầu vào ngày 5 tháng 8 rồi. Tôi lại hỏi họ về địa điểm tổ chức và tôi có thể mua được vé ở đâu? Họ nói mua ở Nhà thi đấu khúc côn cầu tại quận 8 Phi Trì, tuy nhiên vé đã bán hết rồi nhưng tôi cứ đến đó thử xem sao.

Tôi đã rất may mắn khi tìm được Sư phụ

Tôi nhớ là khóa giảng của Sư phụ bắt đầu vào lúc hơn 5 giờ tối, vào ngày mùng 9 tôi đã đến từ rất sớm. Ngay khi tôi đứng ở sảnh nhà thi đấu thì có một người phụ nữ từ trong bước ra. Cô ấy đi về phía tôi hỏi tôi có cần vé vào cửa không? Tôi nói tôi cần, thế là cô ấy trực tiếp dẫn tôi vào trong và mua cho tôi một tấm vé với giá 50 tệ.

Sau đó, tôi mới biết hóa ra cô ấy là nhân viên công tác của nhà thi đấu này. Vậy nên, chỗ ngồi của tôi ở vị trí khá tốt, không phải ngồi ở khu khán phòng phía trên mà là ở chỗ các vận động viên nghỉ ngơi. Vì lúc đó vẫn còn khá sớm, nên sau khi đưa tôi về chỗ ngồi xong chúng tôi còn nói chuyện một lúc. Tôi hiểu ra tấm vé đó là cô ấy mua từ trước, tôi bèn hỏi tại sao cô không nghe giảng? Cô ấy trả lời: “Công pháp này tốt nhưng Sư phụ đưa ra yêu cầu quá cao, quá khắt khe, tôi không làm nổi”. Tôi còn nhớ nữ nhân viên công tác này họ Chu.

Ngày hôm đó tôi quả thật là may mắn! Khán đài phía trên chật cứng người, có đến khoảng 4.000 đến 5.000 người đến tham gia. Khi Sư phụ bước vào, một tràng pháo tay nhẹ nhàng phát ra từ sự nồng nhiệt trong nội tâm của mọi người vang lên khắp hội trường. Sư phụ đi từ phía tôi ngồi tiến về phía trước, Sư phụ rất cao lớn mặc một chiếc áo sơ mi trắng ngắn tay. Từng bước đi của Sư phụ không nhanh lắm, trong tiếng vỗ tay của tất cả học viên trong hội trường, Sư phụ tiến dần đến giữa sân băng rồi tiến lên bục giảng. Đó là Sư phụ của chúng ta! Tôi không thể tin được là mình có duyên phận lớn đến vậy, từ tận sâu thẳm trong tâm mình, tôi biết rằng Sư phụ chính là “Phật“, Ngài đang đứng ở ngay trước mắt tôi sao? Sư phụ đang giảng Pháp cho tất cả chúng sinh!

Sư phụ Lý Hồng Chí giảng Pháp tại Vũ Hán năm 1993
Sư Phụ Lý đang giảng khóa thứ 2 ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, tháng 3/1993 (ảnh: minghui.org).

Trong quá trình nghe giảng, khuôn mặt của Sư phụ rất nhanh sau đó đã triển hiện thành hình tượng của Phật. Lúc đó mức độ lý giải Pháp của tôi không cao nên cứ luôn nhìn thật kỹ, càng vậy thì lại không nhìn thấy được nhưng chỉ cần buông tâm xuống nghe Pháp thì hình tượng của Phật cũng theo đó mà triển hiện.

Sư phụ rất quan tâm đến các học viên ở Cáp Nhĩ Tân, tôi còn nhớ Sư phụ đã giảng Pháp một lần ở Cung văn hóa Công nhân Cáp Nhĩ Tân cho các học viên ở đây nghe. Hôm đó tôi ngồi ở trên tầng, bên cạnh có hai nữ học viên vốn dĩ là học môn khí công khác, nhưng nghe người khác giới thiệu Pháp Luân Công tốt nên cũng tới nghe giảng. Có lẽ năm đó mọi người vẫn chưa có nhận thức sâu sắc về Pháp lý của Đại Pháp nên khi giảng Pháp Sư phụ thường dừng lại để mọi người trong hội trường có thể thể hội được Pháp Luân đang xoay chuyển không ngừng trong lòng bàn tay hoặc gia quyến của họ để trị bệnh. Vì để giúp các học viên ở Cáp Nhĩ Tân có thể nhanh chóng đề cao lên, Sư phụ sau đó đã an bài cho chúng tôi buổi giao lưu chia sẻ với các học viên ở khu vực khác, địa điểm là sân vận động của Đại học Sư phạm Cáp Nhĩ Tân. Khi đó Sư phụ đã phó thác cho một vị học viên bên cạnh Ngài đi sắp xếp.

Một ngày nọ khi Sư phụ giảng Pháp xong, Ngài đứng cách tôi chưa đầy hai mét và lắng nghe bản báo cáo công việc của một học viên còn tôi thì lặng lẽ đứng yên một chỗ. Vị Sư phụ của chúng ta, Sư phụ trẻ hơn rất nhiều so với trên ảnh, Ngài vô cùng hiền từ. Khi đó tôi không có bất kỳ suy nghĩ nào trong đầu, cứ như vậy mà đứng yên một chỗ mắt nhìn chằm chằm Sư phụ, cứ ngỡ như không tin là mình có thể được gặp Sư phụ vậy. Kết thúc buổi giảng Pháp, các học viên rời đi gần hết rồi tôi mới quay người rời đi, đi được không xa, tôi bất giác ngoái đầu lại nhìn Sư phụ, lúc này tôi thấy Sư phụ cũng đang nhìn tôi, đến khi tôi quay người thì Sư phụ cũng rời đi.

Còn có hai lần khác, tôi nhìn thấy Sư phụ bước ra từ Nhà thi đấu với các học viên khác, tôi bất giác đứng lên và vỗ tay.

Dường như là vào ngày cuối cùng của khóa giảng Pháp, trong quá trình nghe giảng, Sư phụ đã triển hiện hình tượng của Phật vô cùng rõ ràng cho các học viên, trông rất giống với bức tượng Phật mà con người điêu khắc. Hình tượng Phật của Sư phụ cũng mở lời để giảng Pháp, sau dần hình tượng của Phật không còn rõ nữa còn chỗ ngồi của Sư phụ thì tràn ngập ánh vàng kim, chỉ còn mỗi thanh âm giảng Pháp của Sư phụ vang vọng khắp nhà thi đấu. Sau khi khóa học kết thúc, rất nhiều học viên giương biểu ngữ lên trước Sư phụ, Sư phụ đã đích thân lập một vài điểm luyện công ở Cáp Nhĩ Tân và chọn ra các phụ đạo viên và trạm trưởng để giúp đỡ cho mọi người.

Cuối cùng, Sư phụ đã tóm tắt lại hết các nội dung, có rất nhiều điều tôi không còn nhớ rõ nữa nhưng sâu thẳm trong tâm khảm tôi hiểu được đắc được cơ hội này thật khó lắm thay! Tôi biết Sư phụ rất vĩ đại, từng lời giảng của Sư phụ tôi đều đón nhận từ nội tâm của mình, tôi hiểu rằng mình nên tin tưởng Sư phụ, Sư phụ đã nói với các học viên có thể ngồi ở đây, ngay trong hội trường này thì duyên phận đều không phải là nhỏ. Sư phụ căn dặn mọi người bất luận gặp phải khó khăn như thế nào, cũng phải nhớ lời Sư phụ giảng: “Nan nhẫn năng nhẫn, nan hành năng hành”. Sau cùng, Sư phụ liên tục làm động tác hướng về nhà thi đấu rồi Ngài xoay lòng bàn tay phải một vòng hướng về tất cả các học viên.

Mỗi lần hồi tưởng lại đoạn ký ức này, tôi lại cảm thấy trân quý hơn bao giờ hết. Đó là nụ cười đôn hậu của Sư tôn, là sự phó xuất trong gian khổ vì chúng sinh. Tất cả những điều này đã khích lệ và khiến tôi phải chấn động. Từng thời từng khắc trên con đường tu luyện của bản thân sau này, những điều này mãi mãi là những hồi ức trân quý nhất đối với tôi, đồng hành cùng tôi trên con đường đại đạo Chính Pháp quang minh.

Theo Minh Huệ

x