Văn hóa truyền thống

Tâm thành tắc linh: Cô gái hiếu thảo làm cảm động Thần linh

29/09/21, 11:15
Tâm thành tắc linh: Cô gái hiếu thảo làm cảm động Thần linh
“Tâm thành tắc linh, duy đức cảm thiên” (ảnh pinterest)

“Tâm thành tắc linh, duy đức cảm thiên” – người có tâm chân thành thì sẽ linh nghiệm, duy chỉ có phẩm đức mới cảm động được trời.

Cô gái hiếu thảo

Trong “Tân Tề Hài” của Viên Mai thời nhà Thanh có chép lại một câu chuyện như sau:

Vào thời nhà Thanh, những cư dân sống ở chợ hoa bên ngoài kinh thành đều sinh sống bằng nghề trồng hoa và rau. Trong đó có một cô gái trẻ tuổi sống cùng với cha. Người cha bị bệnh đã lâu không khỏi, con gái toàn tâm toàn ý chăm sóc cho cha. Ngoài miệng thì cô không ngừng an ủi động viên cha, nhưng trong tâm thì lúc nào cũng lo lắng đến bệnh tình của cha. 

Một ngày nọ, cô gái nghe nói bà dì hàng xóm đã hẹn mấy cô gái chuẩn bị đi thăm miếu Liễu Kế Sơn để dâng hương. Cô mới hỏi bà dì: “Dì ơi, con xin hỏi, đi Liễu Kế Sơn dâng hương có thể khiến bệnh tình của cha con đỡ hơn không?” Bà dì nói: “Chỉ cần con thành tâm khẩn cầu thì nhất định sẽ linh nghiệm”.

Tâm thành tắc linh; Khẩn cầu là gì; Cầu khẩn là gì
Thành tâm cầu khẩn thì nhất định sẽ linh nghiệm (ảnh pinterest)

Cô gái lại hỏi: “Từ đây đi đến Liễu Kế Sơn có xa lắm không ạ?” Bà dì mới nói: “Cũng phải hơn 100 dặm”.

Cô gái hỏi kỹ hơn: “Một dặm thì phải đi bao nhiêu bước ạ?”

Bà dì đáp: “Một dặm thì phải đi 250 bước”. Cô gái nghe vậy thì ghi nhớ thật kỹ.

Chân thành thắp hương cầu khẩn Thần linh

Từ hôm đó, mỗi ngày vào buổi tối, sau khi sắp xếp cho cha đi ngủ, cô gái lại thắp một nén hương, trong tâm yên lặng đếm số bước đi; cứ thế đi vòng quanh trong sân, vừa đi vừa dập đầu lạy. Đồng thời cô cũng giải thích với Thần linh, nói rằng mình thân con gái, bởi vì cần chăm sóc cho cha bị bệnh nặng, nên không thể đi lên núi để cúng bái được. Cô gái cứ làm như vậy hơn nửa tháng, ngày nào cũng thắp nhang đi vòng quanh trong sân.

Theo thông lệ, cứ đến tháng tư mỗi năm, vương công quý tộc sẽ đều đi đến Liễu Kế Sơn để dâng hương lên Bích Hà Nguyên Quân. Vào lúc gà gáy thì vấn tóc thắp hương là tốt nhất. Vì vậy cứ đến lúc vấn tóc thắp hương thì người chủ trì ở trong miếu sẽ sắp xếp cho những gia đình giàu có thắp hương, những gia đình bình dân thì không có phần này.

Sùng bái Thần linh; Bái Phật là gì; Nhất tâm bái Phật
Thần Phật chỉ xét nhân tâm, không coi trọng hình thức (ảnh pinterest)

Thần tạo ra kỳ tích

Một ngày nọ, Thái giám hoàng cung là Trương Mỗ đi đến miếu để thắp hương. Không ngờ lúc đi vào trong cửa điện thì đã thấy có hương khói ở trong lư rồi. Trương Mỗ giận dữ trách móc chủ miếu: “Việc này là sao? Ta đã chi tiền ra thì tại sao lại không được thắp hương trước, sao lại để cho người khác làm rồi?” 

Người chủ miếu cũng cảm thấy kỳ quái mà nói rằng: “Sáng sớm đại điện chưa mở cửa, không biết là ai lại có thể vào thắp hương được?” Trương Mỗ nói: “Thôi coi như bỏ qua, sáng sớm ngày mai ta sẽ lại đến thắp hương đầu tiên; ngươi nhất định phải chờ ta, không thể lại để cho người khác thắp hương trước được”. Miếu chủ liên tục gật đầu vâng dạ.

Sáng hôm sau, mới đến canh 4 (từ 1 giờ đến 3 giờ) thì Trương Mỗ đã đi vào trong miếu. Ông đi vào trong chánh điện để xem xét, thì thấy trong lư đã lại có hương khói rồi! Chỉ thấy có một cô gái đang quỳ xuống dưới đất mà lạy; nghe thấy tiếng người, chỉ chớp mắt một cái là đã không thấy người đâu nữa rồi.

Trương Mỗ nói: “Thần linh trước mặt, chẳng lẽ quỷ quái lại dám ngang nhiên xuất hiện mà quấy phá hay sao? Việc này nhất định là có nguyên do gì đấy”. Vì vậy ông mới đi ra ngoài cửa miếu, đem những điều mình vừa nhìn thấy mà kể cho các hương khách; cũng mô tả lại kỹ càng dung mạo và trang phục của cô gái kia. Sau đó yêu cầu điều tra để tìm tung tích cô gái.

Tâm thành tắc linh

Lúc này có một người phụ nữ đứng bên cạnh nghe được, trầm tư suy nghĩ một lát rồi nói: “Theo như những gì đại nhân mô tả, từ cách ăn mặc cho đến hình tượng, thì rất có thể đó là cô gái hàng xóm của tôi”. Người phụ nữ đã kể lại sự tình cô gái chăm sóc cha bị bệnh nặng ra sao, ở nhà thắp hương cầu nguyện như thế nào.

Cầu Phật phù hộ; Cầu Phật bình an; Cầu Phật như thế nào
Ông trời có đức hiếu sinh, thường ban phúc lành cho người thiện lương (ảnh pinterest)

Trương Mỗ nghe xong thì cảm thán nói: “Không ngờ lại có cô gái hiếu thảo như vậy, khó trách Thần cũng bị cảm động rồi!” Sau khi thắp hương xong, Trương Mỗ giục ngựa đi về nhà cô gái kia. Ông ban thưởng cho cô rất hậu, cũng nhận cô làm con gái nuôi. 

Không lâu sau bệnh tình của cha cô gái cũng đỡ hơn. Bởi vì được vị thái giám kia chiếu cố, nên gia cảnh nhà cô gái cũng trở nên tốt hơn. Về sau cô gái được gả cho một vị phú thương, cuộc sống gia đình rất hòa thuận, hạnh phúc.

Đây đúng thật là:

Chúng sinh đều bình đẳng

Không phân biệt giàu nghèo.

Trời xanh trọng tâm địa,

Tâm thành tắc sẽ linh.

Thần Phật không coi trọng hình thức, chỉ xét nhân tâm, chỉ cần có tâm chân thành thì không gì là không thể, tâm thành tắc linh!

Theo Chánh Kiến

x