Khi được hỏi “Người xuất gia thì có gì tốt”, Đường Tăng trả lời câu hỏi bằng 8 câu thơ nói rõ ý chí của người tu hành.
Năm thầy trò gặp nhiều ma nạn trên đường đi thỉnh kinh, nhưng bất cứ lúc nào Đường Tăng cũng nhất tâm chính niệm, kiên định mang chân kinh trở về. Từ đầu đến cuối chưa từng mất phương hướng, đây chính là đại biểu cho chính niệm của người tu luyện. Trong khi gặp khó khăn, đối mặt với sự cám dỗ mê hoặc của thế tục, có thể nhất tâm bất loạn, kiên trì con đường của bản thân mình hay không là điểm then chốt với người tu hành.
Trong Tây Du Ký, hồi thứ 23, năm thầy trò Đường Tăng trải qua một quan nạn đặc biệt. Lần này, họ không đánh yêu quái nào, nhưng trở ngại cũng giống như quan sinh tử với người tu hành.
Nội dung chính
Quan nạn thử lòng người tu hành
Trên đường đi thỉnh kinh, hiện ra trước mắt thầy trò Đường Tăng là một tòa nhà nguy nga tráng lệ. Nơi ấy có vị phu nhân ở góa đã hết mãn tang, hiện sống cùng 3 cô con gái xinh đẹp. Truyện mô tả vị phu nhân “tóc mai điểm bạc như cánh phượng, hoa tai hai chuỗi ngọc châu rủ, dù không son phấn vẫn xinh đẹp, phong lưu vẫn như khi tuổi trẻ”, chủ động ngỏ lời muốn cưới chồng với Đường Tăng. Đồng thời bà cũng muốn gả 3 cô con gái cho 3 vị đệ tử của Ngài.
Vị phu nhân nói “Nhà tôi đây có hơn ba trăm khoảnh ruộng cấy, hơn ba trăm khoảnh ruộng màu, hơn ba trăm khoảnh đất trồng hoa quả, trâu bò hơn một nghìn con, lừa ngựa từng bầy, lợn dê vô số. Trang trại, đồng cỏ khắp các phía, tổng cộng tới sáu bảy mươi nơi. Thóc trong nhà ăn tám chín năm không hết; lụa là mặc hàng chục năm vẫn còn; vàng bạc tiêu xài cả đời thừa thãi, chẳng khác nào nơi màn gấm tàng xuân, nói gì tới đôi hàng trâm vàng. Nếu thầy trò ngài mà chịu thay lòng đổi dạ, làm rể nơi hàn môn sẽ được tự do tự tại, hưởng dụng vinh hoa, chẳng phải hơn đi sang Tây Thiên chịu khổ ư?”
Trước lời mời gọi của vị phu nhân kia, Tam Tạng giả câm giả điếc, nhắm mắt định thần, im lặng không đáp.
Người thường có gì tốt?
Khi phu nhân cười nói “Người xuất gia thì có gì tốt?”, Tam Tạng mới cất lời “Thưa nữ bồ tát, người tại gia thì có gì tốt?”
Phu nhân trả lời với thơ rằng:
Xuân cắt lụa mới xem thắng cảnh,
Hạ đổi sa nhẹ ngắm sen xanh
Thu có men mới ngâm rượu nếp
Đông về uống rượu trên gác ấm
Bốn mùa hưởng thụ gì cũng có
Tám tiết ăn uống đủ món ngon
Bày gấm phô lụa đêm hoa chúc
Chẳng hơn chân đất lễ Di Đà.
Quả thật trần gian là cõi mê, vì có nhiều thứ hấp dẫn con người! Lời vị phu nhân kia đã tỏ rõ: bốn mùa xuân hạ thu đông hưởng thụ gì cũng có, ngắm hoa, uống rượu, ăn ngon, mặc đẹp.
Đường Tăng trả lời câu hỏi ‘Người tu hành thì có gì tốt?’
Đường Tăng trả lời rằng: “Thưa nữ bồ tát, người tại gia hưởng thụ vinh hoa phú quý, ăn ngon mặc đẹp, con cái đề huề, quả thật rất tốt, nhưng không biết rằng người xuất gia chúng tôi cũng có chỗ tốt. Làm sao mà thấy được? Cũng có thơ rằng:
Xuất gia lập chí vốn phi thường,
Rũ bỏ mọi ái ân lúc trước
Ngoại vật không sinh không nhắc tới
Trong lòng tự sẵn có âm dương
Công thành danh toại chầu kim khuyết
Minh tâm kiến tính về cố hương
Hơn hẳn tại gia tham rượu thịt
Giá áo túi cơm thường trụy lạc
Đường Tăng trả lời câu hỏi, chính là đã nói rõ chí khí người tu hành, một lòng hướng về Thiên thượng, không cầu vật chất ngoại thân. Kỳ thực, nơi trần gian này chỉ là “cõi tạm”, cũng là “bể khổ”. Con người vốn có quê hương trên Thiên thượng, vì sai lầm mà rớt xuống đây để rồi phải luân hồi không ngừng nghỉ. Cho nên, làm người là cần tu để trở về.
Cuộc đời một người thường tuy có thể hưởng thụ vật chất, nhưng mấy chục năm trôi qua nhanh như chớp mắt, biết kiếp sau sẽ trở thành người hay động vật, có khi chuyển sinh thành tảng đá cũng nên. Sống như một người thường ấy, càng được hưởng thụ vinh hoa phú quý càng dễ sa đà trụy lạc. Khi tạo tội nghiệp nhiều quá sẽ mở ra con đường đến địa ngục cho chính bản thân; lúc nhận ra thì đã muộn rồi.
Tu hành để mất đi những thứ xấu
Có người hỏi vị thiền sư: Ông lúc nào cũng tu tu hành hành vậy thông qua tu hành, cuối cùng đạt được cái gì?
Vị thiền sư trả lời: Cái gì cũng không đạt được.
Người này lại hỏi: Vậy ngài còn tu hành làm gì?
Vị thiền sư mỉm cười nói: Thế nhưng tôi cũng có thể nói với cậu những thứ tôi mất đi. Tôi từ từ mất đi tâm oán hận, tâm ỷ lại, tâm hẹp hòi, tâm soi mói, tâm chỉ trích, sự bi quan và cầu vọng; mất đi sự nông cạn, tầm nhìn hạn hẹp; mất đi hết thảy những thứ can nhiễu và chướng ngại.
Chân lý của Tu Hành cốt yếu ở chỗ vứt bỏ hết thảy các tâm chấp trước, quan niệm đã hình thành cố hữu trong con người – nguồn gốc của khổ đau và tội nghiệp. Mục đích của tu hành không phải đạt được, mà là buông bỏ tâm phàm để trở về cố hương, như Đường Tăng đã khẳng định “Minh tâm kiến tính về cố hương”.
Video xem thêm:
Xem thêm: