Khoa học chứng minh rằng, trí thông minh không phải là cố định, mà có thể thông qua sở thích và hoạt động nhất định mà ngày càng phát triển.
- Khiêm tốn là cơ sở vững chắc phát triển bản thân
- Năng lực mạnh mẽ nhất: Nhìn thấy bản thân qua người khác
Từ trước đến nay, người ta thường cho rằng mức độ thông minh bẩm sinh của con người là không thể thay đổi, và tất cả những gì chúng ta có thể làm là phát huy hết tài năng thiên phú của mình. Nhưng theo các nghiên cứu khoa học gần đây, việc học một số kỹ năng mới và phát triển một số sở thích có thể tạo ra liên kết mới trong não và cải thiện đáng kể trí thông minh của con người. Tờ “Business Insider” và tạp chí “entrepreneur” của Mỹ đã tổng hợp 7 sở thích khiến con người trở nên thông minh hơn.
Nội dung chính
1. Chơi nhạc cụ
Học cách chơi một nhạc cụ có thể giúp cải thiện khả năng sáng tạo, khả năng phân tích, ngôn ngữ, toán học và thậm chí cả khả năng vận động tinh của con người (kỹ năng liên quan đến điều khiển bàn tay và các ngón tay), v.v. Ngoài ra, các môn thể thao đồng đội cũng rất có lợi. Có một lợi ích của việc chơi nhạc cụ mà các hoạt động khác không thể thay thế: Chơi nhạc cụ có thể làm tăng khối lượng và hoạt động trong thể chai của não, từ đó kết nối hai bán cầu não tốt hơn.
Đối với mọi người ở mọi lứa tuổi, thể chai khỏe mạnh giúp cải thiện khả năng phối hợp, trí nhớ, giải quyết vấn đề và chức năng tổng thể của não bộ.
2. Đọc sách
Việc đọc sách cũng mang lại lợi ích như vậy. Đọc sách giúp giảm căng thẳng, cải thiện ý thức về bản thân và nâng cao 3 loại trí trí lực của một người—tinh lực, chí lực và trí lực—nói cách khác, sẽ tăng năng lực hiểu biết và giải quyết vấn đề.
Đọc sách giúp chúng ta tổng hợp thông tin tốt hơn để định hướng cuộc sống hàng ngày, cải thiện cách chúng ta nhìn nhận mọi thứ, đồng thời hiểu rõ và phản hồi chính xác cảm xúc của người khác. Tại nơi làm việc, điều này trở thành các kỹ năng quản lý tốt hơn, nghĩa là chúng ta hiểu rõ hơn về cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề.
3. Luyện tập thể dục hàng ngày
Việc tập thể dục hàng ngày sẽ hiệu quả hơn nhiều so với không tập thể dục hay tập thể dục với cường độ cao. Tập thể dục thường xuyên giúp tăng mức độ của yếu tố thần kinh có nguồn gốc từ não, một loại protein quan trọng để duy trì sức khỏe và sự phát triển của tế bào thần kinh, giúp cải thiện trí nhớ, khả năng học tập, khả năng phân biệt, khả năng ưu tiên, sự tập trung và khả năng hiểu—thường được gọi chung là “độ nhạy bén”.
Một số nhà khoa học cũng cho rằng việc ngồi lâu trong văn phòng sẽ có tác dụng ngược lại, tức là sẽ gây cản trở rất lớn đến hoạt động tinh thần của con người.
4. Học ngôn ngữ
Bạn muốn cải thiện trí nhớ của mình? Hãy quên trò chơi xếp chữ và thay vào đó học một ngoại ngữ. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người song ngữ chơi xếp chữ giỏi hơn những người chỉ biết 1 ngôn ngữ mẹ đẻ. Khi học thành công một ngôn ngữ mới bạn sẽ trang bị cho não bộ khả năng xử lý bất kỳ nhiệm vụ khó khăn nào, đồng thời củng cố các kỹ năng lập kế hoạch và giải quyết vấn đề mà các nhà quản lý cần có.
Ngoài ra, nói ít nhất hai ngôn ngữ sẽ cho phép mọi người kiểm tra môi trường xung quanh tốt hơn để định hướng hành động của họ. Trước đây, nhiều người Mỹ cho rằng các giám đốc điều hành của công ty nói được ngoại ngữ, họ nên học tiếng Tây Ban Nha hoặc tiếng Pháp để được thăng chức. Nhưng dựa trên nghiên cứu cho thấy rằng việc học một ngôn ngữ có ảnh hưởng tích cực đối với não bộ. Vì vậy, nói đúng hơn là việc học một ngoại ngữ giúp chúng ta chuẩn bị về mặt trí tuệ cho các vị trí có trách nhiệm cao hơn.
5. Chú ý đến việc tích lũy
Khi đến kỳ thi, các học sinh trung học và đại học thông minh chia sẻ cách họ đã “nhồi nhét” kiến thức của mình như thế nào để làm bài tốt. Vấn đề là, những gì được nhồi nhét vào thường nhanh chóng bị lãng quên vì chúng ta hiếm khi có cơ hội lặp lại nó. Một trong những lý do học ngoại ngữ có thể làm cho mọi người thông minh hơn là vì họ có một quá trình tích lũy.
Bạn cần không ngừng lặp đi lặp lại ngữ pháp và từ vựng cần nắm vững để nâng cao trình độ ngoại ngữ của mình. Áp dụng khái niệm tích lũy hàng ngày vào cuộc sống trong các khía cạnh như: Chú ý đến một số điểm kiến thức cần thiết cho công việc, viết một số ghi chú khi đọc sách, ghi chú trong các cuộc họp hoặc viết nhật ký ngắn về những điều bạn quan tâm.
6. Trò chơi trí tuệ
Sudoku, trò chơi lắp hình, câu đố lồng đèn, chơi cờ và các hoạt động khác có thể tăng cường đáng kể tính dẻo dai của thần kinh, cải thiện tư duy logic và kỹ năng giải quyết vấn đề, tăng cường sự nhanh nhẹn của trí óc, giảm căng thẳng và thúc đẩy thư giãn. Khi tính dẻo dai của thần kinh được tăng lên, chúng ta có thể dễ dàng thay đổi góc nhìn, hiểu được nguyên nhân và hậu quả của các hành vi và cảm xúc, đồng thời khả năng nhận thức của chúng ta cũng sẽ được cải thiện.
Theo nghiên cứu, các rối loạn như ù tai có liên quan đến sự thiếu dẻo dai của thần kinh. Vì vậy các hoạt động tăng cường trí não này có thể bảo vệ chống lại một số tình trạng thể chất và tinh thần, bao gồm lo lắng và trầm cảm, đồng thời cải thiện khả năng học tập và trí nhớ.
7. Ngồi thiền
Nhà khoa học Richard Davidson đã nghiên cứu sóng não của một số nhà sư và phát hiện ra rằng, khi thiền định thì họ sẽ ở trong trạng thái đồng cảm sâu sắc. Kết quả nghiên cứu đã được công bố trên Kỷ yếu của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ và Tạp chí Phố Wall vào năm 2004 và nhận được nhiều sự quan tâm.
Điều thú vị của việc thực hành thiền định là nó mang lại cho chúng ta sự bình yên trong tâm hồn, cho phép chúng ta cảm nhận mọi thứ từ mong muốn trong nội tâm đến việc cảm nhận được sự vật thực tại. Điều này sẽ khiến chúng ta cảm thấy có lực lượng và tự tin hơn khi giao tiếp với người khác, và lời nói của chúng ta sẽ có sức thuyết phục hơn.
Cho dù bạn đang ở đỉnh cao nghề nghiệp hay đang bế tắc, là một chuyên gia đầy tham vọng hay một doanh nhân đang tìm cách phát huy hết tiềm năng cá nhân của mình, thì việc đầu tư vào phát triển trí thông minh của chính bạn chắc chắn sẽ rất hữu ích cho bạn.
Theo Sound of hope