Văn hóa truyền thống

4 điểm khác biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân

25/08/22, 08:09
4 điểm khác biệt giữa người quân tử và kẻ tiểu nhân
Quân tử là những người chính trực, khoan dung, bác ái, quang minh lỗi lạc (ảnh minh họa: Jianshu)

Trí tuệ của cổ nhân vốn thâm sâu, có thể phân biệt được người quân tử và kẻ tiểu nhân. Vậy phân biệt thế nào?

Phẩm hạnh cao quý mà người xưa luôn kính trọng và hướng tới chính là “quân tử”. Ngược lại, “tiểu nhân” là loại phẩm cách mà ai cũng coi thường. Người quân tử thì thanh thản thư thái, kẻ tiểu nhân thì thường lo lắng bồn chồn.

Thế nào là bậc quân tử?

Phong thái của bậc quân tử: Nhìn xa thì nghiêm trang, đến gần thì hòa ái, lời nói mạnh mẽ dứt khoát. Người ta thường thấy hình ảnh đó ở các quan viên và người trí thức, rất nghiêm cẩn chính trực. 

quân tử và tiểu nhân; sự khác nhau giữa quân tử và tiểu nhân; Bậc quân tử không so đo với kẻ tiểu nhân
Phong thái chính trực, ôn hòa, văn nhã của bậc quân tử (ảnh minh hoa: Phohen)

Thế nào là quân tử? Đó là người ôn hòa mà nghiêm trang, oai vệ đường hoàng mà không hung dữ, tuy kính cẩn mà khoan thai. Mạnh Tử từng giảng: “Không nịnh hót người quyền thế, không dựa dẫm kẻ có quyền; không cung phụng mỹ nhân, không thờ ơ người xấu; không sợ người mạnh, chẳng khinh kẻ yếu; làm bạn với người hiền, tránh xa kẻ ác;  kính trọng người già, bảo vệ người nhỏ”. 

Như vậy, quân tử là những người chính trực, khoan dung, bác ái, quang minh lỗi lạc, thân tâm đều tu dưỡng vững vàng, tiểu nhân thì hoàn toàn ngược lại.

Ba điều đáng “hổ thẹn” mà người quân tử thường tránh phạm

Khổng Tử nói: “Thị vu quân tử hữu tam khiên: ngôn vị cập chi nhi ngôn vị chi táo, ngôn cập chi nhi bất ngôn vị chi ẩn, vị kiến nhan sắc nhi ngôn vị chi cổ.” Ý nói cùng người quân tử nói chuyện nên chú ý ba điều này: “chưa đến lượt mình đã vội nói, gọi là hấp tấp; chuyện nên nói thì không nói, gọi là giấu diếm; nói năng tùy tiện mà không xem sắc mặt người khác, là thiếu phép tắc”.

Cùng người quân tử nói chuyện, lấy tiêu chuẩn của bậc quân tử mà đối chiếu, thì sẽ thấy ba loại lỗi này là của kẻ tiểu nhân. Người quân tử thì sẽ không nói năng như vậy.

Nói không đúng lúc, đúng chỗ

Khi nói chuyện, không đến lượt mình nói, lại cố tình nói cho bằng được; chứng tỏ người này rất muốn thể hiện bản thân, sợ bị lu mờ hoặc khinh thường. Kỳ thực, điều này rất nông cạn và xốc nổi.

Ngoài ra, hành xử như vậy bị cho là thất lễ; cho thấy con người không có giáo dưỡng. Người quân tử thường biết cách lắng nghe, cân nhắc lúc nào nên nói, lúc nào không. Việc gì không phải bổn sự, cần im lặng thì nên im lặng.

Lúc cần nói lại không dám nói

Có người khi cần phải nói mà lại im lặng thì đó là cực đoan, cũng bằng như thất lễ. Hơn nữa có thể khiến người khác cho rằng đang che giấu điều gì; biểu hiện giống như người dối trá.

Có người thì bởi ngượng ngùng mà không nói, biểu hiện như người kém cỏi. Người quân tử thẳng thắn quang minh, có gì mà không dám nói? Cho nên hãy học cách thoát khỏi sự hèn nhát này.

Nói năng tùy tiện, không quan tâm đến cảm xúc của người khác

Nghiêm trọng nhất chính nói năng tùy tiện, không cần biết thái độ, vẻ mặt người khác ra sao. Có thể tùy ý động chạm đến chuyện riêng tư của người khác; hoặc đâm chọc vào nỗi đau của người này, đụng chạm sự kiêng kỵ của người kia. Đã không thèm chú ý sắc mặt người đối diện, lại cứ cao hứng mà thao thao bất tuyệt.

Điều này không chỉ vô cùng nông cạn, mà còn cực kỳ vô lễ và thiếu giáo dục; nó phản ánh trực tiếp đạo đức một người. Chỉ biết nói cho sướng miệng, không bận tâm đến cảm nhận người khác, làm thương tổn mọi người. Đương nhiên có người cho rằng đó là tính cách thẳng thắn; vậy thẳng thắn như vậy là không có lỗi gì sao? Người ta sẽ không bị tổn thương sao? Loại ngay thẳng này là quân tử hay không quân tử?

Xét “3 không” có thể nhìn ra người quân tử và kẻ tiểu nhân

Quân tử không vọng động, khi làm gì đều có đường lối rõ ràng. Họ tự có yêu cầu nghiêm khắc với chính mình, đây là một loại ước thúc, cũng là một loại tự trọng. Không vọng động, chính là không tùy tiện nghe theo ai, trong lòng tự có nguyên tắc và chủ kiến. Còn đối với kẻ tiểu nhân, làm gì đều tùy tiện, mọi hành vi cử chỉ đều là không có chủ kiến và giới hạn đạo đức; thậm chí cũng không có khái niệm về điều đó.

quân tử và tiểu nhân; sự khác nhau giữa quân tử và tiểu nhân; Bậc quân tử không so đo với kẻ tiểu nhân
Quân tử vì nghĩa, tiểu nhân vì lợi (ảnh minh hoa: Yeni)

Quân tử không tùy ý mưu cầu, nếu có thì phải có nguyên nhân chính đáng. Quân tử vì nghĩa, tiểu nhân vì lợi. Họ làm việc, thường lo nghĩ trước tiên là vấn đề đạo đức. Hợp luân thường, đạo lý thì việc gì cũng làm; không hợp coi như không thấy, không biết. Cái gì của mình thì mình nhận, không phải của mình thì quyết chẳng động tâm. Nhưng đối với kẻ tiểu nhân mà nói, những thứ mà người ta xem nhẹ kia thì họ đặc biệt xem trọng; lợi ích là điều họ hao tâm truy cầu.

Người quân tử không làm việc vô nghĩa, làm việc gì thì đầu tiên cũng cân nhắc đến chính nghĩa. Điều này cũng là thể hiện của tấm lòng độ lượng, phóng khoáng; thứ không phải của mình thì nhất định không truy cầu. Vì thế mà trong tâm người quân tử luôn rộng rãi, khoáng đạt. Kẻ tiểu nhân coi trọng lợi ích, của cải tiền bạc, chỉ cần có thể đạt được lợi ích họ sẵn sàng đổi tất cả.

Quân tử tu thân có ba điều lo lắng, tiểu nhân thì ngược lại

“Không nghe thấy, không học được, không làm được” là “3 lo lắng” của người quân tử. 

Trong Lễ Ký viết: “Quân tử hữu tam hoạn: Vị chi văn, hoạn phất đắc văn dã; ký văn chi, hoạn phất đắc học dã; ký học chi, hoạn phất năng hành dã”. Ý tứ là người quân tử có “3 điều lo lắng: Những kiến thức và đạo lý mà bản thân chưa được nghe qua, thì lo lắng không thể nghe thấy. Đã nghe thấy rồi thì lo lắng không thể học được. Đã học được rồi lại lo lắng không thể làm được.

Vì vậy, khi được người khác khen ngợi, họ luôn thấy hổ thẹn và khiêm tốn. Đây thực sự là thành tâm thành thật, chứ không phải cố giả tạo. Vậy nên họ luôn mong muốn tu dưỡng hơn nữa. Kẻ tiểu nhân thì hoàn toàn ngược lại.

Người quân tử có “3 sợ”

Trong “Luận Ngữ”, Khổng Tử có nói: “Quân tử hữu tam úy: Úy thiên mệnh, úy đại nhân, úy thánh nhân chi ngôn”. Ý nói, người quân tử kính sợ chuẩn tắc của đất trời, kính nể lời nói của người hiền đức và bậc thánh nhân. Đằng sau tâm thái ấy chính là sự khiêm tốn và dụng tâm noi theo.

quân tử và tiểu nhân; sự khác nhau giữa quân tử và tiểu nhân; Bậc quân tử không so đo với kẻ tiểu nhân
Quân tử luôn nỗ lực nghiên cứu, học tập theo các bậc thánh hiền (ảnh: Hotying)

Người quân tử luôn nỗ lực nghiên cứu, học tập theo các bậc thánh hiền, cố gắng tu dưỡng và phát triển bản thân để đạt đến cảnh giới cao hơn.

Nói về kẻ tiểu nhân, Khổng Tử viết: “Tiểu nhân bất tri thiên mệnh nhi bất úy dã, hiệp đại nhân, vũ thánh nhân chi ngôn”. Tiểu nhân không biết mệnh trời nên không biết sợ, khinh mạn người hiền đức, coi thường lời nói của thánh nhân. Tri thức hạn hẹp nhưng lại cho là cao minh hơn người; thích đàm luận, chỉ trích lời cổ nhân.

Đúng là, người vô tri thì không biết kính ai, kẻ vô đức thì không biết sợ ai.

Như vậy, để phân biệt được người quân tử và kẻ tiểu nhân, chúng ta chỉ cần nhìn vào bốn điều trên. Nương theo đó mà tu dưỡng bản thân, hoàn thiện mình.

Theo Vision Times

x