Nhân sinh cảm ngộ

Thiển bàn về việc thờ cúng

15/04/25, 15:01
Thiển bàn về việc thờ cúng
(ảnh minh họa INT)

Người Việt quan niệm phải sinh con trai nối dõi tông đường, lo việc thờ cúng, hương khói; nhưng luân hồi chuyển kiếp bao đời, người năm xưa ấy bây giờ nơi đâu? 

Một ngày, có đứa trẻ nói với mẹ của em rằng: “Con thấy chuyện gì cũng có thể tâm sự với mẹ, nhưng với bà ngoại con chỉ có thể nói một vài điều, còn với bà cố thì mỗi lần gặp bà con chẳng có gì để nói sau câu chào hỏi. Con thương mẹ rất nhiều rất nhiều, nhưng thương bà ngoại ít hơn, còn bà cố thì con chẳng có cảm giác thương bà như người thân ruột thịt nữa, con chỉ thương bà vì bà là một bà cụ già yếu như bao nhiêu bà cụ khác mà con gặp.” 

Khoảng cách thế hệ là như vậy, nếu bà cố mất đi, bà sẽ trở thành ông bà tổ tiên mà chúng ta tôn kính thờ phượng, nhưng khi bà còn sống, đối với những hậu thế từ hàng chắt trở đi thì bà có khác gì như người dưng đâu! Biết rằng vẫn có những gia đình nền nếp, giữ được truyền thống “bách thiện hiếu vi tiên”, hoặc gia đình “tứ đại đồng đường”, cháu chắt có điều kiện gần gũi ông bà cố từ nhỏ thì sợi dây tình cảm của lớp cháu chắt dành cho ông bà cố may ra không đứt, tuy nhiên theo tôi thấy thì không nhiều…

Có những cặp vợ chồng chỉ sinh được hai con gái, nhiều người khuyên nên nhân lúc tuổi còn trẻ mà sinh thêm đứa nữa kiếm đứa con trai để về già có người trông cậy, chết đi có người nối dõi tông đường, lo hương khói. Nhưng ngẫm lại, tôi cũng thấy có ba lý do để không cần truy cầu con trai, xin được mạo muội bày tỏ đôi lời nông cạn:

Một là, chuyện sinh con chẳng biết trước được sẽ có thêm gái hay trai.

Hai là, con trai hay con gái thì nó cũng phải là đứa có hiếu hay không nữa, trai mà bất hiếu thì sao bằng gái mà có hiếu.

Ba là, nếu tin rằng chết là hết, chẳng có linh hồn, thì cần gì ai nhang khói cho nữa, cần gì ai nối dõi tông đường, nối hay không nối đâu còn liên quan gì tới mình nữa, chết là hết. 

Còn nếu tin rằng chết rồi vẫn còn linh hồn, sẽ luân hồi chuyển kiếp, sẽ đầu thai lại,…vậy thì cũng cần có con trai nối dòng nhang khói cho đấy, nhưng kiếp sau biết mình sẽ mang họ gì? Bao đời bao kiếp đến nay có khi đã mang cả trăm họ, đời này lo nối dõi cho họ này, rồi đời sau lại lo nối dõi cho họ khác chăng? Vậy với riêng mình nối hay không nối có ý nghĩa gì đây? Vả lại, mình không nối được thì cũng còn bao nhiêu người khác làm việc đó thay mình, dòng họ nào cũng rất đông người!  

(ảnh minh họa FB)

Có người đàn ông nọ cha mẹ mất đã lâu, vợ ông là con một, một ngày kia, bà mẹ vợ già quá cần con cái ở gần chăm sóc nhưng bà lão nhất định không chịu về ở nhà con rể. Cuối cùng ông phần vì chữ hiếu của vợ, phần vì thương bà cụ, đành bán hết cửa nhà mà dọn về quê vợ sinh sống. Có người khen rằng ông có hiếu, cha mẹ nào cũng là cha mẹ, phải lo cho người còn sống trước đã, người mất rồi thì con cái đi đâu, bàn thờ ở đó, ông bà cũng theo lời khấn vái mà về. Lại có người chê cười ông bỏ cố hương là kẻ mất gốc, bỏ ông bà theo quê vợ là điều sai trái, là một việc làm đáng xấu hổ. Ông cãi:

“Ông bà có còn hay mất là ở trong lòng con cháu mà thôi. Nếu giỗ mà phải về đúng quê gốc mới giỗ được thì người Việt Nam nên chi đều phải chạy về bên kia bờ Dương Tử? Dân tộc mấy ngàn năm Nam tiến, quê gốc mỗi dòng họ ai còn tính toán là đâu với đâu? Cả dân tộc giỗ tổ Hùng Vương, vậy phải chăng nên chạy hết ra Bắc? Sau năm 1975, bao nhiêu người Việt rời quê hương mà lưu vong khắp thế giới, vậy hằng năm làm sao về Việt Nam làm giỗ cho ông bà đây?”  

Xin kể thêm một câu chuyện cười trước khi dừng bút: Trong một ngày giỗ nọ có đông đủ người lớn và trẻ nhỏ, một người già kể rằng cụ đã nhìn thấy thế giới bên kia trong một lần chết…ngất. Theo lời cụ, ở bên kia cũng giống hệt như bên đây, và nhiều người rất đói khổ, họ chờ mong ngày giỗ họ con cháu sẽ đốt tiền vàng và đồ dùng cho họ v.v. nên chi là chúng ta phải cúng kiếng ông bà tổ tiên cho đàng hoàng, tươm tất, đầy đủ. Một đứa trẻ cất tiếng nói: “Thế mà cha mẹ con mong muốn gì lại lên bàn thờ thắp hương xin ông bà phù hộ.” Cả nhà được một dịp cười ồ. Vậy đấy, chúng ta bên này trông đợi ông bà bên kia phù hộ mình, còn ông bà bên kia lại chờ đợi chúng ta bên này cúng và đốt tiền vàng. Phải chăng đây là một trong những hàm nghĩa của câu hát “Ngày sau sỏi đá cũng cần có nhau”?(Diễm Xưa- Trịnh Công Sơn).

Theo quan niệm dân gian xưa nay, người ta tin rằng sau 49 ngày là linh hồn người mất sẽ đi đầu thai, nếu đây là sự thật thì chúng ta cúng rồi ông bà có về hưởng được không? Có thể chẳng có ai về được cả! Nhưng là để cho con cháu nhớ tới tổ tiên, biết ơn tiền nhân, sống cho tốt đời đẹp đạo, đừng làm gì xấu mặt ông bà, và nhất là anh em bà con họ hàng với nhau biết tương thân tương ái đùm bọc nhau hơn vì dẫu sao cũng là hoa trái từ một gốc mà sinh ra.… theo tôi đây mới là ý nghĩa thực sự của việc thờ cúng.

Chúng ta, những con người vẫn đang trầm luân trong thế tục, biết là vẫn phải sống sao cho phù hợp với tiêu chuẩn người đời, nhưng dẫu sao cũng cần nên tránh áp đặt người khác. Thấu hiểu  nhân sinh là một trong những bước đầu tiên trên con đường dẫn tới hạnh phúc.

Người xưa xuất gia tu Phật hiểu rõ rằng rốt cuộc con người thế gian cũng chỉ vì chữ “Tình” mà sống, đẫm trong tình mà khổ nên cắt đứt duyên trần, cha mẹ vợ con chi chi cũng bỏ hết, vì ở cảnh giới đó họ nhận thức được rằng những quan niệm mà con người bám chấp ấy rốt ráo cũng chẳng có ý nghĩa gì đối với sinh mệnh thực sự cả.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Yên Bồ, không nhất thiết là quan điểm của Nguyện Ước.)

x