Tìm hiểu Pháp Luân Công

Pháp Luân Công là gì? Tại sao bị cấm và đàn áp ở Trung Quốc?

19/07/21, 17:26
Pháp Luân Công là gì? Tại sao bị cấm và đàn áp ở Trung Quốc?

“Pháp Luân Công là gì” là từ khóa được nhiều người tìm kiếm hiện nay. Người tìm hiểu để học khá đông. Nhiều người muốn biết cụ thể Pháp Luân Công là gì, xấu tốt thế nào, vì sao lại bị đàn áp ở Trung Quốc… Bài viết này sẽ cung cấp bức tranh tổng quan và chi tiết, giúp bạn đọc có đánh giá khách quan hơn. 

Nội dung chính

1. Pháp Luân Công là gì? Những tóm tắt cơ bản

1.1. Nguồn gốc ra đời

Pháp Luân Công ra đời trong tình huống phong trào khí công đang phát triển rầm rộ tại Trung Quốc. Các bài tập khí công chủ yếu là phương pháp vận động chậm, thiền và thở có kiểm soát. Người dân theo học khí công nhằm mục đích cải biến sức khỏe của mình. Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công (CQRS), được thành lập vào năm 1985, để giám sát và quản lý phong trào này nhưng dưới sự quản lý của nhà nước Trung Quốc.

Các môn khi công của Trung Quốc (Pháp Luân Công là gì?)
(1) Thái Cực Quyền (2) Dịch Cân Kinh (3) Ngũ Hí Cầm là những môn khí công phát triển ở Trung Quốc trong những năm 1960 (ảnh: tổng hợp Internet).

Pháp Luân Công là do Đại sư Lý Hồng Chí sáng lập. Bản thân Đại sư sau nhiều năm tu luyện đã đạt đến công phu thượng thừa. Từ năm 1984 – 1990, là giai đoạn Đại sư nghiên cứu các động tác, truyền dạy cho một số đệ tử; quan sát kết quả đạt được trong thời gian ngắn tu luyện để đảm bảo không sai sót; chuẩn bị chu đáo việc hồng truyền Pháp Luân Công.

Sau khi nghiên cứu kỹ hiệu quả tuyệt vời và công nhận Pháp Luân Công là môn khí công trực thuộc Hiệp hội Khoa học Khí công Trung Quốc. Ngày 13/5/1992, Đại sư Lý đã giới thiệu ra công chúng tại thành phố Trường Xuân.

1.2. Quá trình phát triển

5 bài tập đơn giản của Pháp Luân Công
5 bài tập đơn giản của Pháp Luân Công

Ngay những khóa giảng đầu, số người trực tiếp tham dự đã thu được lợi ích tuyệt vời về sức khỏe. Người truyền người, số người đến tham dự ngày một đông. Từ con số mấy chục, mấy trăm, dần dần lớp học lên đến vài nghìn người tham dự.

Từ năm 1992 – 1994, Hiệp hội khí công địa phương mời Ngài Lý giảng khắp Trung Quốc. 56 khóa học đã được tổ chức, nhiều nhất là Bắc Kinh có 13 lớp học. Mỗi khóa học kéo dài khoảng mười ngày. Phí đóng từ 40 – 50 đồng cho một khóa giảng, thấp nhất so các lớp khí công khác.

Ngày 13 tháng 3 năm 1995, theo lời mời, Ngài Lý đã đến Paris, thuyết giảng tại Ban Văn hóa của Đại sứ quán Trung Quốc; đánh dấu việc hồng truyền Đại Pháp ra nước ngoài. Sau đó là các khóa giảng tại Pháp, Thụy Điển, Canada, Mỹ, Úc…

Từ năm 1995 – 1999, Ngài Lý truyền rộng Pháp môn của mình ra nước ngoài và được nhiều nước đón nhận. Hoa Kỳ đã vinh danh Đại sư là “Công dân danh dự của Houston” và là “Đại sứ Thiện chí”. Năm 1996, Ngài cùng vợ và con gái định cư tại Mỹ.

Từ sau năm 1999, Ngài không giảng trên diện rộng, chỉ xuất hiện giảng riêng cho các học viên tại các buổi giao lưu tâm đắc. Những bài giảng đó được xuất bản gọi là kinh văn.

1.3. Tôn chỉ hoạt động

Chân Thiện Nhẫn là đặc tính tối cao của vũ trụ mà Pháp Luân Công truyền ra

Pháp Luân Công là gì? Trọng điểm là hướng người học đề cao về mặt tinh thần, giữ gìn, nâng cao đạo đức, đồng thời thực hành các bài tập và thiền định. Nguyên lý chỉ đạo cho việc tu tâm là Chân (真, Zhēn), Thiện (善, Shàn), Nhẫn (忍, Rěn). Đây được coi là bản chất căn bản của vũ trụ, là tiêu chí duy nhất để phân biệt đúng sai, tốt xấu trong xã hội, cũng là biểu hiện cao nhất của Đạo và Phật.

Người tu luyện Pháp Luân Công không phải xuất gia. Họ vẫn có cuộc sống sinh hoạt bình thường nhưng lấy chính cọ sát, mâu thuẫn thường hằng làm môi trường ma luyện tâm tính của mình. Hàng ngày, ngoài công việc sinh sống, họ dành thời gian đọc sách, luyện công. Việc ước thúc tâm tính theo ba nguyên lý: Chân, Thiện, Nhẫn được xem là nền tảng trong việc tu tập.

Các hình thức hoạt động là hoàn toàn miễn phí, công khai. Tu là tự bản thân tu, học viên ngoài tự học, tự tu, tự luyện thì họ tập trung theo nhóm nhỏ cùng học, cùng tập và cùng chia sẻ. Nghiêm cấm thu tiền ở mọi hình thức. Không có hình thức tôn giáo, không người đứng đầu, chỉ đạo, không lôi kéo, lừa gạt… Mọi hoạt động hoàn toàn tự nguyện.

1.4. Sách và nhạc tập

Sách Chuyển Pháp Luân
Sách Chuyển Pháp Luân – Cuốn sách chủ đạo của Pháp Luân Công (ảnh: học viên cung cấp).

Tháng 4/1993, cuốn Pháp Luân Công của Đại sư Lý Hồng Chí được xuất bản và phát hành.

Tháng 9/1994, cuốn băng ghi hình trực tiếp, do đích thân Đại sư hướng dẫn dạy 5 bài công pháp; được Trung tâm Truyền hình Bắc Kinh xuất bản.

Tháng 12/1994, cuốn sách chính Chuyển Pháp Luân của tác giả Lý Hồng Chí đã được xuất bản. Sau đó nhanh chóng được dịch thành nhiều ngôn ngữ. Đến nay chính thức dịch ra 47 ngôn ngữ và được hồng truyền trên 140 quốc gia.

Bộ sách chính của Pháp Luân Công, ngoài cuốn chính chỉ đạo tu luyện là Chuyển Pháp Luân; còn hơn 45 cuốn kinh sách khác, là những bài giảng, trả lời thắc mắc của học viên trong các buổi giao lưu chia sẻ hàng năm.

Xem thêm thông tin nguồn sách và tài liệu tại “Mua sách Pháp Luân Công ở đâu? Hướng dẫn nhận sách miễn phí

2. Tập Pháp Luân Công có tác dụng gì? Tại sao được nhiều người quan tâm?

2.1. Tác dụng tốt đối với sức khỏe

2.1.1. Điều tra tại Trung Quốc

Pháp Luân Công được đông đảo người dân Trung Quốc tập trước năm 1999 (Tập Pháp Luân Công có tác dụng gì? Tại sao được nhiều người quan tâm?)
Người lớn và trẻ nhỏ luyện công ở Trung Quốc vào năm 1998 (ảnh: minghui.org).

Năm 1998, các nhà nghiên cứu y khoa đã tiến hành một cuộc điều tra trên diện rộng đối với số lượng lớn học viên Pháp Luân Công. Qua 5 lần điều tra, thu thập, phân loại từ thời gian tu luyện, độ tuổi, giới tính, loại bệnh, mức độ bệnh… Kết quả, đều cho tỷ lệ khỏi bệnh rất cao sau khi tập luyện.

Ví dụ, tỉnh Quảng Đông, thành phố Bắc Kinh và địa khu Đại Liên. Kết quả điều tra 28.571 học viên, có 23.619 người đã khỏi bệnh và cơ bản bình phục, chiếm 82,7%; 4.616 người đạt chuyển biến tốt, chiếm 16,2%; 336 học viên không chuyển biến, chiếm 1,2%. Nói chung hiệu quả chữa bệnh khỏe người lên tới 98,8%.

Xem báo cáo chi tiết từ trang báo Minh Huệ Net: Pháp Luân Công và những lợi ích sức khỏe

2.1.2. Điều tra tại Đài Loan

Tiến sĩ Hồ Ngọc Huệ thuộc Khoa Kinh tế tại Đại học Quốc gia Đài Loan đã nghiên cứu về tập luyện khí công cải thiện chất lượng sức khỏe như thế nào. Tiến sĩ Hồ đã chọn ra 20% người dân ở thị xã và thành phố cho nghiên cứu của bà. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng sau khi tập luyện Pháp Luân Công, 72% số người sử dụng thẻ y tế của họ một lần trong một năm, giảm gần 50% trong quá khứ.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy Pháp Luân Công có ảnh hưởng quan trọng trong việc giúp đỡ người dân từ bỏ những thói quen không lành mạnh. 81% người được hỏi đã bỏ hút thuốc lá, 77% bỏ rượu chè, 85% bỏ cờ bạc, và 85% cũng hoàn toàn ngưng thói quen nhai trầu. Dữ liệu này chứng minh được vai trò quan trọng và tích cực của Pháp môn trong xã hội đời thường.

Ngoài ra, 33% người được hỏi có xu hướng về thần kinh hay trầm cảm nhưng tỉ lệ này giảm xuống 3% sau khi họ bắt đầu tập luyện.

Học viên Pháp Luân Đại Pháp tham gia diễu hành trong Lễ hội Văn hóa Quốc tế Quận Cương Sơn ở Cao Hùng - Đài Loan ngày 1 tháng 10 năm 2020
Học viên Pháp Luân Đại Pháp tham gia diễu hành trong Lễ hội Văn hóa Quốc tế Quận Cương Sơn ở Cao Hùng – Đài Loan ngày 1 tháng 10 năm 2020 (ảnh: minghui.org).

2.1.3. Điều tra tại Hoa Kỳ

Tại Hoa Kỳ, việc giúp đỡ phụ nữ mãn kinh là một vấn đề quan trọng. Trong khoảng 20 triệu phụ nữ mãn kinh, 6 triệu phụ nữ đã ngưng dùng liệu pháp thay thế hormone HRT. Nhiều phụ nữ lớn tuổi đã có kinh nguyệt trở lại khi họ tập Pháp Luân Công. Triệu chứng này xuất hiện chỉ vừa phải nhưng họ trông trẻ hơn. Khảo sát 723 phụ nữ, 345 người đã mãn kinh, chiếm 47,72%. Trong số những phụ nữ mãn kinh, 68 người được xác nhận là có kinh nguyệt trở lại, và triệu chứng của họ cho thấy sự cải thiện rõ rệt.

2.1.4. Điều tra tại Bắc Mỹ

Một số nhân viên y tế tại Bắc Mỹ đã làm điều tra quy mô nhỏ về sức khỏe học viên. 18 trường hợp có thói quen hút thuốc lá, sau khi tu luyện đã bỏ hẳn thuốc lá. 103 trường hợp có thói quen uống rượu thì 100 người bỏ hẳn rượu sau tập… 224 người tình trạng sức khỏe được cải thiện rất lớn…

2.2. Nâng cao giá trị đạo đức cho con người và xã hội

Ông Trọng Duy Quang (Zhong Weiguang)
Ông Trọng Duy Quang (Zhong Weiguang – ảnh: minghui.org).

Ông Trọng Duy Quang, học giả người Trung Quốc sống ở Đức. Ông đã nghiên cứu Pháp Luân Công nhiều năm. Khi hỏi, Pháp Luân Công là gì? Ông cho biết: “Chân – Thiện – Nhẫn là giá trị cốt lõi mà các học viên tuân theo. Nó không đơn giản là khẩu hiệu cửa miệng. Những hoạt động của họ luôn là tình nguyện. Họ dùng tiền riêng của mình như là một phần của mọi hoạt động họ tham gia. Tôi nhìn thấy bạn bè tôi thay đổi, họ trở nên trong sáng, ôn hòa và vị tha hơn. Chân – Thiện – Nhẫn là lẽ sống, là cuộc sống thật sự của các học viên.”

Các học viên không tham gia chính trị hay đấu tranh vì lợi ích cá nhân. Vì thế họ không bị ảnh hưởng bởi chính trị hay tiền bạc. Đây là sức mạnh của tín ngưỡng và tinh thần. Các học viên phải nói thật và sống thật. Đó chính là bản chất của họ. Thiện và Nhẫn là hoàn toàn đối lập với bạo lực. Sự tồn tại của Thiện và Nhẫn làm tiêu tan những lời dối trá và vu khống. Nó giúp cho đạo đức con người thăng hoa trở lại, quay lại với những giá trị văn hóa truyền thống. Góp phần giúp toàn xã hội hưng thịnh trở lại.

Pháp Luân Công trực tiếp chèo chống và thay đổi chiều hướng xã hội. Ảnh hưởng của Nó sẽ phát triển trong tương lai. Tôi ngạc nhiên khi nhận ra điều này. Tôi ngưỡng mộ Pháp Luân Công. Nhiều học giả trong và ngoài Trung Quốc cũng ấn tượng. Đây là một phép lạ.”

2.3. Đem lại lợi ích kinh tế, chi phí y tế thấp

Phong trao tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc những năm trước 1999
Phong trào tập Pháp Luân Công tại Trung Quốc những năm trước 1999 (ảnh: trithucvn.org).

Việc chăm sóc y tế cộng đồng đã trở thành gánh nặng cho mỗi chính phủ. Vì vậy, giảm chi phí chăm sóc y tế và tăng hiệu quả chữa trị đã trở thành những mục tiêu quan trọng.

Ngoài ra, khi công nghệ y học ngày càng trở nên hiện đại, thì con người ngày càng phụ thuộc vào nó. Họ hy vọng các chuyên gia, máy móc hiện đại có thể giúp họ tránh khỏi bệnh tật… Thực tế, có ít người cân nhắc tìm cách cải thiện bản thân mà hoàn toàn lệ thuộc vào khoa học.  Nói khác đi, con người đã trở nên bê tha.

Pháp Luân Công là gì? Nó rõ ràng là môn tập cung cấp một hệ thống tự chăm sóc có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao và ổn định. Thông qua thay đổi tâm tính, họ có cái nhìn tích cực đối với cuộc sống và sức khỏe. Nói thẳng là họ có trách nhiệm đối với sức khỏe, cuộc sống và thật sự thay đổi hành vi của họ.

Tiến sĩ Hồ Ngọc Huệ (Đài Loan) cho rằng, trong nền kinh tế mà ngân sách chăm sóc sức khỏe bị cắt giảm, thì Pháp Luân Công không chỉ hiệu quả trong việc giảm ngân sách chăm sóc y tế mà còn mang lại hiệu quả to lớn đối với sức khỏe cộng đồng nói chung. Bà mong rằng chúng ta nên ngồi lại với nhau, cùng tìm hiểu hơn nữa về lợi ích sức khỏe của môn này. Bà muốn nghiên cứu chuyên sâu hơn nữa về sức khỏe của các học viên.

3. Tại sao Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc?

Với phân tích ở trên, người ta sẽ không hiểu điều gì xảy ra đối với môn Pháp này. Câu hỏi luôn đặt ra là: “Pháp Luân Công là gì? Rõ ràng là một Pháp môn tốt tại sao lại bị đàn áp?”. Hoặc có những nghi ngờ: “Chẳng biết có tốt không nhưng phải có ẩn khúc gì thì chính quyền mới đàn áp?”…

Bài viết sẽ phân tích dưới góc độ khách quan, nhìn nhận từ phía chính quyền, người dân. Đánh giá công bằng, liễu giải xem tại sao Pháp môn lại bị đàn áp.

3.1. Pháp Luân Công hợp pháp tại Trung Quốc

Tháng 9/1992, Pháp Luân Công được xác định là một trường phái khí công, trực thuộc Hiệp hội Nghiên cứu Khoa học Khí công Trung Quốc, được phép truyền trên phạm vi cả nước.

Điều 36 Hiến pháp nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tuyên bố: “Công dân của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có quyền tự do tín ngưỡng”. Việc tập luyện Pháp Luân Công là không trái với luật pháp ở Trung Quốc, mà việc cấm tập luyện này mới trái pháp luật.

( Tại sao Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc?)
Giám đốc Ủy ban Thể thao Nhà nước đến thành phố Trường Xuân để nghiên cứu tình hình và hiệu quả của Pháp Luân Công
Giám đốc Ủy ban Thể thao Nhà nước đến thành phố Trường Xuân để nghiên cứu tình hình và hiệu quả của Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1998. Báo cáo kết luận có 97,9% cải thiện sức khoẻ, 89,4% tính khí thay đổi tích cực. (Ảnh: minghui.org)

Ngày 22 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân – Tổng bí thư lúc bấy giờ, phát sóng qua đài CCTV; nhân danh Bộ Nội vụ đưa ra “Quyết định cấm đối với Hội nghiên cứu Pháp Luân Công”, “Thông báo về sáu lệnh cấm của Bộ Công an”, và “Thông báo từ Ủy ban Trung ương ĐCSTQ cấm những Đảng viên tập luyện Pháp Luân Công”.

Tuy nhiên, không có cái nào trong ba thông báo trên kết luận là Pháp Luân Công bị cấm bởi Chính phủ Trung Quốc. Các Bộ cũng không cung cấp bằng chứng pháp lý cho các thông báo của họ, nên không có tính chính đáng của pháp luật. Hội nghiên cứu Pháp Luân Công không còn tồn tại kể từ tháng 3 năm 1996, không thể tuyên bố nó là một “tổ chức bất hợp pháp”.

3.2. Những dấu hiệu báo trước cuộc đàn áp

Năm 1996, những dấu hiệu đàn áp đầu tiên từ phía Chính quyền đã xuất hiện. Các sách đã bị cấm xuất bản. Bài báo chỉ trích đầu tiên xuất hiện trên tờ Quang Minh Nhật Báo ngày 17 tháng 6.

Năm 1997, Bộ Công an Trung Quốc thực hiện cuộc điều tra, muốn khép môn này là một “tà giáo”. Cuối cùng kết luận: “Không có bằng chứng nào được tìm thấy cho đến tận bây giờ”.

Từ năm 1998 – 1999, Cảnh sát nhiều lần ngăn cấm học viên luyện công tại các công viên, thậm chí lục soát nhà riêng.

Các phương tiện truyền thông Nhà nước tiếp tục công kích Đại Pháp. Nhiều học viên là các quan chức, người có địa vị, học thức đã viết thư trả lời những chỉ trích hoặc đến thăm, tổ chức thỉnh nguyện ngoài trời tới các tờ báo hoặc đài truyền hình địa phương. Họ giải thích Pháp Luân Công là gì, những hiểu nhầm ở đâu…

45 học viên tại Thiên Tân đã bị bắt và bị đánh đập. Họ được trả lời lệnh bắt đến từ Bắc Kinh, muốn kiến nghị thì lên thủ đô.

25 tháng 4 năm 1999, hơn 10.000 học viên đã tập trung ôn hòa bên ngoài Văn phòng Kháng cáo Trung ương tại Bắc Kinh. Họ yêu cầu thả những học viên bị bắt, bãi bỏ lệnh cấm phát hành sách, tiếp tục được tập luyện… Nhưng Đảng đã kết tội học viên “bao vây” Trung Nam Hải.

Thỉnh nguyên hòa bình 25-04-1999 tại Trung Nam Hải (3.2. Những dấu hiệu báo trước cuộc đàn áp )
Các học viên Pháp Luân Công đứng trên vỉa hè ở phía tây của phố Fuyou – Thỉnh nguyện hòa bình 25-04-1999 tại Trung Nam Hải (ảnh: minghui.org).

3.3. Năm 1999, cuộc đàn áp phi nghĩa chính thức được công khai

Sau lần thỉnh nguyện ngày 25 tháng 4 đến giữa tháng 7, công an mật đã thẩm vấn và theo dõi các học viên trên toàn Trung Quốc. Họ thu thập danh sách để chuẩn bị những bước cuối cùng.

Sau mấy tháng chuẩn bị và biên tạo tài liệu vu khống, Giang Trạch Dân tuyên bố “tôi không tin đảng cộng sản không thể chiến thắng Pháp Luân Công”. Ngày 20 tháng 7 năm 1999, Giang Trạch Dân công khai tuyên bố trấn áp. Chính thức cuộc bức hại đối với toàn dân chúng Trung Quốc. Cuộc khiêu chiến của thuyết vô thần đối với Thần Phật đã chính thức mở màn tại nhân gian.

Giang Trạch Dân, người phát động cuộc đàn áp những người tập Pháp Luân Công (3.3. Năm 1999, cuộc đàn áp phi nghĩa chính thức được công khai)
Cựu Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân, người phát động cuộc đàn áp những người tập Pháp Luân Công (ảnh: TheEpochTimes.com).

Ngay trong ngày, 31 tỉnh và thành phố đồng loạt hành động. Nhiều học viên được cho là những người tổ chức chủ chốt đã bị bắt. Cuộc bắt bớ, giam giữ, đánh đập ngày càng điên cuồng, khốc liệt hơn…

Từ ngày 22 tháng 7 năm 1999, phương tiện truyền thông bắt đầu cuộc tấn công ồ ạt. Đài phát thanh, truyền hình, báo chí dốc toàn lực, thời gian phát sóng tấn công trực diện. Xe tuyên truyền phát thanh đi vòng quanh đường phố, khuôn viên khuyến cáo mọi người rằng tập môn này là bất hợp pháp…

3.4. Hình thức đàn áp Pháp Luân Công

Hình thức đàn áp chính ở 3 phương diện:

1. Bôi nhọ danh dự. Không một học viên nào trên cả nước thoát khỏi đàn áp, bức hại. Những lời xúc phạm, bôi nhọ thanh danh, giảm uy tín, áp lực từ lãnh đạo, người thân, bạn bè… khiến cuộc sống học viên chịu muôn vàn khó khăn…

2. Bức hại thân thể. Cụ thể: đánh đập, sốc điện, đốt bằng bàn là, thuốc lá cháy; còng tay, nhốt hầm nước bẩn; trói cơ thể ở những vị trí đau đớn trong nhiều ngày; ép ăn dung dịch muối bằng đường mũi, đọa thai, cưỡng hiếp và tra tấn tình dục, mổ cướp nội tạng sống trên chính cơ thể còn sống của học viên,…

3. Vắt kiệt tài chính. Vắt kiệt tài chính là một trong những chính sách thâm hiểm nhất của chính quyền Trung Cộng. Mục đích là hủy tận gốc Pháp Luân Công.

Xem thêm: Trung Quốc đàn áp Pháp Luân Công – Sự thật đang dần sáng tỏ

3.5. Những lý do giải thích cho cuộc đàn áp dưới góc độ chính quyền

Việc mổ cướp nội tạng theo lệnh của Giang Trạch Dân
Việc mổ cướp nội tạng những người tu luyện Pháp Luân Công được thực hiện theo lệnh của Giang Trạch Dân (ảnh: tansinh.org)

3.5.1. Phát triển quá nhanh về số lượng

Chỉ trong 7 năm (1992 – 1999) Pháp Luân Công truyền ra công chúng, số lượng người tập gần 100 triệu người.  Năm 1999, tờ Tin Tức Hoa Kỳ và Báo cáo Thế giới đưa tin, gọi Pháp môn này là “Tổ chức tự nguyện lớn nhất ở Trung Quốc, thậm chí lớn hơn cả Đảng Cộng Sản”. Đảng viên lúc đó khoảng 65 triệu.

Đảng Cộng Sản Trung Quốc có thể e sợ sự tăng nhanh về số lượng này; sợ rằng nó có thể gặp phải sự cạnh tranh với Pháp Luân Công.

3.5.2. Phát triển độc lập, không theo sự kiểm soát của Đảng

Thực tế, Pháp Luân Công là gì? Nó không có tổ chức hữu hình hay chính quy nào. Các học viên không thu tiền hoặc tính phí, không có người quản lý hay nhân viên, không có hệ thống hội viên, và không có nơi thờ tự, không có các nghi lễ kết nạp… Người tập có thể là bất kỳ ai, miễn là họ thật sự chiểu theo Chân Thiện Nhẫn mà tu tâm. Điểm tập và học thì tùy điều kiện mỗi nơi, cá nhân, theo tập thể hay riêng lẻ… Những người tập có thể tìm thấy ở khắp Trung Quốc và ở mọi tầng lớp xã hội. Họ có thể liên lạc với nhau và tổ chức các hoạt động của riêng mình…

Chính sự độc lập của Pháp Luân Công mà một số lãnh đạo Đảng Cộng sản cho là một mối đe dọa.

3.5.3. Ý thức hệ không giống những gì Đảng đề xướng

ĐCSTQ tuyên truyền, áp đặt chủ nghĩa duy vật, chủ nghĩa Mác – Lê-nin, chủ nghĩa vô thần. Pháp Luân Công với niềm tin vào Phật, Đạo, Thần; bất kỳ ai nếu nghiêm túc tu luyện tâm tính đều đạt tới cảnh giới tuyệt diệu của sinh mệnh. Điều này trái ngược, xung đột với ý thức hệ của Đảng.

Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố: Pháp Luân Công là “đi ngược lại với Đảng Cộng sản và chính quyền trung ương, giảng dạy lý thuyết hoang tưởng, chủ thuyết hữu thần và mê tín phong kiến.”. Đồng thời cũng cho rằng việc tiêu diệt là cần thiết để giữ gìn “vai trò tiên phong và sự trong sạch” của Đảng Cộng sản.

Trớ trêu thay, Pháp môn này với hệ thống niềm tin đang hồi sinh lại tôn giáo truyền thống Trung Quốc, được số lượng lớn đảng viên, các sĩ quan quân đội thực hành. Giang Trạch Dân lo ngại điều đó. Ông ta muốn thanh tẩy chính phủ và quân đội khỏi các niềm tin như thế. Hơn nữa, giá trị Chân Thiện Nhẫn đối ngược với lừa dối, áp bức và bạo lực mà ĐCSTQ đang thực hiện.

3.5.4. Pháp Luân Công là mối đe dọa, nguy hiểm cho xã hội

Những người đứng về phía Đảng có hai cách giải thích cho sự đàn áp. Một là, đó chỉ là lời đồn thổi và bịa đặt bị khuấy động lên bởi những lực lượng thù địch chống Trung Quốc, bởi ban đầu không có đàn áp nào cả. Thứ hai, Pháp Luân Công bị cấm bởi vì nó là một mối đe dọa với xã hội và bất kỳ chính quyền có lý trí nào cũng sẽ làm tương tự.

Thực tế, duy nhất chỉ có Trung Quốc mới cấm Pháp Luân Công. Ngay Đài Loan, nước có nhiều điểm tương đồng về phương diện văn hóa, các quan chức Đài Loan đã hiểu rõ Pháp Luân Công là gì, họ ca ngợi Pháp môn này. Học sinh mà học Pháp Luân Công có thể tính thêm điểm. Môn này được dạy trong nhà tù như là một phần của chương trình cải tạo cho các tù nhân.

3.5.5. Cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4 là lý do đàn áp

Thỉnh nguyện hoà bình ngày 25-4-1999 của 10.000 học viên (3.5.5. Cuộc thỉnh nguyện 25 tháng 4 là lý do đàn áp)
Quang cảnh từ nhiều góc chụp ở buổi thỉnh nguyện hòa bình ngày 25-4-1999 của 10.000 học viên (ảnh: minghui.org).

Cuộc thỉnh nguyện ôn hòa ngày 25 tháng 4 năm 1999 tại Trung Nam Hải của hàng nghìn học viên, nhằm yêu cầu thả người, được tự do tập luyện và phát hành sách. Nhiều người tranh luận rằng, đây là một tính toán sai lầm. Một cuộc trình diễn lớn khiến chính quyền lấy cớ đàn áp.

Chính xác rằng, cuộc thỉnh nguyện này là một diễn biến then chốt. Nó đánh dấu mốc Giang Trạch Dân chính thức chỉ đạo đàn áp.

Tuy nhiên, hình thức đàn áp đã diễn ra trước đó 3 năm. Cụ thể là áp bức cấm xuất bản sách trên toàn quốc. Bước tiếp theo là các phương tiện thông tin của nhà nước viết bài chỉ trích đăng báo. Lực lượng an ninh quấy rối học viên và điểm tập; đỉnh điểm vụ một số học viên ở vùng Thiên Kim bị bắt giữ và đánh đập. Nếu không có sự đàn áp nào diễn ra trước đó, tại sao 10 ngàn người lại phải khiếu nại lên chính quyền để ngừng đàn áp họ?

3.5.6. Sợ nổi loạn giống như các tôn giáo khác

Trong lịch sử Trung Quốc có một số cuộc vận động tôn giáo trở thành bạo lực lật đổ các triều đại. Ví dụ như Khăn Vàng thời nhà Hán, các giáo phái Bạch Liên, Thái Bình và Nghĩa Hòa Đoàn nổi lên vào triều đại nhà Thanh.

Theo diễn hóa của tư duy logic, nhiều người sợ rằng Pháp Luân Công có thể sẽ chuyển từ ôn hòa sang bạo lực hoặc nổi loạn giống trong quá khứ. Theo kiến giải này, lãnh đạo Đảng nhìn thấy và nghi ngại.

Mọi so sánh đều là khập khễnh và giới hạn. Chúng ta tưởng là vậy nhưng sẽ không là vậy. Pháp môn này có nổi loạn hay không thì cần quay trở lại hiểu rõ Pháp Luân Công là gì? Cái gốc của Pháp môn này là tu luyện, buông bỏ danh, lợi, tình, không màng chính trị và đặc biệt từ chối bạo lực.

Sau khi cuộc đàn áp diễn ra tàn khốc, Pháp Luân Công đã trở lên đối lập với ĐCSTQ. Các hoạt động của các học viên chỉ nhằm mục đích kết thúc cuộc đàn áp phi nghĩa, đẫm máu trên những con người vô hại và lương thiện. Các tác phẩm của ông Lý; và những quan điểm được bày tỏ của các học viên ở Trung Quốc và hải ngoại đã làm sáng tỏ họ không quan tâm tới việc dành lấy quyền lực chính trị ở Trung Quốc.

3.5.7. Đàn áp là theo quy luật lặp lại nhiều lần nhằm thống trị

Không riêng Pháp Luân Công, từ khi ĐCSTQ thành lập, nó đã tiến hành nhiều cuộc vận động, thanh trừ trên quy mô lớn đối với tất cả tầng lớp nhân dân, các tín ngưỡng tôn giáo,… Ví như vụ thảm sát Thiên An Môn, đàn áp Phật Giáo, Tây Tạng, người Ngô Duy Nhĩ,…

Nó lặp đi lặp lại luật 95-5. Nghĩa là, 5 là một nhóm nhỏ kẻ thù đang bị nhắm tới. Còn 95% là tốt, sẽ không bị ảnh hưởng chừng nào họ tách khỏi 5% xấu kia. Vậy, nhóm 5% bị nhắm tới kia sẽ nhanh chóng bị xa lánh. Bạn bè, đồng nghiệp, thậm chí người thân trong gia đình cũng vội đi theo 95% kia để tránh bị đàn áp. Thâm độc ở chỗ nhóm 5% kia liên tục thay đổi. Đầu tiên là nhóm người giàu và gia đình của họ; sau là nhóm trí thức cao trong xã hội; nhóm dân chủ, nhóm tín ngưỡng, nhóm thiểu số…. và giờ là nhóm Pháp Luân Công.

5% tưởng là ít nhưng trải qua nhiều thập kỷ, hỏi bất kỳ người dân Trung Quốc nào, không bản thân thì người nhà, họ hàng, bạn bè không trải qua đàn áp. Một nỗi sợ kín bao bọc lấy người dân Trung Quốc…

3.6. Sự thật của cuộc đàn áp nằm ở một người – đây là yếu tố quyết định

Đàn áp học viên Pháp Luân Công tại Thiên An Môn. (Pháp Luân Công là gì? Tại sao bị cấm và đàn áp ở Trung Quốc?)
Đàn áp học viên Pháp Luân Công tại Thiên An Môn – Phòng 610 là văn phòng được phép hoạt động vượt trên luật pháp nhằm mục tiêu tiêu diệt Pháp Luân Công (ảnh: minghui.org).

Tất cả các lãnh đạo cấp cao của ĐCSTQ đều biết Pháp Luân công là gì, là môn tập tốt. Phu nhân của bảy vị Thường ủy và của Giang Trạch Dân cũng tập luyện lúc đó.

Cuộc thỉnh nguyện ngày 25/4, thủ tướng Chu Dung Cơ đã thực hiện một giải pháp hòa giải. Giang đã chỉ trích Thủ tướng “quá mềm yếu”. Trong bức thư, ông ta bày tỏ sự lo ngại về quy mô, số lượng, mức độ phổ biến, nhất là nhiều thành viên cấp cao của Đảng cũng tập luyện. Ông ta nói: “Diệt sạch, diệt sạch, kiên quyết diệt sạch!. “Tiêu diệt Pháp Luân Công trong 3 tháng”…

Quyết định của ông ta lúc đó không nhận được sự ủng hộ từ các lãnh đạo cao nhất của Đảng. Tuy nhiên, vì sự ràng buộc chính trị nên cuối cùng cả hệ thống cấp dưới phải tuân theo. Bàn tay của bao nhiêu con người phải nhúng máu, gây nên cuộc đàn áp chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Tại sao Giang lại làm vậy? Chẳng phải vấn đề ở chính ông ta. Nhà phân tích Willy Lam đưa ra 2 lý do. Một là, có nhiều bằng chứng cho thấy sự ghen tỵ cá nhân đối với nhà sáng lập Lý Hồng Chí và với Pháp Luân Công. Thứ hai, Giang có thể lợi dụng chiến dịch này để “tăng cao lòng trung thành với chính Giang” và dùng thủ đoạn để đạt được lợi ích về mặt chính trị (xem báo cáo của CNN).

4. Hiện nay cuộc đàn áp còn diễn ra tại Trung Quốc không?

4.1. Chuyển từ công khai sang bí mật

Ký giả Peter Beaumont người Anh đăng trên tờ báo “Người lính gác” (18/7/2009): “Sau mười năm, cuộc đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ từng là một màn trình diễn công khai nay đã đi theo một chính sách ngầm.”

Vì sao? Nó đã công khai hết mức rồi, không thể công khai được nữa. Năm 2001, nó dàn dựng lên “vụ tự thiêu Thiên An Môn”. Nó đã lừa gạt được rất nhiều người và đẩy cuộc bức hại gia tăng. Tuy nhiên, nó không thể che đậy mãi. Khi phân tích, nhiều người đã nhìn ra sự thật cuộc bức hại nên nó phải đổi hướng.

Đầu năm 2003, cuộc đàn áp theo chiến lược mới là ‘lỏng lẻo bên ngoài chặt chẽ bên trong’. Biến cuộc bức hại từ công khai thành một chương trình bí mật. ĐCSTQ gọi đó là ‘cuộc chiến không khói súng’.

Mục đích là cố che đậy cuộc bức hại, hướng sự chú ý của dân chúng sang hướng khác. Cuộc bức hại này hành động hoàn toàn ngoài vòng pháp luật. Nó không đúng với Hiến pháp Trung Quốc cũng như tiêu chuẩn Tây Phương. Khi đề ra tiêu diệt trong vòng ba tháng nhưng đã qua hơn bốn mươi lần ‘ba tháng’. Vậy nên nó phải tránh đi sự chú ý của dư luận, nếu không nhiều người sẽ đứng lên phản đối.

ĐCSTQ tiếp tục lừa gạt công chúng. Nó tuyên bố rằng cuộc bức hại đã ‘thành công’, đã đánh bại và Pháp Luân Công đã biến mất tại Trung Quốc. Chính sách đàn áp mới này đang bao phủ lên một màn bí mật thật sự…

4.2. Các vụ bắt bớ, quấy rối, bỏ tù, mổ cướp nội tạng vẫn diễn ra

Dù bộ máy chính quyền có thay đổi nhưng nó không hề lơi là đàn áp. Trên trang Minh Huệ Net, vẫn ngày ngày đăng tải, tổng kết số liệu, tên tuổi học viên bị quấy rối, bắt bớ. Hình thức bắt cóc, xét xử, kết tội giam bất hợp pháp vẫn luôn diễn ra theo từng đợt. Trong tù vẫn diễn ra tra tấn, ngược đãi,… Mổ cướp nội tạng vẫn diễn ra khi nhiều cái chết bất thường của học viên, người nhà không tiếp cận được xác…

Ví dụ, phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc cho biết: ngày 2 tháng 6 năm 2021, hàng trăm cảnh sát được điều đến thành phố Giao Châu để bắt giữ ít nhất 16 học viên.

Bà Cao Tu bị bắt, bị lục soát nhà vào khoảng 11 giờ trưa. 3h chiều, ông Hoàng Cường, ông Quý Mộc, bị bắt khi đang đến thăm bà Cao. Bà Tống Kế Hoa bị bắt vào buổi chiều, bị lục soát nhà. Bà Vương Thụy Liên, Vương Thụy Lan bị bắt vào khoảng 5h chiều. Máy tính xách tay, máy in của họ đều bị tịch thu…

Những báo cáo như vậy được gửi về hàng ngày, trang Minh Huệ cập nhật liên tục. Việc bức hại vẫn đang ngày ngày diễn ra, bất chấp dịch bệnh đang hoành hành tại Trung Quốc.

Xem thêm: Mổ cướp nội tạng: Giết người lấy tạng ở Trung Quốc và âm mưu xuất khẩu tội ác của Bắc Kinh

5. Các học viên đáp trả như thế nào?

Cách đáp trả của tất cả các học viên từ trong đến ngoài Trung Quốc đều là bất bạo động. Họ từ chối vũ lực suốt 25 năm qua. Họ bền bỉ, ôn hòa, kiên nhẫn, dùng tâm thiện niệm của người tu hành để đáp lại. Hình thức họ đáp trả là: kháng nghị ôn hòa, gửi thư tới nhà cầm quyền; thiền định tại các công viên công cộng hoặc quảng trường Thiên An Môn; nói rõ cho người dân biết, truyền tải thông tin qua kênh thông tin họ thành lập; dán áp phích, tờ rơi, gọi điện cho người trực tiếp bức hại, đệ đơn kiện hợp pháp…

Bên ngoài Trung Quốc, họ thỉnh nguyện tại các đại sứ quán, tòa lãnh sự Trung Quốc; diễu hành, mít tinh, xếp chữ, chia sẻ, tặng tài liệu cho người dân các nước nói rõ chân tướng. Tổ chức các diễn đàn, đưa kiến nghị lên các tổ chức nhân quyền, lãnh đạo các nước; sản xuất các chương trình truyền thanh, truyền hình, báo in, báo điện tử; phát triển các phần mềm giúp người dân Đại lục vượt tường lửa…

4. Hiện nay cuộc đàn áp còn diễn ra tại Trung Quốc không?
Diễu hành 18/04/2021 ở Flushing, New York tưởng niệm 22 năm ngày Học viên Pháp Luân Công bị ĐCSTQ bức hại (ảnh: Larry Dye/The Epoch Times).

6. Người dân Trung Quốc và các nước phản ứng thế nào trước cuộc đàn áp?

6.1. Thái độ của người dân Trung Quốc

Tại Trung Quốc, trong những năm đầu cuộc bức hại, hầu hết người dân đều bị sốc. Họ tránh xa vấn đề này. Người dân đều biết Pháp Luân Công là gì, tốt thế nào cho sức khỏe và xã hội. Nhưng đối mặt với tuyên truyền rợp trời họ quay ra nghi ngờ, kết tội. Số ít người dám nói một tiếng công bằng. Đa số họ sợ, sợ liên lụy hoặc muốn bảo vệ người thân…

Khi cuộc đàn áp bắt đầu, cũng có nhiều người chưa từng nghe đến Pháp Luân Công. Hơn nữa, các sách và tài liệu liên quan đều bị thu, hoặc bị hủy, các website của Pháp Luân Công đều bị chính quyền chặn, phong tỏa. Bằng cách này, chính quyền có thể dễ dàng vu khống khiến người dân không có cách nào kiểm chứng Pháp Luân Công có đúng như những gì chính quyền tô vẽ…

Người dân đại lục chỉ có thể dùng phần mềm vượt tường lửa để tiếp cận được thông tin chính xác bên ngoài. Nhờ đó nhiều người đã minh bạch chân tướng. Họ hiểu ra Pháp Luân Công là gì và có nhiều hành động, lời nói chính nghĩa. Có những luật sư như Quách Quốc Đình, Cao Trí Thịnh đã mất sự nghiệp vì cố gắng bảo vệ Pháp Luân Công. Người Hoa hải ngoại cũng ủng hộ sự đóng góp cho cộng đồng, cho mục tiêu tự do ở Trung Quốc của Pháp môn.

Luật sư Cao Trí Thịnh, người đã trở thành đối tượng mục tiêu của chính quyền Trung Quốc vì ủng hộ mạnh mẽ các học viên Pháp Luân Công bị bức hại. Ông được thả vào ngày 07 tháng 08 năm 2014, sau ba năm bị cầm tù.
Luật sư Cao Trí Thịnh, người đã trở thành đối tượng mục tiêu của chính quyền Trung Quốc vì ủng hộ mạnh mẽ các học viên Pháp Luân Công bị bức hại. Ông được thả vào ngày 07 tháng 08 năm 2014, sau ba năm bị cầm tù.

6.2. Phản ứng của các nước trên thế giới

Trên thế giới, nhiều chính phủ, tổ chức nhân quyền đã lên án cuộc đàn áp. Chính phủ Mỹ đã bày tỏ rõ vị trí đối lập của mình đối với cuộc đàn áp. Hạ nghị viện Mỹ thông qua nghị quyết 218 (năm 1999), Nghị quyết 188 (năm 2002) lên án cuộc đàn áp và kêu gọi ngay lập tức thả các học viên bị bắt… 

Pháp Luân Công là gì? Vẻ đẹp của Chân Thiện Nhẫn được lan rông trên 140 quốc gia
Vẻ đẹp của Pháp Luân Công được lan rộng trên 140 quốc gia, thu hút được đông đảo quần chúng tham gia tu luyện (ảnh: minghui.org).

Năm 2004, Hạ nghị viện cũng thông qua một nghị quyết lên án sự nỗ lực của Đảng nhằm vươn ra hải ngoại. Tại các cuộc mít tinh lớn, các thành viên của Quốc hội trên toàn trường chính trị cũng đã lên tiếng thẳng thắn về sự tàn bạo đối với các học viên ở Trung Quốc. Họ gửi thư cho các lãnh đạo Đảng Cộng sản, hỗ trợ các vụ kiện của học viên, và hành động để cứu các học viên người Mỹ bị giam giữ ở Trung Quốc.

Tại các nước Châu Âu, Châu Úc, Canada và các nước khác cũng có nhiều hành động tương tự.

Tại Việt Nam, cũng có nhiều thông tin trái chiều. Luật pháp không quy định cấm tập, các học viên được tập luyện tự do. Tại các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM,… người dân theo tập rất đông. Pháp Luân Công là gì? Có phải tà đạo như tuyên truyền? Và vì sao nó bị đàn áp? Nhiều người minh bạch, họ hoàn toàn ủng hộ và theo tập…

x