Nhân sinh cảm ngộ

Nguồn gốc câu thành ngữ “Tái Ông thất mã”

18/12/22, 19:08
Họa có thể biến thành phúc, và phúc có thể trở thành họa; mọi chuyện đều có nguyên nhân mà không thể xét đoán dựa trên biểu hiện bề mặt
Họa có thể biến thành phúc, và phúc có thể trở thành họa; mọi chuyện đều có nguyên nhân mà không thể xét đoán dựa trên biểu hiện bề mặt (ảnh: Internet).

Thành ngữ “Tái Ông thất mã” được dùng để an ủi người đang gặp khó khăn. Họa có thể biến thành phúc, và phúc có thể trở thành họa.

Đằng sau mỗi câu thành ngữ đều chứa đựng một câu chuyện, một giai thoại sâu sắc và ý nghĩa, là tinh hoa của văn hóa cổ đại. Thành ngữ “Tái Ông thất mã” gắn với câu chuyện mất ngựa của một ông lão nhưng lại hàm chứa nhiều triết lí thâm sâu.

Thành ngữ “Tái ông thất mã” gắn với câu chuyện mất ngựa

Nghĩa Hán Việt: Tái là “cửa ải”, Ông là “ông lão, ông già”, Tái Ông là “ông già sống gần biên ải”. Tái Ông thất mã là một câu chuyện đầy kịch tính và hết sức thú vị. Nó trở thành một bài học rất đáng chiêm nghiệm và suy ngẫm trong cuộc đời. Thành ngữ “Tái Ông mất ngựa” có xuất xứ từ Trung Quốc.

thành ngữ tái ông thất mã
Tái Ông thất mã là một câu chuyện đầy kịch tính và hết sức thú vị (ảnh: Shutterstock)

Hoài Nam Tử là một trong những bộ sách quan trọng của Đạo giáo Trung Quốc do Hoài Nam Vương Lưu An đã tập hợp các học giả lại để biên soạn. Hoài Nam Tử có nhiều điểm tương đồng với các quan niệm về triết học tự nhiên của các triết gia Hy Lạp cùng thời, cùng với Đạo Đức Kinh và Nam Hoa Kinh tạo nên hệ thống quan điểm của Đạo giáo.

Sách Hoài Nam Tử có chép một câu chuyện gắn với thành ngữ “tái ông mất ngựa”, câu chuyện để lại nhiều bài học giá trị.

Câu chuyện ông lão mất ngựa

Ngày xưa có một ông lão sống ở biên giới phía Bắc Trung Quốc giáp với nước Hồ (tái ông). Ông có nuôi một con ngựa. Một hôm, ngựa của ông bỏ chạy sang địa phận nước Hồ, mọi người xung quanh đều đến chia buồn với ông, nhưng ông lại bảo:

Biết đâu lại có chuyện tốt đến.

Không lâu sau con ngựa của ông trở về và còn dẫn theo một con ngựa cao lớn, mạnh mẽ của nước Hồ. Mọi người đến chúc mừng ông, nhưng ông lại nói:

– Có lẽ nó sẽ dẫn đến tai họa cũng nên.

Quả nhiên, con trai ông lão vốn rất thích cưỡi ngựa nên đã cưỡi con ngựa to khỏe nước Hồ,cuối cùng bị ngã gãy xương và bị què chân. Lúc này hàng xóm lại rối rít đến thăm nom, nhưng ông lại nói rằng:

– Biết đâu nhờ họa mà lại được phúc.

Một năm sau, quân Hồ tràn sang gây chiến tranh và những người trẻ tuổi trong vùng hầu như đều chết trận. Thế nhưng con trai ông lão vì què chân nên được miễn đi lính và cuối cùng may mắn thoát chết.

Thành ngữ “Tái ông thất mã ” hàm chứa nhiều triết lí

Ngựa Tái Ông được dùng nói tới cả phúc lẫn hoạ

Trên thực tế, khi nói tới Tái Ông mất ngựa thì dân gian muốn giả định có một tai hoạ đã xảy ra với một ai đó và đừng lấy đó mà quá buồn đau, sầu thảm. Sự đời công bằng sẽ trả lại cho ta điều tốt lành. Cách nói này trở thành lời động viên, an ủi người gặp nạn.

thành ngữ tái ông mất ngựa
Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên bắt chước tái ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống (ảnh: Pixabay).

Dĩ nhiên, cũng có trường hợp ngược lại may thành rủi. Có lẽ trong ý thức của người Việt Nam chúng ta, trước tai hoạ của người khác, người ta thường dành những lời an ủi, động viên giúp anh em bạn bè tự tin vượt qua sóng gió. Đó là một nét đẹp cộng đồng mang tính nhân văn:

Tái Ông mất ngựa? Đừng lo
Dịp may đang đến, đang chờ ngoài kia..

Thản nhiên trước những biến đổi trong cuộc sống

Hai điều họa phúc cứ xoay vần với nhau, khó biết được, nên khi được phước thì không nên quá vui mừng mà quên đề phòng cái họa sẽ đến; khi gặp điều họa thì cũng không nên quá buồn rầu đau khổ mà tổn hại tinh thần. Việc đời, hết may tới rủi, hết rủi tới may, nên học theo Tái Ông mà giữ sự thản nhiên trước những biến đổi thăng trầm trong cuộc sống.

Thành ngữ “Tái Ông thất mã” được dùng để an ủi người đang gặp khó khăn. Họa có thể biến thành phúc, và phúc có thể trở thành họa; mọi chuyện đều có nguyên nhân mà không thể xét đoán dựa trên biểu hiện bề mặt.

x