Nhân sinh cảm ngộ

Người thực sự thông minh sẽ không đối đầu với người khác

07/04/21, 07:40
Người thực sự thông minh sẽ không đối đầu với người khác
Người thực sự thông minh sẽ không đối đầu với người khác (ảnh Adobe Stock)

Khi bạn muốn sửa hay thay đổi người khác thì thực ra bạn đang gặp rắc rối với chính mình. Kinh nghiệm của mỗi người là khác nhau; hoàn cảnh sống khác nhau; bạn không nên mong đợi người khác sẽ hiểu mình; cũng đừng ép bản thân phải đi hiểu người khác; tốt nhất là nên tôn trọng sự khác biệt. Những người thực sự thông minh sẽ không bao giờ đi đối đầu với người khác.

Để cho người khác cảm thấy thoải mái là thể hiện trình độ giáo dưỡng cao

Nhà tâm lý học nổi tiếng người Mỹ Daniel Gorman cho biết: “Mức độ thoải mái mà bạn tạo ra cho người khác sẽ quyết định độ cao mà bạn có thể đạt tới”.

Trong cuộc sống chúng ta thường gặp những tình huống như sau: Ở bến xe, thỉnh thoảng có người nhảy vào xếp hàng, nói năng ồn ào, không phân biệt người già trẻ em trong hàng; trên tàu, bạn mua một vé gần cửa sổ, nhưng khi tới thì thấy có người ngồi mất mà không chịu đổi chỗ; trong thư viện có ai đang xem video trên điện thoại và nói quá to…

Thói quen sinh hoạt của bản thân có thể làm ảnh hưởng đến cảm xúc của người khác và khiến họ khó chịu. Bề ngoài bạn có thái độ “làm theo cách của riêng mình” và cũng cảm thấy rất tự do; nhưng thực chất là bạn đã làm mất lòng người khác và tạo thành một tấm gương xấu. Ai cũng có tính cách riêng, nhưng bạn không thể chọc giận người khác chỉ vì tính cách của mình. 

Người có giáo dưỡng thông thường sẽ biết cách nhập gia tùy tục; luôn biết cách hòa hợp với môi trường xung quanh. Chỉ như vậy thì bạn mới có thể dung hòa được với tập thể và công việc mới có thể thuận lợi.

Người có giáo dưỡng sẽ không bao giờ đi tranh chấp với người khác. Nếu thấy người khác vô lý thì sẽ im lặng và để cho họ thắng. Để cho mọi thứ thuận theo tự nhiên, khiến cho người khác cảm thấy thoải mái. Trong giao tiếp thì cứ ‘lùi một bước biển rộng trời cao’. 

Lùi một bước biển rộng trời cao
Lùi một bước biển rộng trời cao (ảnh Adobestock)

Đối đầu với người khác cũng chính là đang ‘bắt lỗi’

Có một câu chuyện như sau: Một người phụ nữ vào chùa dâng hương. Cô đột nhiên phát hiện ra vài mảnh sơn đã rơi ra khỏi cơ thể của bức tượng Bồ Tát.

Cô liền nói với một vị tăng nhân trong chùa: “Nhìn xem, sơn trên người Bồ Tát đã rơi ra, làm sao có thể ban phước cho người khác được?”

Vị tăng nhân nói: “Chỉ cần giữ Bồ Tát ở trong tâm là tốt rồi. Trong tâm có Phật thì ai cũng có thể trở thành Phật được”. 

Người phụ nữ đáp lại ngay: “Ông chỉ giảo biện, đây chính là phá hỏng phong thủy trong chùa. Mấy ngày nữa phải nhanh chóng tìm người và sửa lại tượng Bồ Tát ngay; phải làm như vậy mới đúng”.

Người phụ nữ cứ dây dưa mãi, khiến vị tăng nhân cũng đành phải thôi, không tranh luận nữa. Thế nhưng người phụ nữ vẫn chưa buông tha, còn bắt vị tăng nhân phải nhận sai.

Nếu bạn đối đầu với người khác thì chính là đã bỏ hạt cát vào trong mắt của mình, càng dụi càng thấy đau.

Người thực sự thông minh sẽ không đi đối đầu với người khác; dù có nhìn thấy khuyết điểm của người khác thì cũng tùy thời mà nói, tùy người mà nói nặng nhẹ khác nhau; luôn tạo cho người khác cảm giác thoải mái.

Đánh người không đánh vào mặt, nói người không nói tuyệt tình. Một người không chịu buông tha cho người khác thực ra là trong tâm có sự oán hận; mượn cớ là nói người nhưng lại chính là đang xả cơn nóng giận trong tâm.

Đánh người không đánh vào mặt, nói người không nói tuyệt tình
Đánh người không đánh vào mặt, nói người không nói tuyệt tình (ảnh Adobestock)

Không đối đầu với người khác là thể hiện EQ cao

Ở nơi làm việc thì IQ quyết định việc bạn có được tuyển dụng hay không, nhưng EQ (trí tuệ cảm xúc, khả năng giao tiếp) lại quyết định bạn có được thăng chức hay không.

Dù bạn có giỏi đến đâu nhưng nếu bạn không biết cách xử sự thì bạn sẽ không được sếp đánh giá cao và đồng nghiệp sẽ khó chịu khi nhìn thấy bạn.

Nói năng hợp lý, làm điều đúng đắn, nghĩ về những điều nên nghĩ. Đối với những lời nói của người khác thì bạn phải tăng cường khả năng ‘miễn dịch’; đừng tỏ ra quá khích. Đối với lời nói của mình thì bạn càng nhẹ nhàng càng tốt; và càng ít nói thì càng ít gây chuyện.

Trong giao tiếp đừng quá khắc nghiệt, bạn nghiêm khắc với người khác cũng là tự bó buộc chính mình. Bạn càng ra điều kiện cho người khác thì thế giới của bạn càng nhỏ hẹp; cho tới một lúc bạn mới nhận ra không còn ai ở bên cạnh mình hết.

Nhìn thấy lỗi sai của người khác cũng đừng vội bắt bẻ; hãy cứ im lặng và quan sát một chút; nhìn thấu và cảm thông cho đối phương. Khi thiện tâm xuất hiện thì bạn sẽ biết điều gì nên nói và điều gì không; hoặc là giữ im lặng chờ một thời điểm thích hợp hơn. 

Khi để tình huống đối đầu xảy ra thì chính là bạn đã khuyết thiếu trí huệ; dù cho bạn có lấy lý do là muốn tốt cho người khác nhưng sâu trong thâm tâm vẫn là sự tranh đấu và oán hận. Luôn khiến cho người khác thoải mái cũng là thể hiện của một người có tu dưỡng. 

Theo Aboluowang

x