Khi bàn chuyện hôn nhân, chúng ta nên xem trọng điều gì? Là tính cách, đức hạnh hay là gia thế và tình trạng kinh tế của đôi bên?
Gia cảnh nghèo khó của Kim Sĩ Tùng
Vào triều đại nhà Thanh, dưới thời Gia Khánh, có một vị quan tên là là Kim Sĩ Tùng, là người vùng Ngô Giang, tỉnh Giang Tô. Năm Càn Long thứ 25 (năm 1760), ông đỗ tiến sĩ, từng đảm nhiệm nhiều chức vụ tại Nội các học sĩ, Bộ lễ, Bộ binh, Lại Bộ thị lang, sau làm tới chức quan nhất phẩm Thượng thư Bộ binh. Sau khi qua đời được phong thụy hiệu “Văn Giản”.
Thuở nhỏ, vì gia cảnh nghèo khổ, Kim Sĩ Tùng thường xuyên theo cha ra ngoài học tập. Cha của ông là gia sư cho một gia đình trong huyện.
Có một năm, cha ông dạy học đến tận ngày giao thừa mới nghỉ, gia chủ ngạc nhiên bởi vì hàng năm ông đều nghỉ sớm, bèn hỏi nguyên nhân.
Ông trả lời: “Cuối tháng giêng năm sau, tôi chuẩn bị tìm vợ cho con trai, sợ rằng sẽ trễ việc dạy học nên hiện giờ tranh thủ học trước một chút”.
Ông nói thêm: “Đối với một học giả nghèo thì xử lý hôn sự thật không dễ dàng, chi phí cho sính lễ vẫn chưa được giải quyết, liệu tôi có thể lĩnh trước hai tháng lương được không?”
Gia chủ vui vẻ đồng ý.
Chuyện hôn nhân lỡ dở, nhà gái từ hôn vào phút cuối
Tới ngày dự định, nhà họ Kim chuẩn bị đầy đủ sính lễ, cử hành nghi thức đính hôn, mở tiệc mời khách. Triệu mỗ là người đã mai mối hôn sự này, ông vốn là bạn bè quen biết với Kim lão tiên sinh từ lâu. Sau khi vui vẻ chúc rượu, Triệu mỗ liền mang sính lễ tới nhà cô dâu.
Nhà gái họ Từ, vốn là gia đình giàu có trong vùng. Từ lão gia vừa thấy Triệu mỗ đến, liền thay đổi sắc mặt, tức giận nói: “Suýt chút nữa thì con gái tôi bị ông làm lỡ dở rồi, giờ tôi mới biết Kim gia nghèo khổ như vậy, con gái của tôi sao có thể tới đó chịu khổ như vậy được”.
Triệu mỗ ngạc nhiên nói: “Lúc trước chẳng phải tôi đã trình bày về hoàn cảnh của nhà họ Kim, ông cũng đã đồng ý hôn sự rồi, sao giờ lại nuốt lời như vậy được?”
Từ lão gia vẫn kiên quyết không đồng ý. Lời nói và giọng điệu đều rất gay gắt, nhất định không chịu thương lượng thêm.
Hết cách Triệu mỗ đành phải mang sính lễ về lại Kim gia, cũng đem sự việc hủy hôn nói cho Kim lão tiên sinh nghe. Những vị khách có mặt nghe thấy điều này cũng không biết nói gì.
Cha của Kim Sĩ Tùng cảm thấy hổ thẹn vô cùng, nói: “Việc này không trách Triệu tiên sinh được, ông ấy giúp tôi làm mai mối cũng không lường trước được sự việc này, chuyện này đành để mọi người cười chê rồi”.
Bất ngờ cưới được con nhà họ Triệu
Triệu mỗ cúi đầu suy nghĩ trong chốc lát rồi nói: “Tôi và ông là bằng hữu, tôi có một cô con gái nhỏ, cũng trạc tuổi Sĩ Tùng, giờ tôi muốn gả cho con ông, hai nhà chúng ta làm đám hỏi, ông thấy thế nào?”
Kim lão tiên sinh nghe xong thì vui mừng quá đỗi, lập tức đồng ý. Vì thế liền nhờ khách khứa làm mai mối, đem sinh lễ đến Triệu gia. Sau đó hai nhà tổ chức hôn lễ linh đình.
Kim Sĩ Tùng sau đó chăm chỉ học hành, làm quan đến chức Bộ binh thượng thư, phu nhân Triệu thị cũng được thụ phong làm nhất phẩm cáo mệnh phu nhân. Trong khi con gái nhà họ Từ thì không ai biết đến.
Chu Hy, đại học giả thời nhà Tống, từng dùng lời nói của Tư Mã Quang để nhiều lần khuyên răn mọi người trong “Chu tử gia lễ”:
“Khi bàn chuyện hôn nhân, cần coi trọng phẩm hạnh đạo đức của cả nam và nữ, hơn là gia cảnh, tiền tài. Trước tiên nên xem xét tính cách của đối tượng cùng mức độ gia giáo. Đừng cẩu thả chỉ biết trọng người phú quý. Rể hiền, tuy hiện giờ nghèo khó nhưng biết đâu được sau này lại phú quý? Rể bất tài, hiện giờ dẫu giàu có nhưng ai biết được mai sau sẽ nghèo hèn?”
Theo Bannedbook