Văn hóa truyền thống

Bậc kỳ tài Kỷ Hiểu Lam cả đời lận đận chỉ vì dung mạo xấu xí

07/05/21, 11:24
Bậc kỳ tài Kỷ Hiểu Lam cả đời lận đận chỉ vì dung mạo xấu xí
Kỷ Hiểu Lam là một con người đa tài nhưng dung mạo lại xấu xí (ảnh Sohu)

Kỷ Quân, tên tự là Hiểu Lam, là một danh sĩ nổi tiếng thời nhà Thanh. Ông là một con người đa tài với trình độ học vấn vô cùng uyên bác, văn chương siêu quần. Ông chính là tác giả của tác phẩm nổi tiếng “Duyệt vi thảo đường bút ký”. Thế nhưng nghiệp làm quan của ông lại hết sức thăng trầm; nguyên nhân cũng chỉ vì dung mạo của ông quá xấu xí.

Kỷ Hiểu Lam ngoại hình xấu xí nhưng lại có ‘quý tướng’

Năm 24 tuổi, Kỷ Quân đỗ đầu kỳ thi Hương; 31 tuổi thành tiến sĩ, sau làm việc ở Hàn Lâm Viện.

Sinh thời, vị quan họ Kỷ nổi tiếng trong thiên hạ là người tài hoa phong nhã. Nhưng ít ai biết rằng, vị tài tử ấy thực chất lại sở hữu ngoại hình xấu xí đến nỗi bị Hoàng đế Càn Long chán ghét.

Tương truyền rằng, đời vua Khang Hi nhà Thanh có đại văn hào tên Kỷ Hiểu Lam; tài cao học rộng, giàu sang phú quý, tiếng tăm lừng lẫy; nhưng tướng mạo lại hết sức tầm thường; tầm thường như một tên ăn mày. 

Cùng thời có vị thầy tướng, hết sức bất mãn đối với hiện tượng Kỷ Hiểu Lam. Ông không rõ tại sao tướng của Kỷ Hiểu Lam chỉ giống như hành khất mà sự nghiệp lại là sự nghiệp đại thần nhất phẩm. 

Thầy tướng mới đổi danh đổi họ tìm cách tiếp cận Kỷ Quân; ông xin vào làm gia nhân hầu hạ cho Kỷ Quân; bằng mọi giá phải giải đáp cho được mối hồ nghi của khoa tướng học. 

Cả năm trời đằng đẵng thầy tướng mới có dịp khám phá. Chiều hôm ấy gần giờ lên đèn, Kỷ Quân trong thư phòng đọc sách. Thư phòng tối nhá nhem, thầy tướng thấy đôi mắt của Kỷ Quân rất lạ; nếu người khác đã phải đốt đèn lên mới đọc được, nhưng Kỷ Quân không cần vì mắt của ông như có hai luồng ánh sáng phóng ra; cho nên ông vẫn thản nhiên ngồi đọc. 

Quý tướng cho thấy Kỷ Hiểu Lam không phải là người có căn cơ tầm thường

kỷ hiểu lam và lưu dung; kỷ hiểu lam và hòa thân; vua Càn Long sủng ái ai nhất.
Kỷ Quân có hai quý tướng rất đặc biệt, thể hiện là người xuất chúng (ảnh twgreatdaily)

Thầy tướng bất giác kêu lên “Thật đúng là quý tướng”. Kỷ Hiểu Lam nghe tiếng kêu quay mặt lại; mặt ông vòng ra đằng sau, mắt có thể tự nhìn thấy lưng mình. 

Thầy tướng nói: “Xin đại nhân tha cho. Tôi là thầy tướng, vì thấy tướng mạo đại nhân vốn là tướng hành khất lại ở ngôi vị nhất phẩm; lòng nghi hoặc nên mới giả gia nhân để dò cho ra dị tướng. Nay đã tìm thấy nên kinh động đến đại nhân. 

Đại nhân có hai dị tướng, một là nhãn hữu quang thái – mắt phát ra quang thái; hai là nhãn năng phản cố kỳ bối – quay mắt lại có thể nhìn thấy lưng; cả hai đều là quý tướng”. 

Bề ngoài xấu xí là có nguyên nhân

Trong khi hai người đang nói chuyện thì thân phụ của Kỷ Hiểu Lam ở ngoài bước vào; nghe thầy tướng nói Lam có tướng hành khất, cụ chợt nhớ lại việc cũ. Cụ nguyên là một viên ngoại gia tài to lớn; tâm tính trung hậu ưa làm điều thiện. Nhưng quá 40 tuổi vẫn chưa có con, nên cả hai vợ chồng ngày đêm cầu trời khấn Phật cho mình một người nối dõi. 

Một đêm kia, cụ Kỷ nằm mộng thấy người mặc áo xanh dẫn cụ đến ngôi đền nguy nga để gặp Quan Thánh Đế Quân, ngài bảo cụ: “Nhà ngươi tích thiện lâu đời; nay ta cho vợ chồng ngươi một đứa nhỏ”. 

Nói rồi Quan Thánh Đế Quân đưa cụ ra ngoài vườn; trong vườn có lũ trẻ ăn mày quần áo rách tả tơi đang chơi đùa. Ngài vẫy tay gọi một thằng bé tới vuốt đầu nó giao cho cụ Kỷ. Vừa lúc ấy cụ Kỷ thức giấc. Cùng ngày này phu nhân viên ngoại mang thai sinh ra Kỷ Hiểu Lam.

Đây có thể là nguyên nhân khiến Kỷ Hiểu Lam có dung mạo xấu xí như vậy. Theo sử sách ghi chép lại, Kỷ Hiểu Lam sở hữu ngoại hình “mạo tẩm đoản thị”. Trong đó, “tẩm” là từ dùng để chỉ tướng mạo xấu xí; “đoản thị” là cách gọi khác của mắt cận.

Không chỉ vậy, vị quan họ Kỷ này còn mắc tật nói lắp. Chính những đặc điểm sinh lý khiếm khuyết trên đã khiến Càn Long cả đời “bằng mặt không bằng lòng” với Kỷ Hiểu Lam. Điều này cũng khiến cho ông không được Hoàng đế quá tín nhiệm.

Nghiệp làm quan đầy thăng trầm

vẻ bề ngoài có quan trọng; nhìn bề ngoài đoán tính cách; đừng nhìn bề ngoài
Chỉ vì dung mạo xấu xí mà nghiệp làm quan của Kỷ Quân đầy nốt thăng trầm (ảnh Sohu)

Vận mệnh quan trường của Kỷ Hiểu Lam hoàn toàn do Càn Long nắm giữ. Nổi tiếng là bậc minh chủ, nhưng vị Hoàng đế này lại sở hữu kha khá những sở thích và tiêu chuẩn khác người.

Theo đó, Càn Long lúc sinh thời chỉ thích những người tỉnh táo, nhanh nhẹn, thông minh, giỏi giang; và đặc biệt là phải sở hữu ngoại hình trẻ đẹp.

Những sủng thần, trọng thần của ông như Hòa Thân, Vương Kiệt, Vu Mẫn Trung, Lương Quốc Trì đều từng là những “mỹ nam tử” nổi tiếng một thời.

Bởi vậy, ngay cả khi sở hữu tài năng hơn người, Kỷ Hiểu Lam vẫn không được Hoàng đế coi trọng.

Dưới thời Càn Long tại vị, Kỷ Hiểu Lam từng làm chủ khảo của 2 lần thi Hương, 6 lần thi Hội; 3 lần đảm nhiệm chức Lễ bộ Thượng thư. Trên thực tế, các chức quan này đều ít thực quyền; chỉ mang tính chất “bài trí” trong triều đình.

Có lần, Càn Long phái Kỷ Hiểu Lam tới Đô sát viện để xử án. Do không hoàn thành nhiệm vụ, Kỷ Hiểu Lam đáng lẽ phải chịu phạt. Nhưng Càn Long lại nói: “Lần này phái Kỷ Hiểu Lam tới, hắn vốn chỉ là tên mọt sách; nên ta chỉ có thể trách mắng hắn mà thôi. Hắn không quen chuyện xử án, lại cận thị; phạm sai lầm cũng có thể hiểu được.”

Điều này có thể thấy trong thâm tâm Càn Long không thực sự sủng ái hay trọng dụng Kỷ Hiểu Lam; đồng thời còn có thái độ coi thường ngoại hình của vị quan này.

Lưu danh sử sách nhờ tác phẩm nổi tiếng

duyệt vi thảo đường bút ký; tể tướng lưu gù; mua sách duyệt vi thảo đường bút ký
Tác phẩm ‘Duyệt vi thảo đường bút ký’ của Kỷ Quân (ảnh Goodreads)

Trong cuộc đời làm quan của mình, Kỷ Hiểu Lam từng bị vướng vào vụ án “tiết lộ bị mật” khiến ông bị điều tới vùng biên ải Ô Lỗ Mộc Tề mấy năm. Sau này, Càn Long cần người biên soạn sách nên mới gọi ông về.

Nhiều lần đảm nhiệm chức vị Tổng biên soạn, Tả thứ tử, Binh bộ Thị lang, Tả đô Ngự sử, Lễ bộ Thị lang… nhưng khi nhắc tới nghiệp làm quan của mình, Kỷ Hiểu Lam vẫn không khỏi thở dài cảm thán: “Phù trầm hoạn hải như âu điểu”, ý nói nghiệp làm quan thăng trầm như cuộc đời mòng biển.

Tuy vậy, cũng nhờ hoàn cảnh không mấy thuận lợi, hiểu thấu thói đạo đức giả của con người thế gian, Kỷ Hiểu Lam mới dụng tâm viết bộ tác phẩm nổi tiếng “Duyệt vi thảo đường bút ký”; mượn đề tài ma quái kinh dị hấp dẫn để gián tiếp phản ánh hiện thực xã hội; để lại rất nhiều bài học quý giá cho thế hệ sau.

Tài liệu tham khảo: Tướng mệnh khảo luận – Vũ Tài Lục

x