Nhân sinh cảm ngộ

Đừng bao giờ tỏ ra thông minh hơn người khác

23/12/21, 08:08
Đừng bao giờ tỏ ra thông minh hơn người khác
Bạn có thể thông minh hơn người, nhưng đừng nói ra điều đó với người khác (ảnh minh họa Adobestock)

Nếu bạn tỏ ra thông minh để áp chế ý kiến của người khác thì kết quả đôi khi lại ngược lại, cuộc đối thoại có thể sẽ trở thành một trận chiến một mất một còn.

Tỏ ra thông minh hơn người khác là đang chuốc họa vào thân

Charles Defeier, chính trị gia người Anh ở thế kỷ 19 từng dạy con trai mình rằng: “Hãy thông minh hơn người khác, nhưng đừng bao giờ nói với người khác rằng con thông minh hơn họ”. Triết gia Socrates cũng từng nói: “Bạn chỉ biết một việc, đó là bạn không biết gì cả”.

Bất kể bạn dùng phương pháp nào để chỉ ra sai lầm của người khác: Ánh mắt khinh thường, giọng điệu bất mãn, cử chỉ thiếu kiên nhẫn… nó đều có thể dẫn đến một tình huống khó chịu. Bạn cho rằng anh ta sẽ đồng ý với những gì bạn chỉ ra phải không? Bởi vì bạn đã phủ định trí tuệ và khả năng phán đoán của anh ta, đả kích lòng tự trọng của anh ta; vậy nên anh ta không những sẽ không cải biến góc nhìn của bản thân, mà còn phản kích lại bạn.      

Đừng bao giờ nói những câu dạng như thế này: “Hãy nhìn xem! Bạn sẽ biết là ai đúng ai sai“. Điều này tương đương với việc bạn nói: “Tôi sẽ khiến bạn thay đổi suy nghĩ. Tôi thông minh hơn bạn”. Đây thực sự là một kiểu khiêu chiến; ngay khi bạn còn chưa kịp chứng minh sai lầm của đối phương thì anh ta đã chuẩn bị để nghênh chiến rồi. Tại sao cứ phải gia tăng khó khăn cho bản thân như vậy?

Tỏ ra thông minh; Người tỏ ra thông minh; Đừng cố tỏ ra thông minh
Tự cao tự đại sẽ khó mà thuyết phục được người khác (ảnh minh họa Adobestock)

Đừng làm tổn thương người khác và nói rằng đó là ‘thẳng thắn’

Tôi quen một luật sư trẻ ở New York. Gần đây anh ấy tham gia tranh luận trong một vụ án quan trọng; vụ án liên quan đến một khoản tiền lớn và một vấn đề pháp lý quan trọng. Trong cuộc tranh luận, một thẩm phán Tòa án tối cao đã nói với người luật sư trẻ: “Kỳ hạn truy tố về luật hàng hải là 6 năm phải không?” Luật sư ngẩn người ra một chút, nhìn thẩm phán và nói rằng: “Không! Thưa ngài, luật hàng hải không có kỳ hạn truy tố”

Người luật sư này về sau đã nói với tôi: “Lúc đó trong tòa lập tức yên ắng. Dường như nhiệt độ cũng giảm xuống. Mặc dù tôi nói đúng, ông ta sai; tôi cũng đúng như sự thật mà nói ra. Nhưng ông ta sẽ không vì vậy mà vui vẻ, ngược lại sắc mặt tái xanh, làm cho người ta nhìn mà sợ. Mặc dù pháp luật đứng về bên tôi, nhưng tôi đã phạm phải một sai lầm lớn, ngay trước mặt mọi người mà chỉ ra sai lầm của một người có uy tín và học thức cao”.

Người luật sư này đã mắc phải sai lầm là quá thẳng thắn. Sẽ tốt hơn không nếu như bạn có thể nói: “À, tôi có ý kiến khác, nhưng không chắc là đúng”. Việc này sẽ có tác dụng thần kỳ. Dù là trong trường hợp nào, ai có thể phản đối nếu như bạn nói “Tôi cũng không chắc là đúng” cơ chứ?    

Đừng tỏ ra quá thông minh; Coi thường người khác; Coi thường người khác là gì
Thay đổi thái độ có thể xoay chuyển tình thế (ảnh minh họa Adobestock)

Người khác muốn tìm sự thật, còn bạn chỉ muốn khiêu chiến

Có lần tôi đến thăm Stevenson, một nhà thám hiểm và nhà khoa học nổi tiếng. Ông ấy đã sống ở Bắc Cực được 11 năm. Ông ấy nói với tôi là ông ấy đang làm một thực nghiệm. Tôi mới hỏi: “Ông Stevenson, ông định chứng minh gì từ thực nghiệm này?” Tôi vĩnh viễn sẽ không quên câu trả lời của ông ấy: “Khoa học gia vĩnh viễn sẽ không định chứng minh cái gì cả. Họ chỉ muốn khám phá sự thật mà thôi”

Đây có thể cũng là tâm tư của vị thẩm phán ở trên, ông ấy cũng chỉ muốn tìm sự thật, nhưng người luật sư trẻ lại đáp lại bằng một sự khiêu khích. Chúng ta thường hay độc đoán và thiên kiến; hoặc là cố chấp, tự phụ và tật đố; chúng ta ngại thay đổi quan điểm của mình về mọi thứ.

Người ta bảo vệ ý kiến vì thấy lòng tự trọng bị đe dọa

Giáo sư Robinson đã nói trong cuốn sách “Quá trình hạ quyết tâm” rằng: “Con người sẽ thay đổi suy nghĩ của bản thân một cách rất tự nhiên. Nhưng nếu như có ai nói rằng anh ta sai, anh ta sẽ phát hỏa và trở nên cố chấp với ý kiến của mình. Con người đôi khi cũng hình thành nên suy nghĩ của mình mà không dựa vào một căn cứ nào; nhưng nếu như có người phản đối ý kiến của anh ta, thì ngược lại sẽ khiến anh ta toàn tâm toàn ý mà bảo vệ ý kiến của mình. Không phải là anh ta trân quý những ý tưởng kia của mình, mà là lòng tự trọng của anh ta bị uy hiếp…”

Giáo sư Robinson nói quả thực đúng, chính tôi cũng từng lâm vào tình huống như vậy. Cách đây không lâu, tôi đã nhờ một nhà thiết kế nội thất trang trí rèm cửa cho tôi. Khi hóa đơn đến, tôi sửng sốt vì chi phí vượt xa dự tính của tôi. 

Vài ngày sau, một người bạn đến gặp tôi và hỏi về giá của rèm cửa. Sau khi tôi nói với anh ta thì anh ta nói: “Cái gì? Thật quá đáng! Anh ta lợi dụng cậu rồi! Cậu làm sao mà lại để mắc lừa như vậy?” Tôi có bị thua thiệt không? Quả đúng là tôi bị thua thiệt thật. Nhưng không ai lại sẵn sàng lắng nghe người khác phủ định sức phán đoán của mình. Là một người phàm, vì vậy tôi lập tức tự vệ: “Hàng tốt thì giá cao. Cậu không thể mua được đồ chất lượng cao với giá rẻ”.

Thay đổi thái độ, hoàn cảnh cải biến

Xem thường người khác; Khinh thường người khác là gì; Tự cao tự đại là gì
Suy nghĩ cho cảm xúc của người khác là thể hiện của lòng bao dung (ảnh minh họa Adobestock)

Ngày hôm sau, một người bạn khác đến thăm. Anh ấy khen rèm cửa và tỏ ra thích thú. Anh ấy nói rằng nếu có đủ tiền thì cũng muốn mua rèm cửa như vậy. Nghe vậy thì phản ứng của tôi hoàn toàn khác, tôi nói: “Thành thật mà nói thì giá cao quá, mình cũng chịu không kham nổi; mình rất hối hận vì đã mua cái rèm này”. Tôi thậm chí còn tự hào về sự thẳng thắn của mình. Có thể thấy, nếu đối phương xử lý khéo léo và thân thiện hơn, thì chúng ta sẽ dễ dàng thừa nhận sai lầm của mình.              

Thay vì tỏ ra thông minh, hãy rèn luyện lòng khoan dung độ lượng

Benjamin Franklin, một trong những người lập quốc nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ từng nói trong cuốn tự truyện của mình rằng: 

“Tôi đã đặt ra một quy tắc, không bao giờ phản đối trực tiếp ý kiến của người khác; cũng không cho phép mình độc đoán. Tôi thậm chí không cho phép mình bày tỏ quan điểm khẳng định thái quá bằng văn tự hoặc lời nói. Tôi quyết không dùng những từ như ‘đương nhiên’, ‘không thể nghi ngờ’; mà tôi hay dùng ‘tôi nghĩ’, ‘tôi giả thiết’, hoặc là ‘tôi tưởng tượng’. 

Khi ai đó nói với tôi điều gì đó mà tôi cho rằng không đúng, tôi sẽ không lập tức bác bỏ nó, hoặc lập tức chỉ ra sai lầm của anh ta. Khi trả lời, tôi sẽ biểu thị rằng vào một điều kiện và tình huống nào đó thì ý kiến của anh ta không sai, nhưng trước mắt thì hơi có chút bất đồng. 

Đừng bao giờ tỏ ra thông minh hơn người khác
Benjamin Franklin, một trong những người lập quốc nổi tiếng nhất của Hoa Kỳ (ảnh Adobestock)

Tôi rất nhanh đã nhìn thấy kết quả của việc này. Phàm là khi tôi tham gia đàm luận thì không khí đều rất hài hòa. Tôi cũng khiêm tốn biểu đạt ý kiến của mình, chẳng những dễ dàng được người khác tiếp nhận, mà mâu thuẫn cũng giảm đi rất nhiều.” 

Bạn thấy đó, thay vì tỏ ra thông minh hơn người khác, bạn hãy rèn luyện sự khoan dung, nhẫn nhịn, hiền hòa, kết quả đạt được sẽ tốt hơn rất nhiều.           

Theo Aboluowang

Xem thêm video:

x