Văn hóa truyền thống

Đức Phật nói nhân quả: Gấu cứu người lại bị lấy oán báo ơn

30/03/22, 17:39
Đức Phật nói nhân quả: Gấu cứu người lại bị lấy oán báo ơn
Đề Bà Đạt Đa nhiều lần tìm cách hãm hại Đức Phật (ảnh minh họa Wordpress)

Đề Bà Đạt Đa, em họ của Đức Phật, là người chẳng những không biết ơn mà còn lấy oán báo ơn, kết cục cuối cùng thật là thê thảm.

Đề Bà Đạt Đa đố kị với Đức Phật

Có lần Đức Phật bị cảm khi đang trên đường đi lên núi; vì vậy các đệ tử đã mời một vị thầy thuốc nổi tiếng nhất lúc bấy giờ dùng thảo dược để chế thành thuốc dâng lên cho Đức Phật.

Đức Phật sau khi khỏi bệnh, thuốc vẫn còn dư lại khá nhiều. Vị thầy thuốc hỏi Đức Thế Tôn: “Thế Tôn, thuốc còn dư này nên xử lý như thế nào?” Đức Phật nói: “Đưa cho tăng chúng là được”. Nhưng không ai dám nhận thuốc này.

Lúc này, Đề Bà Đạt Đa (em họ của Đức Phật, từng xin xuất gia với Đức Phật, nhưng chỉ vì lòng đố kị mà về sau lại quay sang phản đối Đức Phật) mới hỏi vị thầy thuốc là có chuyện gì. Vị thầy thuốc nói: “Anh nhìn xem, phần thuốc Thế Tôn uống còn dư; muốn tôi cung cấp cho các tăng nhân, nhưng không ai dám lấy”.

Đề Bà Đạt Đa không đồng ý nói: “Họ không dám nhận, nhưng tôi dám nhận. Thuốc của Đức Phật thì có gì đâu, ông ấy có thể uống bao nhiêu, tôi cũng có thể uống bấy nhiêu”.

Vị thầy thuốc khuyên anh: “Có thể không được, thể lực của Đức Phật mạnh, mà lực tiêu hóa cũng mạnh. Anh muốn uống như Thế Tôn, có thể sẽ không tiêu hóa được đâu”. Đề Bà Đạt Đa không nghe lời khuyên bảo, lấy phần thuốc còn dư uống đúng bằng lượng mà Đức Phật đã uống. Kết quả, vì không tiêu hóa được nên sinh bệnh.

Nhân tâm không bỏ, tự chuốc tai họa

Một ngày nọ, vị thầy thuốc lại mang cho Đức Phật một bát cháo. Đề Bà Đạt Đa biết được nên cũng muốn ăn.

Vị thầy thuốc nói: “Anh còn muốn ăn cháo sao; ngày hôm qua anh uống thuốc còn chưa tiêu hóa được”. Đề Bà Đạt Đa ngang ngược nói: “Cái gì mà không tiêu hóa được? Đức Phật có thể tiêu hóa được thì tôi cũng có thể tiêu hóa được, tôi cũng muốn ăn!” Anh ta lấy cháo ăn vào, ngay lập tức cơ thể không chịu được, đau đớn khó chịu; té xuống đất lăn qua lăn lại, ôm bụng kêu khóc.

Lấy oán báo ơn là gì; Lấy oán báo ơn nghĩa là gì; Lấy oán báo ơn
Đức Phật từ bi vẫn cứu giúp Đề Bà Đạt Đa (ảnh minh họa Wikipedia)

Vào lúc đó, bạn bè của Đề Bà Đạt Đa đã nói với người em trai của ông là A Nan rằng: “Đề Bà Đạt Đa bị bệnh, đau đến lăn lộn trên mặt đất, nên làm sao bây giờ?” A Nan rất quan tâm đến người anh ruột của mình, nên chạy đến chỗ Đức Phật khẩn cầu: “Thế Tôn, anh của con là Đề Bà Đạt Đa sắp chết rồi, xin Đức Phật từ bi cứu anh ấy!”

Đức Phật từ bi gia trì

Đức Phật nghe vậy, lập tức đi đến chỗ của Đề Bà Đạt Đa; trước tiên chạm lên đỉnh đầu gia trì, sau đó ân cần nói với anh ta: “Đề Bà Đạt Đa, ngươi mỗi ngày đều làm hại ta; mà con trai của ta La Hầu La, mỗi ngày đều kính trọng ta. Cả hai người ở trong lòng ta thì đều bình đẳng không phân biệt. Nếu ta xác thực là có tâm bình đẳng này, vậy thì sẽ chân thành gia trì, bệnh của ngươi lập tức sẽ khỏi”. Đức Phật nói xong, bệnh của Đề Bà Đạt Đa lập tức hết.                

Lúc này rất nhiều tỳ kheo đã ở trước mặt Đề Bà Đạt Đa khen ngợi: “Ân đức của Thế Tôn đối với anh rất lớn, là nhờ Thế Tôn gia trì, bệnh của anh mới có thể khỏi được”. Tuy nhiên, Đề Bà Đạt Đa lại oán trách: “Cái gì chứ, tôi sinh bệnh chẳng phải đều do ông ấy hay sao? Nếu không phải là do thuốc của ông ấy thì tôi đã không bị bệnh. Vả lại, tôi bị bệnh thì rồi nó cũng sẽ tự khỏi; việc ông ấy gia trì hay không gia trì thì có liên quan gì?”

Lấy oán báo ân là gì; Lấy oán báo ân nghĩa là gì; Lấy oán trả ơn là gì
Đức Phật giảng về nhân duyên tiền kiếp với Đề Bà Đạt Đa (ảnh minh họa Itcompanion)

Các tỳ kheo nghe thấy vậy liền thưa với Đức Phật: “Thế Tôn, Đề Bà Đạt Đa không biết ơn, cũng không báo ơn”.

Đức Phật nói nhân quả: Con gấu và người tiều phu

Đức Phật nói với các tỳ kheo: “Đề Bà Đạt Đa chẳng những là bây giờ không biết ơn không báo ơn; trước kia đối với ta cũng là lấy oán báo ơn. Đây là chuyện đã xảy ra rất lâu.

Ở trong thành kia có một người nghèo khó mưu sinh bằng nghề bán củi; mỗi ngày lên núi đốn củi. Có một ngày, anh ta trên đường đi lên núi thì bị một con sư tử đang đói bụng đuổi theo. Anh vô cùng sợ hãi. Lúc đó anh nhìn thấy phía trước có một cái cây lớn nên leo lên đó. Khi ngẩng đầu nhìn lên thì lại thấy có một con gấu ở trên cây. 

Người này thầm nghĩ: ‘Dưới đất có sư tử, trên cây lại có gấu, mình lại đứng giữa, hôm này khẳng định là chạy không thoát rồi’. Anh sợ đến phát run cả người.

Con gấu nhìn thấy người này sợ hãi như vậy, lại thấy thương xót, nó an ủi anh: ‘Anh bạn à, không cần phải sợ, tôi có thể bảo hộ cho anh’. Nói xong liền chìa bàn chân gấu ra và kéo người kia lên. Con sư tử thấy vậy vẫn không chịu rời đi, cứ đứng chờ ở dưới gốc cây.

Con gấu liền thương lượng với người kia: ‘Có rất nhiều dã thú như sư tử muốn ăn thịt chúng ta. Hai chúng ta phải luân phiên nghỉ ngơi. Anh ngủ tôi sẽ bảo vệ anh; tôi ngủ thì anh sẽ bảo vệ tôi, giúp đỡ lẫn nhau thì mới có thể an toàn được’. Người kia đồng ý. Đầu tiên anh ta ngủ một giấc thật dài, con gấu đã bảo vệ cho anh”.

Người tiều phu lấy oán báo ơn

“Con sư tử đã đợi dưới gốc cây rất lâu, nên nói với con gấu: “Gấu kia, ngươi tốt nhất thì đem cái người đó bỏ xuống đây. Hắn ta là người tồi tệ không biết báo ơn. Ngươi mang hắn ta ném xuống, ta ăn thịt xong rồi sẽ rời đi, rồi ngươi sẽ được tự do’.

Con gấu nói với sư tử: “Phàm là chúng sinh quy y ta, ta cho dù là bỏ mạng cũng sẽ không bỏ rơi họ’. Lúc này người kia cũng đã tỉnh dậy. Con gấu nói: ‘Anh tỉnh rồi, vậy tôi ngủ đây, anh phải bảo vệ tôi cho tốt’. Người kia đồng ý, con gấu liền ngủ thiếp đi.

Sư tử dưới gốc cây lại tìm cách lừa người kia mà nói: ‘Ngươi tốt nhất là vứt con gấu xuống đây, ta ăn thịt nó rồi sẽ rời đi. Nếu không nó sẽ ăn thịt ngươi đó’. Người này cảm thấy sư tử nói có lý; vì vậy đã thực sự ném con gấu xuống.

Lấy oán trả ơn; Kẻ lấy oán trả ơn; Lấy oán báo đức
Người tiều phu lấy oán báo ơn (ảnh minh họa Shutterstock)

Con gấu lúc sắp rơi vào miệng sư tử thì nói một câu kệ: “Ô hô trong đời này, không có Pháp thật vô cùng đáng sợ; trong đám ác nhân có kẻ hại cả ân nhân’. Nói xong thì gấu bị sư tử ăn thịt, ăn xong nó liền bỏ đi”.

Bị quả báo trở nên điên điên khùng khùng

“Người ở trên cây lúc nghe được câu kệ này, trong miệng cũng liên tục niệm lại câu này. Anh ta hối hận bất an, về sau bị điên, đi khắp nơi hò hét và niệm câu kệ này. Bằng hữu thân thiết của anh ta đi tìm khắp nơi, cho anh ta đi khám bệnh; nhưng đều không biết là bệnh gì. Về sau tìm đến một vị đại tiên có thần thông để hỏi: ‘Anh ta rốt cuộc là bị bệnh gì?’

Vị đại tiên sau khi dùng thần thông quan sát, biết được nguyên nhân, liền nói: ‘Là vì anh ta hại chết một con gấu có ơn cứu mạng đối với anh ta. Lúc anh ta bị sư tử truy đuổi, là con gấu đã cứu anh ta lên cây, lại còn bảo vệ anh ta. Nhưng anh ta lại ném con gấu cho sư tử ăn thịt, đây là quả báo hiện tiền’.

Vị đại tiên nói một bài kệ để gia trì cho anh ta: “Ngươi cũng không giảng lý, lúc sư tử truy đuổi ngươi, gấu đã cứu ngươi; chẳng những không báo ơn, ngược lại còn nộp mạng nó cho sư tử. Nay lấy việc này để báo ứng. Trong kiếp này kiếp sau, thân phải chịu vô vàn khổ nạn’. Nói xong bài kệ thì tinh thần người kia trở lại bình thường, sau đó xin được xuất gia đi theo vị đại tiên”.   

Lấy oán báo ơn, nhận kết cục bi thảm

“Này các tỳ kheo, các con biết không? Con gấu đó chính là ta; còn người tiều phu đó chính là Đề Bà Đạt Đa. Năm xưa anh ta không những không báo ơn mà còn hãm hại ta”.

Về sau Đề Bà Đạt Đa còn nhiều lần tìm cách hãm hại Đức Phật nhưng không thành. Cuối cùng ông ta phải chết trong đau đớn và bị đọa nhập địa ngục.

Kẻ lấy oán báo ơn, tạo nghiệp trong nhiều kiếp, đến khi gặp được Đức Phật vẫn không thể tỉnh ngộ, kết cục bi thảm là điều khó tránh khỏi.

Theo Vision Times

Xem thêm video:

x