Văn hóa truyền thống

Đức Phật mỉm cười hai lần, mới hay sướng khổ đều có nhân duyên

04/04/22, 10:40
Đức Phật mỉm cười hai lần, mới hay sướng khổ đều có nhân duyên
Sướng khổ đời người đều là có nhân duyên sâu xa (ảnh minh họa Mobilibianco)

Đức Phật nói về ba nguyên nhân khiến ngài mỉm cười, đại chúng lập tức hiểu ra sướng khổ buồn vui đời người đều có nhân duyên sâu xa.

Đức Phật mỉm cười hai lần khi đi qua chợ

Trong “Lục độ tập kinh. quyển lục” có chép lại một điển cố kể rằng, một ngày nọ, Đức Phật dẫn các đệ tử đi qua chợ, nhìn thấy một ông lão vừa bán cá vừa than thở: “Ông trời ơi! Rốt cuộc con đã phạm phải điều gì, ông sao lại để con trai của con chết sớm như vậy? Nếu như nó còn sống, có thể giúp con bán cá. Vậy thì con đâu có phải vất vả khổ cực như thế này!”

Đức Phật từ bi nhìn ông lão, khẽ mỉm cười. Một lúc sau, từ khóe miệng Đức Phật sinh ra kim quang ngũ sắc, chiếu sáng ông lão và cả chợ. Trong chốc lát, một con heo lớn khắp người hôi hám chạy qua chợ. Mọi người lúc này đều che miệng và mũi lại. Nhìn thấy cảnh này, Đức Phật lại mỉm cười thương xót. 

Đức Phật mỉm cười hai lần, mới hay sướng khổ đều có nhân duyên
Đức Phật mỉm cười thương xót cho sự mê muội của chúng sinh (ảnh minh họa Vridhamma)

A-nan đứng ở một bên nhìn thấy cử chỉ của Đức Phật như vậy, cảm giác không giống trước đây. Vì vậy đã cung kính xin Đức Phật chỉ dạy: “Thế Tôn từ bi! Vừa rồi ngài nhìn thấy ông lão than thở mà mỉm cười thương xót. Bây giờ nhìn thấy con heo chạy qua, cũng lại mỉm cười giống như vậy, ở đây có nguyên nhân gì đặc biệt không? Xin Thế Tôn từ bi khai thị để giải đáp cho nghi hoặc chung của đại chúng”.

Đức Phật mỉm cười khi nhìn thấy người bán cá

Đức Phật vì vậy đã nói với đại chúng về 3 nguyên nhân khiến ngài mỉm cười:

“Đầu tiên là bất lực trước sự mê muội của ông lão. Hãy suy nghĩ một chút lúc ông ấy ở bên dòng suối bắt cá, khiến cho vô số sinh mệnh mắc lưới phải chết thê thảm, gia đình của những cá tôm này cũng bị phá hoại tan tành, xương thịt nát tan. Vậy mà ông ấy chưa từng vì nỗi khổ của những con cá con tôm này mà sinh chút lòng trắc ẩn nào. Nay con trai ông gặp họa mà chết, lại oán trời trách đất; cảm thán vận mệnh đối với ông không công bằng. Bởi vì nhân duyên này mà mỉm cười!

Tiếp theo, là bởi vì hoàng đế Phi Hành trong quá khứ đã từng rất huy hoàng, có thể hô phong hoán vũ, đến đi tự do, đắc ý mãn nguyện. Vậy mà nay chỉ có thể ở trong cái rổ của người bán cá, không sao kéo dài được chút hơi tàn; ngay cả tính mệnh cũng lo không xong. 

Vị thiên nhân này trong kiếp trước, bởi vì chuyên tu quán ‘không tưởng’, tu thành ‘không định’. Nhưng lại cố chấp vào cái ý nghĩ vượt thoát ra khỏi cái ‘không’; không làm sao trở về bản tâm. Mặc dù sống lâu tám mươi ức bốn ngàn vạn kiếp, nhưng lại không thể tiêu trừ tội nghiệp của chính mình. Khi phúc thọ đã dùng hết, định lực cũng biến mất, vẫn phải chịu khổ luân hồi quả báo!”

‘Họa phúc chỉ là giả tướng tạm thời’

A-nan không hiểu hỏi: “Hoàng đế Phi Hành tôn quý giống như Đế Thích Thiên. Phúc đức sở tu của ông ấy nhiều như vậy, vì sao vẫn không thể miễn đi nghiệp báo?” Con cá ở bên cạnh lúc này hai mắt mở to trống rỗng, như là có chút cảm thán.

Đức Phật mỉm cười hai lần, mới hay sướng khổ đều có nhân duyên
Nếu dùng hết phúc đức thì tai họa cũng sẽ theo đó mà kéo đến (ảnh minh họa Pinterest)

Đức Phật đáp: “Họa phúc kỳ thực chỉ là giả tướng tạm thời, cũng không thể trường cửu! Nếu như bởi vì phú quý kiếp này mà đắc ý mãn nguyện; không biết vun trồng thêm phúc và tu tập thêm tuệ. Ngược lại còn hành động hung bạo, rất nhanh phúc báo sẽ hưởng hết. Lúc đó tự mình sẽ lại chiêu mời vô số tai nạn và tội báo. Nhân duyên quả báo như hình với bóng, như tiếng đáp lại, sẽ không bởi vì giàu nghèo mà có khác biệt!”

Lý do tại sao Đức Phật mỉm cười khi thấy con heo

“Nguyên nhân thứ ba, là vì nhớ lại quá khứ khi hành Bồ Tát đạo, từng có một đời sinh làm một vị đệ tử tam bảo. Mỗi lần ‘lục trai nhật’ (Phật giáo cho rằng nông lịch mỗi tháng có 6 ‘ngày ác’, vì vậy phải ăn chay giữ giới để tu Phúc), sẽ đều đến chùa để nghe giảng kinh pháp, tinh tấn hành đạo không dám lười biếng. 

Bởi vì sùng tín tam bảo, hàng ngày làm theo Phật Pháp, hành thiện không mệt mỏi; lại giữ vững ngũ giới – không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu. Vì vậy cảm thấy được sanh về Phật giới, được Phật thuyết pháp mà xuất gia tu hành. Từ đây đời đời kiếp kiếp phụng trì không lơ là. Vì vậy đức hạnh, phúc tuệ ngày càng tăng lên; thành tựu Phật quả vô thượng.                

Đức Phật mỉm cười hai lần, mới hay sướng khổ đều có nhân duyên
Chúng sinh không tin nhân quả mà tự tạo nghiệp rất nhiều (ảnh minh họa Freeartkh)

Khi đó, người hàng xóm chưa bao giờ tin vào đạo lý ác hữu ác báo, thiện hữu thiện báo; vì vậy cứ trong vô minh mà hành ác. Lại còn cung phụng quỷ thần, làm ra những thứ yêu ma quỷ quái mà hãm hại người khác. Ngày thường rảnh rỗi thì đều nhậu nhẹt ăn chơi, uống rượu giải sầu”.

Nhân quả báo ứng như hình với bóng    

“Từ đó ở trong vòng luân hồi, nơi ta sinh ra đều là nơi thanh tịnh, có thể nghe Phật Pháp mà tinh tấn tu hành, viên mãn Phật quả. Còn người hàng xóm, bởi vì lưu luyến nữ sắc, hoang dâm vô độ, lại không biết hiếu thuận cha mẹ; vì vậy kiếp này mới luân hồi vào ba đường ác, không thể xuất ly, đọa thân làm con heo dơ bẩn!”

Đức Phật mỉm cười vì nhìn thấu nhân duyên mọi sự khổ đau của chúng sinh. Nhân quả báo ứng như hình với bóng, có thể đến muộn nhưng nhất định sẽ báo.

Theo Vision Times

x