Nhân sinh cảm ngộ

Cái khóa – biểu tượng của sự không tin tưởng giữa con người với con người

30/11/21, 19:31

Một cuộc gặp gỡ và trò chuyện giữa hai người xa lạ, một già, một trẻ. Nhưng dường như cả hai đều cùng trăn trở về câu chuyện được gợi mở từ cái khóa…

Cái khóa – hình ảnh đáng xấu hổ của xã hội con người

Tôi già rồi nhiều lúc cũng lẩn thẩn hay quên nên hôm nay quyết định ra đầu phố đánh thêm một chùm chìa khóa dự trữ đề phòng khi thất lạc. Cũng đúng lúc vắng khách nên cậu thợ khóa thao tác một loáng là xong. Tôi đứng dậy vừa gửi tiền vừa khen:

– Cháu làm công việc này cũng thú vị đấy! Rất nhanh còn sáng tạo nữa. Thiết bị, đồ nghề cũng gọn nhẹ. Cháu giỏi lắm!

– Dạ, cũng đâu có gì thú vị ạ. Tuy chân chính nhưng mà cái nghề này nó gắn với một biểu tượng đáng xấu hổ của xã hội đó bác.

– Sao cơ?

– Dạ, cái khóa chính là một hình ảnh biểu tượng cho sự không tin tưởng nhau giữa con người với con người.

Cái khóa - biểu tượng đáng xấu hổ của xã hội con người
Dường như là cái khóa khi xuất hiện càng nhiều thì niềm tin giữa con người dành cho nhau ngày càng trở nên ít đi (ảnh: internet).

Bước ngoặt trở thành thợ khóa

Tôi thật sự ngạc nhiên khi nghe câu nói này nên đã ngồi xuống nghe chuyện. Nhìn kỹ thì cậu thợ khóa còn khá trẻ, có vẻ thư sinh, hơi đen, có lẽ do cả ngày làm việc phải đứng ngoài nắng gió.

– Cháu làm thợ khóa được bao lâu rồi?

– Dạ, được ba năm rồi bác ạ.

– Trước đó thì cháu làm gì?

Cậu thanh niên có vẻ ấp úng:

– Dạ…dạ…con dạy học.

Tôi lấy làm lạ.

– Cháu dạy môn gì? Mà sao lại không tiếp tục nghề giáo?

– Dạ, con dạy sử cấp ba. Nhưng vì bị viêm thanh quản, nói tiếng khao khao như thế này; chạy chữa không hết mà cũng không muốn nhà trường phải kiếm việc khác cho mình nên con xin nghỉ.

– Rồi làm thợ khóa thì thu nhập ra sao?

– Dạ, cũng tương đương với lương đi dạy ạ.

Có khóa mới thì lại có trộm mới, chỉ là cái vòng luẩn quẩn

Tôi thấy chàng trai này rất thú vị.

– Cháu nói về cái khóa bác nghe thấy sâu sắc lắm.

Dường như đúng tâm tư muốn được giải bày, cậu sôi nổi nói:

– Bác thấy đó, người ta liên tục tạo ra đủ loại khóa mới nhưng mà kẻ gian cũng không ngừng nghĩ ra cách để mở trộm. Bây giờ người ta ghé tiệm thuốc khoảng 5 phút cũng phải khóa xe máy, bởi vì kẻ gian chỉ cần đâu đó 10 giây là mở xong khóa và cốp xe. Trong thành phố thì đâu đâu cũng thấy nhà có rào sắt kiên cố, trên đỉnh rào còn có những hàng lưới mác nhọn để đề phòng trộm. Có nhà còn thấy chưa đủ an tâm, họ quấn thêm dây thép gai lưỡi búa sắc như dao ở trên hàng rào. Ổ khóa cổng thì chọn loại hiện đại, chắc chắn. Sao lại phải đến mức này?

Có khóa mới thì lại có trộm mới, chỉ là cái vòng luẩn quẩn
Hàng rào với đầu mác nhọn, kẽm gai chằng chịt đã không còn là điều hiếm thấy (ảnh: giadinh.net.vn).

Thấy tôi có vẻ chăm chú lắng nghe nên cậu tiếp tục:

– Hàng ngày con hay đi ngang qua một ngôi nhà ở phường này. Ông bà chủ nhà là người Tây Ban Nha, họ phải dùng xích sắt khóa cái thùng rác bằng nhựa lại vì trước đây đã từng bị mất cắp. Có chạnh lòng không? Trong suy nghĩ của họ sẽ cảm nhận xã hội và con người Việt Nam ra sao?

Trước đây đã từng có nhà không cần cổng, vườn chẳng cần rào

Tôi thở dài:

– Ờ, trước đây đã từng có khoảng thời gian nhà không cần cổng, vườn cũng chẳng cần rào. Cửa chỉ cần khép chứ không cần khóa, cả nhà cũng cứ an tâm ở ngoài đồng mà không phải bận tâm lo lắng về trộm.

– Dạ, đó thật sự là một xã hội mà niềm tin, sự thân thiện có ở khắp nơi. Con cũng từng được nghe kể những câu chuyện như vậy. Nhưng mà nay đâu rồi bác?

Có chút nghẹn lòng. Cậu không nhìn tôi, thấp giọng nói tiếp:

– Lòng tin của con người cứ rạn nứt, cứ sứt mẻ ở khắp nơi. Sáng đi chợ, mua một mớ rau cho vợ con mà con cũng xót xa, dường như là khó mà tránh được những loại hóa chất độc hại do người trồng phun tưới vì hám lợi. Trưa ghé tiệm thuốc mua hộp tinh bột nghệ chữa đau dạ dày thì không biết có pha màu xây dựng hay không? Nếu mà tinh bột giả bằng bột mì, bột sắn dây thì đó còn là sự lừa đảo có lương tâm. Ôi lòng tin của con người!

Cái khóa - biểu tượng của sự không tin tưởng giữa con người với con người
Rau củ quả có dư lượng thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép được bày bán khắp nơi (ảnh: bestie.vn)

Cậu nói bằng sự xúc động với vai trò của một người làm cha, làm chồng…nhưng bất lực.

Chúng tôi không ai bảo ai, cả hai cùng im lặng.

Trăn trở về sự trượt dốc của đạo đức

Một người trẻ tuổi như cậu ấy cũng đang trăn trở về sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Sự vô cảm, dối trá, bạo lực xảy ra phổ biến đến nỗi mọi chuyện trở nên bình thường. Báo chí, tivi hàng ngày, hàng giờ cứ đưa không biết bao nhiêu tin trộm cắp, cướp bóc, đâm chém…nghe mãi rồi thành quen, đến nỗi người Việt không còn thấy quá xót xa vì nhân tình, không còn quá nhức nhối vì quốc thể. Chẳng phải đó là điều đáng sợ hay sao!

Cậu thợ khóa cầm cái dũa gạch gạch mạnh lên nền xi măng. Tôi cảm nhận được sự bức xúc của cậu.

– Cháu nói đúng với thực tế lắm. Bác cũng có những trải nghiệm và suy nghĩ tương tự như thế.

Nhưng…

Khi tôi định làm dịu nhẹ đi không khí căng thẳng bằng những câu chuyện đầy tình người trong đại dịch vừa qua thì có một vị khách đến sửa khóa. Vậy là cuộc trò chuyện của chúng tôi kết thúc.

Tôi đứng dậy chào ra về. Và có lẽ cái khóa vẫn sẽ tiếp tục là chủ đề khiến tôi và chàng trai ấy cứ phải suy tư…

(Sưu tầm)

x