Chắc hẳn ai cũng ít nhiều có cảm giác này: hương vị ngày Tết mỗi năm một phai nhạt, không thể tìm lại được cái cảm giác của Tết Nguyên Đán xưa kia.
Mặc quần áo mới, đốt pháo, dán câu đối Tết, gói bánh chưng, đến nhà họ hàng bạn bè chúc Tết, dọn dẹp nhà cửa, phát bao lì xì, sắm hàng Tết, chăng đèn trang trí…, tất cả đều là “hương vị ngày Tết”.
Năm mới vẫn là năm mới, nhưng không biết từ bao giờ, tôi cảm thấy rõ ràng hai từ “năm mới” đã nhạt đi rất nhiều. Dường như càng ngày càng trống trải, và tôi không còn tìm được cảm giác của những cái Tết trước đây.
Ai đã “đánh cắp” hương vị ngày Tết của chúng ta?
Nội dung chính
Một: Hương vị Tết thiếu đi tiếng pháo
Tết xưa nhà nào cũng đốt pháo. Từ giao thừa đến ngày rằm tháng giêng, tiếng pháo đì đùng không ngớt. Tiếng pháo nổ nối tiếp nhau, mùi pháo và âm thanh “giật mình” ấy mới đúng không khí ngày lễ. Mọi người cảm nhận trực tiếp nhất hương vị của năm mới trong tiếng pháo Tết.
Tuy nhiên, xã hội ngày càng hiện đại, vì vấn đề bảo vệ môi trường cũng như cân nhắc an toàn, các thành phố lớn nhỏ đều ban hành lệnh cấm đốt pháo.
Hai: Hương vị ngày Tết bị đánh cắp bởi mức sống vật chất cao
Thời xưa còn khan hiếm vật chất, cả người lớn và trẻ nhỏ mong chờ nhất là ngày Tết, vì chỉ Tết mới được ăn ngon! Tôi còn nhớ khi còn nhỏ chỉ được ăn bánh chưng xanh trong những ngày Tết. Ăn thịt cá to thì thơm cả miệng. Khi sang nhà hàng xóm chúc Tết, trẻ con thích bốc một nắm hạt dưa, hạt bí, bánh kẹo rồi dành dụm để về nhà ăn.
Bây giờ đời sống ngày càng nâng cao, thịt cá nhiều, mọi người muốn mua gì, vào dịp nào cũng được. Những món ngon chỉ có trong ngày Tết như bánh chưng, bánh tét…nay đã có thể ăn trong đời sống hàng ngày. Sự mong chờ ngày Tết để được ăn ngon không còn nữa. Hương vị ngày Tết thực sự bị đánh cắp bởi mức sống vật chất cao.
Ba: Điện thoại di động là “kẻ đánh cắp” hương vị ngày Tết
Tết Nguyên Đán là khoảng thời gian sum họp; cả gia đình quây quần bên bàn ăn, nói chuyện, cười đùa, tán gẫu, ôn lại kỷ niệm; tổng kết một năm vừa qua, và hướng tới tương lai … Thật là sống động!
Ngày nay, điện thoại di động đã trở nên phổ biến. Hầu như từ già đến trẻ ai cũng có điện thoại di động, dùng để xem giải trí, xem video, đọc tin, chơi game. Vì thế, cơ hội giao tiếp giữa các thành viên trong gia đình ngày càng ít đi, và mọi người đã trở nên xa cách nhau tự bao giờ…
Còn nhớ ngày bé tôi dậy sớm đi chúc Tết, đi cả một ngày cũng không hết được bà con lối xóm. Giờ đây, một tin nhắn, một cuộc điện thoại, vài dòng “Chúc mừng năm mới”, mọi người “copy” những lời chúc Tết và gửi đi chỉ trong nháy mắt. Chúng ta đã không còn tìm lại được cái cảm giác chúc Tết trước đây. Điện thoại di động và Internet chính là “kẻ cắp” hương vị ngày Tết của chúng ta.
Bốn: Hương vị ngày Tết bị mất đi bởi nhịp sống gấp gáp
Trước đây nhịp sống rất chậm, nhất là ở nông thôn. Mặc dù khoảng thời gian Tết là mùa đồng áng, nhưng ít người ra ngoài làm. Ai cũng gác lại công việc vì cho rằng Tết là thời điểm quan trọng nhất trong năm. Đã là ngày quan trọng, thì dù có ngàn đô cũng không đổi được.
Nhưng giờ đây, nhịp sống ngày càng tăng tốc, kéo theo đủ thứ áp lực. Mọi người bận đi làm…cũng là lẽ thường tình trong dịp Tết. Việc “kiếm tiền” còn quan trọng hơn Tết. Hương vị ngày Tết đã mất đi bởi nhịp sống gấp gáp.
Năm: Hương vị ngày Tết bị mất bởi ít người thân, anh chị em
Ngày xưa, nhà ai cũng có đông anh em, họ hàng. Từ ngày mùng một tôi bắt đầu đi chúc Tết nhà nội, ngày mùng 2 thì về nhà ngoại, ngày mùng 3 đến nhà anh em bạn bè, mùng 4 hóa vàng nhà bác cả, mùng 5 hóa vàng nhà bác hai… Cứ thế, ngày nào cũng được ăn cỗ, đông vui như trảy hội.
Ngày nay, các gia đình sinh con ít hơn so với thế hệ trước. Tần suất thăm hỏi họ hàng, bạn bè cũng không còn nhiều như xưa.
Sáu: Hương vị ngày Tết bị dịch bệnh cướp mất
Xưa nay, Tết Nguyên Đán là “tín hiệu” để các thành viên trong một gia đình về nhà sum họp. Dù ở phương trời nào, xa cách nơi đâu, miễn là Tết đến, thì tất cả đều có một lý do để xách đồ và trở về nhà. Trong lòng bạn chỉ có một suy nghĩ: sum họp gia đình và đón một cái Tết vui vẻ.
Hai năm trở lại đây, dịch bệnh khiến một số người không thể về nhà. Chủ trương “ăn Tết tại chỗ” làm cho việc sum họp trước đây, nay dường như là một niềm hy vọng xa vời. Hương vị ngày Tết thực sự đã bị dịch bệnh đánh cắp!
Có lẽ thời thế đang tiến bộ, do mức sống cao hơn, nên ngày nào cũng đủ đầy. Hương vị ngày Tết vì thế mà nhạt đi, giống như bị “đánh cắp”. Rốt cuộc, điều đó là tốt hay xấu?
Nguồn: Aboluowang
Xem thêm: