Người xem kịch không biết được chính bản thân mình cũng đang ở trong một vở kịch khác lớn hơn, vậy ai là người đã viết kịch bản cuộc đời bạn?
Trong bài viết “Vở kịch kết thúc đừng quên về nhà” của tác giả Mai Quy trên trang Chánh Kiến có đoạn:
“Khi xem kịch mọi người đều muốn đứng gần hơn để xem, kỳ thực nếu đứng từ xa xem, nó còn có một dư vị khác. Nếu đứng từ xa nhìn sẽ thấy sân khấu kịch biến thành nhỏ, nhưng sân khấu nhỏ bé đó kết hợp cùng với đám người trên và dưới sân khấu đã trở thành một sân khấu lớn khác, người hát kịch và khán giả đều trở thành những nhân vật trong vở kịch.
Càng xa, càng xa hơn nữa thì sân khấu kịch cũng càng lúc càng lớn, người trong vở kịch cũng càng lúc càng nhiều.
Người ta thường coi người hát kịch là con hát, coi bản thân như khán giả, khách xem kịch. Có ai ngờ rằng, nếu đứng từ xa xem, bất kể là trên sân khấu hay dưới khán đài, người hát hay là người xem kỳ thực đều là nằm trong một vở kịch, đều là một nhân vật nhỏ trong vở kịch lớn, vở kịch kết thúc thì đều cần phải về nhà.”
Lùi lại một chút đã thấy một khung cảnh hoàn toàn khác, nhưng có thể lùi xa đến đâu? Trong cuốn “Muôn kiếp nhân sinh II” của tác giả Nguyên Phong, có kể về trải nghiệm của phi hành gia Edgar Mitchell khi bay ra ngoài không gian, ông thấy rằng con người sống trên trái đất nên tầm nhìn thường bị giới hạn vào một nơi chốn, một thành phố hay một quốc gia, nhưng khi bước ra ngoài không gian thì mọi thứ đều đổi khác. Khi lơ lửng trong không gian bao la vô tận đó, ông thấy toàn thể trái đất mới thật sự là quê hương thân thương của mình. Từ đó, mọi quan niệm phân biệt về quốc gia, chủng tộc, chính trị, tôn giáo, văn hóa, xã hội đều thay đổi.
Ông nói: “Không một ai bước ra ngoài không gian mà không thay đổi. Không người nào đã mở rộng tầm mắt lại chấp nhận chui trở lại vào cái vỏ ốc đã giam hãm mình từ bao năm qua”.
Nhưng khoa học là có hạn chế, tàu vũ trụ cũng chỉ có thể khám phá không gian trong một phạm vi nhỏ, còn rất nhiều điều con người không thể biết được.
Nhà khoa học vĩ đại Isaac Newton đã nói rằng: “Tất cả hệ thống hoàn hảo này, bao gồm mặt trời, các hành tinh và sao chổi, chỉ có thể đến từ bàn tay của Chúa Toàn Năng. Giống như một người mù không biết gì về màu sắc, chúng ta cũng không biết cách hiểu mọi sự của Đức Chúa Trời.”
Khi được hỏi có phải là người có tín ngưỡng tôn giáo không? Nhà khoa học lỗi lạc Albert Einstein đã trả lời rằng: “Vâng, các bạn có thể gọi như vậy. Thử dùng trí óc và những phương tiện hữu hạn của chúng ta để cảm nhận về sự huyền bí của tự nhiên, của vũ trụ, các bạn sẽ thấy bên cạnh những quy luật, những liên kết chúng ta có thể nhận thức được thì vẫn còn rất nhiều điều huyền ảo, không thể giải thích, không thể thấu hiểu được. Tín ngưỡng vượt quá những gì trí óc con người có thể hiểu thấu được, đó là tôn giáo của tôi. Diễn giải là như vậy, đúng thật, tôi là người có tôn giáo”.
Nhiều tín ngưỡng tin vào luân hồi và định số, tin rằng số phận con người đã được an bài từ trước khi sinh ra, chúng ta giống như là diễn viên trong một bộ phim dài tập mà kịch bản đã được viết sẵn.
Nhưng vấn đề là chúng ta không được biết trước kịch bản này, cũng chính là sống ở trong mê, phải tự lần mò bước đi. Có người diễn tròn vai, có người diễn không đạt, có người lại diễn quá sâu và không thể thoát ra khỏi vai diễn của mình.
Vậy có khi nào bạn tự hỏi, tại sao chúng ta phải sinh ra? Tại sao phải khổ sở đóng những vai diễn khác nhau nơi trần thế? Nếu có kiếp sau, có linh hồn, vậy linh hồn của con người rốt cuộc từ đâu mà tới?
Có người đã thắc mắc những câu hỏi này từ khi còn nhỏ, có người thì khi gặp biến cố lớn của cuộc đời mới dừng lại suy ngẫm: Vậy ý nghĩa của sinh mệnh là gì?
Gần đây, Đại Sư Lý Hồng Chí, Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) đã công bố bài viết “Vì sao có nhân loại”, bài viết dường như là câu trả lời cho tất cả những câu hỏi ở trên. Nếu bạn cũng đang mất phương hướng trong cuộc đời đầy biến động này, vậy thì hãy thử đọc bài viết này một lần, bài viết có thể chính là điều mà bạn đang tìm kiếm.