Văn hóa truyền thống

Nhẫn của tu dưỡng cá nhân tuyệt đối không phải là hèn yếu

16/10/22, 06:16
Làm sao đối đãi với được mất mới là trí tuệ kiếp nhân sinh
Người trí tuệ luôn sống thuận theo tự nhiên, không cầu mà tự được (ảnh Secretchina)

Nhẫn không phải là hèn yếu. Nhẫn cũng không dễ dàng làm được. Khi gặp thất bại trong cuộc sống và bị xỉ nhục, đối diện với được mất vinh nhục trước mắt, có thể lãnh đạm ung dung, khoan dung đại lượng đối đãi một cách có lý trí.

Nhẫn là phương thuốc lành giúp ta tránh được tai họa và tu được phúc đức. Hãy cùng kiểm chứng điều này qua các điển cố lịch sử dưới đây. 

Lâu Sư Đức nhân hậu độ lượng

Thoá diện tự can

Lâu Sư Đức là vị tể tướng nổi tiếng, lưu truyền sử sách thời Đường. Ông cao 8 thước, miệng vuông, môi đầy, vô cùng khoan dung, nhân hậu. Tính tình thường ngày thâm trầm độ lượng, đối đãi bao dung với mọi người. Có người đối đãi không phải ông đều khiêm nhường xin lọ tha thứ, vẻ mặt không hề tỏ ra giận dữ. Điển tích “Thoá diện tự can” có nghĩa là “Nhổ nước bọt tự khô”, chính là nói về vị Tể tướng này.

Một lần, em trai ông được bổ nhiệm làm quan thứ sử ở Đại Châu. Trước lúc đi nhận chức, em trai ông đến từ biệt đồng thời hỏi ông có gì căn dặn? Lâu Sư Đức nói với em trai rằng: “Ta là tể tướng, đệ cũng được phong làm Thứ sử Đại Châu. Huynh đệ chúng ta nhận được ân sủng của quốc gia quá nhiều nên sẽ có người ghen ghét đố kỵ. Để tránh bị tổn hại, chúng ta gặp việc gì nhất định đều phải học cách nhẫn nại”.

Em trai nói xin anh cứ yên tâm, bày tỏ: “Sau này có người tức giận mà nhổ nước bọt vào mặt đệ, đệ tự mình lau đi là được”. Lâu Sư Đức thấy vậy nói; “Người khác nhổ nước bọt lên mặt đệ là lúc họ tức giận, đệ lau đi, cơn tức giận của họ chưa nguôi, sẽ tiếp tục nhổ tiếp. Theo huynh thấy, người khác có nhổ nước bọt lên mặt đệ, đệ không nên tự mình lau đi, nên để nó tự khô đi mới phải!…”. Điển cố: “Thoá diện tự can” cũng là xuất phát từ câu chuyện này mà ra. 

Nhẫn những điều người khác không thể nhẫn

Lâu Sư Đức không chỉ đối đãi nhân hậu với người khác mà còn có con mắt nhìn người rất tinh tường. Nhà Đường thời bấy giờ còn một vị Tể tướng khác cũng rất nổi tiếng là Địch Nhân Kiệt, người này chính là do Lâu Sư Đức tiến cử. Tuy nhiên Địch Nhân Kiệt lại không hề biết điều này. Lúc đầu ông ta cho rằng Lâu Sư Đức chẳng qua cũng chỉ là người làm việc thận trọng, không có gì đặc biệt nên thậm chí còn có chút coi thường. 

Đương thời Hoàng đế Võ Tắc Thiên hỏi Địch Nhân Kiệt: “Khanh cảm thấy Lâu Sư Đức có phải là người hiền năng không?”. 

Nhẫn là phương thuốc lành giúp ta tránh được tai họa và tu được phúc đức.
Lấy tĩnh chế động, cứ giữ im lặng mà mọi chuyện đều an (ảnh minh họa Pinterest)

Địch Nhân Kiệt đáp: “Ông ấy làm tướng cẩn trọng giữ mình, thần không biết ông ấy có hiền năng hay không?”. 

Võ Tắc Thiên lại hỏi: “Lâu Sư Đức biết nhìn người không?”.  

Địch Nhân Kiệt đáp: “Thần và ông ấy là chỗ đồng liêu, trước nay chưa hề nghe nói ông ấy biết nhìn người!”. 

Võ Tắc Thiên cười nói: “Trẫm dùng khanh, chính là Lâu Sư Đức tiến cử, thật là biết nhìn người!”… Nói rồi lấy trong tay biểu tấu của Lâu Sư Đức tiến cử Địch Nhân Kiệt ra đưa cho ông ta xem. Địch Nhân Kiệt xem xong cảm thấy vô cùng hổ thẹn, nhất thời chỉ biết thốt lên rằng: “Lâu công thịnh đức, ta được ông khoan dung đối xử mà không hề biết. Ta thật là thua ông quá xa rồi!”… 

Trình Di, nhà triết lý học nổi tiếng thời nhà Tống từng giảng: “Nhẫn sở bất năng nhẫn, dung sở bất năng dung, duy thức lượng quá nhân giả năng chi” nghĩa là: “Nhẫn những điều người khác không thể nhẫn, bao dung những điều mà người khác không thể bao dung. Đó là chỉ người có sự khoan dung hơn người mới có thể làm được. Sự khoan dung, độ lượng của Lâu Sư Đức, có thể “để nước bọt tự khô”, thì công phu của sự nhẫn này thực sự cao thâm. Có thể nói Lâu Sư Đức là một đại thần văn võ toàn tài hiếm có của nhà Đường. Nhờ những đóng góp to lớn của mình mà ông được liệt vào một trong 37 vị Tể tướng tài ba xuất chúng của nhà Đường cùng hàng với các đại thần khác như: Phòng Huyền Linh, Đỗ Như Hối…

Chu Du tính tình rộng rãi cao thượng, lưu danh sử sách

Chu Du là một nhân vật nổi tiếng trong Tam Quốc Chí. Ông khiêm tốn, lễ độ. Trong “Tam Quốc Chí” viết về Chu Du: “Tính tình khoáng đạt, đại lượng…là bậc kỳ tài!” Mặc dù Tôn Quyền kính trọng coi ông như huynh trưởng, nhưng ông chưa bao giờ vì thế mà giành công kiêu ngạo, luôn tôn kính phụng sự, hoàn toàn tuân theo lễ của bề tôi với vua mà đối đãi, vô cùng chung thành với Tôn gia. Ông đối với người bề dưới đều có lễ nghĩa, được mọi người vô cùng kính trọng. Trong “Giang biểu truyện” khi kể về Chu Du còn nói rõ hơn về vấn đề này.

Trình Phổ là công thần khai quốc nước Đông Ngô, từng đi theo Tôn Kiên ra sống vào chết, lập được nhiều chiến công hiển hách. Ông lớn tuổi hơn Chu Du nhưng chức vị lại thấp hơn nên sinh lòng đố kỵ, ghen ghét, không phục. Vì thế, Trình Phổ nhiều lần vũ nhục Chu Du nhưng Chu Du trước sau đều thủy chung khoan dung tha thứ, cung kính đối đãi Trình Phổ, nhẫn nhịn vì việc nước.

Trí tuệ nhân sinh: Không tức giận, không sợ hãi, không tranh cãi
Khoan dung với người cũng là khoan dung với chính mình (ảnh minh họa Pinterest)

Sau nhiều lần như vậy, Trình Phổ đã sinh lòng cảm động, kính trọng Chu Du. Về sau, khi nhắc đến Chu Du, ông nói: “Dữ chu công cẩn giao, như ẩm thuần lao, bất giác tự túy” (Ý nói làm bạn với Chu Du giống như uống rượu ngon, không biết bị say lúc nào).

Có thể khiến cho công thần khai quốc Đông Ngô là Trình Phổ – một người nổi tiếng là tâm cao khí ngạo, cảm động và ngợi ca kính trọng đủ để thấy trí tuệ và sức hấp dẫn của nhân cách của Chu Du lớn thế nào.

Đối diện với sự vũ nhục của Trình Phổ, Chu Du luôn lấy đại cục làm trọng, không tính toán với ông ta, luôn nhẫn nhịn độ lượng cuối cùng đã cảm hóa được Trình Phổ. Sau đó trong trận Xích Bích nổi tiếng, Trình Phổ và Chu Du phối hợp, hợp lực cùng đại tướng của Đông Ngô giành được thắng lợi. Từ câu chuyện này có thể thấy,  khi gặp phải việc lớn nhẫn nhịn có thể biến chiến tranh thành tơ lụa; đối diện với mâu thuẫn xích mích trước mặt có thể dĩ hòa vi quý, bao dung với người khác, khoan dung độ lương thản nhiên đối xử, sẽ chuyển hóa được mọi việc. 

Lý Thầm ẩn nhẫn biết lùi, cuối cùng thành tựu thời đại “Đại trung chi trị”

Mẫu thân của Lý Thầm là Trịnh thị “Hiếu Minh hoàng hậu”, người đã sinh hạ hoàng tử thứ 13 Lý Thầm cho Hoàng đế Đường Hiến Tông. Trước đây từng có vị thầy tướng số xem tướng mặt của Trịnh thị và tiên đoán rằng bà sẽ sinh hạ Thiên tử cho xã tắc giang sơn. Lý Thầm thuở nhỏ cũng thường mộng thấy mình cưỡi rồng bay lên trời. Một lần Lý Thầm đem chuyện này nói với mẹ, bà Trịnh thị bèn khuyên con: “Những điều này tuyệt đối không được cho người khác hay, nếu không sẽ mang họa vào thân”.

Lý Thầm lúc nhỏ thường tỏ ra nhút nhát và kiệm lời, mọi người đều cho là ông tư chất kém cỏi. Vậy nên ông thường hay bị ghẻ lạnh hắt hủi, trở thành đối tượng bị nhiều người trong hoàng thất mang ra giễu cợt sau bữa cơm trà. Lý Thầm trở nên im lặng ít nói, tính cách hay âm thầm sầu não. Ông càng như vậy, những hoàng thân quốc thích lại càng thừa thế lấn át. Về sau, ai cũng cho rằng ông là kẻ kém trí, là hạng “gỗ mục không thể điêu khắc được”.

Nhẫn không phải là hèn yếu.
Gặp biến không loạn, bình tĩnh đối diện (ảnh minh họa Pinterest)

Trải qua các thời Đường Kính Tông và Đường Văn Tông, triều đình đa sự, Lý Thầm cố gắng trốn tránh không tham gia vào việc triều chính, và cũng rất hạn chế mở miệng. Văn Tông thường đến nơi ở của ông tại Thập lục trạch, tìm cách dụ ông nói chuyện, xem như đó là trò vui, Văn Tông cũng gọi ông là Quang thúc. Sau khi lên ngôi, Đường Vũ Tông, vốn là một người vô lễ và không biết tôn ti, lại càng tỏ ra xem thường và thiếu tôn trọng đối với Quang vương Lý Thầm.

Đường Vũ Tông nhìn thấy Lý Thầm bị mọi người giễu cợt, thậm chí làm cho nhục nhã, nhưng vẫn không hề lên tiếng bênh vực chút nào. Vũ Tông cho rằng Lý Thầm vốn không phải người đần độn, mà có tính nhẫn nhục phi thường. Nhưng cũng bởi Lý Thầm có vai vế khá cao, nên Vũ Tông cảm thấy có phần bất an trong lòng. Thế là, Đường Vũ Tông tìm đủ mọi cách thăm dò nội tình, muốn xem Lý Thầm là giả ngây giả ngốc, hay thật sự là đần độn ngu si?

Trong những ngày tháng sau này, Đường Vũ Tông thường bày trò chơi khăm Lý Thầm. Ông cho rằng như vậy có thể lật tẩy kẻ giả ngốc giả ngây kia. Nhưng Lý Thầm vẫn không hề tỏ ra phản ứng khiến Vũ Tông bối rối, cuối cùng Vũ Tông buộc phải giở ra thủ đoạn hiểm độc nhất: Ông lệnh cho thân tín tìm cớ rồi cõng Lý Thầm đến nhà xí, đẩy ông ta xuống hố phân. Ông cho rằng nếu như Lý Thầm không chết, thì dù có sống cũng chẳng còn mặt mũi nào nhìn mặt mọi người nữa. May mắn Lý Thầm được một viên thái giám tên Thù Công Vũ đi ngang qua, trong tâm động lòng thương xót, đã kéo ông ra khỏi hố phân, nếu không dù không bị ngập chết, thì cũng bị đói chết. Thù Công Vũ còn giúp Lý Thầm trốn thoát khỏi nơi thị phi này.

Tục ngữ có câu: “Đại nạn không chết, tất có hậu phúc”. Lý Thầm cả đời nhẫn nhịn, âm thầm chịu khổ, về sau quả nhiên đã thành tựu nghiệp lớn, trở thành bậc quân vương mẫu mực của triều đại nhà Đường.

Đến cuối năm 845, Đường Vũ Tông lâm bệnh nặng khi mới 30 tuổi và sang năm 846 thì qua đời. Người đời sau cho rằng Đường Vũ Tông sớm băng hà là do quả báo của tội diệt Phật và báng bổ Phật Pháp mà nên. Bấy giờ, hoạn quan khuynh đảo triều đình, muốn nhân lúc rối ren mà lập người ngu dốt lên ngôi để dễ bề thao túng, cuối cùng đã quyết định chọn “kẻ ngốc” Lý Thầm. Bọn hoạn quan làm giả chiếu chỉ của Vũ Tông, viết: “Hoàng tử nhỏ tuổi, chưa đủ hiền đức để trị quốc. Quang vương Di có thể lập làm Hoàng thái thúc, đổi tên là Thầm, đảm đương quân quốc chánh sự”.

nan đắc hồ đồ
Nan đắc hồ đồ, đại trí huệ trong kiếp nhân sinh (ảnh minh họa Adobestock)

Thái thúc được đón từ Thập lục trạch vào cung, đổi tên là Lý Thầm. Khi được bách quan tiếp kiến, Lý Thầm như trở thành con người khác, tỏ ra thông minh nhân trí hơn người, quyết đoán chính vụ nhanh gọn, người người nể phục. Ngày 25 tháng 4 (năm Đinh Mão), Thái thúc tức vị, sử xưng là Đường Tuyên Tông. Mẹ ông Trịnh thị nhờ vậy mà một bước trở thành Hoàng Thái hậu, hoàn toàn ứng nghiệm với lời tiên đoán “sinh hạ Thiên tử” của vị thầy tướng số năm xưa.

Sau khi Đường Tuyên Tông kế vị, ông đã thi triển tài năng trị quốc của mình. Mọi người dần dần nhận thấy Lý Thầm là một bậc kỳ tài trị quốc hiếm có, thuận theo chuyển dời của thời gian mà nhận được sự tôn kính của mọi người. 

Lời bàn

Nhẫn không phải là không phân biệt thiện ác, thị phi, không có nguyên tắc; mà chính là ở phương diện lợi ích cá nhân, tu dưỡng ở tầng cá nhân mình, lùi một bước, bớt tính toán một chút và nhẫn chịu hơn một chút. Đối diện với những chuyện thị phi to lớn trước mặt, đương nhiên cần giữ chính nghĩa, bảo vệ chân lý. Nhìn từ tổng quát lịch sử, có nhiều người có tinh thần đại nhẫn siêu phàm hơn người. Họ có thể phân biệt rõ thị phi thiện ác, trừng phạt cái ác biểu dương việc thiện; ngược lại về lợi ích cá nhân, không tranh đấu, bao dung nhẫn nại trở thành người “Hồ đồ nan đắc”..

Trong cuộc sống xã hội bận rộn, mỗi ngày chúng ta đều phải đối diện với các loại mâu thuẫn và thách thức khác nhau như về mặt công việc, quan hệ giao tiếp xã hội… Vì không nhẫn được việc nhỏ nên gây ra các loại kiện tụng, các vụ án đủ hình đủ loại. Nếu có thể khoan dung, nhẫn nhịn đại lượng, tấm lòng khoáng đạt đối đãi với mọi người không những có thể tránh được tai họa đa đoan, hóa giải mâu thuẫn, còn có thể đề cao tố chất tâm lý và tu dưỡng của cá nhân, tâm thái càng trở nên tường hòa, cân bằng, cuộc sống sẽ trở nên tốt đẹp hơn.

Theo Visiontimes

Bí quyết hạnh phúc trong hôn nhân: chữ ‘Nhẫn’

x