Người xưa nói “Nhà có cha nghiêm, thường có con hiền tài”. Trong quá trình dạy con, cha mẹ trước hết cần nghiêm khắc với chính mình.
Xem những câu chuyện dạy con của cổ nhân mới thấy chữ “nghiêm” này hoàn toàn không có ý xét nét, khắt khe. Chữ “nghiêm” này cũng không nên chỉ hiểu theo một chiều đối với con, mà bản thân cha mẹ trước hết cần nghiêm khắc với chính mình.
Câu chuyện Tăng Tử mổ lợn đã lưu lại cho người đời một bài học quý giá về trách nhiệm làm gương của người cha, người mẹ. Trẻ nhỏ nhìn vào cha mẹ nhiều nhất để học theo. Vậy nên, dùng hành động của bản thân để dạy dỗ con chính là thượng sách. Muốn làm được như vậy cha mẹ không thể không nghiêm khắc với chính mình. Cha mẹ tự đặt tiêu chuẩn cao cho bản thân mới có thể giáo dục con lễ nghĩa.
Nội dung chính
Chuyện Tăng Tử mổ lợn: cha mẹ nghiêm khắc với chính mình
Tăng Tử người nước Lỗ là học trò xuất sắc của Khổng Tử, có nhiều cống hiến hoằng dương Nho học.
Một hôm vợ ông chuẩn bị đi chợ, con trai nhỏ khóc đòi theo đi. Không biết làm thế nào, nàng liền nói dỗ con: “Con ngoan, nghe lời mẹ. Mẹ về sẽ làm thịt lợn cho con ăn nhé”.
Khi nàng đi chợ về, nghe thấy tiếng mài dao trong sân vội chạy vào hỏi Tăng Tử: “Chàng mài dao làm gì thế?”.
Tăng Tử trả lời: “Để mổ lợn. Chính nàng đã nói đi chợ về sẽ mổ lợn cho con ăn mà.”
Người vợ đỏ mặt vội nói: “Thiếp chỉ nói đùa để dỗ con thôi, sao chàng lại cho là thật?”
Tăng Tử nói: “Không thể nói chơi với trẻ con được. Trẻ con chưa có khả năng suy xét phán đoán. Do đó cha mẹ phải dạy bảo, và nghe theo cha mẹ dạy dỗ. Hôm nay nàng nói dối lừa nó, chính là dạy nó lừa dối người khác. Mẹ lừa dối con thì con sẽ không tin vào mẹ nữa. Thế thì sao có thể dạy con thành chính nhân quân tử được”.
Sau đó Tăng Tử và người vợ cùng đi mổ lợn, còn mời đông bạn bè đến ăn. Mọi người đều hỏi: “Sao lợn chưa lớn mà đã vội thịt rồi?
Tăng Tử kể lại lý do thịt lợn cho mọi người nghe. Ai cũng gật gù đồng tình khen Tăng Tử làm như vậy là đúng.
Người quân tử nghiêm khắc với mình
Ngày nay, không ít những bậc cha mẹ giống như vợ của Tăng Tử, nghĩa là hứa suông để dỗ con, nhưng hành động lại không nhất quán, cho rằng đó chỉ là chuyện nhỏ. Kỳ thực, đây là vấn đề thiếu nghiêm khắc với bản thân, hay chính là thiếu nghiêm túc trong việc dạy con. Một việc làm thiếu nghiêm túc thì khó nói rằng sẽ mang đến kết quả tốt đẹp, vẹn toàn.
Cũng vì muốn dạy con công thành danh toại, nên nhiều cha mẹ cho rằng cần phải nghiêm khắc với con. Khổng Tử dạy: “Người quân tử nghiêm khắc với mình, kẻ tiểu nhân khắt khe với người”. Cha mẹ đặt yêu cầu cao cho con thì không sai. Nhưng nếu xét nét từng cử chỉ, phàn nàn từng lỗi sai thì cha mẹ chính là đang thiếu nghiêm khắc với mình mà khắt khe với người rồi.
Thực tế, cùng đạt một mục đích có thể có nhiều cách làm khác nhau. Thay vì nổi nóng, chi bằng chọn dùng tâm thái bình tĩnh, cho con thời gian hoàn thiện, sửa đổi bản thân. Làm được như vậy sẽ khiến con cảm kích trước sự kiên nhẫn và bao dung của cha mẹ, cũng tự nhiên mà học được tính kiên nhẫn và bao dung.
Chúng ta không bỏ qua lỗi lầm ở con. Dạy con nhất định cần đặt ra tiêu chuẩn cao để con thành người có đạo đức và tri thức. Đó chính là “nghiêm”. Tuy nhiên, trước hết cha mẹ cần nghiêm khắc với chính mình.
“Dĩ hòa vi quý” trong vấn đề dạy con
Trong quá trình dạy con, cha mẹ thường nổi giận khi con không làm đúng, những thứ bộc phát ra là chỉ trích, oán hận và hung hăng. Làm như vậy khác nào “người nếu phạm ta, ta ắt phạm người”, ý là con phạm vào quy chuẩn, quan niệm của cha mẹ thì cha mẹ sẽ không để con “yên”. Dùng tinh thần đấu tranh như vậy thì sẽ dạy con thành người thế nào? Vậy nên, con mới thường phản kháng lại. Càng lớn sẽ càng thể hiện sự chống đối mạnh mẽ, là do cha mẹ đã đặt con vào thế “kẻ địch” ngay từ ban đầu.
Một người chân thành, lương thiện sẽ không áp đảo đối phương; không nói những lời tàn nhẫn khiến người khác sợ hãi. Thời xưa, đạo Trung Dung tôn sùng dĩ hòa vi quý. Cho nên dù hoàn cảnh nào cũng khuyên người cư xử từ bi, nhẹ nhàng, phù hợp với bản chất lương thiện tiên thiên; chứ không có cái tinh thần đấu tranh bộc phát như con người hiện đại.
Người xưa đã để lại cho chúng ta những tấm gương dạy con ôn hòa, lý trí. Họ tạo điều kiện để con đền bù lỗi sai mà không dùng lời trách mắng. Tâm thái không hề nóng giận. Như vậy chẳng phải tốt nhất hay sao! Vừa đạt mục tiêu giúp con hoàn thiện bản thân mà chính mình giữ được phong thái ung dung tự tại.
Cha của tổng thống Reagan: ôn hòa, lý trí khi con mắc sai lầm
Trên 70 năm trước có một chú bé 11 tuổi người Mỹ ham mê đá bóng. Một lần vô ý làm vỡ cửa kính của một nhà hàng xóm và phải đền 12 đô la. Vào thời kỳ ấy, 12 đô la đã là một món tiền khá lớn, có thể mua được 120 quả trứng gà.
Chú bé nhận lỗi với cha rồi nói: “Con không có tiền đền, làm thế nào bây giờ?”
Ông ôn tồn bảo con rằng: “Cha cho con vay 12 đô la này. Con làm lao động ngoài giờ học. Sau một năm thì trả lại tiền cho cha”.
Nghe lời cha dạy, chú bé cần cù lao động. Mới nửa năm đã kiếm được đủ tiền trả nợ cha.
Chú bé này về sau chính là tổng thống Reagan.
Lời bàn
Theo lẽ thường, cha mẹ sẽ nổi nóng, quát nạt con. Thậm chí có thể đưa thêm hình phạt và tin rằng đó là đang giáo dục một cách nghiêm khắc. Nhưng cha của Reagan đã chọn cách làm khác, một hành vi nghiêm khắc trong sự từ bi, ôn hòa.
Quả thật, từ bi có thể cảm hóa lòng người. Vì người cha không dễ dãi bỏ qua lỗi lầm, mà đứa con biết rằng mình phải có tinh thần chịu trách nhiệm. Nhưng chính sự ôn hòa và lý trí của ông mới khiến đứa trẻ làm được điều đó còn hơn cả mong đợi.
Một người cha nghiêm khắc với bản thân để làm gương cho con như Tăng Tử, ôn hòa và lý trí như cha của Reagan khi con mắc sai lầm là chuẩn mực lý tưởng của người cha nghiêm trong gia đình.
Theo Decent and Kind news
Xem thêm: