Trong cuộc sống, một số người thường than thân trách phận. Tại sao thế gian thật không công bằng? Tại sao có người giàu người nghèo?
Có người từ khi sinh ra như đã ngậm chìa khóa vàng, muốn gì có nấy. Nhưng cũng có người sống không bằng chó bằng lợn, cố kiếm như thế nào cũng không ra tiền. Cuộc sống bấp bênh, rối tinh rối mù? Sao giữa người với người lại có sự khác biệt lớn đến thế? Từ than trách số phận, họ quay lại oán trách trời Phật không phù hộ độ trì cho mình.
Trong Phật giáo giảng rằng “Chúng sinh đều bình đẳng”. Vậy rốt cuộc cuộc đời là bất công hay là bình đẳng?
Nội dung chính
Câu chuyện chặt cây
Xưa có một người nghèo tới mức không đủ ăn, đủ mặc. Anh cũng tìm cách kiếm tiền nhưng vẫn không thoát khỏi tình trạng nghèo khó. Anh luôn phàn nàn với người khác về sự bất công của số phận. Dù anh có làm việc chăm chỉ cả ngày, vẫn không thể kiếm đủ tiền.
Một hôm, anh đến một ngôi chùa, cầu xin Phật cho mình giàu có. Anh than thở với Đức Phật rằng: “Tại sao những người nghèo như chúng con, dù rất vất vả mỗi ngày nhưng vẫn không đủ ăn uống? Còn những người giàu có không cần làm việc chăm chỉ mà vẫn ăn sung mặc sướng? Thật là bất công! “
Nghe thấy người nghèo oán than, Đức Phật hỏi: “Vậy người cảm thấy phải như nào thì mới công bằng?“
Người nghèo dường như thấy được một tia hy vọng, vội vã đáp: “Nếu có thể cho con và người giàu xuất phát ở cùng một vạch, làm những công việc giống nhau. Con nghĩ chắc chắn mình sẽ kiếm được nhiều hơn họ!”
Đức Phật nghe xong gật đầu, cười nói: “Được thôi, vậy ta cho ngươi thời gian một tháng. Tuy nhiên ngươi phải đồng ý với ta một chuyện. Nếu kết quả không giống như ngươi nghĩ, ngươi bắt buộc phải chấp nhận nó. Không bao giờ được kêu ca phàn nàn nữa“. Người nghèo ngay lập tức đồng ý.
Vừa dứt lời, Đức Phật biến một người giàu thành người nghèo y hệt như người nghèo kia. Ngài cho họ mỗi người một mảnh rừng giống hệt nhau và lập ra quy định. Bắt buộc phải chặt hết cây trong vòng một tháng. Cây chặt ngày nào có thể đem đi bán lấy tiền ngày đó.
Người giàu vẫn cứ giàu, người nghèo vẫn cứ nghèo
Người nghèo từ lâu đã quen làm những công việc nặng nhọc. Với anh, việc chặt cây đơn giản như cắt miếng bánh ăn vậy. Chẳng mấy chốc anh đã đốn được rất nhiều cây, đem chợ bán lấy tiền. Cuối ngày, người nghèo sẽ mua rất nhiều đồ ăn ngon. Người giàu chưa bao giờ làm việc nặng nhọc. Cứ làm một lúc lại nghỉ, mồ hôi nhễ nhại. Đến tối, người giàu cũng chỉ chặt được nửa xe cây. Người giàu chỉ tiêu một phần nhỏ để mua thức ăn, và cất dành phần còn lại.
Một ngày nọ, người giàu đưa về khu rừng hai người đàn ông quần áo rách rưới. Họ không nói lời nào, lập tức bắt tay vào giúp người giàu chặt cây. Còn người giàu đứng bên cạnh quan sát. Hai người đàn ông to khỏe, dưới sự chỉ huy của người giàu, chỉ trong vài giờ đã chặt mấy xe cây. Người giàu mang cây ra chợ bán. Rồi lại thuê thêm một vài người nữa tới chặt cây cho mình. Cuối ngày, ngoài tiền công cho người chặt cây, người giàu còn có tiền mua bánh bao. Số còn lại để dành dụm.
Chớp mắt, một tháng trôi qua. Người nghèo chỉ chặt được một phần ba số cây trong rừng. Số tiền kiếm được hàng ngày anh đều dùng để tự thưởng cho bản thân, mua đồ ăn thức uống. Căn bản không còn lại gì. Người giàu thì ngược lại. Với sự giúp đỡ của những người khác, anh đã chặt hết cây trong rừng. Anh tiết kiệm được rất nhiều tiền, thậm chí còn dùng tiền để thực hiện nhiều vụ làm ăn buôn bán khác. Chẳng mấy chốc tiền cứ thế đẻ ra tiền.
Chúng sinh có bình đẳng không?
Có rất nhiều người không hiểu, cũng có nhiều người nghi ngờ. Trong cuộc sống người ta cảm thấy có nhiều điều bất công. Tại sao Đức Phật Thích Ca Mâu Ni lại giảng rằng mọi chúng sinh đều bình đẳng?
Theo quan điểm của Phật giáo, tất cả chúng sinh thực sự bình đẳng. Sau khi khai ngộ, Đức Phật giảng: “Tất cả chúng sinh đều có bản tính của Như Lai, không thể đắc chính ngộ chỉ vì vọng tưởng và phiền não”. Vì vậy, bình đẳng mà Đức Phật giảng, mang hàm nghĩa rằng, mỗi người đều có hạt giống có thể trở thành Phật. Về điểm này mọi người đều bình đẳng như nhau, đều có thể thành tựu chính mình, không có sự khác biệt nào.
Nhân quả bình đẳng
Phật giáo còn giảng một quy luật. Đó là luật nhân quả, mọi người đều bình đẳng. Ngay cả chư Phật và Bồ Tát đã thành tựu vẫn bày tỏ lòng kính sợ khi đối mặt với nhân quả.
Chúng ta có lẽ đã từng nghe câu “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả.” Điều này có nghĩa là gì? Tất cả chúng ta đều hiểu sự tồn tại của nhân quả. Người già xưa kia thường nói: “Gieo nhân thiện thì đắc thiện quả; gieo nhân ác ắt gặp ác báo”. Nhân sẽ sinh ra quả, điều kiện cần thiết để hình thành quả chính là từ nhân.
Bồ Tát hiểu và lý giải sâu sắc về đạo lý nhân quả, biết rằng gieo nhân thiện sẽ đắc thiện quả. Vì vậy, trước khi gieo nhân, Người cẩn thận tránh xa nhân xấu duyên xấu. Như vậy sẽ không phải chịu quả khổ, quả đắng.
Nhưng đối với người phàm trần, không thể nhìn thấy được sự tồn tại của quy luật nhân quả. Người bình thường thường sau khi nếm trái đắng, quả ác, mới biết sợ hãi, mới sợ quả khổ. Tuy nhiên, họ không hiểu trái đắng, chính là do bản thân họ đã gieo hạt từ lâu. Chính điều đó đã quyết định cái khổ mà họ phải chịu trong kiếp này.
Cao tăng khai thị nguyên do có người giàu người nghèo
Mộng Tham, lão hòa thượng thọ 103 tuổi từng thuyết giảng về điều này. Ông nói, mọi người thường phàn nàn với tôi rằng thế giới rất bất công. Giữa người với người, tài phú có giàu có nghèo, thọ mệnh có dài có ngắn, hôn nhân có thể hạnh phúc hoặc không hạnh phúc, gia đình có thể hòa thuận hoặc không hòa thuận. Mọi thứ trên đời này đều không công bằng. Vậy sao lại nói là bình đẳng?
Nhà sư trả lời: “Theo quan điểm của tôi, tất cả đều bình đẳng. Giàu sang phú quý ở kiếp này, là từ bố thí và hành thiện ở kiếp trước mà đắc được. Sự túng quẫn nghèo khó và áp lực ở kiếp này cũng là do kiếp trước không biết nhường nhịn và giúp đỡ người khác, keo kiệt và trộm cắp mà đến. Người khác là ông chủ, bạn là người làm thuê, bị người khác sắp đặt. Nếu bạn có trí tuệ và có thể nhìn thấy những gì bạn đã làm trong kiếp trước, bạn sẽ hiểu rằng tất cả những điều này là rất công bằng. Bạn sẽ hiểu rằng tất cả nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn và niềm vui trong lòng bạn đều là do bạn tự làm tự chịu”.
Lời bàn
Phật giáo chú trọng nhân quả ba đời. Đại đa số chúng ta khó có cảm giác về thời gian và không gian trong cuộc sống của mình. Dù chúng ta đang sống trong giây phút hiện tại. Nhưng chúng ta lại sống không thanh tỉnh, trong mê mờ, hỗn loạn. Không những không hiểu được chân lý nhân quả trong tam giới. Ngay cả nhân quả thiện ác hiện tại đều bị đảo lộn.
Dường như mọi người luôn cho rằng ông trời cũng luôn đối xử bất công với mình. Đó là bởi vì chúng ta thiếu trí tuệ và không thể nhìn thấy sự tồn tại của nhân quả. Đó là lý do vì sao luôn tồn tại người giàu người nghèo.
Theo Aboluowang