Tìm hiểu Pháp Luân Công

Sự kiện Thiên An Môn 1989: Sự thật về vụ thảm sát tại quảng trường ‘bình an’

27/06/21, 08:07
Sự kiện thảm sát Thiên An Môn 1989 là một phần bi thương trong lịch sử Trung Quốc, nhưng ngày nay không có mấy người Trung Quốc biết đến.
Sự kiện thảm sát Thiên An Môn 1989 là một phần bi thương trong lịch sử Trung Quốc, nhưng ngày nay không có mấy người Trung Quốc biết đến. Ảnh chụp màn hình các bài báo về sự kiện Thiên An Môn.

Sự kiện Thiên An Môn năm 1989 là một chủ đề rất đặc biệt: Thế giới ghi nhớ, Trung Quốc lãng quên. Điều gì đã xảy ra tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989?

Vì sao đa số người Trung Quốc không biết đến vụ thảm sát đẫm máu tại thủ đô của chính nước mình? Sự kiện đó liên quan gì đến thế giới ngày nay? Bài viết sau đây bao gồm các thông tin sự thật mà Bắc Kinh chôn giấu hơn 30 năm qua.

Nội dung chính

1. Tên gọi: Sự kiện Thiên An Môn là gì?

Quảng trường Thiên An Môn là một địa điểm du lịch nổi tiếng ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc. Cái tên “Thiên An Môn” có nghĩa là “Cổng trời Bình an”. Nhưng quảng trường này đã biến thành bể máu vào ngày 4/6/1989. Khi đó, quân đội Trung Quốc nã súng vào các sinh viên ủng hộ dân chủ; dùng xe tăng cán người; giết chết và làm bị thương hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sinh viên, trí thức và dân thường.

Có nhiều cách đề cập đến vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989. Một số bên tránh dùng từ “thảm sát”, thay vào đó, họ gọi là: Sự kiện Thiên An Môn; Sự kiện Lục Tứ; Sự cố Quảng trường Thiên An Môn.

Một số kênh truyền thông cũng đề cập sự kiện này là Phong trào Dân chủ 89; Phong trào mùng 4 tháng 6.

2. Bối cảnh: Nguyên nhân biểu tình, lý do đàn áp

Các cuộc biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn diễn ra khi Trung Quốc có nhiều thay đổi trong xã hội thời hậu Mao. Những cải cách từ thập niên 80 đã dẫn đến một nền kinh tế thị trường non trẻ, chỉ mang lại lợi ích cho một số người nhưng lại khiến cho những người khác bị tổn hại nghiêm trọng.

Trong khi đó, hệ thống quyền lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đối mặt với thách thức về tính chính danh. Người dân bất mãn về hàng loạt vấn đề của đất nước, như: Lạm phát, tham nhũng, hạn chế tự do ngôn luận, không được tự do tham gia chính trường nếu không phải đảng viên ĐCSTQ.

Các cuộc biểu tình vì dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn do sinh viên khởi xướng và lãnh đạo từ mùa xuân năm 1989. Họ yêu cầu chính quyền ĐCSTQ giải quyết tham nhũng, mở rộng quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận. Phong trào đã thu hút sự ủng hộ mạnh mẽ trong công chúng. Đỉnh điểm có 1 triệu người đã xuống đường biểu tình và tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn. Phong trào cũng dẫn tới hàng trăm cuộc biểu tình trên khắp cả nước Trung Quốc.

Giới lãnh đạo ĐCSTQ cảm thấy nguy cơ mất quyền cai trị ở Trung Quốc, vì vậy đã tuyên bố thiết quân luật; dùng quân đội giết hại tàn bạo những người biểu tình; đồng thời khiến những người còn lại khiếp sợ, phục tùng.

Sự kiện Thiên An Môn 1989 đặt ra dấu hỏi về quyền cai trị hợp pháp của ĐCSTQ. Vì vậy, tới nay đó vẫn là một trong những chủ đề bị kiểm duyệt gắt gao nhất ở Trung Quốc.

3. Tóm tắt diễn biến vụ Thảm sát Thiên An Môn 1989

3.1. Phong trào phản kháng phát triển

Từ cái chết của Hồ Diệu Bang đến phong trào dân chủ rộng lớn

Vào ngày 15/4/1989, Hồ Diệu Bang qua đời. Là một nhà lãnh đạo ủng hộ cải cách, cái chết của ông đã khiến nhiều người thương tiếc.

Ảnh trước vụ thảm sát Thiên An Môn.Các sinh viên tuần hành tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 4 năm 1989 để tưởng nhớ cựu lãnh đạo Hồ Diệu Bang (ảnh: Jian Liu/Humanitarian China).
Các sinh viên tuần hành tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 4 năm 1989 để tưởng nhớ cựu lãnh đạo Hồ Diệu Bang (ảnh: Jian Liu/Humanitarian China).

Các sinh viên đại học bắt đầu tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn để tưởng nhớ Hồ Diệu Bang. Họ cũng bày tỏ nỗi bất bình về tốc độ cải cách chậm chạp của Trung Quốc. Phong trào thu hút sự ủng hộ rộng rãi từ các trí thức, công chức, người lao động và cư dân trong khu vực cũng như trên cả nước.

Một cuộc tuần hành vào giữa tháng 5 năm 1989, trong đó người dân thành phố và thậm chí một số quan chức chính phủ đã xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ với các sinh viên (ảnh: Liu Jian).
Một cuộc tuần hành vào giữa tháng 5 năm 1989, trong đó người dân thành phố và thậm chí một số quan chức chính phủ đã xuống đường để bày tỏ sự ủng hộ với các sinh viên (ảnh: Liu Jian).

Các sinh viên bắt đầu soạn thảo một danh sách những kiến nghị để gửi tới ĐCSTQ. Họ kêu gọi mở rộng quyền tự do, dân chủ cho người dân; đồng thời giải quyết vấn nạn tham nhũng.

Giới lãnh đạo không lắng nghe, sinh viên thêm bức xúc

ĐCSTQ tổ chức một lễ tang cấp nhà nước cho Hồ Diệu Bang vào ngày 22/4. Đám tang được tổ chức vội vã, chỉ kéo dài 40 phút. Trong khi đó, cảm xúc dâng trào trên Quảng trường Thiên An Môn, nhiều sinh viên đã bật khóc.

Các sinh viên vượt qua hàng rào phong tỏa ở Quảng trường để cố gắng trình đơn kiến nghị. Nhưng không có lãnh đạo nào ra khỏi Đại lễ đường. Điều này khiến các sinh viên càng thêm thất vọng và bất bình hơn nữa.

Thành lập Liên đoàn tự trị sinh viên

Ngày 23/4, các sinh viên tổ chức một cuộc họp với sự tham gia của khoảng 40 sinh viên từ 21 trường đại học. Cuộc họp thống nhất thành lập Liên đoàn tự trị của sinh viên Bắc Kinh (còn gọi là Liên minh).

Liên minh này sau đó kêu gọi bãi khóa ở tất cả các trường đại học ở Bắc Kinh. Một tổ chức hình thành bên ngoài thẩm quyền của ĐCSTQ đã gióng lên hồi chuông báo động cho các nhà cầm quyền Bắc Kinh.

3.2. Biểu tình leo thang

Giới lãnh đạo Trung Quốc chia thành 2 phe

Thủ tướng Lý Bằng kêu gọi Tổng Bí thư Triệu Tử Dương lên án những người biểu tình. Lý Bằng cho rằng chính quyền phải nghiêm khắc hơn để dập tắt biểu tình. Tuy nhiên, Triệu Tử Dương đã bác bỏ quan điểm của Lý Bằng.

Vào tháng 5, một số đài truyền hình đã phát sóng các cuộc biểu tình Thiên An Môn (ảnh: Jian Liu).
Vào tháng 5, một số đài truyền hình đã phát sóng các cuộc biểu tình Thiên An Môn (ảnh: Jian Liu).

Vào ngày 25/4, Lý Bằng đã gặp Đặng Tiểu Bình và Dương Thượng Côn tại dinh thự của lãnh đạo tối cao Đặng Tiểu Bình. Đặng ủng hộ lập trường cứng rắn đối với phong trào sinh viên. Thậm chí, Đặng còn chỉ đạo phải đưa ra “cảnh cáo” rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; nhằm răn đe các cuộc biểu tình sau này.

Bài xã luận ‘thêm dầu vào lửa’ ngày 26/4

Sau cuộc họp của giới lãnh đạo cấp cao, tờ Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đã đăng một bài xã luận công kích phong trào dân chủ của sinh viên.

Ảnh chụp bài báo "thêm dầu vào lửa" của tờ Nhân dân Nhật báo đối với phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989.
Ảnh chụp bài báo “thêm dầu vào lửa” của tờ Nhân dân Nhật báo đối với phong trào dân chủ Thiên An Môn năm 1989.

Bài xã luận không làm các sinh viên nhụt chí, mà còn khiến họ bất bình hơn nữa.

Một ngày sau khi bài báo được đăng, các sinh viên từ nhiều trường đại học đồng loạt xuống đường. Khoảng 50.000 -100.000 sinh viên từ các trường đại học diễu hành qua các đường phố của Bắc Kinh đến Quảng trường Thiên An Môn. Cuộc biểu tình nhận được sự ủng hộ rộng rãi của công chúng, đặc biệt là từ các công nhân nhà máy.

Chính phủ nhượng bộ, đồng ý gặp sinh viên

Thành công rực rỡ của cuộc tuần hành 27/4 đã khiến giới chức Trung Quốc nhượng bộ và gặp gỡ sinh viên. Vào ngày 29/4, phát ngôn viên của Hội đồng Nhà nước Yuan Mu đã gặp gỡ các đại diện sinh viên. Nhưng cuộc họp không đem lại kết quả nào đáng kể.

Ngày 3 và 4/5: Triệu Tử Dương hòa giải với sinh viên

Triệu Tử Dương trở về Bắc Kinh vào ngày 30/4 sau chuyến công du Triều Tiên. Do ảnh hưởng từ Triệu Tử Dương, giọng điệu của chính quyền có xu hướng nghiêng về hòa giải.

Triệu Tử Dương đưa ra hai bài phát biểu cảm thông với sinh viên vào ngày 3 và ngày 4/5. Ông cho rằng việc sinh viên lo lắng về tham nhũng là điều chính đáng và phong trào dân chủ sinh viên là phong trào yêu nước.

Trong khi đó khoảng 100.000 sinh viên diễu hành tại Bắc Kinh vào ngày 4/5 để kỷ niệm Phong trào Ngũ Tứ. Họ nhắc lại yêu cầu đã đưa ra trong các cuộc tuần hành trước đó.

13/5: Sinh viên bắt đầu tuyệt thực

Mặc dù tình hình đã dịu bớt, một số thủ lĩnh sinh viên kêu gọi cần hành động mạnh mẽ hơn nữa. Hàng trăm sinh viên đã bắt đầu một cuộc tuyệt thực vô thời hạn tại Quảng trường Thiên An Môn.

Một sinh viên tập khí công để hạn chế tiêu hao năng lượng trong khi tuyệt thực tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989 (ảnh: Jian Liu).
Một sinh viên tập khí công để hạn chế tiêu hao năng lượng trong khi tuyệt thực tại Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 22/5/1989 (ảnh: Jian Liu).

Cuộc tuyệt thực khiến đông đảo dân chúng cảm rộng. Đến chiều ngày 13/5, có khoảng 300.000 người tập trung tại Quảng trường.

15-16/5: Gorbachev tới Bắc Kinh

Cuộc tuyệt thực bắt đầu chỉ 2 ngày trước chuyến công du của lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev tới Trung Quốc.

Theo kế hoạch, lễ chào đón Gorbachev sẽ được tổ chức trên Quảng trường. Các sinh viên hy vọng cuộc tuyệt thực trên Quảng trường khi Gorbachev tới thăm sẽ khiến chính phủ đáp ứng yêu cầu của họ.

Tuy nhiên, ĐCSTQ đã tổ chức lễ đón Gorbachev tại sân bay Bắc Kinh. Điều này được đánh giá là một nỗi xấu hổ đối với các nhà cầm quyền Trung Quốc.

Khi Gorbachev gặp Triệu Tử Dương vào ngày 16/5, Triệu nói với Gorbachev rằng Đặng Tiểu Bình vẫn là “lãnh đạo tối cao” ở Trung Quốc. Đặng cho rằng tuyên bố này là cách Triệu đổ lỗi cho Đặng về cách xử lý các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn.

Nhiều phóng viên báo chí nước ngoài đưa tin về chuyến thăm của Gorbachev đã ở lại Bắc Kinh để tiếp tục theo dõi phong trào Thiên An Môn.

Phong trào sinh viên được tiếp thêm sức mạnh

Các cuộc tuyệt thực đã khơi dậy lòng cảm thông của quần chúng trên cả nước. Khoảng một triệu người đã tới Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 17-18/5. Những người ủng hộ thuộc mọi giai cấp xã hội; có cả quân đội, sĩ quan cảnh sát và các quan chức đảng viên cấp thấp.

Một nhóm đi xe máy với biểu ngữ ủng hộ với các sinh viên trong phong trào Thiên An Môn vào ngày 30/5/1989 (ảnh: Jian Liu/Humanitarian China).
Một nhóm đi xe máy với biểu ngữ ủng hộ với các sinh viên trong phong trào Thiên An Môn vào ngày 30/5/1989 (ảnh: Jian Liu/Humanitarian China).

Một số tổ chức của ĐCSTQ và Đoàn Thanh niên, các công đoàn lao động cũng khuyến khích thành viên tham gia biểu tình.

18/5: Lý Bằng hội đàm với lãnh đạo sinh viên

Tình hình trở nên khó xử. Lý Bằng đã tổ chức một cuộc gặp với sinh viên lần đầu tiên vào ngày 18/5 nhằm xoa dịu công chúng về cuộc tuyệt thực. Trong cuộc họp, ông Lý yêu cầu các sinh viên ngừng tuyệt thực và chấm dứt tụ tập tại Quảng trường.

Lý Bằng (bên trái) đối thoại với thanh niên đại diện cho phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989. Ảnh tải từ China Digital Times.
Lý Bằng (bên trái) đối thoại với thanh niên đại diện cho phong trào dân chủ Thiên An Môn 1989. Ảnh tải từ China Digital Times.

Hai bên không đạt được thỏa thuận nào. Nhưng cuộc họp đã khiến các sinh viên trở nên nổi bật trên truyền hình quốc gia.

19/5: Triệu Tử Dương gặp sinh viên

Vào sáng sớm ngày 19/5, Triệu Tử Dương tới Quảng trường Thiên An Môn. Lúc 4 giờ 50 sáng, Triệu Tử Dương đã có bài phát biểu cảm động với đám đông sinh viên:

“Hỡi các sinh viên, chúng tôi đã đến quá muộn. Chúng tôi xin lỗi. Các bạn nói về chúng tôi, chỉ trích chúng tôi, tất cả những điều đó đều cần thiết. Lý do tôi đến đây không phải là để yêu cầu các bạn tha thứ cho chúng tôi. Tất cả những gì tôi muốn nói là các sinh viên đang rất yếu, đây là ngày thứ 7 kể từ khi các bạn tuyệt thực, các bạn không thể tiếp tục như thế này được… Các bạn vẫn còn trẻ, vẫn còn nhiều ngày tháng ở phía trước, các bạn phải sống khỏe mạnh, để nhìn thấy ngày mà Trung Quốc hoàn thành bốn hiện đại hóa. Các bạn không giống chúng tôi, chúng tôi đã già, nó không còn quan trọng với chúng tôi nữa”.

Triệu Tử Dương phát biểu đầy cảm thông với các sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 19/5/1989. Đây là lần cuối cùng ông được phép xuất hiện trước công chúng. Ảnh tải từ China Digital Times.
Triệu Tử Dương phát biểu đầy cảm thông với các sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 19/5/1989. Đây là lần cuối cùng ông được phép xuất hiện trước công chúng. Ảnh tải từ China Digital Times.

Bài phát biểu của Triệu Tử Dương đã khiến nhiều sinh viên xúc động. Nhưng đây là lần cuối cùng ông được xuất hiện trước công chúng. ĐCSTQ đã hạ bệ ông khỏi chức vụ Tổng Bí thư. Ông bị quản thúc tại gia cho đến khi qua đời vào năm 2005.

3.3. Chính quyền Trung Quốc đàn áp phong trào Thiên An Môn

20/5: Tuyên bố thiết quân luật

ĐCSTQ đã tuyên bố thiết quân luật vào ngày 20/5. Khoảng 250.000 quân được điều động đến thủ đô Bắc Kinh. Các đám đông biểu tình đã cố gắng ngăn chặn cuộc tiến công của quân đội vào thành phố.

Hàng chục ngàn người biểu tình vây quanh các xe quân sự, ngăn cản họ tiến lên. Những người biểu tình cố gắng thuyết phục binh lính ủng hộ phong trào dân chủ. Họ cũng cung cấp cho binh lính đồ ăn, nước và nơi trú ẩn.

Cư dân Bắc Kinh cố gắng bảo vệ các sinh viên bằng cách chặn đường tiến của xe quân sự và cố gắng thuyết phục các binh lính rút lui, vào khoảng ngày 25/5/1989 (ảnh: Liu Jian).
Cư dân Bắc Kinh cố gắng bảo vệ các sinh viên bằng cách chặn đường tiến của xe quân sự và cố gắng thuyết phục các binh lính rút lui, vào khoảng ngày 25/5/1989 (ảnh: Liu Jian).

Nhận thấy không thể nào tiến về phía trước, chính quyền ra lệnh cho quân đội rút quân vào ngày 24/5. Các lực lượng rút lui về căn cứ bên ngoài thành phố.

29/5: Tượng đài Nữ Thần Dân chủ

Các cuộc biểu tình kéo dài tiếp tục kéo dài. Các thủ lĩnh sinh viên bất đồng về việc có tiếp tục chiếm đóng Quảng trường hay nên rời đi. Nhiều sinh viên kiệt sức, tinh thần của các sinh viên đã trùng xuống.

Những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn xem lễ khánh thành bức tượng Nữ thần Dân chủ vào cuối tháng 5 năm 1989. Bức tượng bị phá hủy chưa đầy một tuần sau khi các cuộc đàn áp bạo lực bắt đầu. Ảnh: Jian Liu/Humanitarian China.
Những người biểu tình tại Quảng trường Thiên An Môn xem lễ khánh thành bức tượng Nữ thần Dân chủ vào cuối tháng 5 năm 1989. Bức tượng bị phá hủy chưa đầy một tuần sau khi các cuộc đàn áp bạo lực bắt đầu. Ảnh: Jian Liu/Humanitarian China.

Lúc 22 giờ 30 ngày 29/5, các sinh viên của Học viện Nghệ thuật Trung ương mang tới Quảng trường một bức tượng mà họ tự làm. Họ gọi đó là tượng “Nữ thần Dân chủ”.

Tượng Nữ thần Dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn đã tiếp sức cho các sinh viên biểu tình năm 1989 (ảnh: Liu Jian).
Tượng Nữ thần Dân chủ tại Quảng trường Thiên An Môn đã tiếp sức cho các sinh viên biểu tình năm 1989 (ảnh: Liu Jian).

Đây là một bức tượng cao 10m bằng thạch cao, được mô phỏng theo tượng Nữ thần Tự do ở New York, Mỹ. Bức tượng này đã tiếp thêm sức mạnh và tinh thần cho các sinh viên.

3/6 và 4/6: Quân đội càn quét Quảng trường Thiên An Môn

16 giờ 30 ngày 3/6, Bộ Chính trị Trung Quốc chính thức thông qua quyết định đàn áp cuộc biểu tình.

Tối 3/6, các đơn vị quân đội Trung Quốc đổ vào Bắc Kinh từ mọi hướng. Vào khoảng 22 giờ 00, quân đội nã súng vào những người biểu tình tại ngã tư Wukesong, Đại lộ Trường An, cách Quảng trường Thiên An Môn khoảng 10 km về phía tây.

Embed from Getty Images

Những người biểu tình choáng váng khi nhận ra quân đội đang sử dụng súng đạn. Họ chống trả lại bằng cách chửi bới và ném đạn pháo.

Có bằng chứng cho thấy quân đội dùng đạn nở để bắn vào người dân. Đây là loại vũ khí bị cấm dùng trong chiến tranh theo luật pháp quốc tế.

Quân đội Trung Quốc còn sử dụng các xe bọc thép đâm xuyên qua các xe buýt mà người dân dùng làm chướng ngại vật. Khi quân đội tiếp tục tiến quân, những người biểu tình bị giết hại dọc theo Đại lộ Trường An, tại Nanlishilu, Fuxingmen, Xidan, Liubukou…

Đài BBC đưa tin về các cuộc thảm sát vào đêm 3/6 và rạng sáng 4/6/1989:

Ở phía nam, binh lính dùng đạn dược trực tiếp đối với người biểu tình và những người xung quanh. Có những ca tử vong của dân thường được ghi nhận tại Hufangqiao, Zhushikou, Tianqiao và Qianmen.

4 giờ sáng, đèn điện trong Quảng trường Thiên An Môn bất ngờ phụt tắt. Quân lính tiến vào Quảng trường, những người biểu tình không hay biết do trời tối.

4 giờ 30 sáng, đèn điện vụt sáng trở lại, lúc này các sinh viên mới phát hiện mình đã bị quân đội và xe tăng bao vây. Một số sinh viên thuyết phục binh lính cho họ rời đi, một số cương quyết ở lại Quảng trường. Quân đội tiếp tục nổ súng. Nhiều người trúng đạn ngã xuống trong vũng máu.

Một số xe tăng đuổi theo truy sát các sinh viên đang rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn, khiến nhiều người thương vong. Một trong số các nạn nhân là Phương Chính (Fang Zheng), một sinh viên Đại học Thể dục Thể thao Bắc Kinh.

Báo phương Tây chụp được bức ảnh Phương Chính bị xe tăng nghiền nát hai chân khi anh đang rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào sáng 4/6/1989. Sau sự kiện này, chàng sinh viên thể thao trở thành vận động viên khuyết tật. Nhưng anh bị buộc phải nói dối về lý do mình bị mất đôi chân.
Báo phương Tây chụp được bức ảnh Phương Chính bị xe tăng nghiền nát hai chân khi anh đang rời khỏi Quảng trường Thiên An Môn vào sáng 4/6/1989. Sau sự kiện này, chàng sinh viên thể thao trở thành vận động viên khuyết tật. Nhưng anh bị buộc phải nói dối về lý do mình bị mất đôi chân.

Phương Chính cho biết: “Khoảng 6 giờ ngày 4/6, chúng tôi rút khỏi Quảng trường. Sau khi đi qua Quảng trường, những chiếc xe tăng đã vòng lại lao về phía các sinh viên và bao vây họ, những người đang trên đường trở về trường của mình. Tôi là một trong những nạn nhân. Xe tăng đã cán qua chân tôi. Nhiều sinh viên của Đại học Bắc Kinh đã bị xe tăng cán chết. Một số thậm chí còn bị nghiền nát.”

Sau vụ thảm sát

Trải qua một đêm tắm máu người dân, quân đội Trung Quốc dùng xe ủi thu gom xác người, phóng hỏa, dọn sạch Quảng trường. Một số thi thể bị đưa tới chất đống ở cổng trường đại học, khiến sinh viên khiếp đảm.

Tiếng súng vẫn nổ rải rác ở Bắc Kinh trong ngày 4/6. Vụ thảm sát đã khiến công chúng vừa sợ hãi, vừa phẫn nộ.

Một người đàn ông đã đứng chắn đoàn xe tăng của quân đội khi chúng rời khỏi Quảng trường vào ngày 5/6.

Tank Man, người đàn ông đứng chắn đoàn xe tăng vào sáng sớm 5/6/1989, ngay sau vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6. Ảnh: Internet.
Tank Man, người đàn ông đứng chắn đoàn xe tăng vào sáng sớm 5/6/1989, ngay sau vụ Thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6. Ảnh: Internet.

Người đàn ông đối đầu với xe tăng này được gọi là “Tank Man”. Hình ảnh đó lan tỏa khắp thế giới và trở thành biểu tượng nổi tiếng khi đề cập đến chuỗi Sự kiện Thiên An Môn.

4. Con số thương vong trong cuộc đàn áp Thiên An Môn

Có nhiều ước tính khác nhau về số lượng người chết và bị thương trong vụ thảm sát Thiên An Môn 1989.

4.1. Tuyên bố của ĐCSTQ

Chính phủ Trung Quốc liên tục thay đổi tuyên bố của mình về sự kiện Lục Tứ. Ban đầu họ nói rằng không có phát súng nào nổ ra và không có ai bị giết hại vào ngày 4/6/1989. Lời nói dối quá vô lý, nhiều phóng viên quốc tế đã ghi lại các cuộc nổ súng và giết hại.

Embed from Getty Images

(Ảnh AFP ghi lại một phóng viên nước ngoài bị thương trong Sự kiện Thiên An Môn ngày 4/6/1989)

Vì vậy, sau đó Bắc Kinh tuyên bố có một số người chết. Con số họ đưa ra là không nhất quán, ban đầu nói là vài chục, sau đó đổi thành vài trăm. ĐCSTQ tuyên bố những người tử vong chủ yếu là các binh sỹ bị “các phần tử phản cách mạng” giết hại.

4.2. Ước tính của các nhà báo và giới quan sát

Các nhà báo nước ngoài, những người chứng kiến vụ thảm sát ước tính có ít nhất 3.000 người chết trong Sự kiện Thiên An Môn.

Các thi thể tại nhà xác ở bệnh viện Shuili. Tất cả họ đều đã chết vì trúng đạn trong sự kiện Thiên An Môn 1989 (ảnh: Jian Liu).
Các thi thể tại nhà xác ở bệnh viện Shuili. Tất cả họ đều đã chết vì trúng đạn trong sự kiện Thiên An Môn 1989 (ảnh: Jian Liu).

Một số thống kê khác cho rằng số người thiệt mạng lên tới 5.000 người.

Đài BBC đưa tin, một tài liệu ngoại giao của Anh Quốc được công bố năm 2017 nhận định số người bị giết trong Sự kiện Thiện An Môn lên tới 10.000 người.

5. Động thái của các nước sau vụ thảm sát

5.1. Chính quyền Trung Quốc bắt giữ, kiểm duyệt, tuyên truyền bôi nhọ người biểu tình

Ngay sau vụ thảm sát, ĐCSTQ đã bắt giữ và truy tố hàng loạt sinh viên trong phong trào Thiên An Môn. Một số thủ lĩnh sinh viên đã bị bắt giữ và kết án, trong đó có Vương Đan, Sài Linh, Triệu Thường Thanh và Örkesh Dölet.

Bộ máy tuyên truyền rầm rộ bôi nhọ các sinh viên biểu tình là những “phần tử phản cách mạng”, dùng vũ khí giết hại các binh sĩ.

“Ngay sau vụ việc, chính quyền Trung Quốc nói rằng không có phát súng nào, không ai bị giết hại. Câu chuyện sau đó trở thành cái mà họ gọi là những tên tội phạm, những kẻ phản cách mạng tấn công cảnh sát và quân đội, giết nhiều cảnh sát và binh sỹ. Vì vậy, nếu có phát súng nào thì đó hoàn toàn là để bảo vệ người dân bị tấn công bởi các phần tử phản cách mạng. Đó là lời nói dối trắng trợn!”

Jonathan Mirsky, Nhà sử học, Nhân chứng vụ Thảm sát Thiên An Môn. (video)

Những người bị coi là ủng hộ phong trào biểu tình cũng bị kỷ luật, bắt giữ hoặc phải chịu các hình thức trừng phạt khác.

Embed from Getty Images

(Hình ảnh một người mẹ khóc ngất khi biết tin con bị giết trong Sự kiện Thiên An Môn)

Tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn kiểm soát chặt chẽ truyền thông báo chí, không cho phép đưa tin về sự kiện này. Sách giáo khoa cũng không hề đề cập đến vụ thảm sát.

Các bà mẹ có con bị giết không được phép tưởng niệm công khai. Các nạn nhân sống sót và thân nhân của những người đã khuất hàng năm đều bị theo dõi để ngăn họ chia sẻ công khai về sự kiện Lục Tứ.

5.2. Phản ứng của các nước phương Tây

Các nước ban bố lệnh trừng phạt chính quyền Trung Quốc

Sự kiện Lục Tứ năm 1989 đã gây chấn động toàn thế giới. Nhiều nước phương Tây áp dụng lệnh cấm vận vũ khí với Trung Quốc.

Cựu Tổng thống Mỹ Richard Nixon vội vàng viết thư tay gửi Tổng thống George H. W. Bush (Bush cha). Ông Nixon đề nghị Mỹ không trừng phạt mạnh tay đối với ĐCSTQ, vì Washington khi đó coi Bắc Kinh là đồng minh trong việc chống lại Liên Xô. Vì vậy, chính quyền Bush cha chỉ đưa ra biện pháp trừng phạt nhẹ tay đối với ĐCSTQ.

Chiến dịch Chim hoàng yến: Phương Tây giải cứu sinh viên biểu tình

Các nước phương Tây đã cố gắng giải cứu một số sinh viên nổi bật ra khỏi Trung Quốc để họ không phải chịu sự trừng phạt của ĐCSTQ. Chiến dịch giải cứu này gọi là Chiến dịch Chim hoàng yến (hay Chiến dịch Chim vàng).

Bộ Ngoại giao Pháp, Cơ quan tình báo mật của Anh (MI6), và Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ (CIA) đã tham gia vào chiến dịch này.

6. Vì sao người Trung Quốc không nhớ vụ thảm sát Thiên An Môn?

Ngày nay, đa số người dân Trung Quốc không biết đến Sự kiện Thiên An Môn 1989. Một số người biết nhưng không dám nói. Một số người nói thì lại nói theo tuyên truyền của ĐCSTQ; rằng đó là cuộc bạo động của những kẻ “phản cách mạng”. Rất ít người dám nói ra sự thật.

Sự kiện đẫm máu này gần như đã bị xóa sạch khỏi ký ức của hơn tỷ dân nằm dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Vì sao ĐCSTQ có thể thực hiện cuộc tẩy não trên diện rộng như vậy?

Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28/9/2007 (ảnh: Scott Sherrill-Mix/Flickr).
Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 28/9/2007 (ảnh: Scott Sherrill-Mix/Flickr).

Các nhà quan sát cho biết: Lý do chủ yếu là người dân Trung Quốc đã quá khiếp sợ; họ buộc phải tự kiểm duyệt bản thân, không dám kể cho con cháu về những gì đã xảy ra.

“Họ đồng loạt chọn cách im lặng, người ta làm thế vì cảm thấy rằng họ phải trả giá rất đắt nếu ghi nhớ sự kiện ngày 4/6… Những người bị thương trong cuộc biểu tình thì dựng lên câu chuyện nào đó để con cháu không biết sự thật, vì cái giá phải trả để biết sự thật, giờ được coi là quá đắt, đến nỗi không ai muốn biết nữa.”

Nhà báo Louisa Lim, tác giả cuốn sách “Cộng hòa Nhân dân Lãng quên” (video)

7. Sự kiện Thiên An Môn liên quan gì đến thế giới?

Vụ thảm sát Thiên An Môn tưởng chừng chỉ là vấn đề của người Trung Quốc, nhưng nó gây dư chấn đến phần còn lại của thế giới. Sự kiện này đặt ra dấu mốc quan trọng cho việc thế giới có lựa chọn ngăn chặn quyền lực của ĐCSTQ hay không.

Các nước đã bỏ lỡ dấu mốc này và giờ đây các xúc tu độc hại của ĐCSTQ lây lan khắp thế giới.

7.1. Sai lầm của phương Tây

Sau sự kiện Thiên An Môn, các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ đã sai lầm khi tưởng rằng: Nếu giúp Trung Quốc phát triển kinh tế, điều đó sẽ khiến ĐCSTQ dần dần phải mở rộng tự do, dân chủ và nhân quyền.

Vì vậy, vào năm 1993, Tổng thống Bill Clinton đã loại bỏ vấn đề nhân quyền ra khỏi các thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh, cung cấp cho Trung Quốc các lợi ích thương mại tối huệ quốc (MFN).

Sau đó, chính quyền Bush đã chấp thuận cho Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2001; với hi vọng cơ chế này sẽ buộc Trung Quốc phải mở rộng tự do kinh tế. Nhưng kết quả là WTO đã bị Trung Quốc “lật đổ”, theo nhà lập pháp Mỹ Jim Talent trên Fox News.

Trung Quốc vừa hưởng lợi từ WTO, vừa vi phạm các quy định của WTO mà không phải trả giá. Trong khi đó các cuộc đàn áp của ĐCSTQ vẫn tiếp diễn; như việc bức hại Pháp Luân Công, áp bức người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng…

7.2. Quyền lực của ĐCSTQ lan khắp thế giới

Ngày nay, các mối quan hệ lợi ích của nhiều tập đoàn và chính phủ các nước đã gắn chặt với Trung Quốc. Điều đó, khiến họ không còn có thể lên tiếng mạnh mẽ trước những vi phạm nhân quyền của ĐCSTQ.

Nhiều doanh nghiệp thậm chí đã tự kiểm duyệt bản thân theo luận điệu của Bắc Kinh để chen chân vào thị trường Trung Quốc. Ví dụ, phim Abominable của hãng DreamWorks có đường lưỡi bò ở Biển Đông, làm dấy lên lo ngại về ảnh hưởng của Bắc Kinh tại Hollywood.

ĐCSTQ thậm chí cài cắm được các quan chức của mình vào những vị trí lãnh đạo quan trọng của thế giới, như Thẩm phán Tòa quốc tế về Luật biển, Chủ tịch Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpool),…

7.3. Thế giới nên làm gì?

Cần nối lại nhân quyền và kinh tế

Vương Đan, cựu thủ lĩnh sinh viên Thiên An Môn được giải cứu sang Mỹ năm 1996, cho rằng các nước cần nối lại vấn đề nhân quyền khi thực hiện các cuộc đàm phán kinh tế với Trung Quốc.

Bên trái: Thủ lĩnh sinh viên Vương Đan phát biểu trước các phóng viên quốc tế tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Bên phải: Vương Đan phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 20 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn (ảnh: Wikimedia Commons).
Bên trái: Thủ lĩnh sinh viên Vương Đan phát biểu trước các phóng viên quốc tế tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989. Bên phải: Vương Đan phát biểu tại sự kiện kỷ niệm 20 năm vụ Thảm sát Thiên An Môn (ảnh: Wikimedia Commons).

“Trung Quốc trở thành mối đe dọa đối với thế giới tự do, và theo quan điểm của tôi, tôi nghĩ đã đến lúc phải liên kết lại các vấn đề thương mại và nhân quyền. Đó có thể là cách duy nhất để giải quyết vấn đề này”, Vương Đan nói với các phóng viên vào tháng 5/2019, theo AP.

Cần lưu giữ hồi ức Thiên An Môn

Chính quyền ĐCSTQ muốn thế giới và người dân Trung Quốc lãng quên Sự kiện Thiên An Môn 1989. Vì vậy, chúng ta cần lưu giữ hồi ức về vụ thảm sát, theo Phương Chính, cựu sinh viên bị xe tăng cán nát 2 chân vào sáng sớm 4/6/1989.

Trong cuộc phỏng vấn với chương trình “Trung Quốc không kiểm duyệt” năm 2018, Phương Chính cho biết “vũ khí sắc bén nhất để đối lại ĐCSTQ là không quên những gì họ muốn chúng ta quên”.

Phương Chính kể lại Sự kiện Thiên An Môn tại Diễn đàn Tự do Oslo năm 2018 (ảnh chụp màn hình video). Anh hi vọng thế giới không lãng quên sự kiện đẫm máu này. (Sự thật trong cuộc thảm sát Thiên An Môn 1989 cần được phơi bày)
Phương Chính kể lại Sự kiện Thiên An Môn tại Diễn đàn Tự do Oslo năm 2018 (ảnh chụp màn hình video). Anh hi vọng thế giới không lãng quên sự kiện đẫm máu này.

Sau khi thoát khỏi Trung Quốc vào năm 2009, Phương Chính liên tục chia sẻ về những gì mình đã trải qua trong vụ thảm sát Thiên An Môn. Anh hi vọng thế giới, đặc biệt là người Trung Quốc, biết đến tội ác của ĐCSTQ và không lãng quên những sự kiện tại Quảng trường Thiên An Môn năm 1989.

x