Luật nhân quả vốn là quy luật của vũ trụ, nó đảm bảo cho sự công bằng nơi thế gian. Người hành ác có thể qua mặt pháp luật, nhưng nhân quả báo ứng thì không thể sai chạy. Người xưa thường nói “Ở hiền gặp lành”, “gieo gió gặt bão” cũng chính là nói về luật nhân quả này.
- Nhân quả báo ứng: Hai nhát kéo oan nghiệt đổi lại bằng hai nhát đao
- Nhân quả báo ứng: Vị quan thanh bần vì sao lại đoản mệnh?
Nội dung chính
Luật nhân quả không chừa một ai
Nhà Phật có câu: “Bồ Tát sợ nhân, chúng sinh sợ quả”. Bậc Bồ Tát làm việc gì cũng phải cân nhắc trước sau, mặc dù có thần thông biến hóa nhưng cũng không thể tùy tiện muốn làm gì thì làm. Con người thì ngược lại, biết là làm sai mà vì tham sân si nên vẫn quyết tâm làm; nào biết được rằng luật nhân quả nghiêm khắc, một khi quả báo đến thì sẽ vô cùng thê thảm.
Không chỉ con người bình thường mà Đức Phật cũng không tránh khỏi luật nhân quả. Thời còn tại thế, Đức Phật cũng từng kể một câu chuyện để cảnh báo thế nhân. Chuyện kể rằng, thuở xưa ở Ấn Độ, trong thành Ca Tỳ La Vệ có một ao nước. Trong ao có rất nhiều tôm cá và đều bị người dân bắt làm thịt hết. Người ta còn bắt được một con cá rất lớn, có cậu bé nhìn thấy thì rất thích thú nên mới chạy lại dùng cây gõ lên đầu cá ba cái.
Đến thời Phật Thích Ca tại thế, vua Ba Tư Nặc rất mến mộ đạo Phật; ông lấy một cô gái dòng họ Thích Ca và sinh ra một thái tử tên là Lưu Ly. Lúc nhỏ, Thái tử Lưu Ly thường qua thành Ca Tỳ La Vệ để chơi. Một ngày nọ, do chơi đùa nơi Đức Phật thuyết Pháp nên bị một người nào đó đuổi ra; từ đó mà sinh tâm oán hận.
Mối thù tiền kiếp đã đến lúc đòi nợ
Đến khi lớn lên thì mối thù của thái tử Lưu Ly cũng không nguôi đi. Lúc mà Thái tử lên làm vua thì ông liền cho quân sang đánh thành Ca Tỳ La Vệ; muốn giết sạch cư dân trong thành để trả thù. Đức Phật khuyên can nhưng không được, và trong thời gian này Đức Phật cũng bị đau đầu 3 ngày.
Lúc ấy, ngài Mục Kiền Liên (một trong những đại đệ tử của Đức Phật) được xem là vị có thần thông bậc nhất, không cam tâm nhìn bộ tộc Thích Ca bị diệt vong nên mới dùng thần thông bay vào trong thành. Sau đó lựa lấy 500 nhân vật ưu tú của bộ tộc Thích Ca; ngài dùng thần thông thâu tóm họ ở trong lòng bàn tay rồi bay ra khỏi thành. Đến một nơi thật an toàn, ngài mở tay ra xem thì thất kinh khi thấy cả 500 người trong lòng bàn tay đã biến thành tro bụi.
Lúc này Đức Phật mới kể lại câu chuyện tiền kiếp dân làng giết cá khi xưa. Con cá lớn trong ao năm xưa đã đầu thai thành vua Lưu Ly. Những con tôm cá bị giết trong ao chính là quân binh đi theo vua đánh thành Ca Tỳ La Vệ. Dân trong thành và những người dòng họ Thích Ca bị giết chính là những người đã bắt tôm cá để ăn khi xưa. Còn chú bé lấy cây gõ lên đầu cá 3 cái chính là Đức Phật; cũng vì vậy mà Đức Phật bị đau đầu ba ngày.
Nhân quả báo ứng có thể đến chậm nhưng nhất định sẽ báo
Có thể thấy luật nhân quả là không chừa một ai; dù là Đức Phật cũng phải chịu báo ứng cho những gì mình đã gây ra trong quá khứ. Nhưng quả báo có thể đến nhanh mà cũng có thể đến chậm. Nhiều người cứ làm việc ác mà không thấy bị sao, cứ tưởng là luật nhân quả chỉ là nói suông. Đến khi tai họa ập xuống lại cho đó là ngẫu nhiên, không tin đó là báo ứng cho những việc xấu mà bản thân đã gây ra; đây chính là cái tạo thành chỗ mê cho thế nhân.
Có nhiều người đi chùa bái Phật về lại gặp bao nhiêu chuyện không may; cuộc sống dường như bất ổn hơn rất nhiều. Thế là trong tâm lại trở nên oán Phật; cho rằng vì tu Phật nên mới bị như vậy.
Điều này thì thực là chưa hiểu rõ về luật nhân quả. Vì nghiệp con người tạo ra là đời đời kiếp kiếp chứ không chỉ trong một đời. Nên khi những điều không như ý xảy đến thì có thể là để cho ta trả nghiệp; chịu khổ một chút rồi tương lai sẽ tốt hơn. Nếu không nghiệp cứ dồn tích càng nhiều thì khi chết đi nhất định sẽ phải xuống địa ngục; hoặc nếu đầu thai làm người thì hoàn cảnh cũng rất nghèo khổ, vậy chẳng đáng buồn hay sao?
Luật nhân quả công bằng, người đáng thương tất có chỗ đáng trách
Chúng ta chắc ai cũng từng thương xót cho những người tàn tật hoặc có hoàn cảnh khó khăn, nhưng có câu nói “người đáng thương tất có chỗ đáng trách”. Chỗ đáng trách ở đây là muốn nói đến những việc làm xấu trong kiếp trước, nên mới tạo ra hoàn cảnh đáng thương trong kiếp này.
Có người vừa làm việc xấu thì báo ứng tức thì, từ đó mà ngộ ra nhân quả, về sau không dám làm việc xấu nữa. Có người tuy được Thần điểm hóa cho để sửa đổi nhưng nhắm mắt cho qua, nhất định không ngộ, ngày càng dấn sâu vào tội ác; vậy thì phần cuối đời hoặc là kiếp sau của người đó thật là đáng lo ngại.
Hiểu luật nhân quả để sống an nhiên tự tại, việc gì cũng cứ thuận theo tự nhiên để tránh tạo nghiệp. Đồng thời tu tâm dưỡng tính, chăm làm việc thiện, nhất định sẽ được gặt quả lành về sau.