Nhân sinh cảm ngộ

3 kiểu trẻ tưởng là khôn ngoan nhưng tương lai bất ổn

30/06/21, 08:09
3 kiểu trẻ tưởng là khôn ngoan nhưng tương lai bất ổn
Nhiều trẻ tưởng là khôn ngoan nhưng thực ra lại thiếu thành thật (ảnh Adobe Stock)

Hành vi của nhiều trẻ khiến bố mẹ nghĩ chúng thông minh, khôn ngoan từ nhỏ, nhưng thực ra đó lại chỉ là khôn vặt và không thành thật. Nếu không uốn nắn từ sớm thì trẻ có thể phát triển sai lệch và sau này khó mà thành công.

Tiện tay thích lấy cái gì là lấy cái đó

Hành vi ‘tiện tay’ của trẻ được không ít cha mẹ cổ vũ, coi đó như là sự nhanh nhẹn, khôn ngoan, nhưng kỳ thực đó là một hành vi xấu. Ví dụ khi đến nhà người khác chơi, trẻ thấy có món đồ chơi nào ưa thích là cứ thế lấy chơi; đi vào phòng của người khác thấy đồ gì lạ cũng ‘tiện tay’ lấy ra mà không xin phép; vừa vào nhà người khác đã chạy thẳng đến tủ lạnh xem có đồ ăn gì ngon là ‘tiện tay’ lấy ra ăn…

Cha mẹ cần nhân cơ hội đó mà khuyên bảo con, rằng làm gì cũng phải có trước có sau, muốn lấy bất cứ cái gì của ai cũng phải xin phép trước; vào nhà người lạ thì không được tùy tiện vào phòng ngủ; tới nhà người khác cũng không được tùy tiện lục đồ ăn, người ta mang ra gì thì ăn cái đó… 

Khôn ngoan là gì; Khôn ngoan và khôn lỏi; Khôn lanh là gì
Dạy trẻ biết trước biết sau (ảnh Adobe Stock)

Trẻ nhỏ như trang giấy trắng, vì vậy chỉ cần sai một ly là đi một dặm. Những tính nết này nếu không được sửa từ sớm thì sau này trẻ sẽ trở thành một người tùy tiện, thiếu lễ nghĩa trầm trọng. Dù là trong giao tiếp bạn bè hay trong công việc sẽ không được người khác tôn trọng.

Không bao giờ chịu thua cuộc

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng phản ứng gay gắt của trẻ mỗi khi thua cuộc đồng nghĩa với việc cá tính mạnh, tư chất hơn người. Trên thực tế đây là biểu hiện của tâm tranh đấu rất mạnh và tính ích kỷ, lúc nào cũng muốn hơn thua với người khác và không có sự nhường nhịn. 

Trẻ luôn ganh đua với người khác sẽ coi mình là trung tâm của vũ trụ. Đối với anh em trong nhà thì không muốn bố mẹ chia sẻ tình yêu thương với người khác. Đối với người ngoài thì luôn cho là mình giỏi nhất, khăng khăng bảo vệ quan điểm của mình. Trẻ như vậy khi lớn lên sẽ rất khó làm việc tập thể, bởi vì cái tôi quá lớn, không thể tiếp thu được ý kiến của người khác.

Khôn ngoan lanh lợi; Cách dạy trẻ bướng bỉnh; Cách dạy trẻ tập trung
‘Không chịu thua cuộc’ là thể hiện tâm tranh đấu rất mạnh (ảnh Adobe Stock)

Cha mẹ nên dạy cho con lòng nhân từ, làm gì cũng phải suy nghĩ cho người khác. Thắng người không quan trọng bằng được lòng người. Dạy cho trẻ lòng vị tha, thường xuyên quan tâm và giúp đỡ người khác. Người giỏi và mạnh thực sự thì sẽ nâng người khác trên đôi vai của mình; chứ không phải là giẫm lên người khác để đẩy mình lên cao. 

Nói hay, làm dở, ‘khôn ngoan’ trốn tránh mọi việc

Trẻ rất khéo đón ý bố mẹ, lúc nào cũng tỏ ra là biết lắng nghe; nhưng sau đó lại không hề sửa đổi hay làm bất cứ việc gì. Cha mẹ thấy con ‘nghe lời’ thì mát lòng mát dạ; nhưng thực tế là chỉ có nói mà không có làm.

Ví dụ khi trẻ mắc lỗi gì thì rối rít xin lỗi và hứa sẽ sửa đổi; nhìn có vẻ rất chân thành, nhưng ngày mai lại đâu ra đó. Cha mẹ chủ quan cho rằng con biết nhận lỗi là tốt rồi. Nhưng nói mà không làm thì chính là không thành ý, thiếu thành thật. 

Dạy trẻ đúng cách; Dạy trẻ con đúng cách; Tương lai của bạn
Dạy trẻ tính thành thật, miệng nói nhưng tay phải làm (ảnh Adobe Stock)

Cha mẹ không nên coi thường tính cách này của trẻ. Nếu không sửa đổi sớm thì trẻ lớn lên sẽ là người dẻo miệng, lười biếng; nói thì rất hay nhưng thực tế lại không làm gì mà đùn đẩy việc cho người khác làm. Người như vậy thì làm sao có thể nhận được sự tin tưởng và tôn trọng của người khác.

Tính cách từ lúc nhỏ sẽ hình thành nên con người trẻ sau này. Cha mẹ phải lưu ý dạy dỗ uốn nắn con ngay khi còn nhỏ. Đừng để sau này trẻ bước ra ngoài xã hội rồi thì rất khó sửa. Có thể chỉ vì những tính cách này mà ảnh hưởng đến cả tương lai của trẻ. 

Tổng hợp

x