Nhân sinh cảm ngộ

Tình nghĩa vợ chồng

14/05/25, 15:11
Tình nghĩa vợ chồng
(ảnh minh họa Pinterest)

Xưa nay mối quan hệ nào cũng dựa trên chữ “tình” mà gây dựng. Quan hệ hôn nhân cũng thế. Nó khởi đầu thường là bằng tình yêu, còn bền lâu hay không thì còn phải có sự góp mặt của chữ “nghĩa”. Sau hôn nhân, cả vợ và chồng đều cần nỗ lực vun vén cho trọn vẹn tình và nghĩa. Bởi nghĩa càng nặng thì tình càng sâu, và ngược lại. Hôn nhân không chỉ có gam màu hồng. Nên để đến được “đầu bạc răng long” như lời chúc phúc cũng thật không dễ dàng.

Bà nội tôi năm nay đã 101 tuổi, vẫn ngồi đó nói chuyện với ảnh thờ của ông tôi ròng rã mấy chục năm trời. Có lần tôi vui chuyện hỏi bà: “Nếu còn kiếp sau thì bà có chọn cưới ông nữa hay không?”

Bà ngồi trầm ngâm kể lại đoạn đời thanh xuân bị gia đình “đặt đâu ngồi đó” theo đúng quan niệm xưa. Rồi nói với tôi rằng: “Tao sẽ vẫn cưới ông mày. Vì một đời làm vợ chồng, không có tình cũng còn có nghĩa”. 

Vợ chồng ngày xưa, họ chưa chắc đã có tình yêu bởi phải cưới theo sắp xếp của cha mẹ. Thế nhưng hầu như họ đều có thể sống trọn đời bên nhau, con cháu đầy đàn. Vậy vì điều gì mà người xưa có thể sống trong hôn nhân không có tình yêu được đến hết một đời như thế? 

Tôi nghĩ, có lẽ đó chính là chữ “nghĩa” mà nội tôi nhắc đến kia – “nghĩa vợ chồng”.

Hạnh phúc của vợ chồng, là vì nhau mà cố gắng, và vì nhau mà thay đổi. Đó là nghĩa. Không ai dễ dàng ném thói quen qua cửa sổ, nhưng họ đều vì nhau chấp nhận bỏ cả thói quen, sở thích để hoà hợp với đối phương. Một năm, hai năm không được thì vun vén nhiều năm sao cho “một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng”. 

Đạo vợ nghĩa chồng được đặt lên hàng đầu. Nên dẫu không có tình yêu thì cũng còn có tình nghĩa. Vì tình nghĩa mà vun vén cho tình yêu. Chính vì thế, các cụ ngày trước thường yêu sau khi cưới, chứ không được yêu rồi mới cưới như bây giờ. 

Trong cuộc sống vợ chồng, không có gì cao quý và đáng kính trọng hơn lòng chung thủy. Đó cũng là nghĩa. Nhưng càng sau này, con người càng xem thường điều đó. “Ông ăn chả” thì bà cũng phải “ăn nem” cho bõ tức, bất chấp phạm luân thường đạo lí. Con người càng ngày càng dễ “thay áo mới” cho mối quan hệ vợ chồng. 

Tình nghĩa vợ chồng còn là phải biết nâng đỡ, dìu dắt nhau qua những tháng ngày khó khăn, không vì khó khăn mà rũ bỏ hay xem thường đối phương. Họ chọn nắm chặt tay cùng vượt qua chông gai. “Thuận vợ thuận chồng, tát biển Đông cũng cạn”. Khi cả hai cùng cố gắng vì nhau mà sống thì mọi việc cũng thế mà thuận theo. 

(ảnh minh họa Pinterest)

Gia đình nào cũng vậy, vợ chồng nào cũng sẽ có lúc cãi vã, mâu thuẫn. Nhưng nếu biết nhẫn nhịn, bao dung, thì mâu thuẫn sẽ làm gia vị cho cuộc sống thêm màu sắc, và khiến vợ chồng có thể thấu hiểu nhau hơn. Sự bao dung nhẫn nhịn và thấu hiểu dành cho nhau, cũng được coi là nghĩa tình vợ chồng.  

Quay đi quay lại đã một đời trôi qua, như mây trôi gió thoảng. Chớp mắt thôi, tóc đã bạc, mắt đã mờ, chân đã mỏi… Vợ chồng nào có được bên nhau mãi mãi. Cho nên, không chỉ cần “yêu” mà còn cần phải “thương”, không chỉ cần “tình” mà còn cần “nghĩa” thì hôn nhân mới bền vững, và để lại cho nhau những hồi ức đẹp. Cũng như để lại sự bình yên và phúc phần tốt cho con cháu.  

Suy cho cùng, tình nghĩa vợ chồng đều là do cả hai vun vén mà có được. Thiết nghĩ mỗi người hãy tự lo tu dưỡng tốt, giữ trọn đạo vợ nghĩa chồng ở phía mình, thì đối phương cũng tự khắc theo đó mà đi lên. Đừng để mất đi rồi mới biết tiếc nuối, chẳng còn giữ được mới buông lời “giá như”.

x