Văn hóa truyền thống

Sự khác biệt giữa nhân và nghĩa

26/09/23, 08:01
Sự khác biệt giữa nhân và nghĩa
Quân tử cần phải phân biệt rõ sự khác nhau giữa nhân và nghĩa (ảnh minh họa Pinterest)

“Chẳng phải nói là từ bi sao? Anh phải đối tốt với tôi chứ?” Lời này thoạt nghe có vẻ hợp lý nhưng thực ra là trái ngược đạo lý, chính là chưa phân biệt được nhân và nghĩa. 

Học giả Đổng Trọng Thư thời Tây Hán đã nói về sự khác biệt giữa nhân và nghĩa trong tác phẩm “Xuân thu phồn lộ”: “Dĩ nhân an nhân, dĩ nghĩa chính ngã”, “Nhân chi pháp tại ái nhân, bất tại ái ngã”, “Nghĩa chi pháp tại chính ngã, bất tại chính nhân”, “Nhân giả, nhân dã, nghĩa giả, ngã dã”. 

Nghĩa là: Lấy lòng nhân từ để an định người khác, lấy nghĩa để chính lại bản thân ta; phép tắc của nhân là ở chỗ yêu người, chứ không phải yêu ta; phép tắc của nghĩa là ở chỗ chính lại bản thân ta, chứ không phải đi chính lại người khác; lòng nhân chính là người khác, nghĩa chính là ta.       

Dưới đây là những đoạn trong “Xuân thu phồn lộ” có nói về sự khác biệt giữa nhân và nghĩa:

“Xuân thu” nghiên cứu mối quan hệ giữa người khác và bản thân. Phạm trù để nghiên cứu mối quan hệ giữa người khác và bản thân đó là nhân và nghĩa. Dùng nhân để an định người khác, dùng nghĩa để đoan chính bản thân, cho nên nhân là dùng để diễn tả cách đối đãi với người khác, nghĩa là dùng để diễn tả cách đối đãi với bản thân, vừa nói ra danh xưng thì đã thấy là khác nhau rồi.        

Mối quan hệ giữa việc dùng nhân đối đãi với người khác và dùng nghĩa đối đãi với bản thân là không thể không rõ ràng. Rất nhiều người không rõ điểm này, ngược lại còn nói rằng nhân là để tự mình hưởng thụ, còn nguyên tắc của nghĩa là để yêu cầu người khác, như thế là dùng sai rồi, trái ngược đạo lý, xã hội như vậy thì tất yếu sẽ hỗn loạn. Cho nên mọi người không muốn xã hội hỗn loạn, nhưng xã hội lại thường rất hỗn loạn, phần lớn bởi vì mọi người không hiểu sự khác nhau giữa người khác và bản thân, không biết nhân nghĩa cần phải dùng như thế nào cho đúng.              

Cho nên “Xuân thu” đề xuất phép tắc nhân nghĩa, phép tắc của nhân là ở chỗ yêu thương người khác, chứ không phải yêu thương bản thân mình; phép tắc của nghĩa là ở chỗ chấn chỉnh lại bản thân, chứ không phải đi uốn nắn người khác. Bản thân không chính, thì dù cho có thể đi chính lại người khác, anh ta cũng không được tính là có nghĩa; người khác không nhận được tình yêu thương của anh ta, thì dù cho anh ta có vô cùng yêu mến bản thân, thì cũng không thể thừa nhận anh ta có lòng nhân được.           

Sự khác biệt giữa nhân và nghĩa
Phép tắc của nghĩa là ở chỗ chấn chỉnh lại bản thân, chứ không phải đi uốn nắn người khác (ảnh minh họa Pinterest)

Nghĩa và nhân không giống nhau. Nhân là thực thi ở người khác, hướng ra bên ngoài, phổ biến rộng rãi, cho nên nói là “vãng” (đi); nghĩa là đòi hỏi ở bản thân, cho nên nói là “lai” (đến). Lòng nhân thực thi càng xa càng đáng được khen ngợi, nghĩa yêu cầu bản thân càng gần thì càng đáng được khen ngợi. Đem tình yêu thương đến với người khác, thì gọi là nhân; tự mình có hành vi thích hợp, gọi là nghĩa. Nhân chú trọng đối đãi với người khác, nghĩa chú trọng đối đãi với tự mình. Cho nên nói: Lòng nhân chính là người khác, nghĩa chính là ta, nói ra chính là cái này. (nhân giả, nhân dã, nghĩa giả, ngã dã.)           

Quân tử tìm kiếm chỗ khác biệt giữa nhân và nghĩa, dùng để điều tiết mối quan hệ giữa người khác và bản thân, sau đó phân biệt rõ sự khác nhau giữa bên trong và bên ngoài, nhờ vậy mà minh bạch mối quan hệ giữa thuận và nghịch. Vì vậy, ở phương diện đối đãi với bản thân, anh ta sẽ căn cứ vào đạo lý đoan chính tự thân, làm gì cũng đều chiểu theo quy định của lễ mà hành sự, nhờ vậy mà phúc ngày càng nhiều. Ở phương diện đối đãi với người khác, thì mở rộng ân huệ, làm ơn cho người khác càng nhiều hơn, rộng lượng mà dung chứa đại chúng.           

Khổng Tử nói với Nhiễm Hữu rằng: “Quản lý nhân dân, trước tiên phải khiến cho họ giàu có, sau đó mới tiến hành giáo hóa”. Nói với Phàn Trì rằng: “Ma luyện tự thân, trước tiên phải làm những cái khó khăn, rồi sau mới đạt được”. Những lời này đã nói rõ rằng, ma luyện tự thân và quản lý nhân dân, làm những chuyện khó dễ theo thứ tự khác nhau.

“Thi kinh” nói: “Để cho anh ta uống, để cho anh ta ăn, giáo dục anh ta, huấn đạo anh ta”. Đem ẩm thực đặt ở trước mặt, mà dạy bảo đặt ở phía sau, đây chính là quản lý nhân dân. “Thi kinh” nói: “Chặt cây, phát ra âm thanh ‘khan khan’, sau đó dùng gỗ chế tạo căm xe, đó mới là quân tử, không có ăn chùa, nhàn rỗi ăn cơm!” Trước tiên làm việc, sau mới ăn cơm, đó chính là ma luyện tự thân.

“Xuân thu” mỉa mai sai lầm của người ở trên, mà thương tiếc cho sự thống khổ của nhân dân ở dưới; sai lầm nhỏ của ngoại quốc cũng không chỉ ra, ở trong nước thì ghi lại và tiến hành phê bình. Tất cả những việc này, đều là dùng nhân đối đãi với người khác, dùng nghĩa đối đãi với chính mình, nghiêm khắc trách cứ sai lầm của bản thân, mà nhỏ nhẹ phê bình sai lầm của người khác, chính là cái vấn đề này.

Sự khác biệt giữa nhân và nghĩa
Nghiêm khắc với mình, gọi là trung hậu; trách cứ, yêu cầu người khác, gọi là cay nghiệt (ảnh minh họa Pinterest)

Hơn nữa, trong “Luận ngữ” có ghi lại, nhưng người bình thường không hiểu rõ. “Luận ngữ” nói: “Quân tử trách cứ sai lầm của mình, không trách cứ sai lầm của người khác”. Không trách cứ sai lầm của người khác, đây chẳng phải là thực hành rộng rãi lòng nhân đó sao? Trách cứ sai lầm của bản thân, đây chẳng phải là thực hành nghĩa đó sao? Đây chính là cái gọi là nhân tạo phúc cho người khác, nghĩa đào tạo tự mình, có gì khác nhau đâu?

Cho nên, nói ra sai lầm của bản thân gọi là thẳng thắn; nói ra sai lầm của người khác, gọi là hãm hại. Nghiêm khắc với mình, gọi là trung hậu; trách cứ, yêu cầu người khác, gọi là cay nghiệt. Đối với tự mình mà yêu cầu cực cao, gọi là minh trí; đối với người khác mà yêu cầu cực cao, thì gọi là mê muội.

Vì vậy, yêu cầu nghiêm khắc tự mình, nhưng nếu dùng tiêu chuẩn của bản thân mà đi yêu cầu người khác, nghiêm khắc với người khác, thì chính là ở vị trí cao mà không đủ rộng lượng; khoan dung đối với người khác, nhưng nếu dùng tiêu chuẩn khoan dung đối với người khác mà yêu cầu tự mình, phóng túng bản thân, buông thả, thì chính là phần lễ không đủ cung kính.

Phần lễ không đủ cung kính, thì sẽ làm tổn hại đức hạnh, nhân dân cũng sẽ không tôn kính; ở vào vị trí cao mà không khoan dung, thì sẽ tổn hại phúc hậu, nhân dân cũng sẽ không thân cận. Nhân dân không thân cận, thì sẽ không tin anh ta; nhân dân không tôn trọng, thì sẽ không kính sợ anh ta. Người ở vị trí cao mà tiêu chuẩn tự trị và quản lý nhân dân điên đảo, nghiêng lệch mà đi thực hành, thì sẽ bị nhân dân ở dưới phê bình. Nhân nghĩa ở chỗ đối tượng thi hành, làm sao có thể không suy tư cho được?

Không dùng mắt đi xem, thì nhìn không tới sự vật; không dùng tâm mà suy nghĩ, thì cũng không thể đạt được chân lý. Cho dù có được đồ ăn ngon nhất thiên hạ, mà không nhai, thì cũng không biết được tư vị của nó; cho dù có được đạo lý cao minh nhất của Thánh nhân, mà không suy nghĩ, thì cũng không thể biết được ý nghĩa của nó.

Theo Vision Times

x