Cảm giác thèm ăn, đặc biệt là thèm những món ăn không lành mạnh như đồ ngọt, đồ ăn nhanh sẽ là kẻ thù đối với sức khỏe của chúng ta. Vậy phải làm sao để kiểm soát loại ham muốn này?
Con người mỗi ngày đều cần phải ăn, nên khó tránh khỏi sẽ có món ăn đặc biệt yêu thích; thậm chí sản sinh dục vọng mạnh mẽ, không ăn không chịu được. Nếu như đó là những món ăn không lành mạnh, chứa nhiều muối, nhiều đường hoặc nhiều chất béo; vậy thì ăn nhiều chúng khẳng định sẽ gây tổn hại đến sức khỏe của bạn.
Phân biệt các phản ứng thèm ăn và cơn đói
Gabrielle Weidemann – phó giáo sư tâm lý học tại Đại học Western Sydney ở Australia, và Justin Mahlberg – nhà nghiên cứu tâm lý học tại Đại học Monash, viết trên trang web The Conversation rằng:
“Thèm ăn là sự ham muốn hoặc thôi thúc ăn mạnh mẽ, thường là đối với một loại thực phẩm đặc biệt”.
Các chuyên gia này nói: “Con người thường học cách hiểu biết món ăn thông qua nếm và ngửi, họ cũng sẽ biết món nào có những hương vị đó; nhất là các món nhiều muối, đường hoặc chất béo”.
Có nhiều nhân tố thôi thúc con người muốn ăn, như khi nhìn thấy các quảng cáo món ăn hấp dẫn, hoặc ngửi thấy một mùi thơm khó cưỡng, khiến người ta sinh ra cảm giác thèm ăn. Điều này gây ra các phản ứng sinh lý, chẳng hạn như chảy nước miếng hoặc dạ dày kêu; nó thường là tự động và khó kiểm soát.
Sau khi những phản ứng sinh lý này xảy ra, việc lựa chọn ăn hay không ăn phụ thuộc vào nhiều yếu tố phức tạp. Chẳng hạn như giá thành của món ăn, liệu có dễ dàng mua được hay không và việc ăn nó có tốt cho sức khỏe hay không .v.v.
Khi căng thẳng hoặc lúc bụng đói sẽ khiến con người ăn nhiều hơn. Các tín hiệu từ môi trường không chỉ gây ra cảm giác thèm ăn, nó cũng có thể khiến mọi người tìm kiếm các loại thực phẩm đặc định chẳng hạn như mặn, ngọt hoặc béo.
Erin Morse, chuyên gia dinh dưỡng lâm sàng tại UCLA Health, trước đây đã nói với WebMD rằng, những cơn thèm ăn này không liên quan gì đến cơn đói.
Morse nói: “Đói là khi cơ thể và bộ não của chúng ta cần thức ăn cùng những thứ lành mạnh để bổ sung năng lượng và chất dinh dưỡng. Ngược lại, thèm ăn chỉ đơn giản là cơ thể chúng ta đang muốn ăn một thứ gì đó”.
Cô thường nghe thấy cảm giác thèm ăn từ bệnh nhân của mình, đặc biệt là các món ăn nhanh và đồ ăn vặt có vị “mặn, ngọt, giòn”. Khoai tây chiên và snack khoai tây là món được ưa chuộng nhất; tiếp theo là bánh donut, bánh quy và bánh ngọt.
Làm thế nào để chống lại cảm giác thèm ăn?
Weidemann và Mahlberg chỉ ra rằng, mọi người hầu như không kiểm soát được các tín hiệu thức ăn xuất hiện trong môi trường của họ và cảm giác thèm ăn mà chúng kích hoạt. Nhưng bạn có thể thử 5 mẹo sau để kiểm soát các lựa chọn thực phẩm của mình:
– Thừa nhận rằng bạn có ham muốn này và nghĩ ra những cách lành mạnh hơn để thỏa mãn nó. Ví dụ, nếu bạn thích ăn khoai tây chiên, bạn có thể chuyển sang các loại hạt có ít muối hơn không? Nếu thích các món ăn vặt có vị ngọt, bạn có thể chuyển sang ăn trái cây.
– Tránh mua hàng khi đói, trước khi mua hãy liệt kê danh sách. Để tránh các cám dỗ từ quảng cáo, bạn có thể tận dụng tính năng mua hàng siêu thị trực tuyến, rồi nhận hàng ở cửa hàng hoặc qua dịch vụ giao hàng.
– Khi ở nhà, hãy chế biến các loại rau, đặt trái cây ở nơi dễ nhìn và dễ tiếp cận; đồng thời ăn nhiều thực phẩm chưa qua chế biến, giàu chất dinh dưỡng và chất xơ như các loại hạt hoặc sữa chua nguyên chất. Nếu có thể, hãy loại bỏ những thực phẩm không lành mạnh, chứa nhiều muối, đường hoặc chất béo ra khỏi nhà bạn.
– Đảm bảo mục tiêu ăn kiêng của bạn là “thông minh“. Điều này có nghĩa là chúng cụ thể, có thể đo lường được, có thể đạt được, phù hợp và có giới hạn thời gian.
– Hãy tử tế với bản thân. Đừng dằn vặt bản thân vì ăn thứ gì đó không đáp ứng được mục tiêu sức khỏe của bạn.
Theo Epochtimes