Văn hóa truyền thống

Dùng “nhẫn nại” để hóa giải ân oán kiếp trước

30/08/23, 07:13
Dùng “nhẫn nại” để hóa giải ân oán kiếp trước
Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng (ảnh minh họa Sound of hope)

Ân oán không đơn giản như những gì có thể thấy ở bề mặt, nó có thể còn có nhân tố của tiền kiếp, là những món nợ mà bạn phải hoàn trả.

Có câu nói rằng: “Lùi một bước biển rộng trời cao, nhẫn một chút sóng yên gió lặng”. Thực tế, chúng ta sẽ gặp phải nhiều mâu thuẫn khác nhau trong cuộc sống hàng ngày, có thể những mâu thuẫn này xuất phát từ nhân quả mà nhà Phật thường giảng. Nếu lúc này bạn thực sự có thể nhẫn chịu được thì có thể hóa giải được mọi ân oán, duyên nợ. Nhà văn Trương Triều thời nhà Thanh đã ghi lại một ví dụ rất điển hình như vậy trong “Ngu sơ tân chí”.

Có một người đàn ông ở kinh thành Kê Môn (nay là bên ngoài Đức Thắng Môn), anh vừa mua một chiếc áo choàng lụa và mặc nó đi ra ngoài. Khi đi qua cầu Lô Câu, một người đàn ông đẩy một chiếc xe đi ngang qua. Chiếc xe vô tình vướng vào ống tay áo bên phải của người đàn ông, khiến ống tay áo của anh bị rách, phát ra một tiếng “soạt”. Người mặc áo lụa quay đầu nhìn lại, không nói một lời.

Người đàn ông bị xe làm rách áo, nhưng vẫn bỏ qua (ảnh minh họa Sound of hope)

Người đẩy xe thấy mình đã gây ra tai họa bèn quỳ xuống trước mặt người đàn ông và nói: “Tiểu nhân không cẩn thận làm rách áo của ngài. Bởi vì gia cảnh quá nghèo không thể bồi thường cho ngài. Cầu xin ngài hãy nghiêm khắc trách phạt sơ suất của tiểu nhân.”  Người đàn ông đáp: “Quần áo đã rách rồi, vậy trừng phạt ngươi có ích gì?”. Nói xong liền phất tay áo rời đi.

Khi người đẩy xe trở về nhà, anh ta đột nhiên hét lên điên cuồng: “Nỗi oan khuất của ta không thể báo được rồi!” Hàng xóm xúm lại xem và hỏi tại sao. Người đàn ông đẩy xe nói: “Người mặc áo lụa kiếp trước có mối thù với tôi. Hôm nay số mệnh của tôi đã tận, tôi móc quần áo của anh ta vốn là để anh ta tức giận mà đánh tôi. Vì nếu tôi bị anh ta đánh chết thì anh ta sẽ phải chịu sự trừng phạt của pháp luật để trả nợ cho tôi. Nhưng anh ta không quan tâm chút nào. Tôi có thể làm gì với anh ta đây? Anh ta khoan dung độ lượng như vậy, ân oán của tôi đã được hóa giải rồi. Tuy nhiên, kiếp trước anh ta vẫn nợ tôi 5 đồng. Mong ông hàng xóm chuyển lời cho tôi, nhờ anh ta mang 5 đồng này đến giúp lo chuyện tang lễ cho tôi. Tôi và anh ta sẽ hóa giải xong mối oán thù này”

Dùng “nhẫn nại” để hóa giải ân oán kiếp trước
Nhiều khi chỉ cần lùi lại một chút thì sẽ thấy một quang cảnh khác (ảnh minh họa Pinterest)

Người hàng xóm đến thăm người đàn ông bị rách tay áo và kể chi tiết những gì người đẩy xe đã nói. Người đàn ông nghe vậy vô cùng sửng sốt, vội vàng chạy đến nhà người đẩy xe, quỳ xuống dưới chiếc giường của người đẩy xe. Sau đó, người đẩy xe kể lại chuyện xưa, người đàn ông nghe vậy toát mồ hôi, quỳ lạy xin trả lại món nợ 5 đồng kiếp trước, hơn nữa, lại tăng thêm 5 đồng và nói: “Coi như đây là cầu phúc cho anh”. Người đẩy xe nói: “Như vậy, tôi không những không hận anh mà còn biết ơn anh.” Nói xong anh cười lớn rồi qua đời. 

Một sự việc tưởng chừng đơn giản, nhưng đằng sau lại ẩn chứa một ân oán sâu sắc như vậy, chẳng trách người trong cuộc sau khi nghe được những lời này lại toát mồ hôi lạnh. Giết người đền mạng, thiếu nợ thì phải hoàn trả, đây là Thiên lý. Một người luân hồi ở thế gian kiếp này qua kiếp khác, không biết đã giết bao nhiêu sinh mạng? Nợ bao nhiêu tiền tài? Nhưng con người hiện nay không tin vào nhân quả, đều muốn chiếm lợi, không muốn chịu thiệt, vậy làm sao để trả hết những gì mình đã nợ từ đời này sang đời khác đây?

Theo Sound of Hope

x