Nhân sinh cảm ngộ

Tản mạn chuyện vợ chồng “kính nhau như khách”

20/05/23, 17:42
Hãy dùng "hiệu ứng xà phòng" để đưa ra lời góp ý hiệu quả
(ảnh minh họa Poliva)

Vợ chồng nếu có thể ‘kính nhau như khách’ thì cuộc sống lứa đôi sẽ bình yên hạnh phúc, đó chính là luôn có sự tôn trọng lẫn nhau.

Một câu chuyện phiếm

Có lần cùng cậu bạn nói chuyện, cậu nói: “Chị có thấy không? Con gái các chị thật là kỳ khôi lắm, các chị thích chưng diện nè, thích làm đẹp nè, thích tô son đánh phấn, dưỡng da, thẩm mỹ,… đủ kiểu. Nói các chị bớt bớt cho chồng con được nhờ thì các chị bảo: “Cuộc đời có bao lâu, rồi cũng trở về với cát bụi”. Vậy thì các chị còn đem cát bụi bôi vào cát bụi để làm gì? Ý các chị là thân thể các chị sớm muộn cũng về với cát bụi nên các anh cứ phải để cho các chị hưởng thụ đi. Mà các chị có biết đâu các anh cũng về với cát bụi như các chị chứ có ở đó mãi đâu?”

Tôi phì cười, mà thấy cũng có lý. Nhưng sở dĩ cậu nói vậy với tôi là vì biết tôi không thuộc kiểu phụ nữ thích đem cát bụi hôm nay mà bôi vào cát bụi mai sau.

Vợ chồng kính nhau như khách
Phụ nữ khi bình yên (ảnh: Pixabay).

Bạn có biết hoa dâm bụt không? Đó là loài hoa người ta thường hay trồng làm hàng rào đấy. Nói về sắc, hoa dâm bụt không thua gì những loài hoa khác: rực rỡ vô cùng. Ấy vậy mà bạn có thấy người ta chưng nó bao giờ đâu, bán cũng không ai mua, dường như chẳng ai thèm chú ý đến nó. Trong khi đó loài Thanh liễu bông nhỏ xíu, màu không thắm, mà lúc tươi đẹp nhất nhìn nó cũng có cái vẻ khiêm nhường như một thứ hoa khô. Vậy mà một bó hơn trăm ngàn đồng vẫn có nhiều người tranh nhau mua về chưng. Sở dĩ bị đối xử khác nhau xa thế là vì dâm bụt sáng mới nở chiều đã tàn, rực rỡ có vài canh, còn thanh liễu ư? Chưng đến ba tuần vẫn còn tươi.

Đàn bà cũng như hoa, hễ càng thắm thì lại mau phai. Những nổ lực để làm mình đẹp rực rỡ trong mắt người khác không nhất định là cần thiết.

Lại một câu chuyện phiếm

Bạn tôi kể cho tôi nghe chuyện về một người phụ nữ bạn quen, người đó tháng trước mới xăm lông mày, và đang để dành tiền để tháng sau nữa xăm môi. Bạn tôi hỏi chị ấy xăm mày giá bao nhiêu? Chị ấy đáp 1,2 triệu. Rồi xăm môi thì bao nhiêu nữa? 2,4 triệu. Tôi há hốc: “ Uổng tiền quá.” Bạn tôi cười khanh khách: “Uổng gì uổng, không chăm chuốt bản thân thằng chồng nó bỏ mình đi theo con khác thì thiệt thân à, có chỗ giá rẻ hơn mà chị ấy không làm đấy, sợ họ làm không chuyên nghiệp. Vả lại xăm này chỉ tốn một lần chớ mấy, sao nhiều bằng tiền chị ta làm tóc, mua áo quần, kem dưỡng da, và uống collagel, vậy mà không có thì không được đâu bạn ạ, đàn bà khôn là phải biết tự yêu lấy mình”.

Hỡi ôi! Bạn biết chồng chị kia làm gì không? Phụ hồ. Mỗi sáng đến công trường dang nắng, trộn vữa, bốc gạch, xách nước… và ăn cơm bụi qua loa để mỗi chiều mang về cho vợ được 300 ngàn! Đó là chưa kể những ngày thất nghiệp.

“Mình không thương mình thì ai thương mình”

Một trong những điều dẫn đến nỗi bất hạnh của gia đình hiện đại là nhiều phụ nữ đã không còn coi chồng con là trọng tâm trong cuộc sống của họ. Mà tư tưởng lúc nào cũng muốn được “công bằng”, nhưng là bằng với những người sung sướng hào nhoáng hơn mình chứ không phải bằng với người thua kém mình. Và luôn cho bản thân là quan trọng nhất, những câu nói kiểu như “mình không thương mình thì ai thương mình”,“chỉ có hai người đáng để hi sinh là người mình sinh ra và người sinh ra mình”…nhưng thật ra khi cái mầm ích kỷ đã nhen nhóm thì dần dần nó sẽ lớn lên che mất cả người sinh ra mình và cả người mình sinh ra, lúc đó chỉ thấy có mỗi mình mình là quan trọng nhất.

Thói quen buổi sáng giúp bạn tràn đầy hứng khởi cả ngày
Cuộc sống tươi đẹp (ảnh: Pixabay).

Kỳ khôi hơn nữa là những việc ấy đều lấy lý do là để giữ chồng. Phẫu thuật thẩm mỹ để giữ chồng, chăm dưỡng da để giữ chồng, thay đổi quần áo thời trang để giữ chồng,…và nhiều thứ nữa chẳng tiện nói ra, cũng đều là để giữ chồng. Nhưng thật sự ra đàn ông có tệ đến thế? Không, đàn ông không cần mình phải giữ họ, họ có lương tri, có tự trọng của họ. Nếu họ tệ đến nỗi không có những điều tối thiểu này thì họ ra đi cũng vừa chứ giữ làm chi nữa. Bản thân phụ nữ chỉ cần tự giữ lấy mình là đủ lắm: giữ bổn phận, và giữ sự hiền lành.

Bí quyết của hôn nhân hạnh phúc

Người xưa dạy “Phu phụ tương kính như tân”. Đây là một bí quyết của hôn nhân hạnh phúc, được đúc kết chỉ trong có 6 chữ mà nội hàm vô cùng phong phú. Chúng ta hiểu là “Vợ chồng kính nhau như khách”.

Khi hai con người đã trở thành vợ chồng, làm sao coi nhau như khách mà kính đây, rất khó, vì tháng năm gần gũi người ta trở nên nhờn mặt với nhau, dù có cãi vả thì cũng ỷ lại rằng họ đã là vợ/chồng của mình rồi, dù có nặng lời hay thậm chí “nặng tay” cũng chẳng sao. Có thể người ta vì nhiều lý do mà chưa một lời đoạn tuyệt nhau ngay, nhưng tình cảm đã không còn như trước nữa. Có lẽ sau này vẫn còn cơ hội bù đắp cho nhau và vun lại tình cảm, nhưng con người có một khuyết điểm là hay nhớ dai những chuyện buồn. Những ký ức đau thương dù có trải qua bao lâu thời gian mà bất giác nhớ lại vẫn cảm thấy tim mình rỉ máu, mắt mình ứa lệ.

Làm thế nào để kính nhau như khách

Vậy kính nhau cách nào đây?

Kính nhau như khách, trước hết là đừng coi đồng tiền mồ hôi nước mắt của người kia đem về nuôi gia đình như tiền của mình mà lạm tiêu phung phí không một lời hỏi qua ý kiến đối phương. Thử hỏi có ai tùy tiện lấy tiền của khách để tiêu không?

Kính nhau như khách là có những việc chưa rõ đầu đuôi thì đừng lớn tiếng, khi đã hiểu rõ đầu đuôi thì nên nói chuyện đàng hoàng. Đâu còn có đó, chẳng ai chạy trốn được ngay mà vội vàng kết tội và hành hình. Thử hỏi có ai vội vàng lớn tiếng hỏi tội khách?

Kính nhau như khách không phải là coi nhau như người dưng nước lã hay sống kiểu chiến tranh lạnh, mà đối xử dịu dàng chu đáo, ôn tồn nhường nhịn. Thử hỏi có ai mời khách đến nhà mà lãnh đạm hay quá quắt không?

Vợ chồng kính nhau như khách là nền tảng cho gia đình hạnh phúc (ảnh: Internet)

Người kiệm lời toát ra một thứ uy quyền đặc biệt

Đàn ông dễ nhờn với đàn bà nói nhiều, mà đàn bà cũng rất chán ngán đàn ông nói nhiều. Giữa vợ chồng có thể tâm sự, trao đổi công chuyện, nhưng đừng nói quá nhiều, nhất là những vấn đề đã không cùng quan điểm. Cái sự tĩnh lặng của một người kiệm lời tự nhiên khiến người đó toát ra một thứ uy quyền đặc biệt. Và người đối diện, vợ hoặc chồng cũng không dễ buông lời nói ẩu với họ được.

Đàn bà khôn và muốn giữ chồng mà không cần tốn tiền vào những khoản làm cho mình trông rực rỡ thì hãy tập nghe, có thể không cần hiểu hết ông chồng đang nói gì, cũng có thể quá hiểu rồi mà người chồng vẫn cứ nói mãi, thì hãy tập cách “nghe mà như không nghe”. Đây không phải là chủ ý của tôi đâu, mà là của một bà chị xấu gần bằng Chung Vô Diệm, cả đời chưa bao giờ tốn một đồng mua kem bôi mặt mà lúc nào cũng được chồng quý trọng, chính bà ấy chỉ cho tôi đấy.

Lại thêm một câu chuyện phiếm

Bà chị này là một bạn thân thiết của tôi, nhà chị khá nhưng duyên nợ đưa đẩy, chị lấy một ông chồng lúc ông còn rất nghèo, và mắc tật nói nhiều, đối với anh ấy việc nói gần như thở vậy, người ta không thở thì ngộp chết, còn anh ấy thì không nói cũng bị ngộp, nên anh nói thường xuyên những chuyện đâu đâu trên trời dưới bể mà không dừng lại được, tất nhiên là trừ những lúc anh bận. Hễ có ai rảnh ngồi đó là anh sẽ nói, mặc kệ người ta có hiểu hay không, mặc kệ người ta có quan tâm hay không, đều mặc kệ…, chỉ khi nào người ta chạy đi chỗ khác hoặc nói thẳng ra là “Anh im giùm tui cái” thì anh ta mới chịu dừng lại. Dĩ nhiên, ngoài tật nói nhiều thì anh vẫn là người bình thường. Cho nên khi người ta phản ứng rõ ràng, bảo anh im đi đừng nói nữa thì anh cũng miễn cưỡng phanh lại được.

Lúc mới về với nhau chị vợ không chịu đựng nổi, chị cảm thấy sợ phải ngồi một chỗ với anh vì anh cứ rì rầm nói nói nói mãi, đầu chị lắm lúc oang oang lên, ám ảnh tới mức độ khi không có anh ở nhà chị vẫn nghe thấy cái âm thanh rầm rì như khi anh đang nói. Chị lại là người ít nói và có tính chịu đựng nên chị ráng nhịn mà không dám phản ứng mạnh, sợ vợ chồng bất hòa. Nhưng cố gắng nghe mãi như vậy khiến cho chị bị chứng đau đầu ghê gớm, có lẽ không khác gì lúc Ngộ Không bị Sư Phụ niệm chú Kim cô vậy.

Rồi chị thấy nhịn cũng không phải cách lâu dài, rốt cuộc chị cũng phản ứng lại, mới đầu chị nói bóng gió nhưng anh không để ý, sau chị nói rõ ra thì anh vừa thẹn vừa buồn, và cố giữ im lặng khi ở bên chị. Nhưng không nói được với chị anh cũng đâu chịu nổi, vậy là hễ rảnh anh lại chạy qua nhà hàng xóm để nói. Hàng xóm cũng ghét anh, nhưng anh không lo, vợ thì chỉ có một chứ hàng xóm thì có cả trăm, người này không nghe thì qua người khác, gặp người tế nhị họ không đuổi là anh ngồi nói mãi.

Nam nhân nhìn ngũ quan, nữ nhân nhìn năm tháng
Vợ chồng tương kính như tân (ảnh minh họa Adobestock).

Thấy tình cảnh chồng mình như vậy, là người có tính hướng nội, chị bèn sửa lại mình. Chị nhận thấy rằng anh chỉ cần người nghe thôi chứ không cần người nghe phải hiểu hay tương tác cùng với anh. Vậy là chị tập nghe anh nói, chị luyện làm sao mà “nghe như không nghe”. Và hình như khi mình có tâm thì Trời cũng giúp sức. Bây giờ chị hạnh phúc lắm, chồng chị đi làm hết ngày liền chạy về nhà để kể chuyện này chuyện nọ với vợ. Chẳng bao giờ la cà ở đâu, vì chỉ có bên vợ là được tôn trọng, nói gì vợ cũng im lặng lắng nghe. Chị cười nói rằng, bây giờ chị nghe anh nói cũng như nghe tiếng lá cây xào xạc hay tiếng nước chảy róc rách vậy, chị không cần nhất thiết phải biết cụ thể anh nói những gì, chỉ trừ những lúc bàn bạc một vấn đề cụ thể nào đó của gia đình mình thì chị mới nghe nghiêm túc, ngoài ra những chuyện khác chị không để tâm lắm.

Quả thật trên đời có những người lạ lùng như vậy và Trời dành sẵn cho họ “một nửa kia” chịu được cái “không giống ai” của họ. Thật ra hạnh phúc trong hôn nhân không đến từ những thứ xa xỉ đắt đỏ, những thay đổi ở ngoại hình mà đến từ sự hi sinh bản tính tự ngã của mỗi người, những điều chỉnh nho nhỏ của người vợ cho phù hợp với người chồng, và ngược lại. Tuy nhiên để làm được những “điều chỉnh nho nhỏ” kia lại cần một nội tâm vô cùng lương thiện và mạnh mẽ.

Làm có dễ như nói?

Hồi nhỏ tôi thấy mỗi khi gần tết má tôi đi gói bánh tét giùm hàng xóm, người ta ưng nhờ má tôi gói là vì má tôi gói đẹp, kỹ, khi nấu bánh không bị vô nước và để đến 3 tuần bánh vẫn còn thơm và mềm, không cần chiên lại vẫn ăn được. Tôi từ nhỏ đã nhìn thấy má gói bánh. Tôi có thể tả lại chi tiết má tôi lựa lá ra sao, gói như thế nào,..vv…nhưng nếu đưa cho tôi gói thì…không tốt lắm. Những chuyện tôi kể là có thật, nhưng những lời đúc kết của tôi chỉ là những lý thuyết cũ kỹ. Viết ra để cùng bạn chia sẻ lại một lời cổ huấn có chân giá trị, nếu bạn thực hành được thì tôi mừng cho bạn, bằng không bạn cứ coi như vừa cùng tôi buôn dưa lê một buổi vậy thôi.

x