Ngày nay luật pháp trùng trùng điệp điệp mà người ta vẫn vi phạm pháp luật, sơ hở ra là bị trộm cướp, vậy nguyên nhân là do đâu?
Từ cách đây mấy ngàn năm, Lão Tử đã viết trong Đạo Đức Kinh rằng: “Pháp lệnh tư chương, đạo tặc đa hữu”. Ý tứ là: Pháp lệnh càng rõ rệt, càng nhiều, thì trộm cướp cũng càng đông hơn. Câu này của Lão Tử thoạt nghe tưởng như là một nghịch lý, bởi pháp luật càng nhiều thì đáng lý người ta càng ít phạm tội hơn mới đúng, nhưng nhìn vào xã hội ngày nay thì chúng ta có thể thấy câu nói này vô cùng chính xác.
Nhìn lại bộ luật Hồng Đức của nước ta vào thế kỷ XV, được biên soạn hoàn chỉnh vào thời vua Lê Thánh Tông, thì chỉ có 722 điều, dịch ra tiếng Việt chỉ hơn 100 trang, vậy nên có thể dễ dàng đọc xong chỉ trong 1 ngày.
Trong khi ở nước ta hiện nay có hơn 200 luật và bộ luật hiện hành. Chỉ đơn cử như bộ luật hình sự 2015, đã có 426 điều, gần 300 trang; hay như bộ luật dân sự 2015, có những 689 điều, gần 200 trang.
Chúng ta thử nhìn một chút qua pháp luật của nước Mỹ thì còn khủng khiếp hơn, pháp luật về thuế của Mỹ có hơn 70.000 trang, pháp luật về bảo vệ sức khỏe gần 20.000 trang, ngay cả thẩm phán và luật sư cũng không cách nào hiểu hết nhiều điều luật như vậy, càng không nói đến những người bình thường như chúng ta.
Nhưng pháp luật càng lắm, trộm cướp lại càng nhiều. Sách Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi nhận thời thịnh trị của Mạc Thái Tông, tức vào thế kỷ 16 như sau: “Đêm ngủ không cần đóng cửa, ngoài đường không nhặt của rơi”. Còn như thời nay thì chỉ sơ hở ra là mất trộm, nhà ai cũng kín cổng cao tường mà vẫn chưa an tâm. Tội phạm công nghệ lại càng tinh vi hơn, đôi khi chỉ ngồi yên trong nhà mà cũng có thể mất sạch tiền trong tài khoản ngân hàng.
Pháp luật quá nhiều chỉ làm đời sống người dân thêm ngột ngạt, dường như đụng đâu cũng có thể phạm luật. Với những ai đã từng bị cảnh sát giao thông thổi còi vào kiểm tra giấy tờ thì chắc sẽ hiểu được cảm giác “vi phạm pháp luật” này, dù bản thân không làm gì sai nhưng vẫn có cảm giác e sợ, vì luật pháp quá nhiều, không thể nhớ hết, nên không thể biết bản thân có vô tình phạm phải lỗi nào hay không.
Người ta nói xã hội ngày nay hiện đại và văn minh hơn xưa, vậy mà tại sao con người lại ngày càng phạm tội nhiều hơn, đến mức luật pháp trùng trùng điệp điệp mà người ta vẫn vi phạm pháp luật? Có lẽ đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật, vấn đề ở đây chính là Đạo Đức.
Pháp luật trong xã hội không thể quản được cái tâm của con người. Người ta vẫn có thể thoải mái nghĩ đến những điều xấu và tìm cách lách luật khi có thể. Do pháp luật quá nhiều, ngày nay có người khi làm gì đó thì chỉ nghĩ đến việc không vi phạm pháp luật là được rồi, chứ không cần quan tâm xem nó có vi phạm đạo đức hay không. Đạo đức trượt dốc chính là nguyên nhân khiến xã hội trở nên mất kiểm soát như hiện nay.
Không có đạo đức câu thúc, người kinh doanh sẽ chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình, bất kể nó có gây ô nhiễm môi trường hay làm tổn hại đến người khác; người làm nông thoải mái phun thuốc độc hại, không cần biết nó gây hại ra sao cho người tiêu dùng; tham quan không quan tâm đến đời sống của dân, mà chỉ nghĩ cách làm đầy túi tiền của mình… giải pháp cho vấn đề này là phải tìm cách khiến đạo đức xã hội thăng hoa trở lại, chứ không phải gia tăng thêm pháp luật.
Lão Tử giảng: “ Đạo mất rồi sau mới có Đức , Đức mất rồi sau mới có nhân, nhân mất rồi sau mới có nghĩa, nghĩa mất rồi sau mới có lễ. Lễ là chỗ biểu hiện của việc trung tín khuyết thiếu, là đầu mối của sự hỗn loạn”. Vậy nên pháp luật trong xã hội càng nhiều thì chứng tỏ con người ta ngày càng rời xa khỏi Đạo. Khuyết thiếu đạo đức, con người như chiếc thuyền nhỏ cứ trôi dạt tự do trong biển hung ác mà không sao cập bến.
Sự tiến bộ của xã hội mà không đi kèm với sự thăng hoa của đạo đức thì cũng giống như phát triển lùi. Hình ảnh Trương Quả Lão cưỡi lừa ngược mà chúng ta hay thấy chính là minh họa rõ nhất cho điều này, chúng ta tưởng rằng mình đang phát triển nhưng thực ra lại đang thoái lùi.
Không phải ngẫu nhiên mà gần đây phong trào “Bỏ phố về rừng” lại được nhiều người quan tâm. Cuộc sống chạy theo vật chất khiến nhiều người cảm thấy mệt mỏi, tiền bạc nhiều nhưng cũng không thấy hạnh phúc, họ quyết định rời xa thành thị, lui về vui thú điền viên. Cũng giống như Lão Tử nói: “Tiến Đạo nhược thoái” – Tiến lên ở trong Đạo thì lại cảm thấy như là thoái lùi. Người dám đi ngược dòng, tìm về giá trị đích thực của cuộc sống lại thường gây cho người khác cảm giác họ đang thoái lùi, nhưng lùi lại có khi lại là đang tiến lên.
Thời nay nhiều người cảm thán: “Bao giờ cho đến ngày xưa”, cái họ tiếc nuối chính là bầu không khí ôn hòa trong quá khứ, mọi người sống chậm hơn, nói năng cẩn trọng, hành vi đoan chính; thời đó vật chất không nhiều nhưng sống hạnh phúc hơn, chẳng phải chúng ta làm mọi việc cũng là để truy cầu hạnh phúc? Vậy mà chúng ta lại bị vật chất dẫn đường đến lạc mất hạnh phúc lúc nào không hay.
Pháp luật hà khắc không phải là cách để cho xã hội tốt lên, căn nguyên của việc này chính là Đạo Đức, nếu có thể làm cho đạo đức xã hội nâng cao trở lại thì tự nhiên người ta cũng không muốn làm việc xấu, lúc đó luật pháp không cần quá nhiều mà ai cũng tự câu thúc bản thân mình.
Và muốn nâng cao đạo đức xã hội thì chỉ có quay trở về với văn hóa truyền thống, vốn dĩ đó là những chuẩn mực mà Thần đã hữu ý lưu lại cho con người qua các thời đại, là khuôn vàng thước ngọc cho chúng ta noi theo. Con người thấm nhuần văn hóa truyền thống thì tiêu chuẩn đạo đức tự nhiên cũng thăng hoa.