Nhân sinh cảm ngộ

Cây đại thụ của làng thư pháp Việt Nam đã rời xa cõi tạm

29/04/22, 18:15
Cây đại thụ của làng thư pháp Việt Nam đã rời xa cõi tạm
Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách (ảnh TH)

“Long Thành lão nhân” Nguyễn Văn Bách, cây đại thụ trong làng thư pháp Việt Nam đã rời xa cõi tạm, để lại bao niềm tiếc thương.

‘Ông già ngố’ thành Thăng Long  

Dẫu biết rồi ai cũng đến ngày phải rời đi mà sao nghe tin cụ về trời tôi thấy bàng hoàng tiếc thương một tài năng kiệt xuất mà lại khiêm nhường hết nỗi. Cụ tự nhận mình là ông già ngố (lỗ công) thành Thăng Long. 

Nhớ lại 35 năm trước, một buổi sáng tôi đến ngõ 49 Tràng Tiền cắt mấy thang thuốc chữa mất ngủ do có người mách địa chỉ nhà cụ. Mỗi bệnh nhân đến lấy thuốc cụ đều ghi rõ họ tên bệnh tật gì vào quyển sách có ghi thứ tự, ngày, tháng, trang, dòng v.v. Lần sau đến chỉ cần đưa tích kê có đánh số quyển, trang, dòng mà cụ đã buộc cùng thang thuốc là tra ra để còn gia giảm vị thuốc, tiện bề theo dõi bệnh nhân tiến triển ra sao. Thật hiếm thấy vị lương y nào cẩn thận như thế. 

Ghi chép vào quyển sách xong cụ nhìn tôi: “Hôm nay là ngày 21, quyển 21, trang 21 và dòng 21. Tôi và ông có duyên với nhau”. Cụ bảo tôi ra đầu phố mua tờ giấy dó về đây. Tôi mừng quýnh, vậy là được cụ cho chữ rồi. 

Thư pháp Việt Nam; Thư pháp Việt Nam là gì; Chữ thư pháp Việt Nam
Cụ Nguyễn Văn Bách đang viết thư pháp (ảnh: Youtube)

Mang được tờ giấy về thì cụ đã mài mực xong cầm bút viết liền mấy chữ. Cụ đọc cho tôi: “Túy đáo chu nhan tửu hữu thần” (say đến đỏ mặt rượu mới có thần). Ba mươi năm sau xuống nhà chơi cụ nhìn lại và bảo viết chơi thế mà nhìn cũng được đấy nhỉ.

Cụ là nhà Hán học uyên thâm

Có lần vợ chồng tôi lên thăm, cụ ngồi suy tư rồi khóc. Cụ kể ngày xưa khổ lắm, vào ngày giáp tết cụ và cụ thân sinh tay nải tay đẫy (túi may bằng vải) lên Từ Sơn để sáng sau phiên chợ còn bán chữ. Cuốc bộ mệt nên ngủ say. Đạo chích tưởng của nả gì nặng cuỗm mất tay nải. Thế là giấy đỏ và nghiên mực mất. Bố con lủi thủi ra về mất cả tết. 

Cụ thấy tôi nuôi mấy con cu gáy cho đứng cầu mấy góc phòng mà không cần buộc dây, cụ rất khoái bảo: “Ông trẻ được 20 năm thì tôi truyền nghề thuốc cho”. Tôi hỏi sao thế ạ? Cụ bảo 10 năm học chữ 10 năm học thuốc. Ôi cẩn thận như thế mới hành được nghề chứ! 

Năm 2004 tôi về làm vườn. Cụ xuống chơi thấy gia cảnh đồng quê yên ả, cụ về nhà viết tặng bài thơ của Vương An Thạch, cuối tháng 2 năm 2005 gửi xuống tặng:

Kim lô hương tẫn, lậu thanh tàn,
Tiễn tiễn khinh phong trận trận hàn.
Xuân sắc não nhân miên bất đắc,
Nguyệt di hoa ảnh thượng lan can.

Cụ dịch:

Lò hương khói lạnh giọt đồng im
Gió lạnh từng cơn nhẹ tạt rèm
Xuân sắc não nhân không ngủ được
Bóng hoa theo bóng nguyệt bên thềm

Cụ đề lạc khoản: Đương lúc nửa đêm ngủ dậy thấy sắc trời sáng sủa, ánh trăng sáng mới biết là đêm nguyên tiêu. Tôi cảm khái muốn vịnh thơ nhưng ý tứ kém, bỗng nhớ đến câu thơ của Vương An Thạch, bèn lấy bút đề thơ. Rằm tháng giêng năm ất Dậu. Ông già đất Long Thành Lỗ công Nguyễn văn Bách bút.

Cây đại thụ trong làng thư pháp Việt Nam

Cảm động tấm chân tình của cụ, tôi nhờ cháu An khảm lên gỗ lưu bút của cụ. Năm 2006 xuống vườn chơi cụ bảo: Chữ lạc khoản (đề từ) được, chữ to chỉ đạt 70% thôi. Bây giờ có công nghệ đục CNC thì nguyên tác lại bị rán nhấm mất tiếc thế. Nếu còn bản gốc thì giờ đục sẽ giữ được hết cái “thần” của chữ.

Cụ kể lúc nhỏ nhà nghèo, cụ thân sinh lấy đọt tre non đập giập chấm nước viết xuống sân gạch. Viết dòng này khô phải viết dòng khác. Lúc đầu cụ nghĩ tại sao bố mình bắt mình làm cái việc vô nghĩa thế. Sau mấy năm miệt mài cụ hiểu ra là được rèn chữ, vừa đẹp lại vừa viết nhanh sao cho đến dòng cuối mà chữ đầu vẫn chưa khô. Nhờ vậy mà đất nước có một tài năng thư pháp lừng lẫy như vậy. 

Hội thư pháp Việt Nam; Tranh thư pháp Việt Nam; Nghệ thuật thư pháp Việt Nam
Không những giỏi thư pháp, ông còn tinh thông y học (ảnh: Youtube)

Cụ có 1 cuộc triển lãm chữ ở Paris (Pháp). Người ta trưng bày xong xin phép bán gửi chút nhuận bút, còn đâu họ xin để xây chùa ở bên đó hoặc làm gì đó cụ cũng không để ý. 2 cuộc triển lãm chữ ở Đài Loan. Lần thứ nhất tôi không biết, còn lần 2 tôi lên thấy cụ đang bò ra phản viết, mồ hôi nhễ nhại. Cụ bảo họ đặt 100 chữ tôi mới viết được một nửa. Tôi gàn: “Thôi kệ họ, cụ mệt lắm rồi nghỉ thôi”. Cụ nghe tôi chỉ giao cho họ chỗ chữ đó thôi.

Tinh thông y học

Trong một phóng sự của đài truyền hình Hà Nội do Trần Trọng Văn (con cụ Trần Dần) làm, thấy cụ giáo sư Vũ Khiêu mài mực cho cụ Bách viết chữ. Ôi những bậc tiên hiền trọng nhau ghê gớm. Cụ là 1 trong 28 vị “công thần” đầu tiên của viện đông y Việt Nam. Cụ chủ biên bộ sách “Hải Thượng Lãn Ông y tông tâm lĩnh”.

Cụ dịch nhiều thơ như thơ Cao bá Quát, Nguyễn Bỉnh khiêm, Ngô thì Nhậm; thơ Đường của các nhà thơ nổi tiếng Trung quốc; mấy chục câu đối ở đền Hùng, Văn miếu. Khi trùng tu Tháp bút, chữ cụ Thần Siêu hỏng, cụ Bách viết lại. Đặc biệt 3 chữ đại: “Văn Miếu Môn”, thời bao cấp khó khăn kiếm đâu ra bút đại, cụ chế từ chổi ra bút đại treo mình viết. Nhiều nhà túc nho đã ca ngợi hết lời về cái “thần” của 3 chữ này rồi.

Một con người khiêm nhường

Nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, nhà nước nhờ cụ viết “chiếu dời đô” của vua Lý. May mà có công nghệ mới cho chụp lại in trên tấm đồng lớn cho ăn mòn kim loại nên giữ được nguyên cái “thần” của chữ cụ.

Có một buổi chiều muộn tôi ghé thăm cụ, thấy cụ ngồi bần thần suy tư. Tôi gặng hỏi, cụ nói: ”Hôm nay tôi vừa được xem bài thơ do người ta nhờ dịch hộ. Chữ của Ngô Đông Tô đẹp lắm. Nếu ông ấy còn sống tôi xin làm trò đến học”. Thật kính nể biết bao, khiêm nhường biết bao! Cụ bảo người vẽ tranh và viết bài thơ ấy chạy loạn từ Trung Quốc (thay đổi triều đại) sang ở nhờ 1 ngôi chùa Việt Nam tránh nạn. 

Thấy cụ luyến tiếc một tuyệt phẩm, tôi xin địa chỉ người có bức tranh ấy để xin chụp lại. Cụ bảo ngay tối nay ông đến đi vì 4 giờ sáng mai cháu nó bay vào Vũng Tàu rồi (dân dầu khí). Lần mò 8 giờ tối mới đến được địa chỉ gia chủ bức tranh trong khu Kim Liên. Ánh đèn lờ mờ vì nhà họ không ở (ở Vũng Tàu hết), chụp xong phấp phỏng vì quá thiếu sáng. May mà phóng lên cũng được. Cụ treo ngay cạnh giường nằm. Bài thơ cụ dịch nghĩa: Tác giả mượn tích Tề Thiên Đại Thánh ở ẩn Hoa quả sơn lánh cõi phàm, chỉ ăn rau, hoa quả, thanh đạm.

Thơ tự sáng tác và thơ dịch của cụ Nguyễn Văn Bách

Thơ tự trào

Có lần vui cụ đọc cho nghe bài thơ tự trào:

Vui chuyện tâm tình bạn hỏi
Rằng bao nhiêu tuổi năm nay
Thưa trình năm tư tuổi mẹ
Vừa tròn năm ba tuổi tây
Sinh chốn thôn cùng ngõ vắng
Trưởng nơi nước đọng bùn lầy
Hỏi sách đọc chưa thông sách
Hỏi cầy chẳng biết chi cầy
Hỏi thuốc thuốc làm chẳng giỏi
Hỏi thơ thơ vịnh không hay
Lúc túng dịch thuê viết mướn
Gà què ăn quẹn cối xay
Lương tháng lần hồi đắp đổi
Vụng về chẳng biết đường xoay
Thế kém tài hèn đức mọn
Mừng không đói rách là may
Tham ô mừng chưa mắc tiếng
Ngon ăn ngon ngủ đêm ngày
Há phải tâm mình trong sạch
Bởi không quyền lực trong tay
Những ước có ao rau muống
Những mong có chum tương đầy
Vui cùng bà con bạn lứa
Trong bầu non nước trời mây

Câu đối

Sau lần tai biến năm 2002, cụ có câu đối tết bỡn mình:

Đất đã chật rồi không đón khách
Trời còn giữ lại để mừng xuân

Câu đối nôm:

Nhà hẹp chứa quyển vàng chật gác
Cửa thưa treo trăng bạc làm gương

Thư pháp là gì; Nhà thư pháp Nguyễn Văn Bách; Thư pháp nổi tiếng Việt Nam
Ông nối nghiệp thân phụ, trở thành lương y bốc thuốc chữa bệnh (ảnh: Youtube)

Câu đối về gia cảnh của cụ:

Hạnh quất hữu duyên thừa hậu ấm
Công danh phi ý ký nhàn vân
(Nghề thuốc có duyên nhờ phúc tổ
Công danh chẳng bợn gửi mây nhàn)

Kỷ niệm 800 năm thắng giặc Nguyên Mông:

Cột đồng Mã Viện đâu rồi? Mỗi xuân về chợt nhớ Nguyên xưa, dân Giao Chỉ mỉm cười trước gió
Cọc gỗ Bạch Đằng còn đó! Khi tết đến chạnh niềm cố quốc, hồn Nguyên Mông than khóc bên ghềnh

Dịch thơ Cao Bá Quát

Bạc vãn túy quy
(chiều tà say trở về)

Mính đính quy lai bất dụng phù
Nhất giang yên trúc chính mô hồ
Nam nam tự dữ liên hoa thuyết
Khả đắc hồng như tửu diện vô

Cụ dịch:

Chuếnh choáng say về không đợi dắt
Mịt mờ khói trúc một dòng sông
Rì rầm ghé tới hoa sen hỏi
Hoa có hồng như mặt rượu không?

Dịch thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm

Vấn ngư giả
(hỏi ông lão câu cá)

Hồ hải thiên chu ngư giả thùy
Sinh nhai nhất lap nhất thoa y
Thủy thôn sa cận si vi lữ
Giang hứng thu cao lư chính phì
Đoản địch thanh phong nhàn xứ lộng
Cô phàm minh nguyệt túy trung quy
Đào nguyên vãng sự y nhiên tại
Tần Tấn hưng vong thị khước phi

Cụ dịch:

Trên hồ ai dạo thuyền câu
Nón tơi ngang dọc giữa bầu càn khôn
Chim âu làm bạn bên cồn
Sông thu nước cuốn, vược ngon mỡ dầy
Sáo diều theo gió nhàn bay
Buồm khuya chở bóng trăng say cùng về
Đào nguyên chuyện cũ còn kia
Hưng vong Tần Tấn, thị phi lọ bàn

Dịch thơ Nguyễn Thượng Hiền

Sơ phòng xuân vãn
(trong phòng buổi cuối xuân)

Hiểu khởi văn oanh hoán
Xuân hàn tọa thảo đường
Tinh hà cách thủy đạm
Mai liễu nhập song hương
Bạch nhật thôi nhân sự
Thanh sơn khuyến khách trường
Dạ lai hương quốc mộng
Thiên mẫu tận cành tang

Cụ dịch:

Nghe oanh gọi tỉnh giấc mai
Gió xuân thoảng lạnh, ngồi chơi thảo đường
Nhạt mờ cách giải ngân giang
Song mai liễu quyện mùi hương lọt vào
Tháng ngày giục giã đuổi mau
Non xanh mời khách nghiêng bầu làm vui
Quê hương vương mộng canh dài
Xanh xanh ngàn mẫu ngập trời lúa dâu

Dịch thơ Ngô Thì Nhậm

Nguyệt dạ lãng ngâm
(Đêm trăng ngâm vang)

Bích thụ đình trừ nguyệt sắc thâm
Đồng long tế trích đấu thanh trầm
Gia hương thiên lý nan thành mộng
Vân vật tam canh dị xúc ngâm
Vị liễu tham sân tiền quả chướng
Không lao danh lợi thử sinh tâm
Hà thời vũ khổ cao cung thỉ
Hạc cốt, sương đề phản cố lâm

Cụ dịch:

Cây biếc in sân nguyệt dọi tà
Giọt rồng thánh thót đấu chìm xa
Nhớ quê muôn dặm khôn thành giấc
Ngắm cảnh thâu canh rộn tứ thơ
Quả trước tham sân chưa sạch chướng
Kiếp này danh lợi nhọc vương tơ
Bao giờ kho vũ cung tên xếp
Vóc hạc quay về với núi xưa

Nhà thư pháp nổi tiếng Việt Nam; Các nhà thư pháp nổi tiếng Việt Nam; Thư pháp Nguyễn Văn Bách
Ông dự thi và trúng tuyển cùng 28 vị lương y khác vào làm giảng viên lớp Đông y đầu tiên của Viện y học cổ truyền trung ương (ảnh: Youtube)

Vãn du Pha Tiên đình
(chiều thăm đình Pha Tiên)

Diễm đàm nhâm tuất dạ du khách,
Hỉ đổ Hoàng Cương cổ tích đình
Minh nguyệt thanh phong tàng tạo hóa,
Biên chu đẩu tửu ức phương hinh.
Thiên thu đạo mạo hàn sơn bích,
Nhị phú di văn họa các bình.
Điểm kiểm đương niên đề phẩm xứ,
Yên ba nhất sắc hồn thanh minh.

Cụ dịch:

Chuyện năm Nhâm Tuất những mê say,
Dấu cũ Hoàng Cương mới thấy nay.
Gió mát, trăng trong dành mãi đó,
Thuyền lan, rượu quế ngỡ còn đây.
Bóng ai như tạc sườn non nọ,
Lời phú còn in bức họa này.
Tìm lại chốn xưa ngày phẩm vịnh,
Một màu khói sóng lẫn trời mây

Dịch thơ Lê Quý Đôn

Kinh quán nẫm thiệp tiểu giản thủy đăng sơn lộ
(Qua Quán Nẫm, lội qua khe nước mới bước lên đường núi)

Xuân sơn giai lãng hiểu vân khinh
Diểu vọng dao dao lãm bí hành
Mật triển thúy kỳ thiên thụ quýnh
Cận đà ngân đới nhất khê hoành
Cao đê khúc khúc bình lâm đạo
Kim cổ phân phân lữ khách trình
Vô hạn hương tình thùy xúc khởi
Cách loan tam lưỡng giá cô thanh

Cụ dịch:

Núi xuân mơn mởn bóng mây ra
Nhẹ lỏng tay cương ngắm nẻo xa
Rặng suối vắt ngang hình dải bạc
Ngàn cây phủ kín tựa cờ hoa
Đường rừng cao thấp vòng quanh quất
Bước khách xưa nay rộn lại qua
Man mác tình quê ai giục giã
Cách non khắc khoải tiếng gia gia

Dịch thơ Vương An Thạch

Tư Vương Phùng Nguyên
(nhớ Vương Phùng Nguyên)

Bồng hao kim nhật tưởng phân phi,
Trủng thượng thu phong hựu nhất xuy.
Diệu chất bất vi bình thế đắc,
Vi ngôn duy hữu cố nhân tri.
Lư sơn nam đọa đương thư án,
Bồn thủy đông lai nhập tửu chi.
Trần tích khả liên tùy thủ tận,
Dục hoa vô phục tự đương thì.

Cụ dịch:

Cỏ bồng tưởng đã rối bời bay
Hiu hắt trên mồ trận gió may
Của báu trên đời đâu dễ kiếm
Lời vàng ngoài bạn mấy ai hay
Lô sơn bóng ngả trên bàn cũ
Bồn Thủy dòng tuôn trước chén đầy
Dấu cũ thương thay giờ hết sạch
Muốn vui còn có thuở nào đây

Dịch thơ Lục Du

Văn tân nhạn hữu cảm
(nghe tiếng nhạn mới, trạnh cảm)

Tân nhạn nam lai phiến ảnh cô,
Lãnh vân thâm xứ túc cô lư.
Bất tri Tương thủy Ba Lăng lộ,
Tằng ký Ngư Dương, Thượng cốc vô?

Cụ dịch:

Chiếc nhạn về nam, bóng mịt mùng
Ngủ vùi lau lách khoảng mênh mông
Chẳng hay Tương thủy, Ba Lăng nọ
Có nhớ Ngư Dương, Thượng Cốc không

Cụ ra đi là một mất mát cho làng thư pháp Việt Nam

Năm 2020 tôi có về thăm cụ và xin cụ chữ Chân Thiện Nhẫn. Cụ bảo Chân Thiện Mỹ chứ. Tôi thưa: “Không con xin chữ Nhẫn”. Chân cụ đã yếu đứng lên phải có người đỡ hoặc phải vịn.

Sau vài tuần trà cụ hỏi tôi: “Ông uống thuốc gì mà khỏi bệnh e hèm thế (cứ như bị vướng gì ở cổ)”. Trí nhớ cụ thật siêu! Tôi thưa:

“Con tập Pháp Luân Công nên bệnh tật hết cả. Mấy năm nay không tốn viên thuốc nào”. Cụ bảo: “Tôi cũng muốn tập lắm mà không có tài liệu”. Tôi mang biếu cụ tài liệu và hướng dẫn cụ tập. Nửa tháng sau chú Thiên gọi cho tôi cụ đã viết xong.

Tôi lên xin cụ chữ và luôn tiện xem cụ tập và đọc sách (sách Chuyển Pháp Luân) thế nào. Cụ bảo: “Tôi đọc hết rồi (bản Việt ngữ) nhưng giá mà có bản nguyên văn (chữ Hán) thì tốt. Thật tiếc là tôi đã không kịp tặng cụ món quà chân quý đó…”. 

Cây đại thụ của làng thư pháp Việt Nam đã rời xa cõi tạm
Chuyển Pháp Luân – Cuốn sách chính của Pháp Luân Công (ảnh: Nguyện Ước)

Giờ có công nghệ máy đục CNC nên chữ đục ra y như bản chính. Định khoe với cụ chữ làm xong nhưng vì dịch dã cách ly nên chưa khoe cụ được. Bỗng  nghe tin cụ đã về cõi hạc rồi. Tôi cùng chú Hiền đến thắp hương viếng cụ. 

Trong khói hương mờ ảo nhìn cụ ngỡ như ông tiên vẫn ngồi đó trầm tư bên góc thành Thăng Long xưa cũ. Mất mát quá lớn với gia đình và những người yêu thư pháp Việt Nam.

x