Site icon Nguyện Ước

Tu luyện trong cuộc sống đời thường

Tu luyện trong cuộc sống đời thường

Cô Nga đang luyện bài công pháp thứ 5 của Pháp Luân Đại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Tu luyện không chỉ là lúc ngồi thiền, đọc kinh sách, mà còn trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Đặc biệt là đối với môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) – một môn tu luyện giữa đời thường, thì những va chạm trong công việc, gia đình, xã hội, lại còn nhiều hơn.  

Cô Ngô Thị Nga, sinh năm 1972, ở TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, đã tu luyện Pháp Luân Đại Pháp được 6 năm, thời gian không quá dài nhưng cô đã trải qua không ít khổ nạn; tuy vậy, dù trong hoàn cảnh nào thì cô cũng luôn nhớ mình là một người tu luyện và luôn cố gắng hành xử theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn.

Vào khoảng tháng 9/2022, cô ra Hà Nội để xin giúp việc nhà, công việc này không những yêu cầu sự chăm chỉ, cẩn thận, mà còn phải có khả năng nhẫn nhịn lớn, vì chủ nhà đôi lúc sẽ đưa ra những yêu cầu rất khó đáp ứng, hoặc vô tình mà rơi vào một hoàn cảnh oan ức khó giải thích.

Ở gia đình đầu tiên mà cô giúp việc, hai vợ chồng chủ nhà bằng tuổi con của cô, lúc cô mới đến thì họ đang ở nhà chung cư, trong nhà đã có một cô giúp việc chuyên giữ trẻ, còn cô Nga được thuê đến là để dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Nhưng 1 tháng sau chuyển sang nhà mới thì cô giúp bế cháu nghỉ nên cô Nga phải kiêm luôn việc giữ trẻ; cô cũng không phàn nàn gì mà vui vẻ chấp nhận.

Trước khi dọn sang nhà mới đáng lý phải thuê người đến dọn dẹp trước, vì nhà mới làm xong rất bẩn, nhưng chủ nhà không thuê thêm người mà nói cô Nga đến dọn dẹp. Thế là cô phải đến làm từ 5 giờ sáng đến tận 8 giờ tối mới về, liên tiếp nhiều ngày như vậy. Chủ nhà cũng phải khen là sao cô khỏe thế.

Công việc vất vả là thế nhưng nhiều khi cô còn bị chủ hiểu lầm. Thường ngày cô sẽ gấp đồ bỏ vào tủ quần áo. Hôm đó chủ nhà thấy mất 2 cái quần đùi nên hỏi cô: “Rõ ràng cháu mua cho chồng 5 cái đây mà sao mất 2 cái”. Mặc dù cô Nga đã nói là không biết nhưng nữ chủ nhà vẫn nói đi nói lại, có vẻ như không tin tưởng cô. Cô biết đây là lúc mình cần phải nhẫn nhịn nên không nói hay giải thích gì thêm nữa. 

Sau đó mấy ngày, nữ chủ nhà chở cô sang nhà mới để dọn dẹp, lúc vừa bước lên xe ô tô thì cô thấy 2 cái quần đùi ở phía sau ghế, thì ra người chồng đã bỏ vào đó để mang qua nhà mới này. Nữ chủ nhà thấy mình sai nên đã xin lỗi cô. Tuy nhiên đây không phải là lần duy nhất, còn nhiều lần khác cô bị đổ oan nhưng sau đều minh bạch ra cả. Cô không tức giận hay oán trách gì, vì cô nghĩ mình chân chính thì không có gì phải sợ, chỉ cần nhẫn nhịn một chút rồi mọi chuyện cũng đâu vào đấy.

Có lần 2 vợ chồng chủ nhà xảy ra mâu thuẫn, cãi vã, sau đó người chồng đã nói với cô: “Dì à, cháu cũng nghĩ rồi, cháu chắc phải tập [Pháp Luân Công] như dì thôi, chứ cháu thấy dì tập tốt quá, dì cũng buông bỏ được hết, cháu cũng muốn buông bỏ như dì, chứ cháu nóng tính quá”. 

Nhờ thường xuyên đọc sách Chuyển Pháp Luân mà cô Nga có thể bình tĩnh nhẫn nhịn trước những tình huống bị hiểu lầm (ảnh nhân vật cung cấp)

Làm ở gia đình đầu tiên được 3 tháng thì cô chuyển sang giúp việc ở gia đình thứ 2. Cô mới vào làm được 1 tháng thì lại xảy ra chuyện. Lần đó cả nhà chủ đi du lịch, có mỗi cô Nga ở nhà, hôm sau cô ngủ dậy thì thấy cả bầy cá koi (trị giá khoảng 150 triệu) bị chết hết, chủ nhà nghi ngờ nên đã cho người đến kiểm nghiệm cá để xem có phải bị đầu độc không. Cuối cùng kết luận là máy tạo oxy bị hỏng, cá bị thiếu oxy nên mới chết hết như vậy. Đúng là tai họa không biết từ đâu rơi xuống, nhưng vì là người tu luyện nên cô vẫn bình tĩnh để xử lý mọi việc.

Không những nhiều lần bị oan ức mà cô còn thường xuyên bị coi thường. Có lần con chủ nhà nhờ cô đi mua bún cá, cô đi đến nơi thì bún cá đóng cửa, mà gần đó cũng không có tiệm bún cá nào khác nên cô đành phải mua bún bò mang về. Bé trai con chủ nhà thấy vậy liền đập bàn nói lớn: “Sao lại mua bún bò”. Bé vùng vằng không chịu ăn, còn dọa sẽ gọi điện thoại mách mẹ, nhưng sau bé ăn thử thì lại khen là bún bò ngon, dần dần bé cũng tôn trọng cô hơn.

Có lúc cô ngồi luyện bài công pháp thứ 5 mà hai chân rất đau, cô nghĩ, cái đau này mà còn không chịu đựng được thì làm sao có thể chịu đựng được những lời nói khó nghe, những công việc mệt nhọc, thế là cô lại nhẫn chịu và ngồi cho hết 1 tiếng. 

Làm ở đó được 6 tháng thì cô quyết định về quê mở tiệm bán quần áo, trước khi cô đi thì nhà đó bỗng nở nhiều hoa ưu đàm, cô tin là mình đã gieo được một chút duyên lành ở nơi đây. 

Cô Nga đang luyện bài công pháp thứ 2 của Pháp Luân Đại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Nhà ngay cổng chợ mà cô thuê để bán quần áo cũng hơi đặc biệt, vì treo biển cho thuê 2 năm rồi mà không ai thuê; bởi nhà đó có người con trai hay nhậu nhẹt rồi quậy phá nên những người thuê trước không sao buôn bán được, dần dần không ai dám thuê nữa. Cô Nga thì lại nghĩ khác, cô nghĩ mình là người tu luyện, nên chỗ nào có khó khăn thì mình phải tìm cách thiện giải, chứ không cần phải tránh né.

Và quả thực con trai chủ nhà cũng nhiều lần say rượu rồi gây phiền hà cho cô. Có lần anh ấy làm vỡ cửa kính của cô nhưng hôm sau cô cũng không la mắng gì, anh ấy nói: “Cảm ơn chị Nga, em chưa thấy ai tốt như chị, vì người khác sẽ chửi, Chân Thiện Nhẫn quả là tốt chị ạ! Tu được như chị thì tốt quá!” Cô Nga cho con trai chủ nhà mượn sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Đại Pháp) để đọc, và dần dần anh ấy cũng tốt lên, dù có say rượu cũng không quấy phá cô nữa. Cô còn giới thiệu Đại Pháp cho bà chủ nhà và bà cũng bước vào tu luyện.

Công việc buôn bán thì khó tránh khỏi những va chạm với khách hàng, nhưng cô đều lấy Chân Thiện Nhẫn để ước thúc tâm mình. Có lần khách mua đồ rồi hôm sau quay lại trả, đúng ra đồ si là không được trả, nhưng cô vẫn vui vẻ cho khách trả lại. Hoặc như có lần có một khách lấy cái váy của cô mà không trả tiền, camera tiệm cô quay lại được. Một thời gian sau vị khách đó quay lại, cô không làm ầm lên mà chỉ nhẹ nhàng gọi vị khách đó ra đằng sau, và nói nhỏ: “Hôm trước em có lấy của chị một cái váy mà chưa trả tiền, chị coi camera thấy”. Vị khách đó xin lỗi, trả lại tiền, và từ đó trở thành khách hàng thân thiết của cô Nga.   

Cô còn làm thân được với bác hàng xóm, nên khách hàng của cô để xe lấn qua vỉa hè bên đó mà bác cũng không nói gì; chứ trước đây thì không ai dám để xe như vậy, mọi người xung quanh đều rất ngạc nhiên, cô nói: “Cũng không có bí quyết gì, mình đối xử thân thiện với mọi người, bác ấy cần đi đâu thì tôi cũng vui vẻ chở đi, nên dần dần bác ấy cũng thân thiện với tôi”.

Nhìn lại chặng đường tu luyện vừa qua, cô thấy biết ơn những người mà cô đã gặp, những việc mà cô đã trải qua, dù là thuận lợi hay bất lợi thì cô thấy đó đều là để cô đề cao tâm tính, là những thử thách để cô thêm vững bước trên con đường tu luyện.

Cuộc sống tuy còn nhiều khó khăn nhưng cô Nga vẫn thấy rất hạnh phúc, vì đã có Đại Pháp soi đường nên dù đi đến đâu cô cũng thấy rất bình an, chỉ cần tâm an thì vạn sự sẽ an.

Bạn đọc muốn giao lưu, chia sẻ về Pháp Luân Đại Pháp thì có thể liên lạc với cô Nga qua số điện thoại 0986 662 272. Hoặc cũng có thể vào trang web chính của Pháp Luân Đại Pháp https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn chi tiết hơn về Pháp môn này.