Gia đình không trọn vẹn khiến chị Mùi sinh tâm oán hận. Nếu không có Phật Pháp thì chắc chị sẽ oán trách chồng cũ cho đến cuối đời.
Đến xóm Khuôn, xã Sơn Hùng, tỉnh Phú Thọ, chúng tôi gặp hai người phụ nữ, họ đã băng qua đoạn đường 10km đến đây để cùng đọc sách Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công) với các học viên khác. Đến khuya họ lại đi 10km trở về nhà khiến chúng tôi vô cùng cảm động.
Trong đó có chị Mùi, một người có hoàn cảnh vô cùng đặc biệt. Chị lặn lội đường xa đến đây chỉ để được đọc sách và chia sẻ về tu luyện cùng với các học viên Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp). Nếu không biết đến Đại Pháp thì chắc giờ này chị vẫn chưa thể buông được những oán hận trong lòng. Cuộc đời chị cũng thật éo le với nhiều nỗi bất hạnh.
Con vừa lọt lòng đã vội rời đi
Tuổi thơ của chị ấm êm, hạnh phúc. Chị sinh ra trong một gia đình nhà nông có 4 anh chị em, chỉ có một mình chị là con gái (con thứ 3 trong gia đình) nên chị được bố mẹ và các anh em yêu chiều hết mực.
Thời ấy ở các vùng quê nghèo họ chưa chú ý lắm đến chuyện học hành của con cái. Nhưng chị cũng được bố mẹ cho học hết cấp 2 (Hệ 7/10 năm). Đến năm 21 tuổi, chị yêu một chàng trai học trên chị một lớp và nên duyên vợ chồng. Chồng chị khỏe mạnh, bố mẹ chồng hiền lành, gia đình chồng cũng khá giả. Những tưởng cuộc sống sẽ rất hạnh phúc viên mãn. Nhưng như các cụ xưa từng nói: “Thân em như hạt mưa sa, hạt vào đài các hạt ra ruộng lầy”, thân phận người con gái thật khó có thể nói trước được…
Làng xóm, bạn bè ai cũng chúc mừng cho chị Mùi được gả vào gia đình êm ấm. Cưới xong lại có bầu ngay. Ai cũng mừng cho 2 vợ chồng chị. Những tưởng “tròn năm mẹ thì đầy tháng con”, nhưng ai ngờ đó là chuỗi ngày bất hạnh liên tiếp đến với cuộc đời chị. Đứa trẻ đầu sinh non khi được 7 tháng. Mới 6 ngày tuổi nó đã bỏ chị mà đi, để lại một nỗi nuối tiếc khôn nguôi trong lòng người mẹ trẻ.
Nhiều lần sinh con mới có được một cô con gái
Sau 1 tháng sinh con mà không có dưỡng, chị lại tiếp tục công việc đồng áng của nhà nông. Nàng dâu trưởng hiếu thảo ấy luôn sống vì mọi người nên được bố mẹ chồng và 3 đứa em chồng yêu quý lắm.
Năm sau chị lại mang thai, nhưng rồi chẳng giữ được đủ ngày đủ tháng, nó lại bỏ mẹ mà đi… Từ năm 1989 đến năm 1992, chị có bốn lần sinh con nhưng chẳng đậu lần nào khiến sức khỏe ngày một hao mòn.
Năm 1993 chị lại sinh lần nữa. Lần này có thai được 8 tháng thì chị sinh cô con gái. Nhưng đứa trẻ ngủ suốt. Bú xong bé lại ngủ, da thì vàng. Hai vợ chồng còn trẻ nên không có kinh nghiệm nuôi con, mà hàng xóm cứ bảo nó bị đẹn gió, phải làm thế này thế kia theo kinh nghiệm dân gian. Anh chị đều làm hết nhưng bé con vẫn vậy.
Người ta vẫn nói: “3 tháng biết lẫy, 7 tháng biết bò, 9 tháng lò dò, 1 năm biết chạy”, nhưng con chị thì chẳng thấy đúng chút nào. Đến chín tháng tuổi, chị đưa cho con cái gì cầm, tay nó cũng run run nắm lấy.
Có người mách bảo cho nó tí mỡ trăn để khỏi sài đẹn. Chồng chị đi làm thợ xây, chủ nhà cho một ít mỡ trăn mang về. Chị chấm một tí ở đầu đũa để quấy bột cho con bé ăn thì nó đi ngoài, rồi sốt cao, cho uống thuốc hai ba ngày thì nó đỡ.
Bất hạnh liên tiếp kéo đến
Cùng lúc ấy, hai vợ chồng chị được bố mẹ làm cho ngôi nhà mới ra ở riêng. Chồng chị làm thợ xây, có lúc phải đi làm xa nhà, chị ở nhà vò võ nuôi con. Khi con bé 2 tuổi, thấy con chậm quá so với những đứa trẻ cùng sinh, lúc này anh chị mới đưa con về viện Nhi Trung ương để khám. Bác sĩ bảo con bị bại não, phải nằm viện để phục hồi chức năng, phải chạy điện để tăng canxi. Sau hai tháng điều trị bác sĩ cho ra viện và dặn phải đưa con đi khám định kỳ. Nhưng vì “cái khó nó bó cái khôn”, chị cũng chẳng được đưa con đến viện một lần nào nữa.
Năm 1998, chị lại có thai, nhưng được 6 tháng thì lại sảy thai. Lần mang thai thứ 8, chị ra Thị trấn để khâu cổ tử cung giữ thai, nhưng cũng chẳng có tiền mua thuốc. Bác sĩ dặn chỉ được ăn với nằm treo chân. Chồng đi làm xa, việc nhà nông thì nhiều, chị không làm theo lời bác sĩ được. Chiều chị đi làm đồng về thì tối cái thai ấy lại ra mất.
Khi cô con gái đáng thương tật nguyền của chị được 5 tuổi thì cũng là lúc bố nó bỏ hai mẹ con chị mà đi với người khác.
Trong tuyệt vọng lại tìm thấy hy vọng
Sau một thời gian ngắn, anh lại về chia đôi đất và làm nhà ở ngay bên cạnh. Lúc ấy chị Mùi chẳng còn thiết sống nữa. Chị chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng chị chết đi thì con gái chị sẽ sống ra sao đây?… Chị kể về cuộc đời đen bạc, hai mắt rưng rưng lệ, nghe mà cảm thấy thật xót xa. Lúc nào chị cũng than thân trách phận, oán trời oán đất. Chị trách ông trời chẳng công bằng. Chị “ở hiền” mà có được “gặp lành” đâu!
Đến năm 2020, khi đưa con gái đi điều trị ở bệnh viện tâm thần Phú Thọ, chị gặp được chị Nga (người ở xóm bên). Chị ấy giới thiệu cho chị môn tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, rồi chị ấy khuyên chị nên tu luyện.
Chị Nga cho chị mượn cuốn Chuyển Pháp Luân, chị cầm rồi đọc sách cho con nghe. Chị thấy thật kì diệu, cháu ngủ được ngay khi chị đang đọc sách cho nghe. Trước đó cháu rất ít ngủ và rất khó ngủ. Rồi chị được chị Nga hướng dẫn luyện 5 bài công pháp. Luyện mới được vài buổi, chưa có thành thục các động tác của các bài luyện công thì chị Nga lại phải lên Hà Nội bế cháu. Thế là chị cứ mò mẫm tập tành một mình, không bài bản gì cả, cũng chẳng có sách để đọc.
Tu luyện và buông bỏ tâm oán hận
Phải đến một năm sau, khi chị Nga gửi xe khách đem về cho một cuốn Chuyển Pháp Luân chị mới thực sự đắc Pháp và chính thức bước vào tu luyện Đại Pháp. Đọc sách rồi chị mới hiểu được mình đã nợ nghiệp lực từ những kiếp trước rất nặng nên mới rơi vào hoàn cảnh éo le có một không hai như thế.
Chị biết rằng, nếu muốn thoát khỏi khổ ải này thì chỉ có một con đường: Đó là tu luyện! Chị phải thực sự tu tâm tính theo nguyên lý Chân- Thiện- Nhẫn mà Sư Phụ Lý Hồng Chí giảng; luôn quan tâm đến người khác trước khi nghĩ đến bản thân mình.
Chị cùng con gái bước vào tu luyện. Con gái chị mỗi ngày một khỏe ra, tinh thần ổn định. Cháu từ chỗ không biết chữ, nay đã đọc trôi chảy cuốn Chuyển Pháp Luân. Tu luyện rồi nhìn lại, chị thấy mình toàn oán hận người chồng cũ đến mức muốn “sống để dạ, chết mang theo”! Nhưng nay chị hiểu rằng mình đã nợ nghiệp lực từ những kiếp trước nên chẳng hề oán trách anh nữa.
Tâm oán hận của chị vậy là đã có thể hạ xuống, trong lòng thanh thản nhẹ bước trên con đường tu luyện. Chị mong muốn ngày càng có nhiều người hữu duyên đắc Pháp để cũng được hưởng những lợi ích như mẹ con chị. Bạn đọc muốn tìm hiểu về Pháp Luân Công có thể vào trang web chính https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn thêm về pháp môn này.
Xem thêm video: