Cô Minh đã bị choáng ngợp khi xem buổi biểu diễn nghệ thuật ngày hôm đó, những bước nhảy điệu múa như của Thần tiên, và điều thần kỳ đã xảy ra, bệnh đau đầu gối của cô đã khỏi chỉ sau 1 đêm.
Khỏi bệnh đau đầu gối một cách thần kỳ
Cô Phùng Thị Minh (68 tuổi), hiện đang sống tại thủ đô Vác-xa-va của Ba Lan. Trước đây cô bị thoái hóa khớp gối độ 4, đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất. Cô đi lại rất khó khăn, cảm thấy như có 2 cái sừng tê giác chọc vào rất đau đớn; cô không thể ngồi xuống hay gập gối lại được. Cô đã đi khám ở nhiều nơi và dùng qua nhiều loại thuốc nhưng bệnh tình vẫn vậy, và giải pháp cuối cùng là cô phải mổ để thay khớp gối.
Trong lúc chờ đợi phẫu thuật thì vào một ngày nọ, cô được một người giới thiệu cho buổi biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Shen Yun (Thần Vận); xem qua video giới thiệu, cô thấy choáng ngợp trước những bước nhảy và điệu múa như Thần tiên, cô liền muốn đi xem ngay.
Lúc đó là tháng 3/2017, Thần Vận sẽ biểu diễn tại thủ đô Viên của nước Áo, cô đã đi ô tô từ Ba Lan sang Áo để xem chương trình này. Ngồi trên ô tô mà hai đầu gối của cô đau nhức rất khó chịu, cô phải dùng thuốc giảm đau trong suốt chặng đường đi.
Nhưng buổi biểu diễn của Thần Vận đã không làm cô thất vọng, cô đã chìm đắm trong những khung cảnh Thần tiên được tái hiện trên sân khấu, cô nói:
“Tôi thật là sung sướng! Tôi đắm chìm vào trong những khung cảnh Thần tiên, tiếng nhạc du dương, điệu múa như những nàng tiên, thật là tuyệt vời!
Trước đó tôi có nghe nói đi xem biểu diễn nghệ thuật Shen Yun thì tốt cho sức khỏe lắm. Vì mỗi tiếng đàn, mỗi điệu nhảy, mỗi điệu múa đều có thể phát ra năng lượng có khả năng tiêu trừ bệnh rất tốt. Nghe vậy thì cũng rất là khó tin, nhưng tôi đã tự mình trải nghiệm và tôi coi đó như là một phép màu.
Khi xem biểu diễn xong, trên đường trở về khách sạn, tôi bước lên mấy bậc thềm khách sạn thật là khó khăn, vì hai đầu gối của tôi vẫn đang còn đau nhức. Nhưng đêm đó tôi lại chìm vào giấc ngủ rất ngon lành. Sáng hôm sau ngủ dậy thì tuyệt vời làm sao, đôi chân của tôi bước xuống giường nhẹ bẫng, tôi không còn đau nữa. Tôi thấy như mình đã được thay cho một đôi chân khác vậy, không còn đôi chân đau đớn của ngày hôm qua nữa. Tôi sung sướng quá, tôi gọi cho chị bạn cùng phòng khách sạn và nói: ‘Chị ơi em không còn đau chân nữa, em được thay đổi chân rồi chị ạ!’”
Thấy quá kỳ diệu, và cô Minh cũng biết được Đoàn Nghệ thuật Shen Yun là do các học viên Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công) biểu diễn, vậy nên cô đã tìm hiểu và bước vào tu luyện Đại Pháp kể từ đó.
Ngoài bệnh thoái hóa khớp gối, trước đây cô cũng bị viêm xoang rất nặng, rồi tê bì tay, viêm hai khớp khuỷu tay, nhưng tu luyện một thời gian thì bệnh cũng khỏi lúc nào cô không hay biết.
Đọc Kinh sách Đại Pháp, chiểu theo lời Sư phụ giảng, cô cũng dần dần cải biến tâm tính của mình. Trước đây cô hay áp đặt người khác, muốn ai cũng phải nghe theo ý kiến của mình; chỉ cần người khác trái ý là cô bực tức ngay, thậm chí còn nói những lời rất khó nghe. Nhưng bây giờ thì cô đã biết nhẫn nhịn hơn, cô có thể đặt mình vào vị trí của người khác để suy nghĩ vấn đề, nhờ vậy mà cô ngày càng hòa ái hơn.
Ở trong khổ nên cũng không thấy đó là khổ
Nhưng điều quan trọng hơn mà cô đắc được khi tu Đại Pháp, đó là cô đã tìm ra được ý nghĩa thực sự của đời người. Cô Minh từ nhỏ đã khổ, bố cô làm thợ rèn, mẹ cô làm ruộng, nhà lại đông con; cô là chị cả, nhưng chỉ khoảng 6 tuổi thì cô đã có 2 em. Nhà cô là một túp lều tranh ven bờ suối, giường là bốn cái cọc và những que, phên nứa gác lên.
Cô Minh nhớ lại: “Chị em chúng tôi bế nhau nheo nhóc, vì tôi còn nhỏ quá nên cứ làm ngã em. Cuộc sống nghèo khó nhưng các em tôi cứ thêm ra, cơm ăn cũng thiếu. Tôi cứ nhớ bố tôi ngồi xổm đầu gối quá tai, tay cầm thanh sắt đỏ tay cầm búa, ngồi cạnh cái bếp lò; nhiều năm như vậy, bố tôi lao động vất vả để nuôi chị em chúng tôi.
Ở bờ suối mấy năm thì nhà tôi chuyển sang bên thị xã Hoà Bình. Bố mẹ tôi phát hoang cây cỏ để trồng rau. Tôi 7 tuổi đã đi bán rau, mùa đông tay buốt lạnh với những mớ rau hành. Trồng rau lúc bấy giờ không có phân bón mua như bây giờ mà chị em tôi đi từng nhà xin nước phân lợn về bón rau, người thì bé và yếu nên gánh đôi thúng phân sóng sánh vung vãi khắp cả.
Nhà đông con, mẹ tôi cắt gốc cây lúa làm ở góc nhà một cái ổ to ‘ấm áp’, cả nhà tôi rúc rích trong cái ổ đó, bên trên đắp cái chăn dạ mỏng, còn thì đắp bằng chiếu cho đỡ lạnh, nhà tranh rất rét. Rúc rích trong cái ổ ấy, chị em tôi chấy và rận nhiều lắm, cứ ngứa là rờ bắt được chấy, tôi nhớ mẹ phải luộc quần áo trong chảo cho chết rận.
Do chiến tranh nên năm 1963 nhà tôi đi sơ tán cách thị xã Hòa Bình 10km, dựng túp lều tranh bên chân đồi ven bờ sông Đà. Lúc đó em thứ 5 của tôi hơn 1 tuổi và tôi sắp có em thứ 6. Tôi cùng bố mẹ vào rừng đào củ mài và lấy măng, rau rừng về ăn. Cuộc sống như vậy nhưng chúng tôi vẫn rất vui vẻ và không thấy thế là khổ.
Chị em tôi đi học trường làng của người dân tộc Mường. Tôi tuy khổ như vậy nhưng học cũng sáng dạ, với cái đèn dầu tù mù nhưng tôi luôn đạt được học sinh giỏi. Cuối cùng chưa hết chiến tranh thì nhà tôi lại về thị xã Hòa Bình. Mấy năm qua đi và lúc đó xã hội phát triển, đất trồng rau phá hoang trở thành phố chợ, nhà nước thu hồi và bồi thường, nhà tôi cũng đủ để xây một căn nhà nhỏ cạnh chợ, mẹ tôi và các em tôi buôn bán nên cuộc sống tạm ổn, cũng đủ ăn (lúc này tôi có 8 chị em)”.
Cô Minh được đi học Trung cấp Khí tượng thủy văn, vì học giỏi nên được chọn học vô tuyến điện, cô được phân về Đài Thiên văn Hải Phòng. Năm 1982, cô chuyển về Viện Khoa học Việt Nam. Năm 1993, cô sang Ba Lan trong một dự án nghiên cứu trao đổi giữa hai nước. Ở đây, cô cùng các anh chị em viện khoa học Việt Nam tại Ba Lan cũng thành lập công ty và tập làm kinh tế. Dần dần cô cũng đưa được con và các cháu sang Ba Lan học tập và làm việc.
Nhìn lại mấy mươi năm cuộc đời, cô Minh thấy đúng là sống trong mê nên cũng không biết thế nào là khổ. Người có điều kiện hơn chút nhìn người nghèo khó thì có thể cho là họ khổ, nhưng người giàu sang cũng ở trong khổ mà đôi khi họ không biết. Khi cô tu luyện đề cao tâm tính, buông bỏ nhiều chấp trước hơn thì cô lại thấy càng ít vướng mắc vào những thứ ở thế gian thì lại càng hạnh phúc hơn; đó là một cảm giác hạnh phúc xuất phát từ bên trong chứ không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài.
Bây giờ cô sống rất thoải mái, cơ thể khỏe mạnh, tràn đầy năng lượng, cô không phải suốt ngày lo lắng kiếm tiền như trước nữa, mọi thứ cứ thuận theo tự nhiên. Thấy được những thay đổi tích cực của cô khi tu Đại Pháp, họ hàng và bạn bè của cô cũng có nhiều người bước vào tu luyện. Điều cô mong mỏi là ngày càng có nhiều người hơn nữa tu luyện Đại Pháp để có thể đắc được những lợi ích giống như cô.
Bạn đọc muốn tìm hiểu về Pháp Luân Đại Pháp thì có thể vào trang web chính https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn chi tiết hơn về Pháp môn này.