Site icon Nguyện Ước

Kết thúc có hậu cho người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc

Kết thúc có hậu cho người phụ nữ bị lừa bán sang Trung Quốc

Khổ tận cam lai, chị Vân đã tìm lại được nụ cười sau chuỗi ngày tủi hờn (ảnh TH)

Con nhỏ không được gặp, bị người chị họ lừa bán sang Trung Quốc, cuộc đời tủi hờn của chị Vân cuối cùng đã có một kết thúc có hậu. 

Người chồng vô tâm

Khi còn nhỏ, chị Vân hay bị ê ẩm, tê bì khắp người. Lúc nào chị cũng muốn lấy tay đấm, vỗ vào hai chân, vào người để dễ chịu hơn. Chính vì vậy chị không có tâm trí để ý vào việc học hành. Việc học của chị cũng không được như ý. Đến năm 16 tuổi chị theo mẹ và chị gái vào Nam lập nghiệp tại Đồng Nai. Mẹ mua đất, làm nhà cho 2 chị em rồi mẹ trở ra Bắc. Hai chị em ở lại chăm chỉ làm ăn. 

Đến năm 25 tuổi, qua mai mối chị đã làm quen và kết hôn 1 năm sau đó. Chồng chị là công  nhân làm trong xưởng của dì và chú chị. 2 năm sau chị sinh được một cậu con trai vô cùng kháu khỉnh.

Thương chồng đi lại làm ăn vất vả, chị Vân mua cho chồng một chiếc xe máy. Nhưng khi có xe thì anh lại lơ là làm ăn, chỉ thích chơi bời nhậu nhẹt. Nhiều lần anh bị ngã xe, đến cả chứng minh thư, bằng lái xe máy anh cũng cắm để lấy tiền chơi bời. Anh đi hát có ‘tay vịn’ về còn kể lại với chị Vân; anh không xem cảm nhận của chị Vân là gì cả. Khi tiêu xài hoang phí, vay nợ nhiều thì người ta đến đòi nợ chị Vân. Lương của chị nuôi con, chi tiêu sinh hoạt còn chẳng đủ mà lúc nào cũng phải lo trả nợ cho chồng.

Gánh nặng gia đình dồn lên vai chị

Năm 2007, khi bé được 13 tháng tuổi, vì con bị ốm chị không làm gì được, không có tiền đưa con đi khám thì anh bảo hôm nay công ty anh phát lương, đợi anh mang tiền về đưa con đi viện. Nhưng đợi mãi anh chẳng mang tiền về.

Chị Vân đành mượn tiền của chị chủ nhà đưa con đi viện. May khi kiểm tra con không sao, uống thuốc hạ sốt thì đỡ nên bác sĩ cho hai mẹ con về nhà. 

Tối chị Vân mới biết là anh mang hết tiền lương đi nhậu cùng bạn; khi về còn bị một người từ trong ngõ đi ra đâm vào khiến anh bị gãy tay phải. Họ đền anh 6 triệu nhưng anh chỉ đóng tiền viện phí ban đầu 3 triệu (tiền viện phí hết gần 6 triệu, chị Vân phải vay mượn, vừa trả nốt tiền viện phí vừa chăm sóc cho chồng, con ốm); số tiền còn lại anh nhậu nhẹt, tiêu xài hoang phí hết. 

Chồng chị chỉ lo ăn chơi, nhậu nhẹt (ảnh minh họa Adobestock)

Chị có khuyên bảo thế nào anh cũng bỏ ngoài tai. Uống rượu về anh còn đánh đuổi vứt đồ của chị ra ngoài. Từ khi bị gãy tay anh không đi làm được nhưng nhậu thì anh không bỏ. 

Về thăm ông bà nội ngoại

Từ khi có con, hai vợ chồng chị chưa cho con về thăm ông bà nội ngoại bao giờ. Vì vậy đợt này con ốm, chồng cũng không đi làm được nên hai vợ chồng quyết định đưa con ra Bắc thăm bố mẹ. Trên đường về bé lại bị tiêu chảy, hai vợ chồng đành đưa con về nhà ông bà ngoại trước (vì nhà ngoại gần hơn nhà nội) để chữa bệnh. Ở nhà được chừng 1 tuần, con cũng đỡ bệnh nên họ đưa con về thăm nhà nội.

Ở nhà nội (bố mẹ chồng chị Vân sinh được 5 con trai, chồng chị là thứ 2, các con đều đi học, đi làm xa nhà), dạo đó chỉ có vợ chồng chị Vân ở nhà. Chị thường xuyên giúp bố mẹ chồng đào hố trồng cây; đúng vụ cấy chị cũng đi cấy, làm cỏ lúa, vun vén nhà cửa,… việc gì chị cũng làm không nề hà. 

Được một tuần thì mẹ đẻ chị Vân ốm, đi viện kiểm tra phát hiện u nang buồng trứng phải mổ. Vì hai đứa em ruột của chị còn đang đi học, chị gái lấy chồng xa, bố phải ra Hà Nội chăm mẹ, em trai lớn vừa học vừa chăm mẹ đỡ bố, bà nội chị mắt kém không có người chăm nên bố mẹ chị Vân cho em trai cả lên xin bố mẹ chồng chị Vân cho chị về chăm mẹ một tuần. 

Âm mưu chia rẽ của nhà chồng

Nhưng về chăm mẹ mới được 3 ngày thì bố chồng chị Vân đã gọi về. Về nhà hôm trước, hôm sau bố mẹ chồng gọi hai vợ chồng chị Vân ra bàn việc bán mảnh đất ở trong Nam. Đó là mảnh đất bố mẹ chị Vân mua trước đây. Sau khi chị Vân lấy chồng, bố mẹ đẻ để lại cho chị Vân mảnh đất đó với giá rẻ. Bố mẹ cho chị Vân một nửa, lấy tiền một nửa và yêu cầu vợ chồng chị Vân chỉ được ở, không được bán. Số tiền đó là chị Vân vừa tiết kiệm, vừa vay mượn thêm; còn chồng chị không đưa cho chị Vân đồng nào. 

Chị Vân trình bày lại với bố mẹ chồng đây là mảnh đất bố mẹ vừa bán vừa cho và giao hẹn chỉ để ở không được bán. Bố mẹ chồng chị lúc đó không nói gì nữa.

Nhà chồng tìm cách chia rẽ chị và con trai (ảnh minh họa Wikipedia)

Ở nhà được được chục ngày, thấy việc nhà cũng vãn, chị xin bố mẹ chồng cho về nhà xem mẹ chị mổ đã khỏe chưa; sau đó xin cho chị vào Nam luôn để làm trả nốt nợ và mang con theo. Nhưng họ bảo cứ để con ở nhà bố mẹ cai sữa cho. Cả buổi sáng hôm đó bố mẹ chồng cứ động viên chị để con ở nhà ông bà trông con cho. Nào là đi đường xa như thế, thằng bé còn nhỏ thế có chịu nổi không? Vào đó thì ai trông con cho để làm ăn trả nợ?… 

Con chị bị nhà chồng giấu đi

Về thăm mẹ được vài ngày, thấy nóng ruột, chị Vân gọi điện về cho bố chồng thì ông bảo con quấy khóc nhiều nhưng đừng lo vì đã có ông bà chăm rồi. Chị Vân vội vàng bắt xe về Lập Thạch tìm con. Thấy mẹ về thằng bé cuống cuồng chạy ra nhưng ông bà nội không cho chị Vân bế con với lý do đang cai sữa, sợ bé bện hơi thì không cai sữa được. 

Tối đó không thấy ông bà đưa con về, chị Vân hỏi gặng, chồng chị bảo gửi đâu không cần biết. Sáng hôm sau chị lại hỏi mà chồng chị vẫn không nói. Chị có dự cảm chẳng lành nên chạy sang hỏi cô ruột chồng. Cô ấy mới bảo: “Sao cháu dại thế, cháu làm khổ cả bố mẹ đẻ cháu rồi”. Cô kể mẹ chồng chị Vân không muốn cho chị Vân lấy con trai bà nhưng con trai không nghe nên bà đành phải cho cưới. Bây giờ bà ấy muốn chia rẽ vợ chồng chị; bắt chị Vân phải xa con và đổ tiếng xấu cho chị Vân bỏ chồng theo trai… Sau đó cô ấy bảo chị Vân rằng ông bà đang giấu con chị ở nhà ông chú.

Cả đêm chị Vân trằn trọc không ngủ được vì nhớ con. Sáng hôm sau chị hỏi chồng nhà chú ở đâu thì anh nhất định không nói. Chị nhờ người quen hỏi, đi qua mấy quả đồi cũng hỏi được đường đến nhà chú ấy. Đến nơi thấy thím chồng đang bế con, còn đứa bé thì cứ khóc. Thấy mẹ nó gào khóc càng đòi mẹ bế. 

Quyết tâm đi tìm con

Chưa vào đến nhà thì bố chồng xông ra đẩy chị Vân thật mạnh ra sân. Sân rêu trơn trượt, chị ngã ngửa nhưng may mắn sao chị không đập đầu xuống nền. Người chị đau ê ẩm. Con đòi mẹ, mẹ đòi con náo động cả một góc xóm. 

Những nhà gần đó họ chạy sang xem có chuyện gì. Thấy vậy cả bố chồng và chồng chị chạy ra; người thì túm đầu, người thì túm chân nhấc bổng chị Vân cho lên xe máy chở chị ra bến xe đuổi chị về quê. Nhưng chị không về mà quay vào nhà một người trong họ nhà chồng. Cô chú rất thương hoàn cảnh của chị nên đã sang nói chuyện với bố mẹ chồng chị nhưng họ không nghe. 

Chị Vân không biết dựa vào ai (ảnh minh họa Nongnghiep)

Mẹ chồng chị Vân bảo nếu chú còn giúp chị thì sẽ không còn anh em họ hàng gì với gia đình chú nữa. Còn yêu cầu không được cho chị Vân ngủ nhờ. Sáng hôm sau chị lại đi bộ theo con đường cũ tìm đến nhà nơi con trai chị được đưa đến. 

Đành đau khổ trở về quê

Nhưng do đói và mệt mà càng đi chị thấy mình càng vào sâu trong rừng, vắng vẻ. Chị biết mình lạc đường nên leo đến ngọn đồi gần nhất. Từ đây chị nhìn thấy một ngôi làng, chị theo đường tắt về phía ngôi làng đó. Mệt mỏi không còn sức chị trượt chân rơi xuống sườn núi, bao nhiêu quần áo, giấy tờ cá nhân rồi tờ giấy ghi các số liên lạc cũng rơi xuống. Chị mệt quá không còn sức xuống vực nhặt nữa mà tiếp tục hỏi đường tìm về làng của chồng. 

Chị lại đến nhờ nhà chú chồng, mặc dù rất thương chị nhưng họ sợ sự ghê gớm của mẹ chồng chị nên vợ chồng chú cũng lắc đầu. Chú bảo nếu chị Vân không về quê thì tối nay ra trường học gần đó để ngủ. Chú bày cho chị cách đòi lại con mình. Nhưng khốn nỗi nhà chồng chị đều có người nhà ở cả thôn và xã, nên chẳng ai dám giúp chị Vân vì họ đều biết tính cách của mẹ chồng chị. Lúc ấy đã hơn 3 giờ chiều, thân cô thế cô nơi đất khách; cả người thân cũng như chính quyền thôn đều không thể giúp gì, chị đành ra bến xe trở về quê với bố mẹ ruột.

Nhớ con, đau buồn và bệnh tật

Về nhà chị không tâm sự được với ai vì mẹ bệnh tật, bố thì phải chăm sóc mẹ, các em còn nhỏ, chị gái thì lấy chồng xa, một mình chị ôm nỗi đau. Nhớ con mà không gặp được con, chị đổ bệnh: Trầm cảm, tụt huyết áp, đau dây thần kinh… cứ nghe tiếng trẻ con khóc là chị như lên cơn điên dại vậy. 

Nhớ con khiến chị đổ bệnh (ảnh minh họa Adobestock)

Bố lại đưa chị đi viện chữa trị. Sau 4 tháng, bệnh đỡ chị lại vào Nam lo làm ăn để trả nốt chỗ nợ khi trước chị vay chữa bệnh cho chồng gãy tay rồi cho con ốm. Vừa làm để trả nợ, lại thêm chữa bệnh tại bệnh viện Tâm thần TW3 ở thành phố Hồ Chí Minh, chị Vân như không còn sức nữa! 

Bị chị họ lừa bán sang Trung Quốc

Vào Nam được 7 tháng, bố mẹ gọi chị về bảo có chị họ ở Trung Quốc về rủ đi làm ăn. Chị ấy bảo làm bên đó lương cao hơn nhiều. Thấy vậy nên chị Vân bỏ việc ở Đồng Nai về nhà. Ngày 15 tháng giêng năm 2008, người chị họ ấy dẫn chị Vân sang Trung Quốc (có bố chị Vân đưa đi cùng).

Đến đây chị họ nói với bố chị Vân: “Chú an tâm, ở đây em không lấy chồng cũng được một món để về làm vốn”. Bố tin tưởng chị ấy nên để chị Vân ở lại. Chị Vân hơi hoang mang khi thấy nơi chị ở toàn là rừng núi, nhưng vì nghĩ bố mẹ cực khổ chị đành ở lại. 

Chị họ còn nói với bố chị Vân rằng, nếu chị Vân lấy chồng, chị ấy sẽ thay bố mẹ gả chồng cho chị Vân. Hôm sau anh rể (chồng chị họ người Trung Quốc) chở chị Vân và chị họ đi tiễn bố chị Vân về Việt Nam. 

Khi đi đến chợ, anh rể thả vợ và bố chị Vân xuống để chị họ bắt xe đưa bố chị Vân ra cửa khẩu. Còn chị Vân thì theo xe anh rể đi chở cát. Trên đường đi, chị Vân thấy anh rể không đàng hoàng.

Người anh rể bại hoại

Tối đến, em trai của anh rể đồng ý cho chị Vân mượn phòng còn cậu ấy đi ngủ nhờ chỗ khác. Anh rể thấy vậy thì đánh và chửi cậu ấy rất ghê, vậy nên cậu ấy đành phải đòi lại phòng. Chị Vân đành xuống ngủ chung với đứa con của chị họ. Đêm đó anh rể giở trò xấu xa. Chị Vân không dám ngủ cứ phải làm mọi cách tránh anh rể. Thậm chí chị còn phải đu người lên xà nhà đạp ngã anh rể. Anh rể đau quá nên đành buông tay. 

Người anh rể muốn giở trò xấu xa với chị Vân (ảnh minh họa Adobestock)

Sáng hôm sau chị họ mới về. Chị Vân bảo chị họ vào nhà để nói chuyện này. Vừa nói vậy thì chị họ đã hỏi: “A Zủng (tên đã được thay đổi) hả? Nó làm gì em phải không?” Lúc này chị họ mới thú nhận là do vợ chồng họ sắp đặt hòng bán chị Vân lấy 9 nghìn tệ, tương đương với 30 triệu đồng Việt Nam. Chị họ nói dối với người ta rằng chị Vân là con gái nên đòi 9 nghìn tệ; nếu đã có chồng chỉ được 3 nghìn tệ thôi. 

Chị họ tung tin đồn thất thiệt

Mấy ngày ấy liên tục có đàn ông đến nhà chị chơi. Trước khi ra về họ đều dúi tiền cho chị Vân. Chị Vân không dám lấy nhưng chị họ bảo người ta cho cứ cầm lấy. Sau này chị Vân mới biết đó là phí xem mặt. Sau ít ngày được món tiền kha khá thì chị họ bảo đưa chị giữ hộ kẻo mất. Vậy nên chị Vân đưa hết tiền gửi chị họ. Trong những ngày ở đây, chị Vân thường gặp và nghe đứa cháu ruột của chị họ kể, rằng mỗi lần mang người phụ nữ nào (kể cả cháu ruột mình) sang thì trước khi bán phải cho anh rể ngủ với họ 3 lần.

Sau đó ít ngày thì có một thanh niên ở vùng sâu đón chị Vân về nhà. Họ đã đặt trước 3.000 tệ, khi lấy được chị Vân thì họ sẽ trả nốt 6.000 tệ kia. Về đến nhà họ hỏi hoàn cảnh của chị Vân, chị cũng thật thà kể với họ là đã có chồng con ở Việt Nam. Họ rất bực tức và không trả chị họ số tiền còn lại. Chị họ vì vậy mà gọi điện chửi bới chị Vân rất ghê. Chị họ còn về Việt Nam kể với họ hàng, làng xóm là chị Vân cướp chồng chị ấy, là loại ăn cháo đái bát. Việc này làm bố mẹ chị Vân vô cùng đau khổ, không biết làm thế nào!

Chấp nhận làm dâu xứ người

Về nhà chồng (ở Trung Quốc), bố mẹ và chồng chị Vân luôn đối xử rất tốt với chị. Sau 4 tháng chị Vân có thai. Đến ngày sinh, ở viện huyện 4 ngày đã vỡ ối mà vẫn chưa sinh, bác sĩ yêu cầu đưa lên bệnh viện tỉnh để mổ.

Lần sinh con thập tử nhất sinh của chị Vân (ảnh minh họa Adobestock)

Các bác sĩ ở bệnh viện tỉnh thấy ca mổ này rất khó, họ yêu cầu gia đình cam kết phải được lựa chọn mẹ hoặc con. Nhưng thật may mắn ca mổ thành công cứu được cả hai mẹ con chị. Nghe tiếng khóc của con cũng là lúc chị Vân lịm đi không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy thấy chồng và bố mẹ chồng ở bên cạnh giường. Chị Vân hỏi họ con đâu, biết con rất khỏe chị yên tâm. Chị rất ngạc nhiên khi chồng chị nói chị đã hôn mê tới 3 ngày rồi; may mắn cả 2 mẹ con không sao, lần này chị sinh được một bé gái.

Sau một thời gian, gia đình nhà chồng luôn thúc giục chị sinh đứa thứ 2. Nhưng vì lần trước sinh con rất khó, suýt mất đi tính mạng, vì “đàn bà có chửa cửa mả”, nên chị Vân cứ lần lữa mãi không dám sinh con tiếp. Lúc này bố mẹ chồng không được đáp ứng yêu cầu nên cũng nhạt nhẽo với con dâu. Ở nhà trông con mãi cũng chán, chị Vân đòi đi làm cùng chồng. Sau một tháng, người chồng chiều chị mua cho một chiếc xe điện để vừa đi làm vừa có thể đem con theo.

Về Việt Nam chữa bệnh

Người chồng Trung Quốc này cũng rất yêu quý chị Vân, thấy chị nhớ bố mẹ và người thân thì chồng chị cũng đưa vợ con về Việt Nam chơi ít ngày rồi lại về Trung Quốc; mỗi năm một lần, trong hai năm liền như thế. Đến lần thứ 3 chị Vân tự đưa con về rồi lại quay sang. 

Trong những năm sống ở nơi đất khách quê người, chị Vân đã chứng kiến cảnh ở làng này họ sống với nhau tưởng chừng rất bình lặng và yên ả nhưng lại ngấm ngầm hại nhau về kinh tế. 30 tết năm ấy, nhà kia có con lợn nái, đang nuôi đàn con mũm mĩm bỗng dưng lăn quay ra chết. Đến năm sau cũng vào ngày 30 tết một nhà khác cũng lại bị như thế.

Rồi chị tận mắt chứng kiến cảnh bố chồng bóp cổ con gà trống đầu đàn của chị, xong lại bảo nó bị chết ở trong chuồng nên bố nhặt ra đây. Chị thấy kinh hãi, khiếp đảm vì sự thâm độc của họ.

Hơn nữa, chị lâm bệnh nặng. Tất cả các động mạch trên thân thể chị phình to như những con giun tím đen bò trên thân thể. Chị bị trầm cảm, mỗi lần nghe tiếng trẻ con khóc, chị lại giật mình thảng thốt, xót xa cho đứa con trai bao năm chị không được gặp mặt. Chị nhớ quê hương bản quán và thôi thúc ý định phải trở về Việt Nam. Thấy vợ bệnh mỗi ngày một nặng, chồng chị đồng ý cho mẹ con chị trở về thăm quê kết hợp chữa bệnh. Anh cũng không nghi ngờ gì cả.

Một niệm muốn tu luyện, Thần Phật giúp đỡ

Chị về Việt Nam được ít hôm, bố ruột chị thương xót con gái liền gom góp tiền đưa con gái sang Hà Nội để khám chữa bệnh. Vì không có bảo hiểm ý tế nên rất tốn kém. Mỗi lần gom được 20 triệu thì còn lấy được ít thuốc; có lần chỉ chạy được 5- 7 triệu thì cũng chẳng có thuốc mang về.

Chị Vân và con gái (ảnh nhân vật cung cấp)

Sau nhiều lần không tìm ra bệnh, chị quyết định không chữa bệnh mà lên chùa làng đi tu. Nhưng nếu đi tu thì con bé thế ai nuôi, bố mẹ thì già rồi không thể nuôi con cho mình được… tinh thần chị càng suy sụp! Mấy hôm liền đứng ngó ở cổng chùa mà không dám vào.

Chị loanh quanh ở đó thì để ý tới chị Loan bán quần áo, chị ấy gần 50 tuổi nhưng nhìn rất trẻ, da dẻ trắng hồng, lúc nào cũng tươi cười, chắc chị ấy có bí quyết nào đó. Chị Vân quyết định sang hỏi chị ấy: “Chị làm gì mà đẹp thế? Trắng hồng sao mà trẻ thế?”. 

Chị Loan bảo có bí quyết, nếu muốn thì chị ấy có thể chỉ cho. Chị Vân nói: 

– Nhưng em không có tiền đâu, chị lấy vừa em thôi. Dạy em thì sau này em làm em có tiền thì em sẽ trả tiền chị.

– Không, miễn phí luôn, em có học không?

– Dạ có! Từ trước đến giờ em chưa tập một bài thể dục nào có đầu có đuôi cả.

Chỉ đọc sách đã thấy sự kỳ diệu

Chị Loan bảo để đến trưa chị ấy chỉ cho. Cả buổi sáng chị Vân cứ phấp phỏng ra ngó sang sợ chị ấy về và quên mất lời hứa với mình. Trưa thấy chị Loan dọn hàng rồi lấy xe chạy đi mất. Chị Vân nghĩ: “Mình không có tiền nên chị ấy không truyền dạy cho mình rồi! Hay chị ấy lừa mình?”

Nhưng không phải vậy, chị Loan đi lấy 2 quyển sách Đại Viên Mãn Pháp và Chuyển Pháp Luân (quyển sách chính của Pháp Luân Công) cho chị Vân mượn. Chị Loan hướng dẫn cách đọc và nói chị Vân cứ đọc trước, chị ấy sẽ hướng dẫn luyện công sau.

Chị Vân được chị Loan giới thiệu cho pháp môn Pháp Luân Đại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Tối đó chị Vân lấy sách ra đọc. Chị đọc quyển sách nhỏ trước (Đại Viên Mãn Pháp). Lạ thay mới đọc đến trang thứ 2 chị thấy trong người mình cứ như có một người khác cứ từng lượt từng lượt nhảy ra. Chị thấy bệnh tật trong người cứ nhẹ dần, toàn thân nhẹ bẫng!

Đọc đến nửa đêm thì đến phần Sư Phụ dạy luyện công, chị gập sách đi ngủ. Sáng hôm sau chị thấy mình như một người khác, hoàn toàn khỏe mạnh, tinh thần sáng suốt, rất rõ ràng thanh tỉnh chứ không mờ mờ ảo ảo như trước.

Sau 4 tháng, bệnh tật tự đi đâu hết

Chị khoe với chị Loan: “Chị ơi sao nó lại thần kỳ thế! Nó thế nào ấy em không tả nổi. Mọi thứ rất rõ ràng, dễ chịu… Trưa chị cho em tập với nhé!” Sau khi bán hàng xong chị Loan đưa chị Vân vào nhà một người trong làng đã tu luyện môn này trước rồi. Ở đây có 3 người đang tập, chị được hướng dẫn 5 bài công Pháp.   

Chị Vân và con gái cùng luyện công bài 5 với các học viên khác (ảnh nhân vật cung cấp)

Ngay từ bài thứ nhất chị đã thấy người nhẹ nhõm, nghe thấy cả tiếng chim hót, gió hiu hiu rất mát, tập đến đâu người cứ tỉnh ra đến đấy, sao mà sướng quá đi! Chị Loan chở chị Vân đi luyện công như thế được 4 tháng thì chị Vân thấy không còn một bệnh nào nữa.

Tìm lại được niềm vui trong cuộc sống

Đã đến thời hạn hẹn với chồng sau 3 năm chữa bệnh sẽ trở về với anh. Nhưng nếu về thì đương nhiên chị sẽ phải sinh con nữa. Mà chị quá sợ hãi khi nghĩ lại quãng thời gian mang thai, sinh nở, là những ngày cận kề với tử thần. Những lúc sinh con yếu đuối chị đã gặp ác mộng nên chị rất sợ. Rồi còn đứa con trai đang ở với bố và dì ghẻ, chị cũng không yên tâm.

Chị quyết định ở lại Việt Nam. Một chị cùng làng lấy chồng bên Trung Quốc về thăm quê, chị Vân nhờ chị ấy nhắn tin xin lỗi chồng và bố mẹ chồng, đã làm họ phải suy nghĩ về chị. Chị gọi điện nói chuyện với người chồng Trung Quốc, biết anh vẫn còn oán hận chị nhưng chị không thể làm gì khác được. Chị xin lỗi và mong anh hạnh phúc. Sau đó anh đi lấy vợ, lúc đó chị mới yên tâm cùng con ở lại Việt nam.

Nhờ có Đại Pháp mà chị có thể tìm lại được nụ cười (ảnh nhân vật cung cấp)

Đến nay là 5 năm tu luyện Pháp Luân Công (còn gọi là Pháp Luân Đại Pháp), chị không phải dùng một viên thuốc nào. Thấy sự thay đổi kỳ diệu của chị, mẹ và chị gái của chị cũng bước vào tu luyện. Chị đã tìm lại được niềm vui trong cuộc sống ở bên những người thân yêu của mình.

Hoàn cảnh thay đổi tốt hơn

Cậu con trai được ông bà nội và bố cho về chơi với mẹ trong dịp hè. Chị vui mừng nhận ra được sự an bài tuyệt diệu của Sư Phụ. Chị cho con tham gia lớp tiểu đệ tử, cùng các bạn nhỏ khác đọc sách và luyện công, cháu tỏ ra rất thích thú. Con gái của chị cũng tu luyện cùng với mẹ. Nhờ tu luyện Pháp Luân Đại Pháp mà gia đình chị lại tràn ngập niềm vui tiếng cười.

Lớp học tiểu đệ tử Đại Pháp (ảnh nhân vật cung cấp)

Đau khổ vì phải xa con, tủi nhục vì bị lừa bán sang Trung Quốc, cuộc đời phong ba bão táp của chị đã có một kết thúc có hậu. Chị mong ngày càng có nhiều người biết đến Đại Pháp, để cũng có được những niềm vui và hạnh phúc như chị. Bạn đọc quan tâm có thể vào trang web chính của Pháp Luân Công https://vi.falundafa.org/ hay vào link https://hocphapluancong.com/ để được hướng dẫn thêm về pháp môn này.