Có câu “Thiện ác nếu không báo, trời đất ắt vị tư”. Người hành ác mà bị quả báo cũng là điều dễ hiểu. Nhưng đôi khi có người biểu hiện tốt mà vẫn gặp hoạ. Việc này khiến nhiều người nghi ngờ ông trời không công bằng, tuy nhiên sự thật có đúng như vậy không? Câu chuyện về một vị quan thanh bần thời nhà Thanh đã nói rõ điều này.
- Nhân quả báo ứng: Vì một lần vô lễ với Đức Phật, chịu quả báo ma đói 9 vạn năm
- Nhân quả báo ứng với người con bất hiếu
Vị quan thanh bần thời nhà Thanh
Vào cuối triều đại nhà Thanh có một viên quan tên là Cao Tán Thiện, tự là Tương Đình, là người Hạng Thành, Hà Nam. Vào năm Quang Tự thứ 20 (năm 1894), ông đã đạt được vị trí thứ 2 trong cuộc thi “Ưu cống” của triều đình. “Ưu cống” là chỉ những tú tài ưu tú được lựa chọn ba năm một lần vào triều đại nhà Thanh bởi các quan chức chính phủ của tỉnh.
Sau khi được lựa chọn thì họ sẽ được vào Quốc Tử Giám ở kinh thành, gọi là Ưu cống sinh, cũng giống như là ‘cử đi học’. Những Ưu cống sinh này sau khi đạt tiêu chuẩn trong cuộc thi của triều đình thì có thể trực tiếp ra làm quan.
Nói chung, tham nhũng trong chính quyền thịnh hành vào cuối triều đại nhà Thanh. Nhưng Cao Tán Thiện lại là ngoại lệ. Trong các sử liệu của huyện có ghi lại, ông là tri huyện của Định Viễn, Thái Hòa. Ông đã giúp dẹp yên loạn lạc, thúc đẩy giáo dục, cứu đói dân nghèo, khai thông kênh rạch; nhờ đó mà người dân Thái Hòa luôn được no đủ.
Về sau ông được thăng chức làm tri châu của huyện Bặc. Ông đã sớm qua đời khi mới 35 tuổi. Ông là một vị quan thanh bần, sau khi mất thì cũng không để lại của cải gì nhiều. Di vật của ông để lại chỉ có mấy bộ quần áo cũ, 3 đồng bạc, 300 tiền đồng. Vị quan thanh bần như vậy thì chắc hẳn là một người tốt; đáng ra nên được trường thọ, vậy tại sao ông lại mất sớm?
Vị quan hung tàn, độc ác
Ông Quách Tắc Vân, từng là bí thư trưởng Quốc vụ viện của Trung Hoa Dân Quốc đã cho chúng ta câu trả lời thông qua những ghi chép của ông. Nguyên nhân là do Cao Tán Thiện tuy thanh bần nhưng ở một phương diện khác lại là một vị quan hung tàn, ác độc.
Lúc Cao Tán Thiện làm tri châu huyện Bặc, ở địa phương trộm cướp rất nhiều. Vì vậy Cao Tán Thiện đã sử dụng thủ đoạn cực đoan để xử phạt đám trộm: Khi bắt được nghi phạm trộm cướp ông sẽ lập tức áp dụng “nhục hình”; tức là dùng hình phạt để lấy lời khai. Nói trắng ra thì là tra tấn tàn khốc để bức cung.
Một khi nghi can chịu không được cực hình thì sẽ nhận đại chính mình là trộm cướp. Cao Tán Thiện lập tức phán họ tội tử hình. Theo như pháp luật triều đại nhà Thanh, tử hình cần phải báo cáo lên cấp cao hơn. Sau đó phải được Hình bộ chấp nhận thì mới được tiến hành. Cao Tán Thiện đã quá phận và hoàn toàn bỏ qua trình tự pháp luật.
Hơn nữa, lúc xử tử cũng cực kỳ tàn khốc, tay chân của những nghi phạm nhận tội trộm cướp bị đóng đinh vào cổng thành. Sau khi tra tấn như vậy thì họ sẽ bị đóng đinh vào tim cho đến chết. Nha dịch hành hình cũng không dám đóng đinh vào tim của phạm nhân; Cao Tán Thiện thấy vậy thì tự mình đứng ra làm. Máu của phạm nhân nhuốm đỏ cả áo quan của ông.
Vị quan thanh bần nhưng hành vi quá tàn bạo
Pháp luật triều đại nhà Thanh quy định, tử hình chỉ có hai cách là chém đầu và treo cổ. Chỉ có tội ác cực kỳ đặc biệt mới xử tử bằng ‘lăng trì’ (trước tiên là chặt bỏ tay chân, sau đó mới chặt đầu). Bởi vậy, Cao Tán Thiện ‘phát minh’ ra phương pháp tử hình này cũng là vượt trên pháp luật; lạm dụng các biện pháp tử hình ngoài luật pháp quốc gia.
Cao Tán Thiện ở huyện Bặc đại khai sát giới. Chưa đến một năm mà đã giết người vô số. Trộm cướp ở địa phương đúng là cũng giảm đi rất nhiều. Cao Tán Thiện cũng tự cho rằng bản thân có công.
Một ngày ông đột nhiên phát bệnh. Có lúc ông còn bị hôn mê. Sau khi tỉnh lại thì ông nói với người khác rằng linh hồn của ông đã đến âm phủ và tiếp tục thẩm vấn.
Không lâu sau ông lại bị hôn mê. Trong lúc mê sảng ông còn nói những gì đại ý như “Đám chuột trộm cắp các ngươi mà dám”. Cứ nói như vậy mãi, liên tục biện hộ cho bản thân mình.
Một lúc sau thì nghe thấy ông chịu nhận tội. Không lâu sau thì thấy nói “bị cho vào vạc dầu rồi”. Mọi người nghe vậy thì đều hiểu là linh hồn của ông đã bị thụ hình ở âm phủ. Thân thể ông nằm ở trên giường cũng có biến hóa đáng sợ: “Xương cốt toàn thân đều vỡ ra, thịt hóa thành nước”. Chỉ nghe thấy ông kêu la thảm thiết rồi qua đời.
Linh hồn, âm phủ, báo ứng là có tồn tại
Những lời nói trong lúc hôn mê của Cao Tán Thiện là linh hồn, âm phủ là có tồn tại; chỉ là không tồn tại ở không gian của chúng ta mà thôi. Hơn nữa thân thể ở không gian khác cũng có quan hệ đối ứng với thân thể ở không gian này. Thân thể của Cao Tán Thiện trước khi chết ở không gian khác đang bị thụ hình thì nhục thân bên này cũng có biến hóa theo. Báo ứng thật là rõ ràng, những người chứng kiến thật khó mà không tin được.
Ông Quách Tắc Vân thở dài: Bề ngoài của Cao Tán Thiện rất thanh tú, không biết vì sao mà lại có thể tàn khốc đến thế. Kỳ thực, bất kể là do Cao Tán Thiện thống hận đám trộm cướp, hay là hy vọng lập thành tích gì đó, hành vi tàn khốc của ông đã vượt quá luật làm người. Cao Tán Thiện tuy là một vị quan thanh bần về của cải, nhưng cũng là một vị quan tàn khốc vì đã bức hại người. Báo ứng như vậy thì cũng là không tránh khỏi.
Theo Bannedbook