“Nỗ lực”, “phấn đấu”, “tiến lên” dường như là những yếu tố không thể thiếu để một người thành công. Thế nhưng lại có những người, vào những thời điểm quan trọng của cuộc đời, đã chọn cách rút lui; đây chính là đạo lý biết tiến biết lùi của cổ nhân.
Biết tiến biết lùi, Phạm Lãi 3 lần rời đi
Nhà thơ Lý Bạch từng viết trong “Việt trung lãm cổ” rằng:
“Việt vương Câu Tiễn phá Ngô quy,
Nghĩa sĩ hoàn hương tận cẩm y”
Bản dịch thơ của Trần Trọng San:
“Phá Ngô vua Việt khải hoàn
Chinh phu áo gấm vẻ vang về nhà”
Chắc hẳn ai cũng từng nghe về điển cố “Câu Tiễn nếm mật nằm gai”. Sau chiến bại ở Cối Kê, Phạm Lãi là mưu thần thân cận trọng yếu nhất bên cạnh Việt Vương; cùng nhau hầu hạ Ngô Vương, âm thầm nuôi chí phục hưng nước Việt. Cuối cùng, sau hơn hai mươi năm chịu đủ khổ cực, Việt Vương đã bình định được nước Ngô, rửa nhục thành công.
Sau này, quân đội Việt Vương tiến về phía bắc đến sông Hoài, lễ trọng nhà Chu, mở ra thời kỳ thịnh vượng nhất. Khi ấy Phạm Lãi – một vị công thần, đang ở đỉnh cao của danh vọng, lại lựa chọn lui về ở ẩn.
Trước khi đi, ông không quên viết thư khuyên lão bằng hữu là đại phu Văn Chủng rằng:
“Chim đã hết thì cung tốt phải cất, thỏ khôn đã chết thì chó săn bị nấu. Vua Việt là người cổ dài, miệng mỏ chim, có thể cùng chung hoạn nạn, nhưng không thể chung nhau hưởng phúc. Sao ông lại không bỏ đi?”
Đáng tiếc là Văn Chủng không thể hoàn toàn buông bỏ vinh hoa phú quý của bản thân, bỏ lỡ thời cơ trốn thoát. Sau đó có kẻ vu hại ông chuẩn bị tạo phản, Việt Vương liền ban kiếm bắt ông tự sát. Cứ như vậy một đại công thần từng vào sinh ra tử phò tá Việt Vương, kết cục lại phải tự sát. Thật là đáng thương thay!
Còn Phạm Lãi sau khi đến nước Tề, thay tên đổi họ, mang theo gia quyến tới vùng ven biển canh tác; xây dựng sản nghiệp, vài năm sau gia sản đã mấy chục vạn.
Không lâu sau, Phạm Lãi vì đức độ hơn người nên được trọng dụng tại nước Tề, làm quan tới chức Tể Tướng, nhưng ông lại thở dài nói:
“Ở nhà thì có tài sản tích lũy ngàn vạn, làm quan cũng đạt tới đỉnh cao địa vị, đối với thường dân bách tính được thế là tột bậc. Giữ mãi tôn quý danh vọng có lẽ không phải là một dấu hiệu tốt”. Vì vậy ông bèn trả lại Tướng ấn, tẩu tán gia sản, lại lần nữa rời đi.
Sau đó, Phạm Lãi tới đất Đào, cảm thấy nơi này là trung tâm của thiên hạ, có lợi cho giao thương. Lúc này ông đổi tên thành Đào Chu Công, bắt đầu gây dựng sự nghiệp từ con số 0, chẳng bao lâu, lại tích được gia sản khổng lồ.
Phạm Lãi hiểu rõ đạo lý được – mất, cực thịnh tất suy, biết tiến biết lùi, vậy nên lúc đang đắc lợi vẫn có thể nhìn thấy những nguy cơ tiềm ẩn. Không chỉ thế, ông coi danh lợi nhẹ tựa lông hồng, nên có thể hoàn toàn buông bỏ mà rời đi. Ba lần rời đi đều để lại tiếng tăm, được người đời tán thán, đó là điều mà người bình thường không thể làm được.
Trương Lương công thành danh toại lại thoái lui
Nhắc đến nhà Hán, không thể không nhắc tới “Hán sơ tam kiệt” – 3 vị anh kiệt phò tá Hán Cao Tổ dựng nên nhà Hán: Hàn Tín, Trương Lương, Tiêu Hà. Trong đó có Trương Lương là lưu lại nhiều giai thoại truyền kỳ hơn cả.
Tổ tiên nhiều đời nhà Trương Lương đều làm tướng nước Hàn. Sau khi Tần diệt Hàn, Trương Lương dùng hết gia sản chiêu mộ dũng sĩ, ám sát Tần Thủy Hoàng ở gò Bác Vọng, chấn động thiên hạ lúc bấy giờ.
Sau khi ám sát thất bại, Trương Lương thay tên đổi họ, ẩn thân ở Hạ Bi; lại gặp được Hoàng Thạch lão nhân truyền thụ binh pháp, ngày đêm học tập, thu liễm giấu tài, lựa thời ứng biến.
Đến lúc thiên hạ đại loạn, Trương Lương phò tá Lưu Bang bình định thiên hạ, lập ra nhà Hán, công trạng hiển hách. Trong đó phải kể đến những sự kiện nổi tiếng như “Giải cứu Lưu Bang tại Hồng Môn Yến”, “Kim thành ngàn dặm”, “Trọng thưởng Ung Xỉ”.
Lưu Bang cũng từng tán dương ông rằng: “Bàn mưu kế ở trong màn trướng, quyết định sự thắng lợi ở ngoài ngàn dặm, ta không bằng Tử Phòng” (Tử Phòng là tên tự của Trương Lương).
Sau đó, Cao đế bèn phong Trương Lương làm Lưu hầu.
Ông bèn thưa:
“Gia đình thần nhiều đời làm tướng quốc nước Hàn. Đến khi Hàn quốc diệt vong, thần không tiếc gia tài vạn kim, vì nước báo thù, ám sát Tần Vương chấn động thiên hạ. Hiện giờ lại dùng ba tấc lưỡi mà làm thầy bậc đế vương, được phong vạn hộ, ở ngôi chư hầu, kẻ áo vải được thế là tột bậc, đối với Trương Lương thế là đủ rồi. Thần nguyện ý buông bỏ việc nhân gian, chỉ muốn đi ngao du với Xích Tùng Tử mà thôi.”
Sau đó, ông khuyên Lưu Bang đóng đô ở Quan Trung. Rồi tự mình tịch cốc tu luyện, đóng cửa không ra ngoài.
Sau khi Lưu Bang chết, Lữ Hậu vì cảm kích Trương Lương bảo vệ đế vị cho thái tử, không muốn ông chịu khổ tịch cốc, cật lực khuyên bảo ông ăn cơm. Trải qua 8 năm, Trương Lương qua đời, được phong thụy hiệu “Văn Thành Hầu”. Ông được an táng ở Long Thủ Nguyên.
Trong cuộc nổi dậy Xích Mi, có người đã khai quật mộ ông, khi mở quan tài ra chỉ thấy một cái gối đá màu vàng bay lên như sao băng. Trong mộ không có hài cốt nào cả, chỉ có một vài trang giấy trắng cùng mấy cuốn binh lược. Theo “Thái bình quảng ký” ghi chép, Trương Lương tu đạo thành tiên, chính là Thái Huyền đồng tử bên cạnh Thái Thượng Lão Quân .
Trương Lương đã sớm ngộ được đạo lý thăng trầm, biết rõ nguyên tắc điểm dừng, thực hành thiên đạo “công thành danh toại lui thân”, cuối cùng tu luyện thành tiên, khiến cho hậu nhân phải ngước nhìn.
Chu Tam Úy treo mũ từ quan
Tần Cối vì muốn vu cáo Nhạc Phi mà ép Chu Tam Úy thông đồng ngụy tạo bằng chứng mưu phản. Mặc dù phải chịu áp lực to lớn từ quyền lực, nhưng vì thấu hiểu nỗi oan của Nhạc Phi nên ông quyết treo mũ từ quan chứ không làm theo yêu cầu của Tần cối mà hãm hại bậc trung lương.
Ai cũng biết rằng, một thư sinh gian khổ học tập hơn chục năm, chính là để công thành danh toại. Nếu như từ bỏ chức quan lúc này thì chẳng những sinh kế của cả gia đình gặp khó khăn, mà còn có nguy cơ bị Tần Cối vu hại là đồng đảng với Nhạc Phi. Ở trong tình cảnh ấy, Chu Tam Úy chắc chắn cần có dũng khí rất lớn. Cho nên khi ông qua đời, mọi người đã lập “Trung ẩn am” để tưởng nhớ, gần ngàn năm đã trôi qua, dân gian vẫn ca tụng chuyện xưa của ông.
Tiến – cần nghị lực kiên cường và sự bền bỉ, nhưng lùi – lại cần có trí tuệ và dũng khí to lớn. Nếu như có thể minh tỏ được đạo lý biết tiến biết lùi, thì con đường nhân sinh sẽ có lộ trình, không còn bị mất phương hướng trước sóng gió gian nan.
Theo Bannedbook