Hãy nghĩ về “cách tôn trọng người khác”, bạn sẽ nhận lại sự an hòa, điều này giúp cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn.
Người ta cho rằng lái xe ở Mỹ mà không bị nhận vé phạt thì không phải là người Mỹ. Trong suốt 30 năm ở Mỹ, tôi đã bị cảnh sát dừng xe 7 lần, phạt tiền 4 lần (2 lần vì chạy quá tốc độ, 1 lần vì vượt đèn vàng, 1 lần vì rẽ trái phép) và sau đó là 3 lần cảnh cáo.
Trong 3 lần cảnh báo thì có 2 lần tôi chạy quá tốc độ và 1 lần cảnh báo khi chuyển làn đường không đúng. Sở dĩ 3 tấm vé sau này chỉ là phạt cảnh cáo thay vì phạt tiền là bởi vì tôi đã học được cách “làm người”. Nghe lạ phải không bạn?
Tôn trọng người khác chính là cách ‘làm người’
Đó là một hôm tôi đi thăm một người bạn bị ốm. Trên đường đi, tôi cứ nghĩ cách an ủi, cầu nguyện cho người ấy nên thấy lòng mình tràn ngập một tình thương. Lúc này, khi nhìn thấy chiếc xe cảnh sát phía sau nhấp nháy đèn và hú còi báo động, tôi ngạc nhiên nhận ra mình đã phóng nhanh một cách vô thức.
Tôi dừng lại bên lề đường, và nhìn thấy ở gương hậu rằng người cảnh sát đang đi với khẩu súng lục bên tay phải và máy liên lạc bên tay trái như thường lệ. Tôi hạ cửa kính xe xuống và cảnh sát nói với tôi: “Yêu cầu ông cho xem bằng lái xe và bảo hiểm?”
Nhờ lòng đang tràn đầy tình thương và dịu dàng, tôi hỏi nhẹ: “Có chuyện gì vậy ông?” và đưa giấy tờ cho cảnh sát với bằng câu nói: “Vâng, thưa ông cảnh sát”. Gương mặt người cảnh sát trở nên rạng rỡ: “Ông đang lái vượt quá tốc độ”. Tôi đáp: “Tôi xin lỗi. Tôi đã làm sai rồi”.
Người cảnh sát tỏ vẻ bất ngờ nói: “Không sao, ai cũng có lúc sai”. Sau đó anh ấy đưa bằng lái xe, giấy tờ bảo hiểm và nói với tôi: “Lần này là cảnh báo. Đừng chạy quá tốc độ nữa”.
Tôi đã rất may mắn khi thoát khỏi việc bị phạt. Sau đó tôi bắt đầu suy nghĩ về việc này, tôi nhận ra cảnh sát chỉ cảnh cáo mà không viết vé phạt có lẽ là do tôi đã nói: “Vâng, thưa ông”. Câu này thể hiện sự tôn trọng và phục tùng, cho nên khi nghe được câu này, vẻ mặt người cảnh sát lập tức khác hẳn, tâm thái “tấn công” ban đầu đã trở nên nhẹ nhàng.
Công việc của một cảnh sát là không dễ dàng gì. Hàng ngày họ phải đối mặt với nhiều chuyện khó chịu, đôi khi còn bị những người vi phạm nội quy gây gổ lại. May mắn lắm mới gặp được người có thể tôn trọng họ và làm họ cảm động.
Cảm nhận khác nhau đã dẫn đến những phản ứng khác nhau, giấy phạt tiền đã trở thành giấy cảnh cáo. Từ tình huống “cảnh cáo” này, tôi ngộ ra tầm quan trọng của việc tôn trọng người khác.
Lợi ích của việc tôn trọng người khác
Nếu bạn biết tôn trọng người khác, bạn có thể hòa đồng với người khác một cách vui vẻ.
Nếu bạn kính trọng cha mẹ, vợ chồng, con cái thì chúng ta có thể vui vẻ với họ.
Nếu bạn tôn trọng bạn bè, đồng nghiệp, cán bộ và cấp dưới thì bạn có thể hòa thuận với họ.
Nếu biết tôn trọng người khác, bạn cũng sẽ giữ được sự uy nghiêm cho chính mình, không hùa theo trào lưu mà gian lận, trộm cắp, làm những điều xấu xa.
Bởi vì chỉ cần trong lòng có tôn trọng thì tự nhiên sẽ ôn hòa, không dễ dàng xâm phạm quyền và lợi ích của người khác, ngược lại sẽ hiểu được khó khăn của người khác và đưa ra thiện ý của chính mình.
Vì vậy, có lẽ điều quan trọng không phải là suy nghĩ về mẹo “làm thế nào để tránh một tấm vé phạt”, mà hãy nghĩ về “cách tôn trọng người khác”. Điều này giúp cuộc sống của chúng ta tươi đẹp hơn.
Trên thực tế, xung đột giữa con người với nhau thường là do thái độ, một lời nói nào đó không vừa ý có thể châm ngòi cho mâu thuẫn.
Chỉ cần một lời nói hòa nhã thì chẳng phải mọi việc cũng sẽ tiến triển theo hướng hoà ái sao!
Theo EpochTimes
Quý độc giả có thể xem bản gốc ở đây