Tuân Tử là một nhà tư tưởng nổi tiếng của Trung Hoa cổ đại, cũng là bậc tinh hoa trí tuệ của Nho giáo. Trong việc đối nhân xử thế ông đề cao sự viên dung và cách cư xử hài hòa.
Cư xử hài hòa và viên dung, tránh nuông chiều cảm xúc
Tuân tử nói: “Tuyên tiết phẫn nộ đích tình tự, tuy nhiên tâm tình sướng khoái liễu, đãn khước hội nhạ họa thượng thân”.
Nghĩa là, khi phát tiết cơn giận, mặc dù có thể mang lại cảm giác thỏa mãn nhất thời, nhưng dễ rước lấy rắc rối vào thân. Trút giận lên người khác, chính là lợi dụng sự bao dung, nhẫn nhịn của người khác để giải tỏa những cảm xúc nhất thời. Phát tiết cơn giận không chỉ làm tổn thương người khác, nó còn khiến khả năng tự chủ của bạn ngày càng yếu đi, hành vi ngày càng dễ bị cảm xúc chi phối. Phóng túng những cơn giận, nhẹ thì dễ vạ miệng, nặng thì có thể phạm tội.
Vậy nên chúng ta không nên nuông chiều, phóng túng cảm xúc tức giận, mà hãy lựa chọn cách thể hiện cảm xúc phù hợp. Đây là bài học quan trọng trong việc nâng cao trí tuệ cảm xúc.
Tuân tử nói: “Lợi dụng bác học lai áp đảo tha nhân, phản nhi thuyết minh tha khuyết phạp giáo dưỡng“
Lợi dụng kiến thức uyên bác để áp đảo người khác, chỉ chứng minh rằng đó là kẻ thiếu giáo dưỡng. Học giả hủ lậu mới dùng tri thức làm vũ khí tranh giành thắng thua; dùng kiến thức để chọc vào nỗi đau của người khác nhằm đạt được cảm giác vượt trội hơn người.
Trí tuệ uyên bác là để lợi người chứ không phải để tổn hại người. Bậc quân tử học rộng là người hiểu lễ nghĩa, bao dung nhã nhặn và giỏi lắng nghe.
Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn
Tuân tử nói: “Khán đắc thái thanh đích nhân, hữu thì hội thương hại đáo biệt nhân, dã hội thương hại tự kỷ“
Nghĩa là nhìn người quá kỹ sẽ dễ làm tổn thương người khác và chính mình.
Là người nhạy bén, có thể nhận thấy rõ tốt xấu, thiện ác ở người khác, tất nhiên không có gì đáng chê trách. Nếu bạn chỉ ra những khuyết điểm một cách thích hợp và khiến mọi người cảm thấy thuyết phục, người ta sẽ gọi bạn là người thẳng thắn.
Nhưng nếu xét nét từng chút, chỉ toàn chỉ trích và đổ lỗi, chẳng khác nào tìm niềm vui từ việc bới móc lỗi lầm và làm tổn thương người khác.
Người xưa có câu: “Nước trong quá thì không có cá, người xét nét quá thì không có bạn”. Câu này không chỉ đúng với bạn bè mà cả trong quan hệ gia đình. Giữa cha con không có oán trách, giữa vợ chồng ít đúng sai. Mối quan hệ tốt đẹp cần được chăm sóc bằng tình yêu thương và sự chân thành, đúng hay sai, nhiều khi cũng không quan trọng lắm.
Cổ nhân thường nói: “Quân tử chi giao đạm như thủy“, nghĩa là giao tình của người quân tử thường cao nhã, thuần tịnh, thanh đạm như nước; nhưng tâm ý tương hợp, sẵn sàng đồng tâm hiệp lực, hoạn nạn có nhau.
Tranh cãi không đắc được lòng người
Tuân tử nói: “Hữu lý hữu cư đích biện luận khước vô pháp thuyết phục biệt nhân, thị nhân vi tha chích thị vi liễu tranh cá thâu doanh đối thác”
Ý nói, có những người dẫu lời nói ra nghe có vẻ hợp tình hợp lý, nhưng lại không thể thuyết phục người khác; đó là bởi vì họ chỉ đang cố gắng tranh hơn thua với người khác mà thôi.
Biện luận quan trọng ở chỗ thuyết phục được người khác. Nếu như chỉ tranh cái đúng sai, tranh cái thể diện, thì dẫu nói tới mức người khác á khẩu không nói được, thì trong tâm người ta vẫn không phục.
Khi luyện đấm bốc, trước tiên hãy luyện chịu đòn. Khi tranh luận, hãy lắng nghe người khác nói trước. Học cách lắng nghe là bài học đầu tiên của tranh luận. Thực sự hiểu được những nghi hoặc và nhu cầu của người khác, thì mới có thể xử lý, thảo luận phương án giải quyết và khiến họ tâm phục khẩu phục.
Tuân tử nói: “Chích dụng ngôn thuyết khẩu biện lai trừng thanh nhất kiện sự, hội nhượng tha việt lai việt mô hồ“
Nghĩa là chỉ dùng lời nói để chứng minh một sự việc, sẽ khiến người ta càng ngày càng cảm thấy mơ hồ. Để làm rõ việc gì đó, tốt nhất là phải dùng phương thức thực tế, chứng minh bằng hành động.
Cách xử lý tồi tệ nhất chính là cố giải thích và trốn tránh, đồng thời đổ lỗi cho người khác; nó sẽ đánh mất niềm tin và sự tôn trọng của người khác dành cho bạn. Vậy nên lời lẽ hùng biện chẳng bằng lời chân thành.
Cư xử hài hòa, thẳng thắn mà không tổn hại ai
Tuân tử nói: “Chính trực đích nhân bất bị nhân lý giải, thị nhân vi tha đích trực sảng thương hại liễu tha nhân“
Chính trực mà người khác không hiểu nổi, là bởi vì sự thẳng thắn ấy làm tổn thương người khác.
“Xin lỗi, vì tính tôi rất thẳng” đã trở thành ‘kim bài miễn tội’ cho những lời nói mang tính sát thương. Những người này dễ dàng bỏ qua cảm xúc tâm lý của người khác, họ chỉ muốn biểu đạt một loạt suy nghĩ của bản thân.
Có đôi khi, lời nói không đúng lúc, một lời phê bình tưởng là thiện chí nhưng có thể làm tổn thương sâu sắc đối phương. Chẳng hạn như chỉ trích lỗi lầm của một người bạn trước mặt mọi người,…
Chu Dịch có câu “Tu từ lập kỳ thành.” Nghĩa là tu dưỡng câu từ, lời nói tạo ra chân thành. Kết giao giữa người với người, dù cần sự chân thành, nhưng cũng đồng thời phải chú ý ngôn từ, chú trọng phương thức biểu đạt.
Chuyển ý kiến thành thảo luận, sẽ khiến người nghe cảm thấy thoải mái hơn. “Bạn sai rồi” không hay bằng: “Bạn làm thế này/thế kia… có thể sẽ tốt hơn đấy”. Chuyển sự quở trách thành sự tự trách sẽ khiến người khác dễ tiếp nhận hơn. Thay vì nói: “Bạn đã nghe rõ chưa” chi bằng nói: “Tôi đã nói rõ chưa nhỉ?”
Học cách biểu đạt bản thân cho tốt mới có thể khiến sự thẳng thắn trở thành tính cách đáng hoan nghênh.
Sống nguyên tắc nhưng không ảnh hưởng người khác
Tuân tử nói: “Hữu nguyên tắc đích nhân bất bị nhân tôn kính, thị nhân vi tha lăng giác phong lợi“
Tuân tử nói rằng người có nguyên tắc mà không được tôn trọng là vì họ quá gai góc.
Một người gai góc là người chỉ tuân theo các nguyên tắc của riêng mình, khăng khăng làm điều mà mình muốn làm.
Thiện lương không phải là một mực cống hiến, cũng không phải là chạy theo đám đông, càng không phải là để dễ bề thuận lợi. Người có tâm địa thiện lương là người biết thế nào là thiện, thế nào là ác, điều gì nên làm và điều gì không nên làm.
Cổ nhân ví quân tử như ngọc đẹp: “Liêm nhi bất quế”. Ý tứ là bậc quân tử dù liêm khiết nhưng không làm tổn hại tới người khác.
Nếu như bạn quá gai góc, khí thế quá mạnh mẽ, tự cho mình là đúng và thiếu tôn trọng người khác; điều này không chỉ làm tổn hại người khác, mà còn gieo mầm tai họa cho chính mình. Bởi vì người gai góc, dễ gây thù chuốc oán, quá mạnh mẽ dễ bị cô lập, không người giúp đỡ. Một khi bạn gặp khó khăn, dễ gặp cảnh dậu đổ bìm leo; cuối cùng chỉ có thể tự mình gánh vác những hậu quả do chính mình gây ra mà thôi.
Theo Vision times