Tiền từ thiện là tấm lòng của vạn nhà, nếu ai có lòng tham chiếm dụng làm của riêng thì sẽ phải chịu báo ứng rất nặng.
Ngôi miếu linh thiêng có nhiều chuyện lạ
Trong “Canh Tỵ Biên” của Lục Xán vào thời nhà Minh có ghi lại một câu chuyện như sau: Vào thời nhà Minh, ở Duyện Châu phủ (Tây Nam Sơn Đông) có một ngôi miếu, từ trước đến nay đều rất linh nghiệm và thường xảy ra chuyện lạ.
Vào thời Minh Hiếu Tông Hoằng Trị (1488 – 1505), tiến sĩ Tô Châu là Cung Nguyên được cử đến Duyện Châu làm tri phủ. Một buổi tối nọ, ông bỗng nghe được tiếng quất roi; vì vậy mới hỏi nha dịch xem có chuyện gì xảy ra? Nha dịch có biết chuyện này nên nói: “Đó là chuyện lạ thường xảy ra trong miếu”. Nhưng Cung Nguyên lại không cho đó là thật.
Vì muốn tìm ra nguyên nhân thực sự của tiếng động lạ đó, sáng sớm hôm sau Cung Nguyên đã đi đến ngôi miếu đó. Nhưng ông đi vào thì không thấy gì, vì vậy mới quở trách tên nha dịch một phen. Nhưng nha dịch vẫn khăng khăng nói: “Ngài phải thành tâm thành ý thì đi vào mới nhìn thấy được”.
Nghe vậy, Cung Nguyên muốn thử thêm một lần nữa. Ngày hôm sau ông trai giới tắm rửa sạch sẽ, buổi tối lại đi vào trong miếu. Hơn nữa ông tế bái khẩn cầu thật lâu rồi mới mở cửa đi vào. Vừa vào thì ông thấy có 5 người đội vương miện giống như là bậc vương giả; họ đón Cung Nguyên vào và mời ngồi vào chỗ dành cho khách.
Cung Nguyên khiêm tốn muốn từ chối thì họ nói: “Ngài là quan ở dương gian, chúng tôi là quan viên âm phủ. Về phần công vụ thì không có liên quan gì nhau, vậy nên ngài cứ yên tâm ngồi xuống đi”.
Lấy tiền từ thiện để tiêu dùng riêng cho bản thân
Lát sau lại có người dâng trà mang đến cho Cung Nguyên, nhưng ông không dám uống. Một vị vương giả nói với ông: “Đây là buổi tiệc trà, Ngài cứ uống đi không sao cả”.
Cung Nguyên nhớ rằng truyền thuyết về địa phủ là có 10 vị Diêm Vương, nhưng ở đây ông mới chỉ thấy có 5 vị, vì vậy mới hỏi: “Trước kia tôi nghe nói Minh Giới có 10 vị Diêm Vương, vì sao ở đây chỉ thấy có 5?”. Họ đáp: “Họ đều đi dự tiệc rồi”.
Cung Nguyên ngỏ ý muốn xem thử cảnh tượng nơi địa ngục. Các vị Diêm Vương nói: “Quy định nơi địa ngục rất nghiêm khắc, không thể tùy tiện dẫn ngài vào được. Nhưng có thể để cho ngài xem một chút”.
Nói xong, họ liền ra lệnh cho âm binh đưa vào một tăng nhân, rồi dùng than đỏ thiêu đốt lưng của ông ta; một vị Vương giả nói với Cung Nguyên: “Đây là nhà sư trong một ngôi chùa ở vùng này. Bình thường khi đi hóa duyên có được không ít tiền, nhưng ông ta đều lén đi mua rượu thịt để ăn uống, không dùng để tu sửa chùa chiền; cho nên bây giờ mới bị phạt ở đây”.
Cung Nguyên thấy vậy mới hỏi, làm thế nào để giải trừ được tội nghiệt của nhà sư? Vương giả nói: “Sau này sửa đổi hướng thiện thì có thể xóa bỏ được”.
Sám hối sửa đổi, bệnh tật tự nhiên hết
Cung Nguyên sau khi trở lại quan nha thì phái người âm thầm đi tìm hiểu về vị tăng nhân kia; biết được tăng nhân đang bị mắc bệnh ở lưng, chữa trị không khỏi, dường như là sắp chết.
Vì vậy Cung Nguyên đã đi gặp ông ta, kể lại những gì mình đã chứng kiến cho ông ta nghe. Sau khi nghe xong thì tăng nhân vừa hoảng sợ mà cũng xấu hổ vô cùng. Tăng nhân sau đó đã đem tất cả tài sản mà bản thân tích cóp được đến quyên góp tu sửa chùa chiền. Sau khi tăng nhân thành tâm sửa đổi thì phần lưng đau nhức cũng dần khỏi.
Làm từ thiện như thế nào mới có công đức?
Lại nói về công đức khi làm từ thiện, nhiều người quyên góp được rất nhiều tiền từ thiện từ dân chúng và mang đi đóng góp, tự thấy bản thân có công đức rất lớn, nhưng sự thực có phải như vậy không?
Có một câu chuyện trong Phật giáo kể rằng, ngày xưa có một cô gái mồ côi cha mẹ, không ai nuôi nấng; ban ngày cô phải tự mình đi xin ăn ngoài chợ, tối đến thì lấy chiếu quấn quanh mình để ngủ.
Một ngày nọ, cô nghe nói là rằm tháng bảy cúng dường Tam Bảo thì có phước lắm, vì vậy cô mới nghĩ mình làm sao tạo phước để khỏi nghèo khổ nữa. Hôm đó cô xin được 2 xu, cô muốn cúng cái gì mà chư tăng trong chùa để có thể dùng được.
Nghĩ vậy nên cô đã lấy 2 xu để mua muối, cô mang vô chùa rồi nói với người nấu cơm: “Con xin được có 2 xu để mua muối, con muốn cúng hết cho chư tăng trong chùa, mong người giúp cho”. Vị ấy liền bỏ nắm muối vào trong nồi canh to, thế là các chư tăng đều được hưởng đầy đủ. Bẵng đi một thời gian dài, cô cũng không còn nhớ đến chuyện này nữa.
Cúng dường Tam Bảo được phước báo
Một năm nọ, nhà vua muốn chọn người làm vợ cho thái tử; nhưng đưa đến mỹ nhân nào thì thái tử cũng từ chối. Vua lệnh cho các quan tìm người nào mà thái tử vừa ý thì sẽ được trọng thưởng. Bấy giờ có một ông quan đi ngang vùng của cô gái ăn xin thì thấy trên trời có vầng mây đỏ, ông nghĩ nơi đây chắc là có dị nhân phước lớn.
Vào buổi trưa, trên đường trở về, ông nhìn thấy một cô bé khoảng 16 tuổi đang trùm chiếu ngủ. Ông đến gần nhìn thì bất ngờ cô bé thức dậy và mở chiếu ra. Thấy người con gái đẹp đẽ phi thường mà lại sống đầu đường xó chợ như vậy, ông tội nghiệp nên đem về nuôi.
Cô được cho ăn mặc và dạy dỗ đàng hoàng. Đến năm cô 18 tuổi thì ông dẫn đến trình nhà vua. Vua gọi thái tử lại, vừa thấy cô gái thì thái tử vừa lòng ngay. Cô được Đông Cung thái tử cưới làm vợ.
Tiền từ thiện là của vạn nhà
Khi vua băng hà, thái tử lên ngôi, vậy là cô bé ăn xin ngày nào bây giờ đã trở thành hoàng hậu. Khi đã trở thành hoàng hậu, cô cứ nghĩ mãi không biết mình làm gì mà có được phước lớn như vậy. Bỗng nhiên cô lại nhớ đến 2 xu muối khi xưa. Vì vậy, vào một ngày nọ, hoàng hậu cho mua sắm rất nhiều vật dụng sang trọng để chở vào ngôi chùa khi xưa.
Điều kỳ lạ là, lúc trước khi chỉ có 2 xu muối của cô bé ăn xin thì thầy trụ trì nói bữa nay có đại thí chủ đến cúng dường; nói chư tăng đánh chuông trống đón. Bây giờ hoàng hậu mang nhiều tài vật đến nhưng thấy trụ trì không đánh chuông trống đón.
Hoàng hậu thấy tò mò nên mới hỏi thầy trụ trì: “Thưa thầy, ngày xưa con là đứa ăn xin, chỉ cúng dường có 2 xu muối mà nghe chuông trống đánh rình rang. Ngày nay con là hoàng hậu cúng dường cả xe trân bảo mà không nghe chuông trống gì hết?”
Thầy trụ trì đáp: “Ngày xưa 2 xu đó rất quý vì đó là mạng sống của con. Muốn cúng dường thì con phải nhịn đói, nên 2 xu đó vô cùng lớn. Ngày nay con đã trở thành hoàng hậu, của cải đầy xe nhưng đó là của người dân chứ đâu phải của con. Lấy của người làm phước cho mình thì đâu có gì quan trọng”.
Thế mới thấy, tiền từ thiện là của vạn nhà, người đứng ra quyên góp chỉ là làm cầu nối; không nên tự thấy mình quá quan trọng.
Tổng hợp