Theo nhà thơ Viên Mai thời nhà Thanh, thú vui tao nhã không phải là thứ có thể cố ý tạo ra, mà là sự bộc lộ tự nhiên từ tâm tính và sự tu dưỡng của con người.
Người xưa rất coi trọng những điều phong nhã, và xem “tĩnh” là cái đẹp, nên phần lớn những thú vui thanh tao của họ đều xoay quanh sự an tĩnh nội tâm. Thông thường, mười thú vui ấy gồm có: thưởng hương, nghe mưa, ngắm mây, thưởng trà, nhặt hoa, đánh cờ, ngắm trăng, tìm nơi tịch mịch, uống rượu và gảy đàn.
1. Thưởng hương
Thưởng hương, còn gọi là đốt hương, là một tập tục đã hiện diện từ lâu trong đời sống dân gian cổ xưa. Người xưa nho nhã, mỗi khi uống trà, đọc sách, gảy đàn hay tĩnh tọa đều thường đốt hương, rửa tay sạch sẽ, tắm gội và thay y phục, như một cách thể hiện sự thành kính và trang nghiêm.
Hương có thể nhẹ nhàng lan tỏa trong thư phòng, đàn phòng, cũng có thể lãng đãng khói sương nơi đền miếu, thần điện. Có lúc hiện diện trong không gian tĩnh mịch để con người chiêm nghiệm nội tâm, lại cũng giúp tăng thi vị trong những buổi nhã tiệc.
Hương có thể làm dịu tinh thần, khai mở tâm trí, thậm chí hỗ trợ điều trị bệnh trong đời sống thực. Đó vừa là biểu hiện của tinh hoa văn hóa, vừa là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa đại chúng.
Cao Khải – nhà thơ thời nhà Minh viết trong “Phần hương” rằng:
Tà phi động viễn xuy,
Ám phức lưu vi hỏa.
Tâm sự cộng thành khôi,
Song gian nhất ông tọa.
Tạm dịch:
Làn khói nghiêng mình theo làn gió xa,
Hương âm thầm vương bên đốm lửa nhỏ.
Bao tâm sự hóa tro tàn cùng hương,
Một ông lão ngồi bên khung cửa sổ.
2. Nghe mưa
Vào những ngày mưa, một sự tĩnh lặng bao phủ đến êm ái. Tiếng mưa rơi có thể khiến những tâm hồn phiêu bạt tìm thấy một con thuyền trở về nhà. Tiếng mưa như âu yếm, thì thầm… Những âm thanh rả rích ấy giống như một bản nhạc ru do những tinh linh của mưa biểu diễn, khiến vạn vật trên đại địa chìm sâu vào giấc ngủ, và tâm hồn con người cũng được vỗ về.
Nhà thơ Tưởng Tiệp thời Tống từng viết trong “Ngu mỹ nhân – Thính Vũ”:
Thiếu niên thính vũ ca lâu thượng,
Hồng chúc hôn la trướng.
Tráng niên thính vũ khách chu trung,
Giang khoát vân đê,
Đoạn nhạn khiếu tây phong.
Nhi kim thính vũ tăng lư hạ,
Tấn dĩ tinh tinh dã.
Bi hoan ly hợp tổng vô tình,
nhất nhậm giai tiền,
Điểm tích đáo thiên minh.
Bản dịch thơ của Song Tuyết:
Lúc nhỏ lầu ca nghe mưa ướt,
Rèm buông mờ ánh đuốc.
Lớn lên mưa lộng cánh buồm con,
Sông trải mây tuôn,
Tiếng nhạn cứa tây phong.
Đêm nay mưa xối trên tăng thất,
Đầu đã hai thứ tóc.
Buồn vui tan hợp hoá vô tình,
Giọt giọt ngoài thềm,
Cứ thế đến bình minh.
3. Ngắm mây
“Ngắm mây” là vọng nhìn những đám mây trên trời, chiêm ngưỡng sự biến đổi vô tận của chúng, từ đó liên tưởng đến sự đổi thay vô thường của đời người và gửi gắm niềm khát vọng vô hạn.
Lưu Vũ Tích đời Đường trong bài “Quan Vân Thiên” đã viết:
Hưng vân cảm âm khí, tật túc như kiến cơ.
Tinh lai ý thái hành, hữu nhược công thành quy.
Thông lung hàm vãn cảnh, khiết bạch ngưng thu huy.
Dạ thâm độ ngân hán, mạc mạc tiên nhân y.
Tạm dịch:
Mây nổi cảm âm khí, sải bước xem tình thế.
Trời quang mây nhẹ trôi, tựa người công thành về.
Mây xanh ôm cảnh chiều, tinh khôi đọng ánh thu.
Đêm khuya qua ngân hà, mờ ảo tựa tiên y.
4. Thưởng trà
Thưởng trà, tức là uống trà, mang ý nghĩa thưởng thức vị trà một cách tinh tế. Uống trà giúp tĩnh tâm, làm dịu thần trí, có ích cho việc rèn luyện tâm tính và xua tan những tạp niệm. Trà thơm pha chút đắng chát, cũng giống như cuộc đời với muôn hình vạn trạng. Thưởng thức vị trà, cũng là một thú vui tao nhã.
Nhà thơ Bạch Cư Dị đời Đường, trong bài “Cầm trà” viết rằng:
Cầm lý tri văn duy lục thủy,
Trà trung cố cựu thị mông sơn.
Cùng thông hành chỉ thường tương bạn,
Nan đạo ngô kim vô vãng hoàn?
Tạm dịch:
Đàn chỉ nghe duy nhất khúc Lục Thủy
Thưởng trà chỉ nhớ tới Mông Sơn
Trà với đàn luôn bầu bạn dẫu khốn khó
Lẽ nào nay ta không còn nơi đi về?
5. Nhặt hoa
Thời xưa, “nhặt hoa” có nghĩa là hái hoặc ngắt hoa, và cũng được dùng để chỉ các hoạt động như trồng hoa, chăm hoa, ngắm hoa. Có một tập tục cổ là khi ủ rượu “Nữ Nhi Hồng”, người ta cần dùng đến hoa đào, nên vào mùa xuân, mọi người thường cùng nhau đi hái hoa tươi – và việc đó được gọi là “nhặt hoa”.
Nhà thơ Lâm Hòa Tĩnh đời Tống, suốt đời không làm quan, không kết hôn, không sinh con. Ông sống một mình trong cảnh nhàn tản, trồng đầy hoa mai quanh nhà, lấy hoa và hạc làm bạn cả đời, trở thành một giai thoại đẹp được người đời sau truyền tụng.
Vương Duy từng viết trong “Sơn cư tức sự”:
“Lục trúc hàm tân phấn, hồng liên lạc cố y.”
Tạm dịch:
“Trúc xanh phủ lớp phấn non, cánh sen hồng rụng dưới áo xưa”.
Hay như Lý Bạch trong “Biệt trữ ung chi diệm trung” viết:
“Trúc sắc khê bất lục, hà hoa kính lý hương.”
Tạm dịch:
“Sắc trúc khiến suối không còn xanh, hoa sen tỏa hương trong mặt nước như gương”.
6. Chơi cờ
Người xưa thường dùng việc đánh cờ để giải trí, đồng thời rèn luyện khả năng mưu lược và nắm bắt cục diện. Đây là một phần không thể thiếu trong đời sống văn hóa của cổ nhân.
Khi đấu với cao thủ, chỉ một nước đi sai cũng có thể khiến bạn thua cả bàn. Thế nhưng trong tay người giỏi, ván cờ tưởng như đã tàn vẫn có thể xoay chuyển tình thế, cải tử hoàn sinh. Trong bàn cờ ẩn chứa niềm vui thú vị lẫn những khúc khuỷu đời người.
Nhà thơ Bùi Thuyết thời Đường từng viết trong bài “Kỳ”:
Nhân tâm vô toán xử, quốc thủ hữu thâu thì…
Lâm hiên tài nhất cục, hàn nhật hựu tây thùy.
Tạm dịch:
Lòng người khó đoán, cao thủ cũng có lúc thua.
Vừa chơi được một ván, mặt trời lạnh lẽo đã về tây.
7. Chờ trăng
Chờ trăng, còn gọi là “đợi trăng”, là chỉ khoảng thời gian trước khi mặt trăng ló rạng. Khi ánh trăng lặng lẽ rải xuống, cả thế giới như đắm chìm trong những dòng suy nghĩ yên tĩnh – mọi nơi đều toát lên không khí đặc biệt sâu lắng. Chờ trăng là một thú vui thanh nhã vô cùng tuyệt diệu.
Nhà thơ Phương Mạnh Thức thời Minh, trong bài “Đãi nguyệt”, viết:
Hà phong sơ vũ hậu, huỳnh hỏa loạn tinh tiền.
Ô thước tàn sinh ảnh, ngô đồng ẩn bán huyền.
Nhân chi mặc tọa cửu, hoa thượng nguyệt quyên quyên.
Tạm dịch:
Gió hồ thoảng nhẹ sau mưa, đom đóm bay trước sao trời.
Bóng ô thước mờ dần, cây ngô đồng che nửa vầng trăng.
Bởi thế lặng lẽ ngồi lâu, ngắm ánh trăng dịu dàng trên đóa hoa.
8. Tìm nơi tịch mịch
Thời xưa gọi là “tìm nơi u nhã”, thường mang ý nghĩa tìm hiểu những đạo lý sâu xa và tìm đến cảnh giới thanh tĩnh, nhã nhặn. Tránh xa bụi trần ồn ào náo nhiệt, tìm về nơi tĩnh lặng không chỉ giúp tâm hồn được yên ả mà còn có thể khám phá ra chân lý cuộc đời.
Nhà thơ Lý Thương Ẩn đời Đường đã viết trong bài “Nhàn du”:
Số nhật đồng huề tửu, bình minh bất tại gia.
Tầm u thù vị cực, đắc cú tổng kham khoa.
Tạm dịch:
Vài hôm mang theo rượu cùng đi, sáng sớm đã chẳng còn ở nhà.
Tìm nơi thanh vắng chưa cùng tận, nhưng được vần thơ đáng tự hào.
9. Uống rượu
Uống rượu là chỉ uống một chút ít rượu mà thôi. Đây là thú vui rất được các nhà thơ cổ yêu thích, nên mới có cảnh tượng “rượu trôi theo dòng nước quanh co, tự do bày tỏ tâm sự”. Có người nâng chén giữa núi non, ngồi ngắm hoa nở hoa tàn, mây tụ mây tan; có người lại vui mừng đón bạn phương xa, uống đến khi say mới dừng…
Nhà thơ Khuất Đại Quân đời Thanh viết trong bài “Chước tửu”:
Mãn chước đương thu sắc, chinh ca đắc lệ hoa.
Phù dung do tự túy, cự khả bất như hoa.
Tạm dịch:
Rót đầy chén rượu giữa cảnh thu, khúc ca phương xa thật mỹ lệ.
Hoa sen vẫn còn say– lẽ nào ta lại chẳng bằng hoa?
10. Gảy đàn
Đàn ở đây thường là cổ cầm – một trong những nhạc cụ có vị trí cao quý nhất trong văn hóa truyền thống Trung Hoa. Có câu rằng: “Kẻ sĩ không lý do thì không rời cầm sắt”, hoặc “Bên trái đàn, bên phải sách” – thể hiện lối sống nhã nhặn, thanh cao.
Tích xưa kể rằng Du Bá Nha và Chung Tử Kỳ, nhờ cùng thấu hiểu khúc Cao Sơn Lưu Thủy mà trở thành tri âm tri kỷ. Câu chuyện ấy được lưu truyền mãi đến nay, trở thành biểu tượng của tình bạn chân thành.
Ngoài mười thú vui thanh tao mà người xưa thường nhắc đến, họ còn xem việc đọc sách, thưởng tranh, câu cá, ngâm thơ, sưởi nắng… cũng là những sinh hoạt mang tính cao nhã.
Tóm lại, bất cứ việc gì có thể giúp con người bồi dưỡng cảm xúc, nuôi dưỡng tâm hồn và cảm nhận sâu sắc về cuộc sống, đều có thể được xem là một “nhã sự” – thú vui tao nhã.
Theo WXRB