Site icon Nguyện Ước

Sự khoan dung của Đại đế Cyrus và sức mạnh của lòng thành thực

Sự khoan dung của Đại đế Cyrus và sự thành thực của Otanes

Cyrus Đại đế là biểu tượng của sự khoan dung và lòng dũng cảm (ảnh: Pinterest)

Cyrus Đại đế là người sáng lập Đế chế Ba Tư, hay còn gọi là Vương triều Achaemenid, một quốc gia hùng mạnh và rộng lớn. Cyrus Đại đế nổi tiếng bởi sự khoan dung và lòng dũng cảm.

Đế chế Ba Tư dưới sự cai trị của Cyrus Đại đế không chỉ bao trùm tất cả các quốc gia văn minh ở vùng Cận Đông cổ đại mà còn bành trướng sang hầu hết Tây Nam Á, một phần Trung Á, và vùng Kavkaz.

Với lãnh thổ trải dài từ Hellespont ở phía tây đến sông Ấn ở phía đông, Ba Tư trở thành đế chế lớn nhất từng có. Tuy nhiên, không phải là sự hùng mạnh và vĩ đại, mà sự khoan dung của Cyrus Đại đế mới là điều được hậu thế ca tụng nhiều nhất.

Sự khoan dung của Đại đế Cyrus

Cyrus đã đánh bại ông ngoại của mình, người đã cố giết cyrus từ khi ông còn chưa được sinh ra. Nhưng cuối cùng ông vẫn tha thứ cho ông ngoại của mình, cho phép ông ta sống cùng và chăm sóc cho đến cuối đời. 

Cyrus đã đánh bại Đế quốc Mede vốn có mối thù với Ba Tư, mặc dù vậy ông vẫn đối xử với vua Mede như một vị vua. Thậm chí còn sẵn lòng nghe những lời khuyên từ vua Mede.

Sau khi chinh phục Babylon, ông đã thể hiện lòng bao dung không gì sánh được của một vị quân chủ. Ông không chỉ nghiêm khắc ra lệnh cho quân đội không được làm phiền dân chúng; mà còn phải tôn trọng phong tục, tín ngưỡng tôn giáo địa phương. Ông ra lệnh khôi phục các đền thờ ở Babylon, Assyria, Elam và người Do Thái; cho phép những người dân đã bị các vị vua Babylon cưỡng chế di cư đến Lưỡng Hà được trở về quê hương.

Mặc dù chinh chiến khắp nơi, nhưng Cyrus luôn thực thi chính sách nhân từ, yêu thương và bảo bọc dân chúng (ảnh minh họa Pinterest)

Những việc làm của ông cũng được ghi lại trong Kinh Thánh. Việc Cyrus Đại đế “giải phóng những người bị giam cầm ở Babylon” được gọi là “sự công bình” trong sách Ê-sai của Kinh thánh. 

Vì vậy, Cyrus Đại đế đã để lại những dấu ấn lớn trong các tác phẩm văn học, lịch sử Đông và Tây thời cổ đại.

Ở thời đại đó, người đi chinh phục đối xử với kẻ bị chinh phục thường là giết chóc, đốt phá và cướp bóc, nên sự khoan dung của Cyrus Đại đế là một điều kỳ diệu.

Sự thành thực của Otanes

Ở Đế chế Ba Tư cổ đại do Cyrus thành lập, mọi người được dạy phải nói thành thật, dù ở nhà hay ở trường; đây là một trong những điều đầu tiên trẻ em được học.

Otanes – một triết gia chính trị nổi tiếng ở Ba Tư, ông vừa là bạn vừa là cố vấn của Cambyses II và Darius I – hai người kế vị của Cyrus Đại đế. 

Từ khi còn nhỏ, cha mẹ Otanes thường dạy bảo rằng: “Chỉ có kẻ hèn nhát mới nói dối. Thành thật là một đức tính tốt. Con phải vĩnh viễn yêu mến và thực hành nó”.

Khi Otanes 12 tuổi, bố mẹ quyết định gửi cậu đến một ngôi trường nổi tiếng ở thành phố khác. Vì đường xá xa xôi và nhiều nguy hiểm, nên cha mẹ Otanes đã phó thác cậu cho một thương đoàn cũng đi trên đường tới đó. 

Trước khi từ biệt, cha mẹ cậu đã dặn dò: “Bất luận là ở trong hoàn cảnh nào, cũng nhất định phải thành thực và dũng cảm”.

Đoàn người cưỡi ngựa và lạc đà lên đường. Bởi vì thời tiết nóng nực, con đường lại gập ghềnh nên họ đi rất chậm. 

Vào một buổi tối nọ, họ bị một nhóm cướp chặn đường. Đoàn thương nhân không ai dám chống cự, đành giao hết của cải cho chúng. 

Trên đường đi, Otanes và đoàn thương nhân gặp phải một nhóm cướp (ảnh minh họa: Pinterest)

Một tên cướp đi tới trước mặt hỏi Otanes: “Tên nhóc kia, ngươi có đồ gì không?”

“40 đồng vàng”, Otanes đáp.

Tên cướp cười ha ha, vì hắn chưa bao giờ thấy đứa trẻ nào mang nhiều tiền như thế trên người: “Tốt lắm, ngươi để tiền ở đâu?”

“Trong mũ của tôi, dưới lớp lót”, Otanes trả lời.

“Ồ, thật sao? Lời ngươi nói ta không thể tin được”. Nói xong tên cướp đánh ngựa lao về phía các thương nhân. 

Rất nhanh, một tên cướp khác lại đến: “Tên nhóc kia, nghe nói ngươi có tiền.”

“Đúng vậy, 40 đồng tiền vàng trong mũ của tôi”, Otanes đáp.

“Dám giỡn mặt với ta à? Gan của người cũng lớn thật đó.” Nói xong hắn cười cười rồi cưỡi ngựa phóng đi mất.

Một lúc sau, tên thủ lĩnh ra lệnh cho người mang Otanes đến và hỏi: “Tên nhóc kia, ngươi có thứ gì quý giá không?”

Otanes trả lời: “Tôi đã nói cho hai người đàn em của ông rằng tôi có 40 đồng vàng; giấu ở trong mũ, nhưng bọn họ đều không tin tôi”.

“Tháo mũ của ngươi xuống”. Tên cướp ra lệnh. 

Otanes tháo mũ xuống. Tên cướp xé lớp lót mũ ra và quả thực có vàng bên trong.

“Sao ngươi lại nói cho chúng ta biết nơi cất vàng? Thường thì không ai tin rằng một đứa trẻ sẽ có nhiều tiền như vậy”, tên cướp nói.

“Nếu tôi trả lời khác đi, thì chính là nói dối. Chỉ có kẻ hèn nhát mới nói dối”, Otanes trả lời.

Đối với câu trả lời của cậu bé Otanes, tên cướp cảm thấy vô cùng chấn động. Dường như hắn cảm thấy trong quá khứ, rất nhiều lần hắn đã từng hèn nhát. Vì thế liền nói với Otanes: “Ngươi đúng là một cậu bé dũng cảm. Hãy lên ngựa và mang theo tất cả đồ đạc của ngươi. Người của ta sẽ hộ tống ngươi tới nơi an toàn.”

Có lẽ ngay cả Otanes cũng không ngờ rằng sự thành thực của mình lại mang đến kết quả như thế. Cũng chính vì sự trung thực cùng những đức tính xuất sắc, mà khi lớn lên Otanes đã trở thành một nhân vật vĩ đại ở Ba Tư. Người ta cho rằng ông cũng là người đầu tiên đề xuất “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật”.

Triết gia La Mã cổ đại nổi tiếng Cicero từng nói: “Không có thành tín, thì làm sao có tôn nghiêm?” 

Cho dù là sự khoan dung của Cyrus Đại đế hay sự trung thực của Otanes, đó đều là những tấm gương truyền cảm hứng bất tận cho hậu thế muôn đời. 

Theo Bannedbook