Các Phật tử chắc đã quen với câu “phóng sanh có thể mang lại công đức vô lượng”; vì vậy ngày nay khi đi lễ chùa, rất nhiều người mua chim, mua cá để phóng sanh. Đặc biệt ngày 23 tháng Chạp, hầu như nhà nào cũng mua cá chép phóng sanh. Đó có thật sự là phóng sanh, có thể đem lại phúc báo vô lượng?
- Có phải làm đồ tể là có thể tùy ý sát sinh?
- Dùng tiền bất chính cúng dường: Hoá giải nghiệp lực hay tự lừa dối chính mình?
Từ bi và vô vi
Phật gia giảng từ bi, người tu Phật trân quý từng sinh linh nhỏ bé. Chẳng những ‘cứu một mạng người hơn xây bảy tháp phù đồ’, mà cứu một con ốc, một con chim cũng là việc đại Thiện.
Tuy nhiên Phật gia cũng giảng ‘vô vi’, không làm việc thiện hữu vi; cũng có câu “vô sở cầu nhi tự đắc” (không cầu mà tự được). Làm việc thiện hữu vi không nhất định sẽ đem lại phúc báo.
Trước hết chúng ta hãy nhìn lại thực tế những vấn đề phát sinh khi chúng ta làm các việc thiện hữu vi:
Mua chim phóng sanh khi đi lễ chùa: Trước các chùa lớn vào những ngày lễ thường có người đến bán từng lồng to với hàng trăm chú chim nhỏ. Vì xã hội có nhu cầu nên sẽ có người cung ứng. Nhưng chúng ta hãy hình dung, họ bẫy chim bằng cách nào, có làm cho nó đau đớn không? Giả sử đó là một con chim mẹ đang trên đường đi kiếm mồi để về mớm cho chim non. Nay nó bị bẫy rồi, bầy chim non kia ‘chiêm chiếp’ suốt cả ngày để đợi ai đây?
Khi chim mẹ được phóng sanh trở về, có lẽ tất cả chim non đều đã chết rồi. Vậy có phải chính những người mong cầu phúc báo chúng ta đã gián tiếp gây nên sự chia ly và cái chết của những sinh linh vô tội? Thả 1 con chim mà làm chết 4-5 con chim non thì nên được phúc báo hay nghiệp báo đây?
Thả cá chép phóng sanh
Cũng vậy, hàng năm vào ngày 23 tháng Chạp, người người, nhà nhà đi mua cá chép để phóng sanh. Hàng trăm hàng ngàn con cá chép đã được đánh bắt vào ngày hôm đó. Với chúng ta, cúng Táo quân vui như một ngày lễ; còn với họ nhà chép, chẳng phải là một ngày khủng khiếp với nỗi sợ hãi bao trùm hay sao?
Người người giăng lưới, người người cắm câu. Những chú cá vô tội nếu không trầy da tróc vảy thì cũng bị lưỡi câu móc đến rách hàm. Chú nào còn sống cho đến lúc được thả thì cũng không thể tung tăng bơi lội sau một ngày thoi thóp và vết thương đang đau nhói. Vậy chúng ta đang làm phúc hay đang tạo nghiệp? Nếu chúng ta không làm việc phóng sanh hữu vi ấy, chẳng phải sinh linh vạn vật đều có thể cùng nhau tận hưởng một mùa xuân an vui thái bình rồi sao?
Nên dừng việc phóng sanh hữu vi
Phật gia giảng ‘vô vi’, chúng ta lại ‘hữu vi’, lẽ nào còn hy vọng phúc báo; tâm muốn làm phúc mà hậu quả lại làm hại sinh linh. Nhưng phóng sanh như thế nào mới gọi là ‘vô vi’?
Carina là cô gái nhỏ người Đức. Cô từng bị tai nạn chỉ còn một cánh tay; nhưng gương mặt cô lúc nào cũng rạng rỡ nụ cười. Tôi rất ấn tượng và tự hỏi nhờ đâu cô có thể yêu đời được đến thế. Nhưng không phải đợi lâu, chỉ tiếp xúc đôi ba lần tôi đã có được câu trả lời.
Khi thấy một con cánh cam nằm trên bàn giấy, có vẻ như nó đã bị thương. Cô để nó bò lên ngón tay mình rồi mang nó ra vườn và thả lên một chỗ an toàn. Cô sợ khi nó nằm trên bàn, ai đó không để ý sẽ đặt vật gì lên khiến nó chết bẹp dí.
Khi dạo trong vườn hoa, Carina thấy một con ốc bò ngang đường. Cô cẩn thận đặt một chiếc lá to để nó bò lên; rồi mang cả chiếc lá và nó sang bên kia đường. Cô sợ nó sẽ bị người đi đường cán qua trước khi nó đến nơi.
Mỗi khi ra khỏi nhà, Carina luôn vui tươi phấn khởi. Cô hít gió trời, quan sát vạn vật và luôn thích thú với những dấu hiệu của sự sống đang chuyển động xung quanh mình. Ánh mắt cô như chào từng ngọn cỏ, nhành hoa.
Cứu giúp sinh linh xuất phát từ lòng thương xót
Carina tung tăng và vô tư như một chú chim nhỏ, nhưng không điều gì lọt khỏi ánh mắt cô. Như một thói quen, không biết cô đã cứu bao sinh linh bé nhỏ mỗi ngày mà cô gặp trên đường. Đơn giản chỉ vì cô yêu chúng, cô yêu cuộc sống này. Cô là biểu tượng của sự thiện lương trong lòng tôi.
Carina có một công việc tốt trong uỷ ban thành phố và một người bạn trai vô cùng yêu thương cô. Nhưng cô luôn chủ động tự mình làm mọi thứ, trừ khi việc ấy nằm ngoài khả năng của cô. Những người ở bên cô chẳng những không cần phải đặc biệt quan tâm cô bởi vì cô tàn tật, mà ngược lại, ai cũng thấy mình nhỏ bé khi đối diện với sức sống và sự yêu đời của cô. Carina đã giúp tôi hiểu rõ hơn về cách yêu thương con người và vạn vật.
Tôi tự nhủ: Những điều tốt đẹp bình yên trong cuộc sống và tình cảm ấm áp của mọi người phải chăng là phúc báo đến từ sự thiện lương thuần khiết?