Một vị thiền sư trước khi lâm chung đã vô cùng hối hận về những việc mình đã làm trong đời, đây cũng là lời cảnh báo chung cho những người tu luyện.
- Diêm Vương phán xử 5 vị hòa thượng: Vì sao không được tùy tiện giải thích kinh Phật
- Thấy lại 12 kiếp luân hồi trả nợ nghiệp của vị thiền sư
Vị thiền sư sắp phải rời bỏ thế gian
Vị thiền sư mắc phải bệnh nan y và biết được ngày mình sắp phải rời xa thế gian này cũng không còn xa nữa. Ông trong thiền định mà đối mặt với cái chết, cũng như tham ngộ về cái chết.
Vị thiền sư có một người bạn thâm giao, hai người vẫn thường xuyên qua lại và đàm luận với nhau. Ngay cả trước khi ông qua đời, người bạn cũng thường đến thăm và lắng nghe những lời chỉ bảo từ ông.
Một ngày nọ, vị thiền sư nói với người bạn của mình rằng: “Cả đời tôi đắm chìm trong hư danh. Tuy bề ngoài có tiếng tăm, cũng xuất bản sách, cũng có người theo tôi học Phật; nhưng tôi biết rõ mình chưa giác ngộ, cũng chưa tìm được chân ngã của mình. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, tưởng mình thông minh mà hóa ra lại bị thông minh hại”.
Người bạn hỏi: “Các bậc tôn sư xưa nay, chẳng phải có người cũng đắc Đạo trước lúc lâm chung hay sao?”
Ông nói: “Đó là người đại căn khí, đã buông bỏ được vạn duyên, tâm hồn thanh tịnh, không giống người tiểu căn khí như tôi. Cả đời này tôi vì rất thông minh và lắm tài nên mới có nhiều thứ không thể buông bỏ được”.
Biết chuyện sinh tử thì vẫn trong luân hồi
Người bạn lại hỏi: “Vậy gần đây ông tu luyện thế nào? Lần nào đến cũng thấy ông đang ngồi thiền. Tôi không dám quấy rầy, chỉ dám đứng ở bên ngoài niệm Phật và cầu nguyện cho ông!”
Vị thiền sư cười nói: “Cảm ơn ông! Về chuyện sinh tử, thậm chí kiếp sau đầu thai ở đâu thì tôi đều đã biết rõ”.
Người bạn nói: “Vậy chẳng phải là ông đã tu được rất cao rồi hay sao. Biết được cả chuyện sinh tử và đầu thai nơi nào mà vẫn chưa khai ngộ sao?”
Vị thiền sư hổ thẹn nói: “Đấy chỉ là việc cỏn con, không có quan hệ gì tới khai ngộ cả; càng không liên quan gì đến việc tìm thấy chân ngã. Từ khi 3 tuổi tôi đã có thể nhớ lại nhân duyên đầu thai của mình. Đời này tôi đã sớm biết là ‘sống đến từ đâu’, một đời tu luyện chỉ là muốn biết ‘chết đi về đâu’.
Bây giờ dù có biết rõ chết sẽ đi về đâu, nhưng chẳng qua vẫn là luân hồi trong tam giới. Kiểu tu hành qua loa như của tôi mà so sánh với việc đắc Đạo, khai ngộ hoặc tìm được chân ngã thì hãy còn xa lắm”.
Cả đời tạo nghiệp mà không hay biết
Người bạn lại hỏi: “Thế sao gần đây ông tinh tấn tu luyện vậy?”
Vị thiền sư nói: “Tôi một lòng sám hối những nghiệp chướng đó, tịnh hóa từ trong tâm. Tôi sắp chết rồi, chỉ mong sao trước khi chết thanh lọc được nội tâm mình. Mấy tháng nay tôi không ngừng sám hối.
Tôi sám hối cho những nghiệp chướng đã tạo ra; sám hối cho những việc làm sai trái mà tôi đã phạm phải; sám hối bản thân đã không tận hiếu; sám hối mình đã làm tổn thương người thân bạn bè; sám hối vì đã từng nói rất nhiều lời ngông cuồng; sám hối vì miệng nói một đằng mà tâm nghĩ một nẻo; sám hối vì tôi đã làm tổn thương những cô gái đã từng yêu tôi; sám hối những lời dối trá đối với đồng tu…”
Vị thiền sư chảy nước mắt nói: “Một người trước khi lâm chung mà thành tâm sám hối, chính là buông bỏ gánh nặng, nhẹ nhàng mà lên đường”.
Chưa khai ngộ thì dễ dẫn người khác đi sai đường
Ông muốn nhờ người bạn tìm một cái thau bằng sắt lớn để mang những gì ông đã viết trong suốt một đời của ông, cao chừng 1 mét, đốt hết đi.
Người bạn không đành lòng, nói: “Đây là tâm huyết cả đời của ông. Có bao nhiêu nhà xuất bản muốn mua bản thảo của ông, giờ sao ông lại muốn đốt bỏ đi?”
Vị thiền sư nói: “Ông không đốt vậy thì để tôi tự đốt. Những cái này không có giá trị gì hết. Không đốt đi thì để làm gì? Tôi không đắc Đạo, những lời giải thích loạn bậy Phật Pháp kia đều chỉ là ma chướng; điều này thì tôi biết rõ.
Đốt nó đi để tránh thế hệ sau lầm đường lạc lối; cũng là để tránh tăng thêm tội lỗi cho bản thân. Tôi chưa tìm được chân ngã, thì hết thảy những gì nói ra cũng chỉ là ‘chồn cáo hoang’. Ông muốn tôi bị sa vào địa ngục à?”
Yên lặng một lúc, ông lại nói: “Tôi cả đời thuyết Pháp giảng Kinh, biện luận thị phi. Bởi vì không đắc Đạo, không thấy được chân tướng, nói lời lộng ngôn, luận giải bất chính. Giờ đây tôi bị báo ứng, mắc bệnh tại khoang miệng, thực quản, dạ dày”.
‘Khẩu nghiệp là điều khó sám hối nhất’
Vậy là thiền sư cùng với người bạn đã đốt từng quyển sách một, gồm cả nhật ký của ông. Nhìn dáng vẻ thoát tục của ông, người bạn cảm thấy cảm động; trong tâm suy nghĩ cũng muốn được như ông, trước khi chết cũng đốt hết nhật ký, bản thảo của mình, vô ưu vô lo mà rời đi.
Dường như là đọc được suy nghĩ của bạn mình, vị thiền sư cười nói: “Đừng học theo tôi, học theo tôi không có tiền đồ gì cả”.
Có lần vị thiền sư nói với người bạn của mình: “Khẩu nghiệp là điều khó sám hối nhất. Một đời tôi giảng Kinh thuyết Pháp, ăn nói xằng bậy, nói điều không đúng về người khác; khẩu nghiệp chất cao như núi”.
Ông thở dài nói: “Mặc dù khẩu nghiệp sâu nặng, tôi vẫn muốn sám hối để ra đi được thanh thản. Xem ra tôi sẽ chết muộn hơn 1 tháng so với dự tính, một tháng này chỉ dùng để sám hối khẩu nghiệp. Những người tu Đạo học Phật thì chỉ nói thôi cũng là tạo nghiệp; huống chi là tôi tạo khẩu nghiệp, nói lời không đúng. Không biết một tháng này có đủ để tôi sám hối không. Khi mà tôi sám hối xong rồi, thì cũng là lúc để rời đi”.
Lời cảnh tỉnh của vị thiền sư trước khi lâm chung
Người bạn mới hỏi: “Ông sắp phải đi rồi, ông có lời khuyên hay cảnh báo gì cho tôi không?”
Thiền sư nói: “Tôi biết con đường tương lai của ông nhưng không thể nói ra được; nói ra thì chính là hại ông vậy. Nhưng nếu ông muốn biết con đường tương lai của mình thì chỉ cần tĩnh tọa nhìn vào trong tâm của mình thì rồi cũng biết thôi.
Kinh nghiệm cả đời của tôi, có thể nói với ông rằng: Nếu như bản thân không đắc Đạo, không khai ngộ, không tìm thấy chân ngã thì quyết không được làm thầy người ta. Làm như vậy là sẽ hại người khác, dẫn người ta đi sai đường. Tôi đang phải chịu báo ứng chính là như vậy. Cho nên quyết không được làm thầy người ta.
Thứ hai, nếu ông đã khai ngộ, tìm được chân ngã thì vẫn cần vững chuyện tu hành. Sau khi ông tu được cao rồi thì mới bước ra hồng dương Phật Pháp. Dù ông có nhận đệ tử thì cũng đừng tiếp nhận cúng dường, không được ngược đãi đệ tử. Tôi thấy có nhiều người làm thầy mà sai khiến đệ tử cứ như đầy tớ vậy, tội ấy rất nặng.
Thứ ba, không được coi thường người không hiểu Phật Pháp. Dẫu họ có nhận thức nông cạn hay sai lầm đi nữa thì cũng không được cười nhạo người ta. Tôi một đời cười nhạo rất nhiều người có kiến giải sai lầm; vì vậy nên mới bị báo ứng như thế này”.
Tu luyện là phải thực sự cải biến từ bên trong
Ông nói tiếp: “Một người chưa khai ngộ thì đều có thể là một vị Phật trong tương lai; khai ngộ rồi thì chính là giác giả. Ông há có thể cười nhạo một giác giả hay sao? Đạo lý này tôi hiểu, nhưng vì kiêu căng tự mãn nên tôi đã tạo nghiệp rất nhiều.
Thứ tư, sau này ông có gặp ai, dù là bậc tôn sư ngoại đạo đi nữa thì cũng không nên so sánh ai cao ai thấp. Tại cõi người này có rất nhiều Bồ Tát hóa thân dạy bảo người ta, ngoại đạo lẽ nào lại không có được Bồ Tát giáo hóa chăng? Không nên có tâm phân biệt và thành kiến.
Ông hãy một lòng lắng nghe và nhìn vào bên trong mình; trí huệ bên trong sẽ tự sinh ra mãi không ngừng. Tôi trước đây rất thích tranh luận đấu đá với người ta, lấy ngòi bút làm vũ khí; kết quả bản thân bị ung thư vòm họng, ung thư thực quản, tội nghiệp thật quá sâu dày”.
Vừa nói nước mắt ông vừa rơi, những giọt nước mắt ân hận. Ông nhìn bạn mình rồi hỏi: “Đã nhớ chưa?” Người bạn nói: “Nhớ rồi!”.
Nhân sinh vô thường, đắc Đạo chân chính mới là điều đáng trân quý
Một tháng sau thì vị thiền sư nói: “Tôi phải đi rồi, vẫn là chuyển sinh ở vùng Tây Bắc. Vùng đó tuy nghèo nhưng con người thật thà chất phác, gốc rễ của tâm linh Phật, Đạo rất sâu; không giống như người Giang Nam, dùng Phật, Đạo để kiếm tiền; cũng không giống như người Đông Bắc, thực chất bên trong vốn không hề kính Phật.
Tôi chuyển sinh vào vùng Tây Bắc. Nếu như anh em chúng ta có duyên thì 30 năm sau có thể gặp lại. Khi ấy ông là anh cả, tôi là em trai, ông nhớ giúp đỡ tôi đấy nhé!”
Nghe vậy cả hai đều cười, người bạn nói: “Khi tôi học thiền không có thăng tiến, ông đã từng đá tôi. Đến lúc đó thế nào tôi cũng phải đá lại ông”.
Ông đã thật sự ra đi vào đúng cái ngày ông dự tính. Người ta thường coi “Phúc, thọ, an, khang, chết già” là 5 cái phúc của đời người. Vị thiền sư đó không cầu 5 điều phúc ấy mà chỉ cầu đại Đạo.
Người tu luyện của bất kể môn phái nào thiết nghĩ cũng nên suy ngẫm một chút về những lời cảnh tỉnh của vị thiền sư trước khi lâm chung.
Theo Kannewyork